Tin mừng Matthêu, Tin mừng Đấng Emmanuel (2)

Thứ ba - 07/02/2017 13:24  3190
PHẦN II TÌM HIỂU MỘT SỐ BẢN VĂN  TIÊU BIỂU
 
Với khoảng thời gian giới hạn, ta không thể tìm hiểu hết 28 chương của Mt được. Nhưng dựa theo thứ tự cấu trúc của Tin mừng vừa trình bày ở trên, ta chỉ tìm hiểu một số bản văn tiêu biểu mà thôi. Với ước mong rằng, qua những bản văn tiêu biểu ấy, một đàng ta làm nổi bật những điều khái quát vừa trình bày ở trên, đàng khác ta cũng sẽ nắm bắt được những điều cốt lõi độc đáo của Tin mừng này.
 
A. GIA PHẢ VÀ THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊSU (1-2)
 
Mt mở đầu tác phẩm với việc giới thiệu gia phả và thuật lại thời thơ ấu của Đức Giêsu[1], Đấng Mêsia mà muôn dân trông đợi. Cả phần này là nguồn tài liệu khá riêng của Mt, tức là ta không thấy có nơi Mc và Lc. Hẳn rằng sẽ có những tư tưởng thần học rất độc đáo. Ta chỉ tìm hiểu một phần gia phả của Đức Giêsu mà thôi (Mt 1, 1-17).
 
1. Khung cảnh (1, 1-17).
 
Phải ghi nhận rằng, không chỉ có Mt ghi lại gia phả của Đức Giêsu, mà còn có cả Luca nữa (Lc 3, 23-38). Nhưng hai cách trình bày này hơi khác nhau và đặt để vị trí trong tác phẩm cũng khác nhau. Mt ghi gia phả ngay ở đầu Tin mừng, còn Lc thì đặt gia phả Đức Giêsu ở giữa biến cố chịu phép rửa và cám dỗ. Hơn nữa, Mt trình bày xuôi từ Apraham tới Đức Giêsu, còn Lc lại lội ngược từ Đức Giêsu tới Ađam (x. Lc 3,38). Ấy là chưa kể vài chi tiết khác. Chẳng hạn Mt chia gia phả thành ba thời kỳ, mỗi thời kỳ là 14 đời, còn Lc thì không; hoặc Mt nói “Giacóp sinh Giuse” (Mt 1, 16), Lc lại thuật rằng Giuse là con Êli (Lc 3,23) v.v. Giải thích thế nào về những điểm khác nhau này? Trước hết, mỗi tác giả có mục đích riêng. Mt muốn nhấn mạnh rằng Đấng Mêsia đã loan báo trong Cựu Ước là chính Đức Giêsu Kitô, rõ ràng Đức Kitô đến từ dân tộc Do-thái. Còn Lc, không phủ nhận điều ấy, nhưng lại nhấn mạnh khía cạnh ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu dành cho mọi người (Ađam). Vì nhắm chủ đích khác nhau, thành ra sẽ vô ích muốn tìm cách tổng hợp hai gia phả lại[2]. Dù khác nhau, nhưng điều chính yếu vẫn là: Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đavít và là con cháu của Apraham[3], rồi Giuse là cha nuôi của Đức Giêsu.
 
2. Vài ý chính.
 
a. Gia phả mời gọi tháp nhập vào kinh nghiệm Đức tin.
 
Bằng một giọng văn rất trịnh trọng[4], Mt mở đầu Tin mừng cũng như mở đầu toàn bộ Tân Ước, bằng ngôn từ rất đặc biệt: Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô (Mt 1,1). Còn hơn một lời khẳng định, câu mở đầu Tin mừng này như là một lời tuyên xưng Đức tin. Việc tuyên xưng này khởi đi từ một ân huệ lớn lao, được Thiên Chúa mở mắt cho thấy điều sâu thẳm đang xảy ra qua danh sách các tên trong gia phả: Thiên Chúa đã âm thầm chuẩn bị từ xa xưa biến cố Đấng Kitô xuất hiện.
 
b. Điệp khúc “sinh” chuyển trao sự sống đến từ suối nguồn.
 
Đọc từ câu 2 tới câu 16, độc giả có cảm giác nhàm chán với việc lặp đi lặp lại. Chắc hẳn thánh sử biết rõ điều này, nhưng nếu ngài cứ cố ý ghi rõ ràng từng tên một, rồi đặt ngay ở đầu tác phẩm của mình, thì điều đó rõ ràng là có chủ đích. Trước hết, gia phả nhằm khắc ghi sự thật rằng: Đấng Mêsia đến trong lịch sử cụ thể, ở một đất nước và một dân tộc. Ngài là một nhân vật lịch sử, sẻ chia tất cả điều kiện sống của con người ngoại trừ tội lỗi.
 
Tiếp đến, khi nói tới gia phả, ấy cũng là nói tới sự liên đới của những người cùng chung máu mủ và số mạng (x. St 5, 1-11; Xh 6, 14-24). Như vậy, vượt lên trên việc “lặp đi lặp lại” động từ sinh ra (genna,w), độc giả thấy dòng sự sống đang luân chuyển mãnh liệt từ đời nọ sang đời kia và cho tới tận Đức Kitô. Mỗi lần nhắc lại động từ “sinh”, ấy tựa thể những lớp sóng gối đầu ngoài biển khơi, dần dần góp lại thành một con sóng oai hùng vĩ đại xô bờ.
 
c. Dự án Thiên Chúa được thực hiện cách lạ lùng.
 
Trong danh sách các tổ phụ trong gia phả, đôi khi ta thấy những tên rất xa lạ, tưởng chừng như thể chẳng có liên quan gì với ta; thậm chí có cả những nhân vật bất xứng nữa. Ấy là chưa kể bốn khuôn mặt người nữ xem ra chẳng có gì đạo hạnh cho lắm dưới con mắt người đời (1,3.5.6.16). Thế nhưng, tác giả cố ý xếp họ vào hàng danh dự là tổ mẫu của Đấng Mêsia. Vậy mà dự án của Thiên Chúa vẫn âm thầm được thực hiện. Hay nói cách khác, chính Thiên Chúa dùng cả những con người bất toàn ấy để cộng tác vào chương trình của Ngài. Ngài thắp lên niềm hy vọng ngay từ những điều không còn gì để hy vọng.
 
3. Bài học.
 
Qua gia phả, Mt trình bày rõ ràng rằng Đấng Kitô, Đấng Mêsia là một con người trong dòng lịch sử của Lời Hứa. Với ba lần con số 14[5] đời “tổ phụ”, xen lẫn với bốn phụ nữ hoặc là “kém đạo hạnh” theo cái nhìn của con người, hoặc có gốc gác là dân ngoại, tác giả nhấn mạnh thêm rằng Đấng Cứu Tinh không chỉ đi vào lịch sử của Dân Chúa, mà còn lịch sử của toàn thể nhân loại. Đọc gia phả này, ta cũng được mời gọi đảm nhận lịch sử đời mình. Một con người vĩ đại ấy là người đảm nhận gốc gác đời mình. Chính trong gốc gác ấy mà Đấng Kitô muốn tới gặp con người thật của ta.
 
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu

 
 

[1] Gia phả Đức Giêsu (Mt 1,1-25) ; thời thơ ấu của Ngài (2, 1-23).
 
[2] Mt trích gia phả từ nguồn 1 Sbn 2-3 và R 4,18-22; còn Lc trích từ 2 Sm 5,14; 1 Sbn 3,5.
 
[3] Đức Giêsu Kitô đến từ dòng dõi Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham. Ở đây, đối với độc giả gần gũi Kinh Thánh, ai cũng nhận ra rằng: dự án của Thiên Chúa loan báo hôm xưa với Đa-vít (2 Sm 7,14-15) đang được kiện toàn nơi Đức Giêsu. Đó chính là Đấng Mêsia, Đấng Được Xức Dầu mà Dân Riêng trông đợi. Tiếp đến, gia phả lội ngược tới tận Abraham, điều đó muốn nói rằng: lời Thiên Chúa hứa chúc phúc cho muôn dân tộc qua Abraham giờ này cũng được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô (St 12,1-4).
 
[4] Những chữ đầu của Mt, gốc tiếng Hy-lạp là Bi,bloj gene,sewj - bảng gia phả.
 
[5] Con số 14 là gấp đôi lần 7, con số biểu tượng cho sự tròn đầy. Như thế, với hai lần 7, tác giả muốn nhấn mạnh: Đức Giêsu Kitô trọn vẹn là con người và cũng trọn vẹn là Thiên Chúa. Có lẽ vì thế mà trong phần gia phả, có tới hai lần tác giả nói: “Đây là gia phả-gốc tích của Đức Giêsu (1,1.18). Sau gia phả có gốc gác con người (1,1-17), tác giả trình bày ngay gốc gác thần linh của Đức Giêsu (1,18-25).
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm211
  • Hôm nay67,639
  • Tháng hiện tại654,521
  • Tổng lượt truy cập70,682,278
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây