Tin mừng Matthêu, Tin mừng Đấng Emmanuel (4)
Thứ hai - 20/02/2017 22:32
2781
PHẦN II: TÌM HIỂU MỘT SỐ BẢN VĂN TIÊU BIỂU
B. NĂM TRÌNH THUẬT XEN KẼ NĂM BÀI DIỄN VĂN (3-25)
Phần chính của Tin mừng gồm năm trình thuật xen kẽ năm bài diễn văn. Những dòng dưới, chúng ta sẽ tìm hiểu mỗi phần một bản văn tiêu biểu mà thôi.
II. Chữa lành đầy tớ viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13)
Sau khi công bố Nước Trời (3-7), ấy là những lời rao giảng Nước Trời của Đức Giêsu tại Galilê (8-10). Trong phần này, Chúa Giêsu làm mười phép lạ[1]. Trong tiếng Hylạp, phép lạ đến từ chữ dunameis có nghĩa là: quyền năng vượt lên trên khả năng tự nhiên của con người. Nơi Tin mừng Mt, phép lạ - dunameis còn có nghĩa sâu xa: chính Thiên Chúa tự nguyện thông ban quyền năng mãnh liệt cho Đức Giêsu, để Ngài bộc lộ quyền năng này cho con người. Quyền năng này làm xoa dịu những nỗi sầu khổ đớn đau bệnh tật, phá tan xiềng xích của quyền lực ác thần, tha thứ tội lỗi con người, rồi có cả quyền làm chủ thiên nhiên nữa. Ở đây ta chỉ trình bày phép lạ chữa lành đầy tớ viên đại đội trưởng mà thôi (8,1-17).
1. Khung cảnh
Chúa Giêsu di chuyển tới thành Caphácnaum, nơi Ngài sẽ trải qua thời gian chính trong sứ vụ công khai tại đây. Nếu như phép lạ trước diễn ra trong khung cảnh giữa những người Do-thái, thì bây giờ cánh cửa lại nới rộng cho người dân ngoại: viên đại đội trưởng đích thân đến gặp Người và trình bày tình trạng người tôi tớ của ông bại liệt đau đớn nằm ở nhà (8, 6). Và ông xin Đức Giêsu can thiệp.
2. Vài ý chính
Bại liệt, ấy là tình trạng không thể tự mình di chuyển được, bại liệt ấy cũng là tình trạng bị lệ thuộc. Đầy tớ ấy như thể bị quyền lực của sự chết hoành hành: “tê bại nằm liệt”. Khi trình bày tình cảnh này, ông đại đội trưởng hoàn toàn để cho Đức Giêsu tự do quyết định. Ông không hề áp đặt lên Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu tự nguyện nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó” (8,7). Chúa Giêsu nói lên ước mong của Ngài sẽ đến tận nơi để đem lại sức khỏe và sự sống cho người tôi tớ ấy.
Quyết định của Đức Giêsu thật táo bạo. Vì Ngài dám liều lĩnh muốn đặt bước chân tới nhà người dân ngoại; còn hơn nữa tới nhà “viên đại đội trưởng”, tức là đến nhà của “những người đang đô hộ” (quân đội Rôma) dân tộc của Ngài. Ngài đến đó không phải để gặp một người tự do quyền thế, mà là gặp một người “đầy tớ” nô lệ ốm đau, tức là một người chẳng có một chút danh dự nào dưới con mắt của người đời. Chính việc dấn thân quảng đại của Đức Giêsu đã khiến viên đại đội trưởng thốt lên: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (8, 8). Ở đây, như thể có một phép lạ đang âm thầm diễn ra trong lòng viên đại đội trưởng. Ông không hề dựa vào “quyền hạn” của mình, cũng không dựa vào danh dự của người Rôma, nhưng ông đặt mình như một người tôi tớ chân thành trước mặt Đức Giêsu: ông không xứng đáng, hoàn toàn không xứng đáng. Bây giờ ông chỉ xin tình thương của Đức Giêsu phán một lời, thì người đầy tớ sẽ được lành mạnh.
Đức Giêsu ngạc nhiên về đức tin của anh ta. Ngài khen: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế” (8, 10). Thông thường, Đức Giêsu hay khiển trách về lòng kém tin của các môn đệ. Chẳng hạn ở phép lạ dẹp yên biển động, Đức Giêsu quở mắng họ: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin” (8, 26); hay Đức Giêsu trách Phêrô: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (14, 31). Rõ ràng là để có được Đức tin vào Đức Giêsu, thì luôn cần một hành trình dài khó khăn đối với các môn đệ. Ấy thế nhưng, viên đại đội trưởng lại được Đức Giêsu khen. Trong Tin mừng, Chúa chỉ khen đức tin của hai người, mà cả hai người này đều là dân ngoại. Trường hợp thứ nhất là viên đại đội trưởng ở đây, và trường hợp thứ hai là người đàn bà Canaan có con gái bị quỷ ám: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được như vậy” (15, 28). Khen Đức tin của người ngoại, một đàng Đức Giêsu chỉ cho thấy, Đức tin luôn là quà tặng từ phía của Thiên Chúa. Cùng lúc, Ngài nhận ra rằng, chính Chúa Thánh Thần đang âm thầm chuẩn bị Đức tin nơi những người dân ngoại. Thành ra Ngài nói: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (8,11).
Như vậy, Đức Giêsu quyết định hạ mình vượt qua biên giới của tôn giáo, để đến với những người ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới của tự ái dân tộc, để đến với những người “đang đô hộ” mình. Ngài cũng vượt qua biên giới của giai cấp để tới “những người nô lệ”. Chính thái độ vượt qua này, Đức Giêsu đang thấy Thánh Thần hoạt động nơi những tâm hồn dân ngoại.
3. Bài học
Đức Giêsu đã vượt qua những bức tường rào thiên kiến do con người tạo ra, để đến với những người khác về quan điểm sống, khác về quốc gia, khác về tầng lớp xã hội. Là môn đệ của Ngài, ta cũng được mời gọi mở rộng lòng để Chúa ngự vào, từ đó ta sẽ đến gặp gỡ những người khác, đặc biệt những người ngoại. Vì chính Chúa Thánh Thần đã đi bước trước, Ngài đang mở tâm hồn dân ngoại để đón nhận Đức Kitô.
Tình thương không bao giờ là “mông lung lý thuyết”, nhưng luôn là từng người cụ thể, cụ thể tới độ gặp những con người cùng khốn bệnh tật. Chính ở đó, hành động xác nhận lời rao giảng. Còn hơn nữa, hành động cần được hướng về Thập giá cuộc Tử Nạn.
III. Ân huệ nhận biết Đức Giêsu (11, 25-30)
Sau khi rao giảng Nước Trời ở Galilê với các phép lạ (8-10), Đức Giêsu tiếp tục triển khai về mầu nhiệm Nước Trời (11-13). Trong phần này, chúng ta dừng lại tìm hiểu trình thuật Ân huệ nhận biết Đức Giêsu (11, 25-30).
1. Bối cảnh
Sau khi rao giảng về Nước Trời, dường như phần đông thính giả không đón nhận sứ điệp giảng dạy và các phép lạ Đức Giêsu làm. Ngài nhận định về thế hệ đương thời, họ tựa thể những “đứa trẻ ngoài chợ” hời hợt rỗng tuyếch (11, 16-19); rồi Ngài cũng đang quở trách những thành phố đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, thế mà không chịu sám hối (11, 20-24). Cụ thể hơn, họ không nhận biết Ngài là Đấng mà Thiên Chúa sai đến với họ. Dường như việc nhận biết Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai cả là một huyền nhiệm. Trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Chúa Cha.
2. Vài ý chính
Trước hết, như đã nói, giữa bầu khí nhiều người không tin nhận Tin mừng của mình, thì thay vì buồn bã, Đức Giêsu lại cất tiếng ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha”. Ngợi khen là thái độ đầu tiên khi con người đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, tâm hồn cảm thấy hân hoan nhiệt thành phấn khởi, hoặc khi lòng mình ngỡ ngàng nhận ra những công trình lớn lao vĩ đại của Thiên Chúa. Cụ thể, giữa giây phút như thể người đời quay lưng, thì Đức Giêsu lại ngợi ca, lại thấy niềm hy vọng lạ lùng[2]. Bởi vì Chúa Cha là Đấng làm chủ tể trời đất. Ngài quan phòng làm chủ dòng lịch sử, Ngài cho hoa vẻ đẹp, nuôi dưỡng chăm sóc chim trời (x. 6, 25-34). Thì chính Ngài cũng can thiệp và làm cho cả những biến cố có vẻ tiêu cực (thất bại, bị người ta từ chối) trở thành ý nghĩa.
Tiếp đến, đường lối mặc khải của Thiên Chúa thật lạ lùng: Ngài dấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái nhận ra Đức Giêsu, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Người bé mọn theo Thánh Kinh, ấy cũng là những người nghèo anawim của Đức Chúa. Ấy là những người tự nguyện không bám víu vào vật chất và kể cả những khả năng riêng của mình, để đời mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Những con người bé mọn ấy, Chúa Cha vui lòng mặc khải cho họ. Chính biến cố mặc khải này đưa người bé mọn vào sống trong tương giao mật thiết với Ngài. Sau này, khi kể các dụ ngôn về Nước Trời, Đức Giêsu thường kết thúc bằng lời cô đọng: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, hoặc “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (x. 19, 30; 20, 16). Kẻ bé mọn là người được Chúa ghé mắt nhìn đến và là người không có gì cả, họ hoàn toàn đợi chờ từ Thiên Chúa.
Tiếp đến, Đức Giêsu tâm sự: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha...” (c. 27). Niềm xác tín sâu xa: Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Động từ gốc tiếng Hy-lạp parađiđômi-paradi,dwmi có nghĩa là hiến trao, hiến trao mãi mãi và luôn luôn. Bởi suối nguồn luôn là tuôn trào, thành ra hiến trao mãi là năng động. Cả cuộc đời của Đức Giêsu được nhìn trong tiến trình hiến trao của Chúa Cha. Mà hiến trao thì không bao giờ là nửa vời, trái lại luôn luôn là muốn hiến trao tất cả, vét cạn cho người mình yêu. Thành ra, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giao phó “mọi sự” cho Ngài. Mọi sự không phải là vật chất nữa, mà là chính Ngôi vị Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa ta tới sự hiểu biết: biết mình là ai, biết mình phát xuất từ đâu. Biết ở đây là được thông dự vào dòng chảy thần linh mãnh liệt của Thiên Chúa.
Đức Giêsu ắp đầy Khôn Ngoan mời gọi sống thực hành: Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề (c. 28). Lời mời gọi này chỉ thấy có nơi Tin mừng Mát-thêu mà thôi[3]. Cụ thể, vì độc giả là những tín hữu gốc Do-thái, ách có ý nghĩa biểu tượng diễn tả thái độ tự nguyện vâng phục; hoặc ách được hiểu như là nhiệm vụ chu toàn Lề Luật (Torah) [4]. Trước việc tuân giữ Lề Luật nặng nề, Đức Giêsu mời gọi họ tới với Ngài để Ngài đỡ nâng cho những ai mang gánh vác nặng nề. Ngài mời gọi hãy “mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (c. 29-30). Ách của Chúa Giêsu được hiểu như là chính lời dạy dỗ của Đức Khôn Ngoan, hoặc đó là việc tìm kiếm Thánh Ý Chúa Cha. Sách Huấn ca nói rõ: “Hỡi những người không được giáo huấn, hãy đến gần tôi và thụ huấn với tôi...Hãy tra cổ vào ách, và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn; giáo huấn này, các bạn có thể tìm thấy ngay ở bên cạnh mình” (Hc 51, 23.26).
3. Bài học
Biết và đón nhận Đức Giêsu Kitô đúng nghĩa, đó luôn là quà tặng mặc khải từ Thiên Chúa. Hiểu biết của con người chỉ như thể là chuẩn bị mà thôi. Sống tâm tình khiêm mọn nhỏ bé để có thể nhận được mặc khải luôn luôn mới mẻ từ Thiên Chúa.
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu
[1] Mười phép lạ trong phần này gồm: 1. Chữa người bị phong hủi (8,1-4); 2. Chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (8,5-13); 3. Chữa lành mẹ vợ của Phêrô (8,14-15); 4. Dẹp yên biển động (8,23-27); 5. Trừ quỷ (8,28-34); 6. Chữa lành người bại liệt (9,1-8); 7-8. Chữa lành người đàn bà bị băng huyết và phục sinh con gái viên thủ lãnh (9,18-26); 9. Chữa lành hai người mù (9,27-31); 10. Chữa lành người câm bị quỷ ám (9,32-34). [2] Tin mừng Lu-ca diễn tả mạnh mẽ niềm vui lạ lùng của Đức Giêsu: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (x. Lc 10, 21-22). [3] NIB (The New Interpreter’s Bible), Matthew and Mark, volume VIII, Abingdon Press, 1994, tr. 274. [4] NIB (The New Interpreter’s Bible), Matthew and Mark, volume VIII, Abingdon Press, 1994, tr. 275: Theo truyền thống Cựu Ước, ách có ý nghĩa biểu tượng nhằm để phục vụ, và ách được hiểu như là thái độ tự nguyện vâng phục. Và trong chiều hướng này, ách được hiểu như là nhiệm vụ chu toàn Lề Luật (Torah). Đức Giêsu muốn đề cập tới ách, ấy là nói tới Thánh Ý Chúa Cha.