Khao khát Lòng thương xót
Thứ bảy - 14/11/2015 15:07
1578
Thế kỷ 20 vừa trải qua với những ghi nhận đáng sợ, thế kỷ 21 vừa mới tới, đánh dấu bằng sự kiện 11/9/2001 với những cuộc tấn công khủng bố Trung tâm thương mại tại New York, tiếng sét báo hiệu tương lai tồi tệ, không cho thấy điều gì tốt đẹp. Thế kỷ 20 có hai hệ thống toàn trị hết sức tàn bạo, hai cuộc chiến tranh thế giới với 50 đến 70 triệu người chết, có nhiều cuộc thảm sát sắc tộc, có các trại tập chung và trại cải tạo. Thế kỷ 21 đã đánh dấu bằng sự đe dọa khủng bố đẫm máu, sự bất công kêu cứu, trẻ em bị xâm hại và bỏ đói, hàng triệu người di dân, những người kitô bị bách hại tăng lên, cũng như những thảm họa thiên nhiên tàn phá dưới hình thức động đất, núi lửa phun trào, sóng thần, lũ lụt, hạn hán. Tất cả đều là những "dấu chỉ thời đại".
Đối diện với tình trạng này, nhiều người khó tin vào một Thiên Chúa toàn năng, công bình và thương xót. Ngài đã và đang ở đâu khi tất cả những điều đó đang và sẽ xảy ra ? Tại sao Ngài cho phép những điều đó xảy ra ? Tại sao Ngài không can thiệp ? Một số người đặt câu hỏi : có phải tất cả những đau khổ bất công này không phải là những luận cứ đanh thép nhất chống lại sức mạnh toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa[1] ? Đúng là sự đau khổ của những người vô tội thời nay đã trở thành nền tảng vô thần cho nhiều người. Sai lầm lớn nhất cho rằng Thiên Chúa không tồn tại. Thế lực sự dữ hoành hành. Phủ nhận Thiên Chúa.
Chính những người tin cũng khó nói về Thiên Chúa ; chính họ cũng chìm trong đêm tối của đức tin, điều đó làm họ thiếu ngôn từ để giải thích trước sự kinh hoàng mênh mông của thế giới, trước đau khổ của những người vô tội, trước sợ hãi của chiến tranh và bạo lực.
Đau khổ trên thế giới có lẽ là lý lẽ của vô thần thời hiện đại. Những lý lẽ khác được thêm vào, như thế không thể hòa giải khái niệm truyền thống kitô của thế giới với khái niệm ngày nay, thuộc khoa học và thiên nhiên, được xác định bởi thuyết tiến hóa hay những nghiên cứu gần đây về não[2]. Những luận cứ này ngày nay đã làm nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa không tồn tại nữa. Đa số hình như đã làm ngơ hay ít sống tốt là người kitô hữu. Điều này đã thay đổi cách đặt câu hỏi về Thiên Chúa. Vì rất nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa không tồn tại, họ thờ ơ, phản ứng về sự hiện diện của Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì. Những câu hỏi "tại sao có đau khổ ?" và "tạo sao tôi phải đau khổ ?" như chẳng có câu trả lời và không có tiếng nói. Ngày nay, câu hỏi về một Thiên Chúa thương xót, không còn được đặt ra nhiều, ít quan trọng và lạnh lùng.
Chính sự khước từ trước câu hỏi ý nghĩa cuộc sống và sự thất bại kéo theo, không chỉ có ở nơi con người. Có nhiều người không chỉ bị nỗi đau thể xác mà còn có nỗi đau tinh thần, họ thiếu chỗ dựa và kinh nghiệm về sự vô nghĩa. Nếu bỏ đi những câu trả lời xưa cũ, thì chắc gì những câu trả lời mới có tính thuyết phục. Thế là sự trống rỗng được tạo ra.
Một số chấp nhận và chịu đựng được hoàn cảnh này. Họ đáng được chúng ta tôn trọng. Số khác thì thất vọng. Đối diện một thế giới mà họ cảm thấy như vô nghĩa, người ta tự hỏi không sinh ra thì tốt hơn. Camus cho rằng vấn đề triết học độc nhất là tự sát[3]. Nhưng trong trường hợp này, con người không chỉ phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, mà cả sự hiện diện bản thân mình. Những người khác đã thay thế bằng các thần và sợ một Thiên Chúa xét xử qua sự sợ hãi tất cả các thứ mới mà vô danh.
Khi suy nghĩ, nhiều người cảm thấy rằng phải tìm hiểu lại. Càng có nhiều người tìm kiếm ý nghĩa và đi hành hương. Họ nhận thấy rằng nếu con người không còn đặt câu hỏi về ý nghĩa tồn tại, thì sẽ kết thúc bằng đánh mất nhân tính và phẩm giá đích thực. Khi xóa đi vấn đề ý nghĩa cuộc sống và hy vọng, con người hạ xuống hàng xúc vật, chỉ tìm thấy niềm vui trong những thứ vật chất.
Cho nên, không chỉ các tín hữu đi lễ nhà thờ, mà nhiều người có suy nghĩ cũng nhận ra rằng sứ điệp Thiên Chúa chết không có nghĩa là sự giải phóng con người. Nơi nào đức tin vào Thiên Chúa mất đi, đức tin để lại sau nó một sự trống rỗng và lạnh lùng vô biên. Không có Thiên Chúa, người ta hoàn toàn phó thác cho số phận và sự ngẫu nhiên. Không có Thiên Chúa, không còn có phút giây nào để người ta kêu xin Ngài, không còn hy vọng nào cho sự sống có ý nghĩa và cuối cùng là không có sự công lý.
Thiên Chúa chết trong linh hồn nhiều người (Friedrich Nietzsche), "Thiếu Thiên Chúa" (Martin Heidegger), "Khuyết Thiên Chúa" (Martin Buber) là sự thống khổ thật sự của con người. Nỗi khổ thuộc về "những dấu chỉ thời đại". Câu nói quen thuộc của Max Horkheimer : "Vô nghĩa khi muốn cứu ý nghĩa sự sống bằng mọi giá nếu không có Thiên Chúa".
Khi đi vào trong giác quan của Kant, người ta có thể hỏi như tiêu đề: nếu đúng là phẩm giá tuyệt đối của con người tồn tại, thì chỉ có thể có Thiên Chúa tồn tại, một Thiên Chúa giàu ân sủng và lòng thương xót[4].
Nhưng đối với Kant, đó không phải là một bằng chứng Thiên Chúa tồn tại. Tiêu đề của ông dựa trên giả thuyết sự sống con người phải có mục đích hạnh phúc. Nếu bỏ điều kiện này, người ta rơi vào sự hỗn mang, rất mau dẫn đến tự tử. Tiêu đề của ông không phải là bằng chứng, nhưng ít ra là một dấu chỉ cho thấy rằng vấn đề Thiên Chúa không giải quyết được hết, và vấn đề đó xác định ý nghĩa hay vô nghĩa của sự sống con người.
Con người được mời gọi suy tư cách mới mẻ về Thiên Chúa. Vấn đề không phải là đặt ra câu hỏi về Thiên Chúa. Nhưng là tin vào Thiên Chúa tình thương, "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4), an ủi chúng ta, để chúng ta có thể an ủi những người khác (cf. 2Co 1,3-4). Vì đối diện với vòng luẩn quẩn, chúng ta chỉ có thể hy vọng sự canh tân nếu chúng ta đặt hy vọng vào một Thiên Chúa tốt lành, thương xót và cũng toàn năng ; chỉ mình Ngài có thể canh tân mọi sự và cho chúng ta can đảm hy vọng và sức mạnh cần thiết để ra đi. Vì vậy, tin vào một Thiên Chúa hằng sống, phục sinh kẻ chết và đến thời viên mãn, Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ cho chúng ta và đổi mới mọi sự (cf. Kh 21,4-5).
Theo chứng từ riêng, Âu tinh, đại tiến sĩ Giáo Hội Tây Phương, có cảm nghiệm lòng thương xót và gần gũi Thiên Chúa, chính lúc ngài nhận biết mình xa Chúa nhất. Ngài viết trong cuốn Tự thuật:
"Cảm tạ Chúa, vinh danh Chúa, ôi nguồn thương xót ! Con ngày càng trở nên khốn khổ và thế là Ngài đến gần con"[5].
Thánh nhân còn nói:
"Sao lời ca ngợi của người không chiêm ngưỡng lòng thương xót lúc ban đầu lặng thinh"[6].
Thật vậy, chúng ta sẽ câm lặng hơn nếu không có biện pháp mang sứ điệp lòng thương xót Chúa cho con người thời đại hôm nay trong nỗi khổ thể lý và tinh thần. Sau tất cả những kinh nghiệm khủng khiếp của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, câu hỏi về lòng thương xót của Chúa và của con người hôm nay càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn : Đức Hồng Y Wal-ter Kasper, Lòng Thương Xót, Khái niệm căn bản của Phúc Âm, chìa khóa của đời sống kitô, nxb Béatitudes, 4/2015
[1] Chi tiết hơn về vấn đề thần lý học ở chương 7.
[2] Cùng tác giả về những vấn đề vô thần "xưa".
[3] A. Camus, huyền thoại Sisyphe, luận về sự vô nghĩa (1942).
[4] X. Ch. II, 1.
[5] Âu tinh, Tự thuật VI, 16, 26.
[6] Idem VI, 7, 1.