“Cái Chết Đen” trở lại ???
Thứ sáu - 03/09/2021 05:58
1479
"Cái chết đen" (1346 - 1353) là một trong những đại dịch chết chóc và kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại. Cái Chết Đen là tên gọi của 1 đại dịch hạch xảy ra ở châu Á và châu Âu vào thế kỷ XIV, với số lượng người chết ở châu Âu và châu Á từ 75-200 triệu, mà đỉnh điểm là ở châu Âu trong những năm 1346-1351. Ước tính nạn dịch này đã giết chết 30% - 60% dân số của châu Âu (tương đương 25 - 50 triệu người) và dân số toàn cầu giảm từ khoảng 450 triệu người xuống còn 350 - 375 triệu người vào năm 1400.
"Cái Chết Đen" lây lan nhanh tới mức giới cầm quyền và các bác sĩ không còn đủ thời gian để tìm hiểu bản chất của đại dịch. Đứng trước thảm họa này, chính phủ các nước châu Âu đã không đưa ra nổi 1 biện pháp đối phó nào vì họ không thể hiểu nổi nguyên nhân hoặc tìm ra cách thức lây lan của đại dịch, thậm chí họ đã bế tắc tới mức quay sang đặt giả thuyết rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên: tôn giáo, satan.
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học thống nhất rằng nguyên nhân của cái Chết Đen là sự bùng phát của căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen. Những con chuột bị nhiễm bệnh sẽ chết, nhưng bọ chét trên cơ thể của chúng thường sống sót và tìm thấy những con chuột mới ở bất cứ nơi nào chúng hạ cánh. Trong đa số trường hợp không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, mà là do bọ chét di chuyển từ người bệnh sang người khỏe và cắn người này. Từ vết cắn, bệnh lây lan đến một hạch bạch huyết, sưng lên tạo thành bọt khí đau đớn, thường gặp nhất ở háng, trên đùi, ở nách hoặc trên cổ, do đó có tên là bệnh dịch hạch.
Như vậy, phải sau gần 6 thế kỷ, con người mới xác định rõ hơn về các vấn đề liên quan tới cái Chết Đen. Đối mặt với covid 19, con người đang tự hỏi liệu đây có là cái Chết Đen thứ 2 trong lịch sử nhân loại?
Nếu hiện tại đem ra so sánh, sẽ có nhiều điểm đáng lưu tâm: khi dịch hạch tràn lan, con người chưa tìm ra thuốc chữa, chưa có cách phòng bệnh đặc hiệu, số lượng người chết ngày một tăng cho dù con người đã huy động mọi nguồn nhân lực mà tình hình không khả quan hơn. Vai trò của bậc tu trì trong Giáo hội khá quan trọng vì họ là những người phục vụ bệnh nhân, sẵn sàng sống chết với người bệnh. Covid 19 cũng đang làm đau đầu cả nhân loại, vaccine cũng chưa phải là cứu cánh cuối cùng. Mỗi đất nước đều có chiến lược ưu tiên riêng, nhưng đều có mẫu số chung là chưa kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch. Tuy nhiên, khác với dịch hạch thế kỷ 14, con người chưa quay sang đổ lỗi cho tôn giáo nhất là Công giáo. Với đất nước chúng ta, chính phủ đang kêu gọi mọi thành phần tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh: chữa trị, phòng bệnh, các chính sách hỗ trợ an dân. Đâu đó báo chí cũng đưa tin hình ảnh các Nữ tu, Linh mục, giáo dân cộng tác với các tổ chức thiện nguyện, y tế... Đó cũng là dấu hiệu đáng mừng cho đất nước chúng ta với hy vọng chính sách tự do tôn giáo sẽ cởi mở hơn và hình ảnh người Công giáo trong dịch bệnh này sẽ được nhìn nhận đẹp hơn, xứng đáng là những hạt giống Đức tin Chúa đang âm thầm rắc gieo trong kế hoạch yêu thương, nhiệm mầu của Ngài.
"Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời... Một ít khoa học sẽ khiến ta gạt bỏ Chúa, nhiều khoa học sẽ khiến ta tin vào Chúa". Đó là câu nói của Louis Pasteur (1822-1895), một nhà khoa học nổi tiếng người Pháp ở thế kỷ 19, và là người Công giáo, người được mệnh danh là "cha đẻ của vi sinh vật học", là một thầy thuốc vĩ đại. Chính ông đã tiếp nối công trình nghiên cứu của Edward Jenner năm 1796 đặt nền móng cho công nghệ sinh học vào công cuộc chế tạo ra vaccine giúp phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm: lao, dịch tả, bạch hầu, uốn ván... Tuy thành công trong sự nghiệp, nhưng ông vẫn giữ vững được đức tin của mìn. Ông tin sự sống được tạo ra bởi Đáng Sáng Thế, còn "khoa học là con đường giúp nhân loại tìm ra cách thức ấy và vì sao".
Đặc biệt hơn, trên bia mộ của Louis Pasteur có viết:“Phước thay cho kẻ được cứu rỗi trong tâm hồn của Người, Đấng Sáng Thế, lý tưởng tuyệt vời kẻ ấy tuân theo ý Người – lý tưởng nghệ thuật, lý tưởng khoa học, lý tưởng Tổ quốc, và lý tưởng của nhân cách đều được học trong sách Phúc Âm.”
Ngẫm lại dịch hạch cái Chết Đen thế kỷ 14 và sự tung hoành của covid 19, suy nghĩ của mỗi người không giống nhau. Có một cuốn sách mà có nhiều người chưa từng biết là cuốn Phúc Âm. Nếu trước đây các bạn giải trí bằng việc tìm đến các sân khấu ca nhạc, gameshow..., thì đây là khoảng thời gian thích hợp để các bạn tìm đọc cuốn sách này. Hy vọng các bạn sẽ cảm nghiệm được nhiều điều tốt lành cùng với sự bình an Chúa dành cho những ai tìm kiếm Ngài. Còn với người Công giáo, chúng ta hãy tận dụng thời gian này để Lời Chúa trở nên của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng Đức tin của chúng ta trước mọi thách đố của thời cuộc: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4,7b), để rồi: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21,4).
Tác giả: Hương Bưởi, FMSR