Giảng lễ an táng thầy Giuse: Nước mắt và niềm tin

Thứ năm - 03/09/2015 12:57  15920
Bàng hoàng, xúc động, đau xót, tiếc thương, bối rối, xao xuyến là những cảm xúc lẫn lộn ùa về khi nghe tin thầy Giuse Nguyễn Văn Tuấn đột quỵ và qua đời. Cái chết vốn là thực tại bi thảm, lại càng trở nên bi thảm hơn khi nó xảy đến bất ngờ và thảm thương hơn nữa khi nó ập đến cho một người trẻ đầy tiềm năng, sức sống và hy vọng. Người Việt Nam đã từng than nỗi đau ấy: “Lá vàng đeo đẳng trên cây / Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời?”.
 
 
Thực sự là một niềm xót thương vô hạn đối với tất cả những ai quen biết Thầy. Đúng như tác giả bài thơ “Cây Cầu Oan Nghiệt” (tác giả Kim Giang) đã mô tả:
 
“Tôi đau nỗi đau đến tận cùng - Cái chết
Bao nhiêu khát khao ngang chừng... Chấm hết
Cả đất trời sấm sét chuyển rung
 
Không thể nghiến răng
Không thể lạnh lùng
Ôi tiếng kêu có thấu tới Cửu Trùng
(…)
 
Vâng. Thiết nghĩ chẳng có lời trần gian nào có thể minh giải, ủi an và thoa dịu nỗi niềm tiếc thương này. Lời ngôn sứ Isaia văng vẳng bên tai thật là thấm thía: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12).
 
Vì thế, giờ phút này đây, chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để cho Lời Chúa soi sáng và sưởi ấm cõi lòng chúng ta. Chỉ có Lời Hằng Sống của Ngài mới có đủ uy quyền và sức mạnh để ủi an và soi rọi vào đêm đen tang tóc mà chúng ta đang đối diện; chỉ có Lời Quyền Năng của Ngài mới có sức cứu độ và vực chúng ta trỗi dậy.
 
1. “Người công chính dù có chết sớm cũng được an vui… Sống không tỳ ố đã là sống thọ” (x. Kn 4,7-15)

Lời thứ nhất trích từ Sách Khôn Ngoan, dạy cho chúng ta một chân lý sáng ngời: giá trị của cuộc sống không tùy thuộc vào chiều dài của thời gian mà là tùy thuộc vào chiều dày của sự công chính, chiều cao của sự thánh thiện, chiều sâu của đức yêu thương.

Dù sống ngắn, nhưng nếu sống tốt sống đẹp, sống thánh thì cũng giá trị rất lớn trước mặt Chúa.  Trong cái nhìn ấy, chết trẻ, chết sớm lại được nhìn như một ân huệ, một sự giải thoát Chúa dành cho người công chính. Đó là một sự về đích sớm, là “ân sủng và tình thương” Chúa dành cho những người Chúa chọn, vì “người tiến đến mức hoàn thiện trong thời gian ngắn khác nào đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp” (Kn 4,13).
 
2. “Dù sống hay chết chúng ta cũng thuộc về Chúa” (Rm 14,8; x. Rm 14, 7-9.10c-12)

Lời thứ hai đến từ thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma, giúp chúng ta khám phá cốt lõi của thực tại sinh tử phận người. Điều quan trọng là luôn “thuộc về Chúa”, nghĩa là luôn gắn bó, quy hướng và phó thác nơi Ngài. “Người công chính” là người “thuộc về Chúa”, sống và chết cho Chúa.
 
Mọi biến cố xảy đến trong cuộc trần đều là cơ hội để phụng sự Ngài: sống hay chết, nụ cười hay nước mắt, hạnh phúc hay khổ đau, sum họp hay chia ly, thành công hay thất bại… Nếu cứ “thuộc về Chúa”, thì mọi sự sẽ trở thành vĩnh cửu.
 
Lời này dạy ta thái độ sống phó thác trọn vẹn vào Đấng là Chủ của sự sống, “đừng ai sống cho riêng mình, nhưng sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa”.
 
3. “Lạy Cha, Con phó thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23, 46)

Lời thứ ba đến từ chính môi miệng Chúa Giêsu, trong một giây phút có thể nói là yếu đuối nhất, bất lực nhất, thất bại nhất của thân phận làm người. Trong giây phút ấy, Ngài đã làm gì? Thưa, Ngài đã phó thác mạng sống mình, trọn vẹn và dứt khoát, vào trong tay Cha.
 
Chúa Giêsu chính là Lời Viên Mãn. Ngài sống rất ngắn, nhưng giá trị cuộc sống dương gian của Ngài là vô tận. Cuộc sống ngắn ngủi ấy, chỉ vỏn vẹn hơn ba mươi năm, chả nghĩa lý gì so với hàng ngàn hàng vạn năm của lịch sử nhân loại, nhưng lại có thể cứu độ cả thế giới qua mọi thời đại: hôm qua, hôm nay và mãi mãi… Ngài cho chúng ta thấy rằng, chất lượng sống quan trọng hơn số lượng sống…
 
Cuộc sống có ngắn, nhưng nếu chúng ta thuộc về Chúa, sống cho Chúa và chết cho Chúa, thì cuộc sống ấy vẫn là vô giá… Sở dĩ cuộc sống dương gian ngắn ngủi của Chúa có giá trị vô tận, là vì mọi giây phút sống của Chúa Giêsu đều là sống cho Chúa Cha và “thuộc” về Chúa Cha, có nghĩa là làm theo thánh ý của Chúa Cha, để cho Chúa Cha toàn quyền sử dụng sự sống Ngài. Cho đến giây phút cuối cùng của hành trình dương thế, Ngài đã trao “thần khí”, nghĩa là trút linh hồn, trút trọn vẹn sự sống của Ngài vào tay Cha.
 
Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta thấy có vô vàn những vị thánh trẻ, tuy cuộc sống dương gian rất ngắn ngủi, nhưng đã đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện. Gần gũi với chúng ta có Têrêsa Hài Đồng Giêsu (24 tuổi), Maria Goretti (12 tuổi), Đaminh Savio (15 tuổi)… Ở Việt Nam có thánh Giuse Túc (19 tuổi), thầy chủng sinh thánh Tôma Thiện (18 tuổi)…
 
Kính thưa cộng đoàn,
 
Nhìn vào biến cố ra đi của Thầy Giuse Nguyễn Văn Tuấn, theo cái nhìn tự nhiên, chúng ta thấy bùi ngùi xúc động, đau buồn tiếc thương. Tuổi 26-27 là tuổi rất đẹp, rất khỏe, rất nhiều hy vọng và ước mơ… vậy mà.
 
Gia đình tiếc thương một người con ngoan hiền, chăm chỉ, học hành đỗ đạt. Hai mươi mấy năm sinh thành dưỡng dục, hy sinh và kỳ vọng… vậy mà.
 
Chủng viện tiếc thương một chủng sinh thông minh, siêng năng, mẫu mực… Hơn hai năm đào tạo với bao dự tính và vun trồng… vậy mà.
 
Họ hàng thân quyến tiếc thương một người con, người cháu, người anh em… sống lễ phép hiền hòa, sống có tình có nghĩa… Bao nhiêu trông mong và đợi chờ… vậy mà.
 
Nhưng dưới ánh sáng đức tin soi chiếu, chúng ta hiểu rằng, thầy Giuse đã kết thúc tốt đẹp hành trình dương thế của mình, đã hoàn thành sứ mệnh Chúa muốn. Thầy tuy sống ngắn ngủi nhưng đã gắng sức sống tốt nhất thời gian ngắn ngủi của mình qua việc thực thi ý Chúa, nuôi dưỡng khát vọng nên thánh và cố gắng nên trọn lành mỗi ngày. Thầy đã nỗ lực hết mình, cho đến hơi thở cuối cùng, để vun trồng ơn gọi của mình: chăm chỉ học hành tu luyện, tốt nghiệp ĐH Luật, đậu thủ khoa Đại Chủng Viện, và hơn hai năm trong Đại Chủng Viện, luôn là một chủng sinh học tập giỏi giang, đạo đức mẫu mực, kính trọng lễ phép với bề trên, vui tươi và hiền hòa với bạn bè và mọi người.
 
Thiết nghĩ, thầy Giuse đã sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chúng ta hãy phó thác linh hồn thầy trong tay Chúa và nguyện cầu cho thầy được yên nghỉ trong tay nhân lành yêu thương của Ngài.
 
Sự ra đi chóng vánh của thầy Giuse cũng là lời mời gọi chúng ta biết sống phó thác hơn vào tình thương của Chúa. Thầy Giuse để lại cho chúng ta một sứ điệp rất quan trọng: sự sống rất quý giá và thánh thiêng, nên chúng ta hãy chắt chiu từng giây phút sống và hãy đong đầy mỗi giây phút ấy bằng những giá trị vĩnh cửu.
 
Lạy Chúa, “Chúa ban ân sủng và tình thương cho những người Chúa chọn” (Kn 4,15).
Xin cho linh hồn thầy Giuse được vào nơi tràn đầy ánh sáng và bình an. Amen.
 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập304
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm238
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại683,071
  • Tổng lượt truy cập70,710,828
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây