Hãy làm cho người ta điều mình mong muốn
Thứ tư - 23/02/2022 03:43
4203
"Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy" (Lc 6,31).
Con người thật sự rất phức tạp, cuộc sống quá êm đềm thì nhàm chán, nhiều sóng gió thì nản lòng, quá hạnh phúc thì ỉ lại, lắm bất hạnh lại oán trách kêu than. Chỉ có một điều đơn giản thôi, đôi khi lại bị quên lãng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Đây chính là khuôn vàng thước ngọc trong Kinh Thánh, để ta thi hành đức ái Ki-tô giáo.
Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì ta lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì sự ghét ghen cộng với lòng ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và chỉ muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi. Khổng Tử, một nhà hiền triết Trung Quốc, đã từng nói: “Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình”. Câu nói này rất nổi tiếng và là một trong những đạo lý thu nhân của Nho giáo. Tuy nhiên, nó giới hạn trong việc khuyên người ta đừng làm những điều gì mà ta không muốn người khác làm cho mình. Thứ mà mình không thích, không muốn thì người khác cũng không muốn, những gì chúng ta không thích thì đừng bắt người khác phải chịu đựng.
Tích cực hơn Khổng Tử, hôm nay Đức Giê-su đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Đây là Lời mang tính thúc đẩy hành động yêu thương, chứ không dừng lại ở việc khuyên đừng làm. Lời thúc đẩy chúng ta phải hành động cụ thể: Muốn được yêu thương, hãy yêu thương trước, muốn được tha thứ hãy thứ tha, muốn được quan tâm hãy đi thăm hỏi, muốn được coi trọng hãy biết tôn trọng, muốn được bình an hãy xây dựng hòa bình… Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ. Thật hạnh phúc biết bao nếu chung quanh ta, ai ai cũng muốn những điều tốt đẹp và làm những việc tốt đẹp cho nhau.
Lời Chúa không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” hay phải “có lòng nhân từ” với người khác mà hãy “Yêu như Chúa đã yêu”. Bởi vì, chính Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta mỗi ngày nên giống Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, hay “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống. Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình. Khi đó, “phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao”. Chính Đa-vit trong bài đọc 1: có lòng nhân từ ngăn cản A-vi-sai đừng giết vua Sa-un, người mà Đức Chúa đã xức dầu tấn phong. Nhờ vậy, Đa-vit được tin tưởng, oan oan tương báo chấm dứt, ông được làm vua và hưởng Hồng ân của Đức Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vạch ra cho chúng con khuôn vàng thước ngọc trong đức ái Ki-tô giáo. Xin cho chúng con biết hành động cụ thể của sự yêu thương để tiến bước trên hành trình sứ vụ như Lời Chúa đã dạy, để chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, “mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” để chúng con biết: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu. Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.
Tác giả: Phó tế Giuse Trần Duy Chúc