Gặp gỡ Chúa qua các Thánh Vịnh (3)

Thứ sáu - 08/07/2016 05:51  2374
HIỂU HƠN VỀ CON NGƯỜI
 
1. Đặt mình trước mặt Chúa rồi xin Ngài ban Thánh Thần Tình Yêu soi lòng mở trí để ta hiểu về chính con người của ta.

2. Đọc chậm rãi  Tv 1

Phúc thay người….

(1) Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
(2) nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
(3) Người ấy tựa cây trông bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
 
(4) Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
(5) Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
 
(6) Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
 
Quan sát Tv 1 thấy 3 câu đầu đề cập tới người công chính, c.4-5 nói về người gian ác, và câu 6 là cái nhìn của Thiên Chúa. Từ quan sát này, ta đề nghị một cấu trúc ba phần.

-phần 1 : c. 1-3 mô tả người công chính.
-phần 2 : c. 4-5 mô tả người gian tà.
-phần 3 : c. 6 nói về cái nhìn của Thiên Chúa.

3. Vài gợi ý suy niệm

a. Phần 1 : Khuân mẫu người công chính

Thánh vịnh này bắt đầu bằng một lời chúc phúc « hạnh phúc thay… ». Điều này như hé mở cho ta thấy rằng còn hơn là một lời cầu nguyện, Thánh vịnh này như là một mối phúc. Chính vì thế để nếm nghiệm chiều sâu của lời chúc phúc này, ta thử xem vì đâu mà con người được chúc phúc. « Phúc thay người không chạy theo đường lối kẻ gian tà » như mời ta hướng tới tám mối phúc : « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ ; phúc thay ai hiền lành…. » (Mt 5) ; hoặc hướng tới mối phúc của Mẹ Ma-ri-a : « phúc thay em là người đã tin.. » ; hoặc lời chúc phúc của Chúa Giê-su : « phúc thay ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành ».

Lời « phúc thay » được đặt ở đầu Tv 1, cũng như mở đầu cho 150 Tv, như thể để nói về căn tính của người cầu nguyện. Ấy là người công chính, họ là người đặt mình trước mặt Chúa và được chúc phúc. Người này không chạy theo mưu kế kẻ gian tà, chẳng đứng vào vào kẻ tội lỗi ; không ngồi chung với phường độc ác. Bình thường thì ta thấy câu Tv 1,1 này đơn giản, nhưng theo sát bản văn Do-thái, ta thấy câu Thánh vịnh này diễn tả ba trạng thái năng động của người công chính : đi, đứng và ngồi. Rồi nữa, người công chính không phải là người khép kín, mà là mở ra mối tương quan với người khác. Người công chính không để mình bị cuốn vào những trào lưu dễ dãi của xã hội.

Hai câu tiếp c. 2-3 là mô tả những việc làm của người công chính. Ta có thể nghĩ rằng, người này sẽ làm nhiều việc : bác ái, cầu nguyện, phục vụ người khác. Nhưng Tv 1 nói cho ta nhiều hơn về thái độ thẳm sâu của người công chính đối với điều mà họ yêu thích. Trước hết, niềm vui của người công chính tìm thấy ở Lề Luật của Thiên Chúa, rồi nghiềm ngẫm Luật Chúa đêm ngày. Nói cách khác, lương thực chính của người công chính là Luật Chúa. Người này ví tựa cây chà là trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa. Đối với chúng, hình ảnh này có vẻ bình thường, nhưng ở Đất Thánh (Pa-lét-tin) nước rất hiếm hoi và quý giá. Thành ra một cây được trồng cạnh suối nước, ấy là một điều hạnh phúc lớn lao phi thường. Rễ cây này còn được cắm sâu vào nguồn nước, thành ra hoa trái luôn luôn dồi dào. Tóm kết trường hợp người công chính ấy là : « mọi việc người này làm đều thành công ». Một bản dịch sát tiếng Do thái có thể là : mọi việc người này làm, Thiên Chúa cho họ thành công. Đó là người tìm kiếm hạnh phúc nơi Lề Luật Thiên Chúa, họ được hướng dẫn bởi chính tình yêu nội tại mà Thiên Chúa đặt nơi trái tim họ.

b. Phần 2 mô tả người bất lương (c. 4-5)

Người bất lương tương phản với người công chính. Họ tựa vỏ trấu bị gió cuốn đi ; có nghĩa là họ không thể thành công, những gì họ muốn thì vuột khỏi tay họ. Các công việc của họ có đó để rồi bị đổ vỡ.

c. Phần 3 đề cập tới cái nhìn của Thiên Chúa (c. 6)

Thiên Chúa thấu suốt tâm can người công chính và kẻ gian tà. Chính Ngài trả cho họ điều họ xứng đáng (c. 6). Người công chính hưởng sự chúc phúc an lành của Thiên Chúa, còn kẻ bất lương thì chẳng có gì đáng kể.

Ta có thể hiểu ý nghĩa biểu tượng như sau : theo truyền thống, suối nước chính là biểu tượng của Chúa Thánh Thần ; còn cây trồng bên suối nước ấy là người cắm rễ sâu nơi dòng suối mát của Chúa Thánh Thần.

4. Chiều kích thần học của Tv

Tv mở đầu cho các Tv này dạy ta một nhân sinh quan của Thánh Kinh (cái nhìn về con người theo Thánh Kinh). Vậy thì cốt lõi người công chính hệ tại ở đâu ? Người bất lương hệ tại chỗ nào ?

Nhân sinh quan về người công chính hệ tại ở lựa chọn. Con người luôn đối diện với các tình huống, ở đó họ phải lựa chọn. Nói tới lựa chọn, đó không phải là những lựa chọn ngẫu nhiên, rời rạc. Nhưng lựa chọn của người công chính gắn liền với việc dấn mình vào tương lai của người đó. Người công chính ý thức việc lựa chọn có thể làm mình lớn lên hoặc hủy hoại.

Bình thường ở phương diện luân lý, ta hiểu rằng người công chính thì làm điều tốt lương thiện, còn ác nhân trộm cắp giết người…Tuy nhiên, trong Tv 1, nói về người công chính và ác nhân ở trong tương quan với điều mà họ yêu thích. Chính ở điểm này, ta có thể trả lời như sau : người công chính là người sống nhờ Lời Thiên Chúa, yêu mến Luật Chúa Trời. Tức là người ngợi ca những gì Thiên Chúa làm cho họ và họ được kêu gọi để đáp trả Lời Thiên Chúa. Như thế, ở đây Tv 1 nói về nhân sinh quan Thánh Kinh rằng : nếu chỉ những nỗ lực luân lý của con người (tức là cố gắng riêng của con người) thì chưa đủ ; họ cần quy hướng về LỜI THIÊN CHÚA, để Lời Chúa nuôi dưỡng mình, để mình được ngụp lặn trong suối nước Tình Thương của Chúa. Hạnh phúc mà người công chính nếm nghiệm không phải là hạnh phúc kiểu thế gian, nhưng là kinh nghiệm gặp gỡ chính Thiên Chúa. Ở đó, người công chính xác tín rằng : chỉ riêng khả năng nỗ lực xây dựng và điều kiển con người riêng của mình sẽ không làm cho họ nếm nghiệm thật sự là họ trở nên công chính ; nhưng là đón nhận LỜI TÌNH YÊU của Thiên Chúa ngỏ với họ. Chính Lời Thiên Chúa vén mở cho tôi biết tôi là ai, tôi được mời gọi vì lý do gì ; lớn lao nhường nào về ơn gọi của tôi ; đâu là hy vọng mà tôi cần thắp sáng lên cho thế giới. Chính ở đây ta hiểu hơn về định nghĩa luân lý : luân lý không phải dừng lại ở những điều « đúng sai » theo nghĩa con người, nhưng cần vượt lên trên. Đó là khả năng của một người để cho Lời Sáng Tạo của Thiên Chúa tái tạo mình và vén mở cho mình những điều sâu thẳm của cõi lòng mình.

Vậy kẻ ác nhân thì sao ? Đó là người không lựa chọn vai trò tiên quyết của LỜI. Ấy là người tự coi trọng mình mà không biết đón nhận Lời ; nói cách khác, người này từ chối LỜI. Dĩ nhiên, Lời Thiên Chúa gởi tới con người dưới muôn hình vạn trạng, ấy là LỜI thẳm sâu mời gọi con người tới sự thật và công lý. LỜI luôn mời gọi con người đi ra khỏi chính cái tôi ích kỷ của mình để hiến dâng tặng ban cho người khác. Đó chính là « hoa trái », kết quả của người để cho Lời thấm đượm.

5. Lời Tv 1 với cuộc sống hiện tại của ta

Lời Tv chất vấn ta : có thật sự ta sống nhờ Lời Thiên Chúa ? Rồi trong cuộc sống, tôi đã ưu tiên cho việc nếm nghiệm Lời Chúa thế nào ? Trong Tv nói : « người công chính suy niệm Luật Chúa đêm ngày ». Chính đó là niềm vui đích thực. Lời Chúa sẽ giúp ta không bị « xô giạt bởi gió cuộc đời » làm bay đi vỏ trấu.

Lời Tv cũng chất vấn ta : đâu là hoa trái cụ thể của việc ta sống Lời Chúa ? Lời Chúa biến đổi mối tương quan với người khác ra sao ? Tôi có thật sự chân thành, tự nhiên với người khác, hay vẫn còn « giả hình » ? Tôi có khả năng « tha thứ » cho chính tôi và người khác chưa ?
 
Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, xin Mẹ cầu bầu cho ta cũng biết nếm nghiệm niềm vui đích thực khi ta suy gẫm Lời Chúa và đưa ra thực hành.

Tác giả: Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập171
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay55,174
  • Tháng hiện tại595,740
  • Tổng lượt truy cập70,623,497
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây