Truyền giáo bằng nhịp đập của trái tim tử tế

Chủ nhật - 05/12/2021 21:03  1154
untitled 1Căn tính của Giáo Hội là truyền giáo. Bởi đây là lệnh truyền của Đức Giêsu cho Hội Thánh trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15). Đây không còn là một lệnh truyền áp đặt từ bên ngoài vào, càng không phải là một đòi hỏi bất khả thi, nhưng đã hòa quyện vào trong dòng chảy sức sống mãnh liệt của Hội Thánh, trở thành một kinh nghiệm đích thực về tình yêu, một tình yêu tự bản chất không thể tự giam hãm mình phía sau song sắt của sự ích kỷ, tù túng, chật hẹp, nhưng khát khao cháy bỏng được chia sẻ cùng người khác, tự do trao ban những điều tốt đẹp nhất, từ sâu thẳm cõi lòng. Bởi vậy, Hội Thánh, trong suốt dòng lịch sử thăng trầm của mình, dù đã phải đương đầu với biết bao gian nan, thử thách, dù cho cơ man là mồ hôi, nước mắt của các nhà truyền giáo quyện lẫn với máu đào của các vị tử đạo, đã thấm đẫm trái đất này từ vỏ đến ruột, nhưng không phút giây nào Giáo Hội bỏ bê, xao nhãng việc thực thi sứ mạng cốt yếu của mình. Hội Thánh luôn mang nơi mình niềm xác tín không thể chuyển lay rằng Giáo Hội của Đức Kitô không hiện hữu cho chính mình, nhưng hiện hữu để được sai đi. Trong dòng ý tưởng đó, chúng ta mới hiểu được câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài nhấn mạnh rằng: “Tôi thà thấy một Giáo Hội bầm giập, đầy thương tích, đầy bụi bặm vì ra đi, còn hơn là chứng kiến một Giáo xanh xao, ốm yếu, cố thủ trong những tháp ngà đẹp đẽ để tìm kiếm sự an toàn cho mình”[1].

Tuy quan trọng là thế, nhưng khi nhắc đến truyền giáo, rất nhiều Kitô hữu lại có cái cảm tưởng như thể đó là chuyện ở đâu đâu xa tít, chẳng can hệ gì đến cuộc đời của mình. Hẳn sẽ có rất nhiều lý do cho lối suy nghĩ cố hữu này, nhưng một trong số đó là tâm lý e ngại khó khăn, vất vả. Trong tiếng Việt, chúng ta chỉ tìm thấy từ “lớn lao” chứ chẳng có từ nào là “lớn nhàn” cả! Quả thực, việc lớn, bao giờ cũng theo sau đó là những gian lao, mà đã là gian lao, thì chẳng mấy ai muốn để cho dính dáng đến mình, hoặc giả như có muốn, thì liệu có mấy người đủ kiên gan bền chí để băng mình đi hết chặng đường? Và rồi nếu cứ ngồi không không đó, dùng trí tưởng tượng để phóng đại những khó khăn, đắn đo, suy tính mọi lẽ hơn thiệt, sau đó lại chăm chăm đến những hạn chế, giới hạn của mình, hẳn người ta sẽ tạo ra vô số lý do rất thuyết phục để chẳng làm gì cả. Nhưng phải chăng truyền giáo là cái gì đó cao vời đến độ những người bình thường như chúng ta dù có rướn người hết sức cũng không thể nào chạm tới? Rõ ràng không phải như vậy! Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16). Do đó, những gì càng gần với tình yêu thì sẽ càng phản ánh cách sống động và chân thực về dung mạo của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có lý khi kết luận rằng nếu truyền giáo là đem Chúa đến cho người khác, thì truyền giáo cũng được hiểu là lan tỏa tình yêu vào trong đời sống thường ngày. Như thế, truyền giáo không còn là điều gì đó quá mơ hồ, xa xôi, nhưng trở thành một thực tế hết sức nhân bản, mà chẳng ai có thể biện minh cho sự vô can của mình, rằng tôi không đủ khả năng, phương tiện cho sứ mạng này. Với cách hiểu như thế, chúng ta mới hiểu vì sao thánh Giuse lại là người truyền rao Tin Mừng vĩ đại, một mẫu mực tuyệt vời cho chúng ta về sứ mạng truyền giáo, lý do cho điều đó là bởi vì ngài đã lan tỏa tình yêu vào cuộc sống theo một cách thức hoàn hảo và thuần khiết nhất.

Quả thực, nếu chỉ hiểu truyền giáo là cuộc rong ruổi khắp chân trời góc bể, dùng những lời lẽ hấp dẫn, thuyết phục, để có thể làm cho nhiều người tin vào Đức Giêsu, và thực thi giáo lý của Người, thì rõ ràng cách hiểu đó đẩy thánh Giuse đứng ra ngoài lề sứ mạng này. Thật vậy, thánh Giuse không phải là một nhà giảng thuyết tài ba, càng không phải là một nhà minh giáo hay hộ giáo với những tác phẩm giá trị để đời; ngài chỉ là một “người thợ vô danh, của xưởng mộc nghèo khó”, âm thầm hết ngày này qua ngày khác trong những công việc không tên của đời sống thường nhật. Ngay cả trong những biến cố quan trọng, cần đến tiếng nói quyền uy của một đấng nam nhi, một người trụ cột gia đình, chúng ta cũng chỉ thấy ngài lặng lẽ thực thi bổn phận của mình. Tuy nhiên, rất nhiều khi trong cuộc sống, sự thinh lặng lại có khả năng truyền thông hữu hiệu và phong phú hơn rất nhiều so với những gì ngôn ngữ có thể diễn đạt, đặc biệt trong địa giới của con tim, nơi ngôn từ, dù hoa mỹ, tinh tế đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ như tiếng bập bẹ khốn khổ của con thơ khi muốn diễn đạt điều gì đó vượt quá khả năng, kinh nghiệm của chúng. Bởi thế, chính nơi tình yêu cắm rễ sâu trong sự tĩnh lặng của mình, thánh Giuse đã viết lên một bài thuyết giảng hùng hồn, thuyết phục hơn tất cả những bài thuyết giảng khác đã từng xuất hiện trong lịch sử, và cũng nơi đó, chúng ta tìm thấy một gợi hứng tuyệt vời cho thời đại về việc thực thi sứ mạng truyền giáo – gợi hứng về sự lan tỏa của tình yêu. Nơi thánh Giuse, tình yêu không còn là một khái niệm mơ hồ, trừu tượng do một trí tưởng tượng lãng mạn vẽ ra, nhưng nó được minh chứng cách sống động bằng giá trị của những hành động tử tế, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhằm làm thăng tiến đời sống và phẩm giá của người khác. Sự tử tế đó không bao giờ chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời, lóe lên huy hoàng lúc khởi đầu để rồi nhanh chóng lụi tàn sau đó, nhưng thực sự đã chạm đến sự viên mãn, thuần khiết của tình yêu, một tình yêu vượt lên mọi toan tính lợi ích cá nhân, sẵn sàng đón nhận sự phiền phức, xáo trộn, thậm chí ngay cả sự thương tổn như những cách thế cụ thể để trao ban tình yêu. Trong bóng tối mịt mù, một đốm sáng nhỏ cũng đủ sức để làm cho mình nên rực rỡ, cũng thế, trong đêm tối của đau khổ, tình yêu tìm thấy phép thử tuyệt vời cho vẻ đẹp thuần khiết của mình. Vì thế, chiêm ngưỡng cách thức thánh Giuse đối diện với đau khổ bằng sự tử tế của con tim thuần khiết, cách đặc biệt nhất trong biến cố đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể, sẽ đưa đến những bài học mẫu mực cho những người gieo bước trên hành trình loan báo Tin Mừng, trong tương quan với những con người mà họ gặp gỡ.
 
Lẽ thường tình, người ta dễ trao cho nhau những nụ cười thân thiện, dễ mong muốn những điều tốt lành cho người khác, với một trái tim hạnh phúc đong đầy; còn với một cõi lòng đang bị nhấn chìm trong sầu khổ, chẳng cần phải làm gì to tát, chỉ riêng việc lánh ra một góc, âm thầm chịu đựng một mình, không để nỗi đắng cay của bản thân thành cớ làm tổn thương người khác, đã đủ để được coi là một nhân đức anh hùng. Trong hoàn cảnh như vậy, việc đòi hỏi phải trao ban một cử chỉ lạc quan, một hành động cao thượng, một ân huệ tốt lành, mà lại là với người đã gây ra tổn thương cho mình, dường như là một đòi hỏi quá sức. Tuy nhiên, điều quá sức theo lẽ bình thường ấy, lại làm nổi bật lên sự tử tế trổi vượt nơi con người của thánh Giuse.

Bạn có thể nếm trải phần nào cơn giông tố trong lòng của thánh Giuse, bằng cách thử tưởng tượng điều khủng khiếp nào sẽ xảy đến với mình, nếu vị hôn thê sắp cưới của bạn, người đã trở thành bức tượng đài lộng lẫy trong lòng bạn, không chỉ về sắc đẹp và sự duyên dáng, mà còn cả về sự băng thanh ngọc khiết của sự nết na, đức hạnh, nay đột nhiên nói với bạn rằng nàng đang mang thai đứa con mà bạn biết chắc chắn đó không phải của bạn? Hẳn tin đó sẽ như một “tiếng sấm nổ giữa trời quang”, một “cú đánh trời giáng” khiến bạn choáng váng đến xây xẩm mặt mày. Bầu trời như tối sầm trước mắt bạn, đổ ập lên bạn thứ bóng tối dày đặc của nỗi đau đớn kinh hoàng, khi bức tường thành của niềm tin nay chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát, và bao mộng ước tươi đẹp cho tương lai bỗng phút chốc hóa thành nỗi cay đắng, tủi hờn. Và rồi ắt hẳn “cục tức” đó sẽ cứ chềnh ềnh, nghẹn ứ, đắng chát trong cổ họng, như trêu ngươi, như khiêu khích sự nhỏ nhen, yếu đuối của lòng người, mà dù ghì gẵng mãi, bạn cũng khó có thể buông trôi sự hiện diện của nó vào quên lãng. Bạn nghĩ mình sẽ làm gì với một tâm trạng khủng khiếp như vậy? Gào thét, chửi rủa trong cơn lôi đình của sự cuồng nộ ư? Tìm mọi cách để gây tổn thương, thậm chí gấp trăm, cho kẻ đã gây ra nỗi bất hạnh cho mình, như thể đó là cách duy nhất để nguôi cơn giận dữ đang sôi sục, để đòi lại công bằng, để khôi phục danh dự đã bị xúc phạm ư? Cũng có thể lắm, bởi trong thực tế chúng ta đã chứng kiến nhiều bi kịch như thế trong cuộc sống thường ngày.
 
Nhưng những thứ chúng ta vẽ ra đó hoàn toàn không phải là cách ứng xử của Giuse. Ngài không phản ứng như cách mà nhiều người đã làm, không phải là bởi ngài không trải qua nỗi đau khổ giày vò như họ, nhưng là bởi con tim ngài đã thấm đẫm sự tử tế, điều mà Kinh Thánh khen ngợi là “công chính”. Ngài cũng đã phải vật lộn giữa bão tố của cõi lòng sầu khổ, để rồi cuối cùng quyết định sẽ bỏ đi một cách âm thầm, mặc dù biết rằng mọi người sẽ có thể hiểu điều đó như một sự “chạy làng nhục nhã” của một kẻ phụ tình. Và như thế, danh dự, đức hạnh của ngài sẽ “đi tong” một cách đầy bất công, phi lý. Ngài đã can đảm gạt bỏ điều đó sang một bên, Ngài chỉ quan tâm đến một điều duy nhất rằng nếu ngài làm như thế, Maria sẽ được giải thoát khỏi bản án ném đá đầy ô nhục, người ta sẽ không kết án Maria, vì họ sẽ nghĩ đứa con trong bụng nàng là của người đã đính hôn với nàng, mà luật thì không kết án điều đó (x. Đnl 22, 23 - 26). Thậm chí, người ta sẽ thương cảm với nàng vì số phận hẩm hiu của kẻ “hồng nhan bạc mệnh”, trót trao thân gửi phận nương tựa vào một kẻ lãng tử chẳng đáng gọi là chồng. Vì thế, có thể nói quyết định bỏ đi cách kín đáo, là quyết định anh hùng của một trái tim đầy tử tế và cao thượng, một trái tim sẵn sàng ôm vào mình tất cả những đắng cay, để chẳng những không đòi lại công lý, danh dự cho bản thân, mà thậm chí còn tự hủy đi những thứ quý giá nhất mình, để chúng ra như một thứ phân bón, làm tươi tốt thêm cho mảnh đất cuộc đời của người đã gây ra nỗi bất hạnh cho mình.
 
Nếu so sánh với cơn bão tố trong lòng của thánh Giuse, hẳn những khó chịu nho nhỏ mà nhiều khi chúng ta gặp phải khi tương quan với người khác, chẳng khác gì những gợn sóng nhỏ li ti trên mặt hồ trong xanh vào một chiều thu êm ả. Ấy thế mà nhiều lúc, chúng ta lại lồng lộn lên và khăng khăng cho rằng mình hoàn toàn có lý do chính đáng để làm như vậy. Chúng ta thường dành nhiều giờ để lục lọi trong tâm trí những điều nho nhỏ đã từng làm chúng ta bị tổn thương, phóng đại nó lên gấp nhiều lần, dùng tài ảo thuật của tâm trí để gọi về hiện tại những thứ vốn đã lùi sâu vào dĩ vãng, cho chúng cơ hội một lần nữa được đâm mũi tên nhọn hoắt vào trái tim mong manh, thương tổn của mình, và rồi dùng nghệ thuật đỉnh cao của một tay diễn viên bi kịch đại tài để tái hiện lại rằng chúng ta đã cảm thấy mình bị sỉ nhục thế nào, đau đớn ra sao. Khi đó, chúng ta thấy những người đã làm chúng ta khó chịu, họ quá ư là vô lý, xấu xa, đáng ghét và không đáng để ta yêu; thế là ta đã có đủ “lý do chính đáng” để khép trái tim mình với họ, rút lại mọi sự tử tế mà trước đây ta vẫn trao cho họ cách hết sức nhiệt tình. Chúng ta sẽ chẳng mảy may áy náy khi làm như vậy; bởi lẽ, chúng ta thấy vô cùng thoải mái, dễ chịu với quan niệm rằng điều tốt đẹp chỉ nên dành cho người xứng đáng! Điều này trở thành chướng ngại rất lớn cho bước chân của những người loan báo Tin Mừng. Bởi vì trong sứ vụ này, cảm xúc khó chịu do những cuộc gặp gỡ với người khác, là điều hết sức bình thường, nếu như không muốn nói là đương nhiên phải thế.
 
Chúng ta hoặc sẽ quá ngây thơ hoặc đang nhìn thực tế cuộc đời dưới lăng kính của thi ca lãng mạn nếu nghĩ rằng chỉ cần chúng ta có lòng tốt chìa nhành ô liu, là Tin Mừng bình an cho người khác, là họ sẽ lập tức đón nhận với tất cả lòng biết ơn sâu thẳm, sẽ ôm chúng ta bằng cái ôm thật chặt như những người anh em chí cốt chí tình, sẽ coi chúng ta như ân nhân, sẽ đội lên đầu chúng ta vòng nguyệt quế của lời tung hô, ca ngợi. Chẳng phải Đức Giêsu cũng đã cảnh báo về những bất công mà người môn đệ sẽ gặp phải khi loan báo Tin Mừng, một cách không hề giấu giếm rằng: “Người ta sẽ xỉ vả, bách hại và vu khống cho anh em đủ điều xấu xa” (Mt 5, 11), đó sao? Chúng ta trao gửi sứ điệp của bình an, nhưng nhiều khi người ta lại đáp trả bằng cái nhìn giận dữ; chúng ta gieo rắc vào cuộc đời niềm vui và ý nghĩa, lại bị hiểu nhầm thành những kẻ phiền phức, quấy rầy; chúng ta đến với trái tim chân thành, vô vị lợi, người ta lại đề phòng như thể chúng ta đang mưu tính kiếm chác nơi họ điều gì đó cho mình... Do đó, nếu truyền giáo chỉ là cơn cao hứng nhất thời của một trái tim bồng bột, thì hẳn với những điều nghịch lý vừa kể trên, chúng ta sẽ có lý do để quay trở về với sự thoải mái, dễ chịu, trong tháp ngà riêng tư, thoải mái của mình, và mặc kệ những người mà chúng ta gán nhãn là những “kẻ không xứng đáng”.

Một thực tế nữa cũng dễ khiến chúng ta khó chịu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, đó là những người chúng ta gặp gỡ nhiều khi không đáp ứng đúng những gì chúng ta kì vọng nơi họ. Có lẽ, từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng truyền giáo chỉ được coi thành công khi đưa được ai đó gia nhập Hội Thánh qua bí tích Rửa tội. Quả thật, kết quả lý tưởng của việc truyền giáo, cái kết quả mà chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng để mong đợi, đúng thực là như vậy; nhưng liệu cuộc sống có mấy khi diễn ra theo những cách thức lý tưởng như thế? Và giả như chúng ta phải đối mặt với khía cạnh thực tế của cuộc sống, cái mặt trái nhiều khi chân thực đến mức phũ phàng, liệu chúng ta sẽ phản ứng theo cách nào? Rất nhiều khi, chúng ta bị ám ảnh đến mức cực đoan rằng nếu chúng ta không thể thuyết phục được người khác lãnh nhận bí tích Rửa tội, là coi như việc truyền giáo của chúng ta đã thất bại hoàn toàn, bao nỗ lực chúng ta làm từ trước đến giờ hóa thành công cốc. Sự từ chối chia sẻ cùng một đức tin với chúng ta, bằng cách nào đó, lại thành cái cớ chính đáng để chúng ta rút lại những “món quà tử tế” đối với họ, và mối tương quan với họ đột ngột xoay chiều, rẽ sang một hướng hoàn toàn khác: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi; đã quyết không mong sum họp mãi, bận lòng chi nữa phút chia phôi”. Nhiệt huyết của chúng ta đang như quả bóng hơi được bơm căng đét, bỗng chốc chỉ vì một lỗ kim nhỏ đâm vào, đã trở nên ỉu xìu, bẹp dí. Và rồi nếu hết lần này đến lần khác đều chung một kết quả như thế, nếu không có chút thành quả nào để xoa dịu trái tim mệt mỏi, thất vọng của chúng ta, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng đâm ra chán nản, và cho rằng truyền giáo là một việc làm bất khả thi, chả đi đến đâu, và thế là chúng ta ung dung, tự cho phép mình đứng ngoài sứ mạng này. Đức Bênêđictô XVI đã cảnh tỉnh chúng ta về thái độ trên, ngài nói: “Đức ái không bao giờ trở thành công cụ để thực hiện cái mà ngày nay người ta gọi là chiêu mộ các tín đồ. Những ai thực thi đức bác ái nhân danh Hội Thánh, không bao giờ được áp đặt đức tin của Hội Thánh lên kẻ khác. Họ hiểu rằng tình yêu thuần khiết và quảng đại tự nó đã là một chứng từ tốt nhất về Thiên Chúa”[2]. Có thể chúng ta chỉ là người nhổ cỏ, nhặt đi những sỏi đá, cày bừa mảnh đất tâm hồn người khác, để chờ thời gian thích hợp, chính Chúa sẽ gieo vãi hạt giống của Ngài vào đó, và thậm chí có thể chúng ta còn chẳng biêt ngày này bao giờ sẽ đến, nhưng đâu phải vì thế mà những cố gắng của chúng ta là uổng công. Có lẽ, để vượt qua trở ngại tâm lý, đòi phải được chứng kiến thành quả của những nỗ lực của mình, người môn đệ truyền giáo cần luôn tự nhắc nhớ mình về tâm niệm của vị Tông đồ dân ngoại: “Tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Không phủ nhận truyền giáo là hành trình gian khổ, đầy thử thách, nhưng nếu biết học nơi thánh Giuse, bằng một sự tử tế vượt lên trên mọi lẽ toan tính thiệt hơn kiểu con người, chúng ta sẽ có quyền hy vọng vào những cuộc gặp gỡ, đối thoại đậm giá trị nhân bản, đầy thân tình và cởi mở với người khác. Đó sẽ là những bước khởi đầu vô cùng tốt đẹp, để người môn đệ truyền giáo có thể bước tiếp những bước chân tuyệt vời, trên hành trình cao cả này. Một cuộc trường chinh vạn dặm, cũng đều bắt đầu bằng những bước chân; bỏ qua cái nhỏ, sẽ chẳng có cái gì khác lớn hơn đang chờ. Nếu chúng ta luôn kiên nhẫn, tử tế từng khoảnh khắc, cùng với Chúa, chúng ta sẽ viết lên những câu chuyện thần kì.

[1] Đgh Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 49.
[2] Đgh Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 31.

Tác giả: Văn Hoạt

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập251
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm203
  • Hôm nay22,953
  • Tháng hiện tại850,730
  • Tổng lượt truy cập69,910,604
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây