Giáo dục giới tính theo Tông huấn Amoris Laetitia

Thứ ba - 27/11/2018 02:51  4541

Ngữ cảnh

Trong năm thứ tư dưới triều đại Giáo hoàng của mình, ngày 19 tháng Ba 2016, nhằm lễ trọng kính Thánh Giuse, Bạn Trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông huấn hậu Thượng Hội đồng về gia đình với nhan đề Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu). Tông huấn này được ra đời trong bối cảnh toàn thể Giáo Hội đón mừng Năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót. Tông huấn bao gồm chín chương, trong đó Đức Thánh Cha dành hẳn chương thứ bảy để trình bày về việc giáo dục con cái cách toàn diện. Đặc biệt, từ số 280 cho đến số 286 của chương này, ngài đề cập đến việc giáo dục giới tính. Thách đố Truớc trào lưu thực dụng kéo theo những quan niệm lệch lạc về tính dục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ rõ những thách đố của thời đại bằng việc giúp những ai dấn thân trong lãnh vực giáo dục người trẻ lưu tâm đến những đề xuất khôn ngoan của Công đồng Vaticanô II về “một nền giáo dục giới tính tích cực và khôn ngoan” cho thanh thiếu niên và người trẻ qua từng giai đoạn khác nhau trong quá trình lớn lên của chúng cùng với phương pháp áp dụng những tiến bộ của ngành tâm lý học, sư phạm và giáo dục (số 280).

00 00 gtre

Bất cập

Ở số kế tiếp 281 của Tông huấn, Đức Thánh Cha cảnh báo về lối giáo dục giới tính mang nặng tính thông tin. Theo ngài, không phải khi cung cấp đầy đủ thông tin là các thanh thiếu niên đã có thể xử lý được một cách hiệu quả. Trái lại, “thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi”. Bất cập khác được đề cập ở số 283 về lối giáo dục cách thực hành tình dục mà người ta cho là an toàn. Nói như vậy là “truyền đạt một thái độ tiêu cực đối với mục đích sinh sản tự nhiên của tính dục, như thể đứa con có thể có là một kẻ thù phải đề phòng”. Một bất cập nữa mà Đức Thánh Cha cảnh báo đó là lối trình bày gây ra sự hiểu lầm giữa tính nhất thời của tình dục với sự nên một cách trọn vẹn: “Sự hấp dẫn tình dục ‘nhất thời tạo ra sự ảo tưởng của sự nên một, nhưng nếu không có tình yêu thì sự nên một này rốt cuộc vẫn để lại tình trạng hai người xa lạ và phân ly như trước’. Ngôn ngữ của thân xác đòi hỏi học tập kiên trì để biết diễn giải và phải giáo dục những ham muốn của mình để thật sự tự hiến” (số 284).

Điểm nhấn

Trọng tâm mà Đức Thánh Cha hướng đến cho nền giáo dục giới tính sao cho giúp người trẻ trau dồi cho mình cảm thức cần có và sự tôn trọng tính khác biệt của nhau và sự hỗ tương giới tính. Theo ngài, việc duy trì “cảm thức e thẹn lành mạnh” nơi các bạn trẻ là hết sức cần thiết cho dù có một số quan điểm cho rằng hình thức này đã lỗi thời. Tuy nhiên, “đó là sự phòng vệ tự nhiên của một nhân vị bảo vệ cõi riêng tư nội tâm của mình và tránh không để mình biến thành một sự vật đơn thuần bị người khác sử dụng. Nếu không có cảm thức e thẹn, ta có thể giản lược tình cảm và tính dục thành những nỗi ám ảnh chỉ chú ý vào hoạt động sinh dục, thành những bệnh lý làm méo mó khả năng yêu thương của ta và những hình thức khác nhau của bạo lực tình dục dẫn đến việc đối xử phi nhân tính hoặc làm tổn hại những người khác” (số 282). Về tính khác biệt được trình bày trong số 285, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo dục giới tính cũng nên bao hàm cả sự tôn trọng và lòng quý trọng sự khác biệt, điều đó thể hiện nơi mỗi người khả năng vượt qua sự khép kín trong những giới hạn của chính mình để mở ra đón nhận người khác”. Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cao sự tôn trọng đúng mực về tính hỗ tương trong sự khác biệt giữa hai phái tính nam và nữ: “Người ta không thể không biết rằng cấu trúc hình thành nên hiện hữu của mỗi người, nữ cũng như nam, không chỉ là tập hợp những yếu tố sinh học hay di truyền, mà còn nhiều yếu tố khác liên quan đến tính khí, lịch sử gia đình, văn hoá, kinh nghiệm sống, nền giáo dục đã nhận được, những ảnh hưởng của bạn bè, người thân trong gia đình và những người ta ngưỡng mộ, cũng như hoàn cảnh cụ thể khác đòi hỏi một nỗ lực thích ứng. Quả thật chúng ta không thể tách rời nam tính và nữ tính ra khỏi công trình tạo dựng của Thiên Chúa, vốn là điều có trước tất cả các quyết định và kinh nghiệm của chúng ta và trong đó có những yếu tố sinh học không thể bỏ qua” (số 286).

Và hướng mục vụ hôn nhân gia đình tại Việt Nam

Đáp lại giáo huấn trên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo Hội Việt Nam đã vạch ra hướng đi cho mình trong việc đặt trọng tâm vào mục vụ hôn nhân gia đình và đồng hành với các bạn trẻ. Cách cụ thể ngay khi kết thúc kỳ họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến 07 tháng Mười 2016, các vị chủ chăn đã có thư chung gửi mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam, trong đó các ngài đưa ra đường hướng mục vụ cụ thể cho ba năm liên tiếp: Năm 2016-2017: đồng hành với người trẻ chuẩn bị bước vào hôn nhân; năm 2017-2018: đồng hành với các cặp vợ chồng trẻ và niên khoá 2018-2019 này sẽ đồng hành cách đặc biệt với các gia đình gặp khó khăn.

Tăng Kỳ Mục

Nguồn : ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 19 ngày 01/11/2018, tr. 50-53.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm226
  • Hôm nay34,857
  • Tháng hiện tại895,218
  • Tổng lượt truy cập78,898,669
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây