Thứ Sáu tuần 25 Thường niên
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 18-22)
Đây là câu hỏi Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của Người trong bối cảnh mà từ vua Hê-rô-đê, các thầy thượng tế, biệt phái và ngay cả dân chúng đều lúng túng và phân vân tự hỏi: “Vậy thì ông này là ai” (Lc 9,9).
Tại sao họ lại đặt ra câu hỏi này?
Trước những lời Chúa Giê-su giảng và những việc Chúa Giê-su làm như: cho kẻ què đi được, người câm nói được, người điếc nghe được và kẻ chết được sống lại; ra lệnh cho sóng yên biển lặng, trừ khử ma quỷ và tha thứ cho tội nhân; Người giảng thứ giáo lý rất mới mẻ và giảng dạy như Đấng có thầm quyền nữa, thì chẳng phải những người Do Thái mà cả chúng ta nữa cũng phải đặt câu hỏi: Người này là ai mà đầy uy quyền trong lời nói và việc làm?
Các kinh sư, luật sỹ và biệt phái tự hỏi: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”(Lc7,49), còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an chính ta đã chém đầu rồi, vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Phần dân chúng thì đoán mò, người thì cho là Gio-an Tẩy Giả, người khác lại cho là tiên tri Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa sống lại.
Có thể nói mọi người đều muốn biết căn tính đích thực của Đức Giê-su, nhưng tất cả đều hiểu sai về Người. Vậy đâu là lý do dẫn đến sự sai lầm này? Phải chăng họ dừng lại ở cái nhìn của lý trí, cái nhìn thuần lý tách biệt khỏi đức tin nên họ không thể biết được căn tính đích thực của Người. Vì thế, dù có theo Người họ cũng chỉ theo để trục lợi mà thôi, theo để được no cái bụng, để được chữa lành, thậm chí để được ngồi bên tả bên hữu của Ngài,… Và nếu như cứ giữ cải nhìn như thế thì họ chỉ theo Đức Giê-su một cách nhất thời thôi và bằng chứng là họ mới tung hô Người là vua hôm Chủ Nhật mà thứ Năm, họ đã đòi dóng đinh Ngài vào thập giá.
Bạn Thân mến,
Hôm nay Phê-rô đã trả lời với tất cả niềm xác tín: “Thầy lầ Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Có là Đức Giê-su Ki-tô không chỉ là Đức Giê-su thành Nazareth, nhưng Ngài còn là Đức Ki-tô của niềm tin. Chúng ta không thể có một câu trả lời đúng khi chúng ta tách Ngài ra khỏi mối tương quan với Chúa Cha. Vì thế, mỗi Ki-tô hữu (Christian) chỉ tìm thấy căn tính của mình trong mối tương quan khắng khít và sâu lắng với Đức Ki-tô (Christ) để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không vùi thời gian và cuộc đời của chúng ta vào những gì chúng ta có, chúng ta chiếm hữu được, nhưng trong niềm xác tín vào Đức Giê-su Ki-tô để nhờ Người và với Người, chúng ta cũng được làm con Thiên Chúa Hằng Sống.
Gợi Ý suy niệm:
Bạn là ai, đâu là căn tính đích thực của bạn?
Đối với bạn, Đức Giê-su Ki-tô là ai và có tương quan thế nào đối với bạn?