Cuộc sống hằng ngày của chúng ta được dệt nên bởi rất nhiều cuộc viếng thăm, gặp gỡ... Có những cuộc gặp gỡ chợt đến rồi chợt đi nhưng cũng có những buổi gặp mặt để lại trong ta những kỷ niệm khó phai và nhiều bài học ý nghĩa. Chẳng hạn như chuyến đi thăm của chúng tôi, những sinh viên Học viện Thần học Têrêsa Avila Bùi Chu đến với các cụ già đau yếu, neo đơn… tại giáo xứ Vinh Phú, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng.
Sáng ngày 17/03/2018, nhóm sinh viên chúng tôi quyết định ghé thăm các cụ cao niên của giáo xứ Vinh Phú như lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Một cách đặc biệt những người nam, nữ sống đời thánh hiến lắng nghe tiếng mời gọi của Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ ra đi những vùng ngoại biên.”(Sứ điệp truyền giáo năm 2015) Thật vậy, giáo xứ Vinh Phú không phải là vùng ngoại biên xét theo khía cạnh thiêng liêng. Nhưng nếu xét về vị trí địa lý thì ta cũng có thể tạm gọi như thế, vì đây là một trong những giáo xứ xa Tòa Giám mục Giáo phận nhất. Hơn thế nữa, nghề nghiệp chính của bà con giáo dân nơi đây là trồng lúa. Vì thế, những thanh niên nam nữ và những người trung tuổi hầu hết đều đi lập nghiệp ở xa. Cha xứ Augustinô Trần văn Đông chia sẻ: “Trên danh sách giáo xứ có khoảng 1700 giáo dân nhưng thực tế những người trẻ hầu như đi xa hết. Con chiên của mình là các cụ già và trẻ nhỏ…”. Với vị trí địa lý như thế, cộng thêm gia cảnh của giáo dân phần lớn là người già và trẻ nhỏ thì việc được tham dự những ngày đại lễ của Giáo phận hay được gặp gỡ nhiều tu sĩ là không đơn giản chút nào. Chính vì vậy, khi chúng tôi hiện diện tại giáo xứ, mọi người rất vui mừng, phấn khởi. Ngay cả các em nhỏ khoảng 5,6 tuổi đang chơi đùa với nhau nhưng khi nhìn thấy chúng tôi bé nào cũng chào rối rít và gọi nhau: “Ơ, Dì kìa! Các bạn ơi, Dì kìa!”.
Đặc biệt hơn nữa là những cụ cao niên đau yếu, cuộc sống của các ngài suốt ngày gắn liền với chiếc giường, manh chiếu, thì việc chúng tôi đến thăm các cụ càng là niềm vui mừng khôn tả siết. Bởi vì, tuy chúng tôi không có nhiều vật chất để chia sẻ cho các cụ, nhưng sự hiện diện, lắng nghe đầy yêu thương trong tình yêu Thiên Chúa của chúng tôi đã làm cho các cụ cảm thấy mình được trân trọng, được quan tâm, sẻ chia những đau khổ, khó khăn của tuổi già, của bệnh tật… Nhiều cụ đã lã chã rơi những giọt lệ hạnh phúc khi được trò chuyện với chúng tôi.
Nhìn các cụ vui mừng, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Ai ai cũng mong ước có được nhiều chuyến đi, nhiều cuộc gặp gỡ như thế này. Bởi vì nơi đây, Chúng tôi gặp được hình ảnh “Chúa Giêsu nghèo” đang chờ đợi và thao thức được gặp gỡ chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi học được những bài học từ thực tế cuộc sống, kiện toàn những bài học trên giảng đường hằng ngày của chúng tôi nơi Học viện Thần học Têrêsa Avila.
Sau khi từ biệt các cụ tại giáo xứ Vinh Phú, trên đường về chúng tôi ghé thăm thêm một số người ngoại giáo cô đơn nghèo khổ. Có người cuộc đời họ như một mảng tối khổng lồ hầu như không một chút ánh sáng niềm vui, hạnh phúc. Thấy thế, chị Tươi bên cạnh đứng cạnh tôi nói: “Cũng một kiếp người sao cô khổ thế chị?” Tôi cũng chẳng biết đáp lại làm sao, chỉ biết lặng lẽ bóc bánh cho cô ăn và dâng cô lên cho Thiên Chúa. Nhìn cô ăn ngon lành liền một lúc hai cái bánh giò như chưa bao giờ được ăn vậy, lòng tôi càng thêm quặn thắt thương cảm cho cuộc đời của cô.
Thế là một ngày sống khép lại, những cuộc gặp gỡ hôm nay đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Nó thôi thúc chúng tôi một cách mạnh mẽ: Hãy cầu nguyện thật nhiều cho “những người nghèo của Thiên Chúa” và ra đi đến với họ mỗi khi có thể. Đồng thời, chúng tôi cảm thấy trân quý cuộc sống hiện tại Chúa đang ban cho mình biết bao.
Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con có được buổi ra đi gặp gỡ đầy ý nghĩa hôm nay.
TT. Học viện Têrêsa Avila