Tu đức thời hiện đại (Thế kỷ XVI-XVIII)
Thứ hai - 12/10/2015 12:30
2612
Đây là một giai đoạn căn bản trong lịch sử tu đức ki-tô giáo, đặc biệt là công giáo. Giữa thế kỷ XV, thế giới Hy lạp hoàn toàn rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ, và đời sống tôn giáo chỉ còn là sự sống sót. Thế giới La tinh bắt đầu triển nở thiêng liêng với sự Cải cách công giáo.
Hậu quả của thời Trung cổ đang chấm dứt thì tiếp đến là sự bùng nổ của Tin lành. Giáo Hội Tin lành là một phần Công giáo châu Âu bị mất đi. Những người Tin lành bắt đầu cũng đặt ra vấn đề đời sống thiêng liêng. Luther và Calvin đặt ra vấn đề tội của con người và do đó, kéo theo ơn cứu độ đời đời. Con người được cứu hay kết án tiền định do quyết định của Thiên Chúa, chứ hoàn toàn không do công trạng của con người. Luther giải thích rằng ơn cứu độ ban cho con người do những công trạng của Chúa Giêsu Kitô.
Về phía mình, qua Cải cách công giáo, Công giáo vượt lên lối thụ động, canh tân nội bộ, khôi phục lại những gì bị mất tại một số nước như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Hungari và Ba Lan. Chống lại áp lực Tin lành ở một số nơi như Ai Len hay một phần Hà Lan. Chủ động mở rộng ra ngoài châu Âu. Đúng vậy, những tiến bộ hàng hải và khám phá châu Mỹ cuối cùng đã bùng nổ phạm vi địa lý truyền thống. Việc mở rộng chính trị và thương mại làm tăng gấp đôi sứ mạng truyền giáo. Bắt đầu thoát ra khỏi nỗi sợ bị Hồi giáo tràn ngập thế giới Kitô.
Vào thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, một số nơi quan tâm đến cải cách Giáo Hội, khởi đầu là Ý và Tây Ban Nha, và đến những nơi khác.
I. Thế kỷ XVI của Ý
Phần lớn lịch sử tu đức không ban cho nước Ý hiện đại một chỗ đứng thuộc về nó. Đó là một cái ngạc nhiên thật sự. Quả vậy, trong suốt thời kỳ này, nước Ý là một yếu tố quyết định của thế giới linh thiêng, và là động cơ chính của Cải cách công giáo thế kỷ XVI. Đúng vậy, phong trào bắt đầu ngay từ thế kỷ XV.
1. Chủ nghĩa nhân đạo
Thách đố đầu tiên, hơn so với các nước khác, mà nước Ý của thế kỷ XV và XVI phải đối diện là sự đồng hóa của Phục Hưng. Nó sinh ra, vừa như một phản ứng đối diện với kinh viện duy lý và như một phản ứng chống lại thuyết Averrhoès (người ả rập) ngự trị trong các khoa nghệ thuật. Các người phục hưng không thù hằn với đức tin Kitô, như người ta thường nói. Rõ ràng trong trật tự những điều thiện khác nhau, Thiên Chúa vẫn là đỉnh cao. Dù những giá trị thế nào, những tìm hiểu về con người là những dụng cụ phục vụ đức tin. Mọi kitô hữu đều hơn các tác giả ngoại đạo dù đáng kính phục nhất như Cicéron hay khắc kỷ. Niềm tin đặt vào con người là bao la. Vả lại, người ta nhận thấy điều đó trong nghệ thuật tranh ảnh, trong đó có tranh tôn giáo. Nhưng người ta lại không nhạy cảm lắm với những giới hạn của con người. Rồi nơi những nhà nhân văn, lại thấy có vấn đề chỗ đứng, hay đúng hơn là không có chỗ đứng cho Đức Kitô. Nhân đức cho con người qui hướng về Thiên Chúa, nhưng Đức Kitô không được coi là mẫu mực. Cái liên quan nhất là vấn đề giáo dục, trong đó thế giới nhân văn là hơn hết : những tham chiếu các nhân vật Cicéron, Platon... còn hơn Tin mừng. Sau cùng, những người này tuyệt đối không ra khỏi Giáo Hội công giáo. Sự phê bình của họ có lẽ là gay gắt, đặc biệt chống lại các tu sĩ, nhắm đến những thái quá hơn là đời sống tôn giáo hay Giáo hội trong mình.
2. Cải cách công giáo
Trách nhiệm này được thực hiện tại Ý từ một số nhóm tình thương nào đó rải rác ở Ý. Các nhóm này bị ảnh hưởng mạnh bởi một phụ nữ ngoại đạo, thánh Catarina de Bênes (1447-1510). Người phụ nữ này, sau khi sám hối, đã dành đời mình cho việc sám hối và lòng thương xót. Ngài cũng có một đời sống thần bí rất sâu xa diễn ra qua nhiều tác phẩm, nhất là cuốn tự thuật, cuốn Đối thoại thiêng liêng và khảo luận luyện ngục nổi tiếng. Cũng như Catarina thành Sienna, ngài vừa là nhà thần bí vừa là nhà thần học. Đặc biệt là tiến sĩ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Hình thức thiêng liêng của ngài vừa rất nghiêm túc vừa đòi hỏi, đầy nhiệt thành và lạc quan. Ngài cũng có đoàn sủng đào tạo những người nam và qui tụ nhiều môn đệ có phẩm chất cao. Nhóm huynh đệ Tình yêu Thiên Chúa đã qui tụ những người quyết định sống trong đức tin và cho người khác. Các thành viên đã lập bệnh viện đầu tiên cho những bệnh nhân không chữa khỏi ở Ý. Nhóm đã lập một loạt các công việc của lòng thương xót khác và sản sinh ra các ơn gọi thánh thiện. Nhóm có liên hệ với các nhân vật thánh thiện khác. Napoli cũng là trung tâm hoạt động tích cực.
Gần như khắp nơi ở Ý, các nhóm tương tự được lập ra, vừa do ảnh hưởng của Catarina de Gênes và nhóm sùng kính tân thời. Nhiều người dâng cả đời sống cho Chúa và muốn cải cách Giáo Hội. Họ góp phần mình theo khả năng của họ, dấn thân cách đặc biệt vào việc tông đồ và các công việc khác. Một số cộng đoàn mới sinh ra từ môi trường này như Clara capucin, Théatins và Barnabites (do thánh Antôn-Maria Zaccaria).
Thời này xuất hiện nhánh Phanxicô Capucin sống rất nghèo, sám hối, nhiệm nhặt, vừa chiêm niệm vừa tông đồ. Họ có những nhà giảng thuyết bình dân, giải tội, linh hướng. Đức Phaolô IV, một trong những sáng lập viên Théatins, đã thổi luồng sinh khí mới cho ngai tòa thánh Phêrô. Chức vụ Giáo hoàng và Tòa thánh lấy lại chiều kích mục vụ thật sự. Đức Piô IV kết thúc công đồng Trentô (1563). Công đồng cải cách toàn thể Giáo Hội, bắt đầu từ các giám mục và linh mục. Đức Piô V, hiển thánh dòng Đaminh, môn đệ của Đức Piô IV, đem sự thánh thiện trong nhân cách giáo hoàng. Thời kỳ này, thái độ của những nhà lãnh đạo chính trị đối với Giáo Hội thay đổi hẳn. Như thế mới dễ dàng cho việc bổ nhiệm những giám mục xứng đáng.
Nhân vật lớn nhất trong việc cải cách hàng giám mục là thánh C-harles Borrromée (1538-1584). Ngài là cháu của Đức Piô IV, và Đức giáo hoàng này bổ nhiệm ngài là hồng y-tổng giám mục Milan lúc 19 tuổi. Ngài biến Milan thành một giáo phận kiểu mẫu của kitô giáo, ngài đi khắp giáo phận để thăm các cha xứ và giáo dân, tập họp các linh mục cho công nghị giáo phận và các giám mục vùng họp công đồng giáo tỉnh, xây chủng viện, tạo ra những linh mục theo hình ảnh mới, xây dựng các nhà mới, ủng hộ các dòng tu có những sáng kiến mới, canh tân giáo dục và giảng dạy tôn giáo. Tất cả việc này không làm cho ngài mệt mỏi và hiểm nguy. Ngài lấy lại truyền thống của các giám mục tiếng tăm như thánh Ambrôsiô, thánh Gioan Kim Khẩu, qui tụ sự khéo léo, can đảm, giảng dạy giáo thuyết và tự do của Thánh Thần. Sau đó nhiều giám mục theo chiều hướng đó và muốn làm như ngài đã làm. Milan trở thành mẫu mực và là điểm tham chiếu của việc canh tân giám mục đoàn. Hàng giáo sĩ triều và dòng được canh tân cung cấp cho Đức giáo hoàng và các hoàng tử một giám mục, mà đến phiên ngài, tiếp tục canh tân hàng giáo sĩ. Một mẫu gương giữa hàng ngàn linh mục là thầy dòng Barnabite, thánh Alexandre Sauli, giáo mục Aléria, đảo Corse (+1592).
Thành phố Rôma một thời không được coi là thành phố Kitô giáo. Thời trung cổ ít vị thánh. Nhưng từ giữa thế kỷ XVI, nhiều vị thánh đã sống ở đây. Thành phố trở thành một trong những trung tâm thánh thiện của Kitô giáo. Sự thay đổi bầu khí cũng là nhờ thánh Philippe Néri (1515-1595). Ngài là một nhà thần bí lớn, người tình của Rôma. Tu đức đầy sức sống của ngài không chỉ ở thành phố này, mà cả giáo triều và các giáo hoàng.
Vấn đề tương quan giữa nghệ thuật và tu đức còn tồn tại. Cải cách công giáo dựa trên nghệ thuật, không chỉ chống lại Tin lành loại bỏ thờ tượng ảnh, nhưng cũng để diễn tả mọi chiều kích của Nhập thể. Trong lãnh vực này, Rôma là thành phố đi tiên phong. Hoàn thành tân vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đầu thế kỷ XVII, dưới triều đại giáo hoàng Alexandrô VII, đánh dấu sự hòa giải giữa nghệ thuật và đức tin. Nhạc tôn giáo được canh tân. Như vậy trong lãnh vực này, việc canh tân đến từ Ý và lan truyền khắp thế giới công giáo và hơn nữa.
Từ đó, những việc canh tân khác kéo theo. Học giáo lý và mở trường giáo lý. Đời sống bí tích được vinh danh. Xưng tội là một trong những mặt của đời sống kitô. Bí tích Thánh Thể chiếm vị trí quan trọng hơn và là đối tượng của việc thờ phượng, đặc biệt trong cái người ta gọi là Cầu nguyện 40 giờ. Các tín hữu có niềm tin mạnh mẽ trở nên đông hơn, họ muốn tham gia vào dòng ba canh tân hay các nhóm ái hữu và tôn sùng.
Không khí Ý thế kỷ XVI mang tầm vóc hành động và chiến đấu cho Giáo Hội. Giáo Hội có nền tảng khổ hạnh mạnh mẽ. Một trong những cuốn sách bán chạy nhất của thời đại, làm nên thế giới công đồng Trentô, là cuốn Cuộc chiến đấu thiêng liêng, xuất bản năm 1589, của tu sĩ barnabite Lorenzo Scupoli. Đó là cuốn sách nền tảng của đời sống nội tâm. Chẳng bao lâu trở thành cuốn sách gối đầu giường của tất cả những ai quan tâm đến đời sống thiêng liêng, những xuất bản và dịch thuật liên tục phát hành. Sau cuốn đó, là cuốn Khảo luận về bình an của tâm hồn của một tu sĩ Phanxicô Tây ban nha Gioan de Bonilla.
Ý vẫn là nước của những nhà thần bí và là như vậy suốt thời hiện đại. Đặc biệt hai vị thánh lớn, sau Catarina thành Sienna, là Maria-Madalena thành Pazzi, tu sĩ các-men ở Florence (1566-1607) và thánh Catarina thành Ricci, tu sĩ Đaminh ở Prato (1522-1590).
Sau một thời gian dài của đêm tối, Giáo Hội phục sinh. Niềm vui diễn tả qua nghệ thuật ba rốc. Đây không phải là nghệ thuật trống rỗng và thiếu cảm xúc, như người ta thường nói. Đó là nghệ thuật của niềm vui và tạ ơn trong một thứ tái sinh.
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn: Bernard Peyrous, Histoire de la spiritualité chrétienne, Editions de l’Emmanuel 2010