Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ ba - 23/02/2016 10:34  1400

Lòng thương xót, yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu (tiếp)


III. Mặc khải danh Thiên Chúa như là mặc khải Lòng thương xót thần linh.

Mặc khải rõ ràng về Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước không thể tách rời mặc khải nền tảng về Thiên Chúa trong biến cố Xuất Hành của Ít-ra-en và biến cố giải thoát khỏi Ai-cập. Và dĩ nhiên, mặc khải Lòng thương xót ấy cũng gắn liền với mặc khải ở núi Si-nai (Khô-rếp). Thực vậy, sự kiện mặc khải này xảy ra trong một hoàn cảnh khó khăn mất hết hy vọng đối với dân Ít-ra-en. Dân đang chịu áp bức bên Ai-cập, họ phải làm công việc vất vả của những người nô lệ. Mô-sê phải chạy trốn khỏi quyền lực Ai-cập, vì họ tìm cách lấy mạng sống ông. Thế rồi trong bụi gai bốc cháy ở núi Khô-rếp, Thiên Chúa đã mặc khải cho ông thấy: chính Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác, và của Gia-cóp. Như thế, cuộc mặc khải tại núi Khô-rếp kết nối mật thiết với khởi đầu lịch sử cứu độ qua tổ phụ Áp-ra-ham. Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa tự vén mở Ngài là Đấng đầu tiên lên tiếng gọi và dấn bước. Chúa là Thiên Chúa của lịch sử. Tuy nhiên, dù câu chuyện của Áp-ra-ham có mở rộng cho tất cả nhân loại và cho hết thảy mọi người, thì hiện tại mặc khải tại Khô-rếp lại tập trung vào câu chuyện của dân riêng Ít-ra-en.

Chúa là Thiên Chúa thấy nỗi thống khổ cùng tiếng kêu than của dân Ngài: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập» (Xh 3,7-8; x. 9). Thiên Chúa không hề câm điếc, Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Ngài để ý tới nỗi thống khổ của con người; Ngài lên tiếng nói, hành động và can thiệp để giải thoát và cứu rỗi. Thành ngữ «Đức Chúa đã đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập» trở thành lời tuyên xưng đức tin nền tảng trong trong Cựu Ước (Xh 20,2; Đnl 5,6; Tv 81,1; 114,1 v.v).

Khi Thiên Chúa mặc khải việc Ngài biết nỗi khổ của dân Ngài, đó là việc Ngài đến gần dân, không hề là một sự gần gũi giả tạo. Trái lại, mặc khải này gắn liền sự thánh thiện của Ngài, Đấng vượt trội trên mọi loài thụ tạo và thống trị tất cả. Mô-sê nhìn thấy bụi gai bốc cháy, nhưng không bị thiêu rụi. Ông sợ hãi, che mặt đi và không dám tới gần; ông phải cởi dép dưới chân ra vì nơi ông đang đứng là đất thánh. Thế rồi khi Mô-sê hỏi Chúa về tên của Ngài, ông đã nhận được câu trả lời huyền nhiệm: «Ta là Đấng Ta là» (Xh 3,14).

Người ta đã mất khá nhiều bút mực tranh luận với những quan điểm khác nhau về nguồn gốc, cách phát âm và ý nghĩa của bốn chữ cái Do-thái YHWH, mà người ta gọi là tetragrammaton[1]. Martin Buber và Franz Rosenzweig đã dịch các chữ cái này này như sau: «Ta sẽ hiện diện như Đấng sẽ hiện diện ở đó»[2]. Theo chiều hướng này, Tên của Thiên Chúa được diễn tả với chiều kích huyền nhiệm không thể tới gần và sâu thẳm không thể xóa nhòa. Bốn chữ cái (tetregrammaton) trên là thiêng thánh đối với những người Do-thái sùng đạo, tới độ họ không thể phát âm các chữ cái này thành tiếng. Để trân trọng tính nhậy cảm này của anh em Do-thái giáo, năm 2008, Ủy Ban Phụng Tự đã cấm không được dịch tên Thiên Chúa (YHWH) thành Gia-vê trong phụng vụ của Giáo hội. Như thế, một mặt mặc khải tên Thiên Chúa diễn tả tính siêu nghiệm tuyệt đối. Mặt khác, mặc khải ấy chỉ ra rằng chính Thiên Chúa quan tâm chăm sóc dân Ngài, Ngài dấn mình mãnh liệt vào trong dòng lịch sử của họ. Thiên Chúa tự mặc khải mình như là Đấng hướng dẫn và điều khiển lịch sử, một lịch sử không thể bị khép kín. Nhưng là một lịch sử trong đó Ngài sẽ luôn luôn hiện diện cách rõ ràng, toàn quyền, và vượt sức tưởng tượng; chính Ngài mãi mãi là tương lai mới mẻ cho dân Ngài. Ngài không là một vị thần của một nơi chốn đặc biệt, nhưng đúng hơn Ngài biểu lộ quyền năng mình mọi nơi mà dân Ngài bước đi. Như thế, tính phổ quát của Đức Chúa, mà các ngôn sứ tuyên xưng rõ ràng, được xác định vững chắc ngay từ khởi đầu rất sớm.

Bản dịch Bảy Mươi, tức là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp xung quanh thế kỷ thứ hai (tcn), đã giải thích mặc khải tên Thiên Chúa theo tư tưởng triết học Hy-lạp và dịch như sau: «Ta là Đấng Ta là» (Evgw eivmi o- wvn). Cách dịch này đã định hình lịch sử tư tưởng thần học trong nhiều thế kỷ. Đặt nền trên cách dịch này, người ta đi đến một xác quyết rằng: Trí tuệ cao nhất (Hữu Thể) liên đới chặt chẽ với đức tin lớn lao nhất (Thiên Chúa). Trong niềm xác tín này, người ta xác nhận rằng: Đức tin và lý trí không hề mâu thuẫn, nhưng đúng hơn liên thông với nhau. Cách giải thích này đã được thấy nơi Phi-lon (+ 40 scn), một triết gia Do-thái ảnh hưởng tư tưởng Hy-lạp. Dù sao thì giáo phụ Ter-tu-li-a-nô đã đặt vấn nạn: «Có điều gì liên thông giữa Giê-ru-sa-lem và A-then ? [3]». Blaise Pascal có một ghi nhận khá độc đáo về điều này. Sau khi trải qua một kinh nghiệm thần bí, tác giả này đã nhấn mạnh sự khác nhau giữa Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong tác phẩm nổi tiếng năm 1654 với tựa đề Memorial (Về việc tưởng nhớ)[4]

Những học giả Thánh Kinh hiện đại đã nhấn mạnh việc hiểu biết khác nhau về hữu thể, giữa một bên là tư tưởng Do-thái và và bên kia là tư tưởng Hy-lạp. Đối với quan điểm Do-thái, hữu thể không hề tĩnh, nhưng luôn là thực tại sống động. Trong suy nghĩ của người Do-thái, hữu thể luôn có nghĩa là sự hiện diện cụ thể, năng động và quyền năng mãnh liệt. Theo đó, mặc khải về tên Thiên Chúa làm nên một lời hứa: Ta là Đấng Ta ở đó. Ta ở cùng ngươi trong nỗi khốn cùng của ngươi; Ta sẽ đồng hành với ngươi trên nẻo đường ngươi đi. Ta nghe tiếng kêu của ngươi và đáp lời ngươi nài xin. Theo chiều hướng này, mặc khải tên Thiên Chúa nối kết trực tiếp với việc Thiên Chúa thiết lập giao ước cùng các tổ phụ theo công thức: «Ta sẽ coi các ngươi là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi» (Xh 6,7). Khi mặc khải tên mình, Thiên Chúa làm âm vang lên thực tại sâu thẳm nhất của Ngài: Hữu thể Thiên Chúa là hữu thể hiện diện cho dân Ngài và với dân Ngài. «Hữu thể Thiên Chúa là Hữu Thể-cho-Dân Ngài; hữu thể Thiên Chúa tiền hữu là huyền nhiệm tuyệt vời về bản thể của Ngài. Ít-ra-en có thể hoàn toàn tín thác vô điều kiện trên niềm tin này[5]».

Qủa thật, hạn từ lòng xót thương [Erbarmen] chưa có xuất hiện trong mặc khải tại núi Khô-rếp. Nhưng theo nghĩa hiện tại, Lòng xót thương đã thấm đẫm trong mặc khải tên Thiên Chúa; và ý nghĩa còn được tỏ lộ tròn đầy hơn trong mặc khải tại Si-nai. Vì bối cảnh xuất hiện mặc khải này thật là bi đát. Quả vậy, Thiên Chúa đã đưa dẫn dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập, và đã trao tặng họ hiến chương Giao ước là Mười điều răn khắc ghi trên các bia đá (Xh 20,1-21; Đnl 5,6-22). Nhưng giao ước vừa mới được trao ban, thì liền bị phá vỡ. Dân Chúa chọn đã trở thành bất trung; họ lầm lạc chạy theo các thần ngoại, họ nhảy múa xung quanh con bê vàng. Cơn giận Thiên Chúa đổ ập trên đám dân cứng cổ; Mô-sê đã đập nát các tấm bia giao ước dưới chân núi. Hành động đó như là dấu cho thấy giao ước đã bị đổ vỡ (Xh 32). Giao ước vừa mới được khởi sự thì mọi sự đã bị đổ vỡ, cần vượt qua và đảm nhận sự thật này.

Trước hoàn cảnh bi đát đó, Mô-sê đã cầu xin Thiên Chúa và nhắc Ngài nhớ lại lời hứa của Ngài. Ông đã xin Thiên Chúa ân sủng và lòng xót thương: «Xin cho con được thấy dung nhan Ngài». Thế là xuất hiện lần thứ hai về mặc khải tên Thiên Chúa. Ngài hô to tên của mình cho Mô-sê khi đi qua: «Ta sẽ tỏ ân nghĩa [hen] với ai Ta sẽ tỏ ân nghĩa, Ta sẽ xót thương [rachamin] ai Ta sẽ xót thương» (Xh 33,19). Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa được hiểu ở đây không phải như tình bạn gần gũi thân thiện, nhưng đúng hơn đó là biểu lộ chủ quyền tuyệt đối và tự do không thể bị giản lược của Ngài. Đức Chúa không hề nhốt mình vào trong bất cứ một khuôn khổ nào, và cũng không lệ thuộc luật bù trừ máy móc của công lý. Theo lòng xót thương, Ngài chỉ phù hợp với chính Ngài và với tên mà Ngài đã mặc khải cho Mô-sê[6]. Thế nên, Ngài truyền cho Mô-sê chuẩn bị các tấm bia mới của lề luật. Dẫu cho dân có bất trung và cứng cổ, Ngài không để cho họ lún chìm trong đổ nát vô nghĩa. Thiên Chúa đã tái lập giao ước của Ngài; Ngài tặng cho dân một cơ hội mới. Ngài làm tất cả những điều này hoàn toàn tự nguyện và hoàn toàn do ân sủng của Ngài.

Cuối cùng, vào một buổi bình minh khác, Thiên Chúa mặc khải tên của Ngài lần thứ ba. Ngài xuống với Mô-sê trong một đám mây, dấu chỉ của sự hiện diện huyền nhiệm của Ngài, và Ngài phán với ông: «Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu [rachum] và từ bi [henun], chậm bất bình, giầu lòng nhân nghĩa [hesed] và thành tín [emet]) (Xh 34,6). Trong lần mặc khải thứ ba này về tên của Thiên Chúa, lòng xót thương không chỉ là biểu lộ chủ quyền và tự do của Thiên Chúa, mà còn diễn tả lòng thành tín của Ngài. Do lòng xót thương, Thiên Chúa trung thành với chính Ngài và với dân Ngài, dù cho họ bất trung. Cũng trong lần mặc khải này, chúng ta có thể nhận ra đâu là niềm tin cốt lõi của Ít-ra-en về bản chất Thiên Chúa của họ. Vì thế mà từ đó trở đi, lời loan báo mặc khải trên được liên tục lặp lại trong Cựu Ước với một cách thức long trọng truyền thống[7], đặc biệt trong các Thánh Vịnh. Ta có thể nói rằng, nó trở thành như là lời tuyên xưng đức tin của Cựu Ước.

Lời tuyên xưng đức tin này không phải là kết quả của một suy tư con người; nó cũng chẳng xuất hiện từ một thị kiến xuất thần. Trái lại, Mô-sê được truyền đạt một cách rõ ràng: «Ngươi không thể nhìn thấy dung nhan ta, vì không ai thấy Ta mà còn có thể sống được». Mô-sê không trực tiếp thấy vinh quang Thiên Chúa; ông chỉ thấy phía sau lưng của Ngài, khi Ngài đi ngang qua trước mặt ông. Nói cách khác, ông chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa sau đó, từ một sự rút lui hồi tâm, nhìn lại biến cố đi ngang qua của Thiên Chúa trong lịch sử. Chúng ta biết Thiên Chúa dựa trên nền tảng mặc khải của Ngài, dựa trên lời giải thích về biến cố mặc khải tên của Ngài (Xh 33,20-23). Như vậy, lời tuyên xưng cốt lõi về lòng nhân từ cũng như bản chất lòng xót thương của Thiên Chúa không phải là một lời khẳng định suy diễn thuần lý trí, nó cũng chẳng phải là kết quả của một kinh nghiệm thần bí. Nhưng đúng hơn, nó là lời tuyên xưng đức tin dựa trên nền tảng của việc Thiên Chúa tự tỏ mình trong lịch sử. Theo dòng lịch sử, Thiên Chúa mặc khải bản chất của Ngài, một bản chất bị dấu kín đối với con người. Và chúng ta chỉ có thể đề cập tới mặc khải này theo cách thức tường thuật lại chứ không phải theo cách thức suy lý. Với cách hiểu này, một cách tổng quát ta có thể khẳng định: chính Thiên Chúa tự định nghĩa về Ngài trong Cựu Ước.
 

[1] Là bốn chữ cái YHWH. Để tôn kính tính thiêng thánh của tên Thiên Chúa, khi gặp chữ YHWH, theo truyền thống Do-thái, người ta không được phát âm chữ này, mà phải đọc trại đi là A-đô-nai (chú thích của dịch giả). X. Walther Zimmerli, ‘Ich bin Jahwe’, in Gottes Offenbarung: Gesammelte Aufsätze zum Alten Testament, Munich: Kaiser, 1963.
[2] M. Buber and F. Roznzweig, Die fünf Bücher der Weisung, Heidelberg: Schneider, 1981.
[3] Tertullian, The Prescription of Heretics, bk, VII, 9.
[4] Blaise Pascal, Pensée, Baltimore: Penguin Books, 1966, 309.
[5] Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testament, 2/1, Neukirchen-Vluyn, 2007,93.
[6]Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testament, 2/1, Neukirchen-Vluyn, 2007, 96.
[7] Ibid.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay29,763
  • Tháng hiện tại877,385
  • Tổng lượt truy cập70,905,142
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây