Một buổi sáng nọ, cô nữ tu tỉnh dậy trong tiết trời mát dịu, tâm hồn bình an và cô thấy hơi thở của mình nhẹ nhàng không vướng bận, không lo toan. Cô bước ra ngoài hiên hưởng thụ sự trong lành trời ban đó, tiến đến bên vòi nước, với đôi tay dịu êm vốc dòng nước tinh khiết phả vào mặt. Trời ơi, sự dịu mát lấp đầy gương mặt… đang tự mình để hồn men theo cái cảm giác tuyệt vời, bỗng tâm cô đau đớn tột cùng: Trái tim như vỡ vụn, vết nứt đang dần vắt kiệt máu nơi trái tim: Cảnh dân chúng lầm than vất vưởng, người nghèo, người đói, người bệnh tật cô đơn, những nạn nhân bị covid, gia đình phân ly, vợ mất chồng, con mất mẹ, khuôn mặt những đứa trẻ bơ vơ đói khát, những con người trút hơi thở trong cô đơn… tuyệt vọng và sợ hãi… Cảm giác ấy kéo cô về với thực tại.
Cái thực tại của thế giới và của đất nước cô. Cái thực tại đang bị một con covid làm bất ổn tất cả: Kinh tế không phát triển, tình người bị chia ly, mạng sống bị đe dọa... Người người sợ covid, nhà nhà sợ covid và nước nước sợ covid. Đây là năm thứ 3 Covid có mặt trên địa cầu, nhưng chưa khi nào cô nữ tu viết về nó. Vì với cô, nó chỉ là một con “ Cô Vy” bé tẹo teo. Thế rồi, với thời gian, nó làm cho cuộc sống những người xung quanh cô trở nên khó khăn hơn, nó đã lấy đi sinh mạng người anh em đồng loại của cô. Vầng trán mọi người có thêm nhiều nếp nhăn, ánh mắt bụi mờ, khuôn mặt lo toan và ưu tư hơn. Nhìn ánh mắt, khuôn mặt… ấy cô phát hiện, “ Cô vy” , nó không hề bé tẹo như cô nghĩ.
Cô khắc khoải, đau thương với những cảnh tượng ấy. Giờ thì cô hiểu rồi. Cô hiểu cái “Chạnh thương” của Chúa năm xưa khi nhìn thấy đám đông dân chúng lầm than, đói khát. Cô hiểu “giọt nước mắt” khóc thương anh Lazaro của Chúa. Cô hiểu lời thân thưa “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” khi xưa của Chúa. Cô nghiệm thấy rồi. Cô nghiệm thấy 7 lời nói cuối cùng của Chúa trên Thánh giá, tất cả đều vì tình yêu. Khi yêu sự hy sinh không còn là vất vả, thiệt thòi. Khi yêu nỗi khổ đau trở thành niềm vui.
Năm xưa là thế vậy bây giờ Chúa đang ở đâu. Chúa đang ở đâu trước cơn đại dịch kinh hoàng? Chúa đang ở đâu trong nỗi khổ đau mất mát của bao gia đình?
Khi tâm hồn đặt ra những câu hỏi trên, một hình ảnh đẹp tuyệt vời đã diễn ra trong tâm trí Cô nữ tu nhỏ: Chúa đang ngồi bên dòng sông cuộc đời của mỗi người. Trên bờ, những viên sỏi trắng nhấp nhô nhưng sáng bóng. Dưới nước, một màu xanh yên bình cùng những con sóng nhỏ lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ. Khuôn mặt Chúa dịu hiền đang chờ đợi và chờ đợi. Im lặng ngồi đó và nhân loại như một đứa trẻ chạy lại từ phía sau vòng tay ôm lấy cổ Chúa cùng nụ cười hồn nhiên “Chúa chờ con lâu chưa?” - Ta luôn ở đây, rất lâu rất lâu rồi, Ta luôn ở bên bờ sông cuộc đời chờ con. Ngồi xuống bên cạnh Chúa, đưa tay vung những giọt nước mát lành, đứa trẻ kể cho Chúa nghe tất cả những gì đang diễn ra quanh nó. Cuộc trò chuyện gần gũi và thân thương làm sao. Khi đứa trẻ kể xong, Chúa lên tiếng: Vậy con nghĩ Ta đang ở đâu? Đứa trẻ ngơ ngác: Chúa đang ở đây mà! Ừ, Ta đang ở đây, sao con lại hỏi Ta đang ở đâu. Chưa khi nào Ta rời đi, ngày ngày Ta vẫn ngồi đây bên bờ sông cuộc đời con. Nhưng con ít khi trông thấy Ta, ngày nào Ta cũng chờ, nắng như mưa, ốm đau hay mạnh khỏe, Ta vẫn ở đây!!! (x. Is 41,10). … Bạn thân mến! Liệu Bạn giống tôi, một đôi lần tự hỏi Chúa đang ở đâu trong tất cả những khổ đau của con người? Nếu Bạn cũng đã từng hỏi như thế thì tôi hy vọng bạn cũng nghiệm cảm được: Chúa vẫn ở bên bờ sông cuộc đời ta và Người vẫn đang chờ Ta từng giây phút trong cuộc đời. Chỉ có điều, liệu ta có thể trở nên như đứa trẻ, chạy lại ôm lấy cổ Ngài và kể Ngài nghe câu chuyện cuộc đời chúng ta hay không.
Trước cơn đại dịch không biết đến khi nào mới kết thúc này, chúng ta dựa vào cái gì để hy vọng nếu như không bám vào Chúa? Chúa là niềm hy vọng duy nhất để chúng ta bám vào. Nếu như tôi hoặc bạn ngày nào đó bị “ Cô Vy” viếng thăm, lúc đó bên cạnh ta sẽ không có người thân, cùng nỗi sợ hãi khi cái chết có thể đến, lúc đó chúng ta làm gì? Chỉ có Đấng đã chiến thắng sự chết mới có thể dẫn chúng ta đi qua nỗi sợ hãi này mà thôi. Chỉ có Đấng đã hứa “Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt, trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông, ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi” (St 8,22). Bàn tay Ngài luôn mở rộng chỉ cần tôi và bạn đến trầm mình vào vòng tay yêu thương ấy thôi. Một bàn tay có thể ôm tất cả nhưng lại là một vòng tay ôm trọn vẹn từng người. Như thế, dù sống dù chết chúng ta vẫn thấy bình yên trong vòng tay của Đấng có quyền trên mọi sự và làm được mọi điều.
Cầu chúc chúng ta luôn vững tin và mạnh mẽ trước cơn đại dịch. Thiên Chúa đang ở bên và Ngài cũng đang đau với nỗi đau của từng người.