Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể (tiếp)

Thứ ba - 23/01/2018 19:44  1763
C. SÁCH VỀ GIỜ (13,1 – 20,29)

Nếu trong cuốn sách Dấu Chỉ, thính giả rất đông, thì sang cuốn sách về Giờ, chỉ còn lại nhóm 12, những người thân tín với Đức Giê-su. Hơn nữa, nếu như cả ba năm rao giảng công khai, tác giả gói gọn trong có gần 12 chương đầu, thì chỉ vỏn vẹn hơn một tuần cuối cùng cuộc đời Đức Giê-su, tác giả đã dùng cả phần thứ hai để mà giãi bày. Hẳn rằng những giây phút cuối cùng cuộc đời Đức Giê-su ấy là những phút giây đỉnh cao cuộc đời và ý nghĩa thật dồi dào phong phú. Ở đây ta chỉ tìm hiểu biến cố rửa chân (Ga 13,1-12) và biến cố về Giờ mà thôi (18,1 – 20,29).

I. Trình thuật Rửa Chân (13, 1-12)

1. Khung cảnh

Trước hết, tác giả đặt độc giả vào khung cảnh linh thánh của dịp lễ Vượt Qua (13,1). Đây là dịp lễ Vượt Qua thứ ba[1] và cũng là cuối cùng của Đức Giê-su. Giữa bầu khi trang trọng này, tác giả thuật lại biến cố Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (13,1-12). Trong trình thuật này, đa số các học giả chia 13,1-12 làm hai phần[2]: Ga 13,1-3 giới thiệu khái quát chương 13 và cả cuốn sách về Giờ (13,1 – 20,29); Ga 13,4-12 thuật lại biến cố rửa chân.

2. Vài ý chính

a. Ga 13,1-3, cửa ngõ của cuốn sách về Giờ

Như đã nói, mở đầu cuốn sách về Giờ, tác giả dùng lối văn long trọng uy nghiêm: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (13,1). Giữa bầu khí linh thánh dịp lễ Vượt Qua, tác giả đề cập tới giờ của Đức Giê-su. “Giờ” không phải là thời lượng cân đong đo đếm của kim đồng hồ. Nhưng “giờ” theo tin mừng thứ tư là thời khắc chỉ một mình Chúa Cha hoàn toàn tự do quyết định. Quyết định thần linh này liên quan tới vận mạng Đức Giê-su, khi mà chưa tới giờ thì kẻ thù không thể làm gì được Ngài (x. 7,6.30; 8,20).

Biết được Giờ, ấy là ân huệ tặng ban: khi Chúa Cha tỏ cho Chúa Giê-su thì Ngài biết về Giờ này (x. 13,1; 17,1). Hiểu về “giờ” như thế, tác giả nhấn mạnh ý thức thần linh sâu thẳm (oi=da) của Chúa Giê-su (c. 1.3). Tin mừng thứ tư dùng hai động từ để nói về sự hiểu biết. Khi nói về hiểu biết chung chung thì tác giả dùng động từ ginw,skw - ginoskô; còn khi diễn tả sự hiểu biết thâm sâu, một hiểu biết được tham dự vào sự hiểu biết thần linh thì tác giả dùng động từ oi=da - hoiđa. Hiểu biết thần linh luôn kèm theo nguồn nghị lực thôi thúc thực hiện dự án của Thiên Chúa, dù có phải trả giá. Cụ thể, Đức Giê-su biết giờ của Ngài đã đến, đó là biết cái chết cận kề: giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Như thế, mở đầu cuốn sách về Giờ, bóng dáng đỉnh đồi Gôn-gô-tha đã xuất hiện. Đối diện với cái chết cận kề, thông thường người ta dễ “rút lui, thu mình lại” trong thế giới riêng tư. Trái lại, Đức Giê-su lại mở ra phía “những kẻ thuộc về Ngài”: Ngài hằng yêu thương họ, Ngài yêu thương họ đến cùng (c. 1). Sợ độc giả không lưu tâm đủ, tác giả phải lặp đi lặp lại động từ yêu thương. Qua đó diễn tả dòng thác tình yêu đang cuộn chảy trong con tim Thầy Chí Thánh hướng về các môn đệ: Ngài yêu thương họ đến cùng (eivj te,loj). “Tình yêu đến cùng” trước hết diễn tả cường độ mãnh liệt, Đức Giê-su vét cạn hiến trao tất cả cho các môn đệ, không giữ lại riêng điều gì cho mình. Rồi nữa, tình yêu đến cùng diễn tả thời gian bền vững mãi mãi, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, thì tình yêu của Đức Giê-su vẫn luôn sắt son kiên vững.

Ngay cả khi Giu-đa phản bội, có sự lôi kéo của Xa-tan (13,2), thì tình yêu đến cùng của Đức Giê-su không hề bị ngưng trệ. Trái lại, dường như lòng Giu-đa phản bội càng tăm tối, thì lại càng làm nổi bật ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Đức Giê-su đối với dự án của Chúa Cha. Bởi vì, Đức Giê-su hoàn toàn tín thác vào tình yêu hiến trao trọn vẹn của Cha dành cho Ngài. Và vẫn tình yêu trọn vẹn ấy, Đức Giê-su diễn tả qua hành động rửa chân.

b. Trình thuật rửa chân (13,4-12)

Biến cố rửa chân trực tiếp đến từ ý thức thần linh (oi=da), ý thức thẳm sâu, thấu hiểu của Đức Giê-su. Thế nên, từng hành động của Đức Giê-su thật quan trọng ắp đầy ý nghĩa. Trước hết, Đức Giê-su thay đổi vị trí từ “ngồi” tới “đứng dậy” (evgei,rw), đó là quyết định dứt khoát. Ngài lựa chọn tự nguyện “rời bàn ăn”, tức là rời vị trí của người chủ tiệc. Rồi cởi áo ngoài ra (ti,qhmi), hành động này theo nguyên nghĩa Hy-lạp gọi nhớ về cử chỉ của người mục tử nhân lành, thí mạng sống mình cho đoàn chiên (ti,qhmi, 10,11.15). Như thế cử chỉ « cởi áo ngoài » của Đức Giê-su để chuẩn bị Rửa Chân ở đây được hiểu theo nghĩa là nhắm tới mục đích là nhằm cho « đoàn chiên » có được sự sống dồi dào (x. 10,15).

Hành động rửa chân của Đức Giê-su gặp cản trở từ phía của Phê-rô: « Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?» Phản ứng này diễn tả sự ngạc nhiên, sửng sốt. Phản ứng căng thẳng này còn được đẩy mạnh tới thái độ quả quyết của Phê-rô: « Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu ». Rõ ràng, Phê-rô phản ứng dứt khoát, không bao giờ ông có thể chấp nhận, nếu không có một yếu tố thần linh can thiệp.

Trước thái độ từ chối quyết liệt của Phê-rô, Đức Giê-su trả lời: « Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy » (13,8b). Độc giả không biết Phê-rô có hiểu lời này của Chúa Giê-su không, nhưng rõ ràng sau lời này của Chúa Giê-su thì Phê-rô thay đổi hoàn toàn: từ việc từ chối kiên định tới chỗ chấp nhận hoàn toàn. Rõ ràng lời của Chúa Giê-su đã đảo lộn quyết định của Phê-rô. Lời của Đức Giê-su đề cập tới việc: rửa chân. Động từ « rửa » ở đây hội tụ các động từ khác trong mạch văn (ni,ptw, 13,5. 6.8*.9.10 12.14*). Động từ này cũng gợi nhớ độc giả về trình thuật chữa lành người mù từ lúc bẩm sinh: anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa (Si-lô-ác có nghĩa là Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được (9,7-8). Trong chiều hướng này, việc rửa chân của Chúa Giê-su không chỉ nói tới việc phục vụ, mà điểm nhắm tới là « hiểu, nhìn thấy », tức là cần được « mở mắt tâm linh » (bảy lần động từ mở mắt: 9,10.14.17.21.26.30.32)[3]. Như thế, việc Đức Giê-su rửa chân ở đây có liên quan trực tiếp tới việc « mở mắt tâm linh » giúp đón nhận được đức tin. Tiếp đến, lời Đức Giê-su đề cập tới việc «chung phần với Đức Giê-su» (me,roj). Thông thường, trong Thánh Kinh, « được chung phần » có nghĩa là được chia sẻ với ai đó một gia tài, một điều tốt nào đó[4]. Thành ngữ này, theo như      F. Manns[5], nhằm chỉ hoặc Đất Hứa, hoặc Lề Luật, hoặc Đền Thờ. Còn J. Briend đề nghị rằng « được chung phần với Đức Giê-su » nhằm chỉ việc được tiếp đón thời cánh chung, thời cuối cùng khi mà Đức Giê-su tiếp đón nhân loại trong nhà Cha của Ngài (14,2)[6]. Ta không từ chối những đề nghị trên, nhưng theo như mạch văn Ga 13, « được chung phần » với Đức Giê-su ấy là được đi vào sống huyền nhiệm tự hạ (kenôsis) của Ngài: Khi rửa chân, Đức Giê-su chuyển từ địa vị « Chúa » (ku,rioj) sang là « tôi tớ, nô lệ ». Trong chiều hướng này, khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su biến hình (theo ngôn ngữ Gio-an): Ngài chuyển từ vai trò là Chúa « ku,rioj » sang vai trò là « nô lệ ». Nhờ đó, con người được chung phần đi vào sống huyền nhiệm tự hạ, đường lối mặc khải của Thiên Chúa.

Như vậy, « được chung phần với Đức Giê-su » là được nhận cùng « ân huệ là chính sự sống Đức Giê-su ». Nếu như việc rửa chân gây choáng váng cho Phê-rô, thì Chúa Giê-su dùng chính cú sốc này để làm phá vỡ những « luật lệ, phạm trù » của nhân loại, Ngài làm sáng lên một ý nghĩa mới, một ý nghĩa ở ngoài những lý lẽ con người: Thiên Chúa trọn vẹn làm người đã quỳ xuống rửa chân cho con người. Làm điều này, Đức Giê-su càng đào sâu một vực thẳm không gì có thể vượt qua được giữa suy nghĩ con người và đường hướng của Thiên Chúa. Chính « tình yêu tới tận cùng » (eivj te,loj) của Chúa Giê-su đã thúc đẩy hành động rửa chân này. Và như thế, Chúa Giê-su hoàn toàn tự do trước con người.

Khi nghe Đức Giê-su đề cập tới “chung phần”, Phê-rô thay đổi hoàn toàn: Ông không những xin được rửa chân, mà cả tay và đầu nữa (x. c. 9). Ông ước mong được thanh tẩy tận sâu thẳm nội tâm. Chúa đã sẵn sàng ban ơn, chia sẻ « chung phần » với các môn đệ. Tùy lòng mỗi người có mở ra đón nhận hay không. Khi con người khép kín, ấy là lúc họ phản bội quay lưng với Ngài.

Câu 12 như thể thuật lại kết quả của việc rửa chân đã được nói ở câu 4-5. Nếu như phần mở đầu, Đức    Giê-su đứng dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài (x. c. 4-5) thì các hành động ở cuối lại được trình bày cách tương phản: « rửa chân xong cho các môn đệ, Đức Giê-su mặc áo, về chỗ và nói… ». Hành động này của Chúa Giê-su thể hiện rõ: Ngài hoàn toàn tự do. Chính vì tự do và hoàn toàn chủ động ý thức, thành ra việc rửa chân của Ngài có giá trị đích thực. Tự do này mời gọi ta nhớ về lời của Chúa Giê-su đã nói trong trình thuật về người mục tử nhân lành: « Sở dĩ Chúa Cha yếu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, những chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được » (x. 10,17-18). Với con tim thanh thoát, Đức Giê-su hỏi: « Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?» Đó là lời kết của trình thuật Rửa Chân, cùng lúc lời kết thúc này không phải là lời khép kín, mà là một kết thúc mở ra trình thuật tiếp theo.

[1] Lễ Vượt Qua thứ nhất được nói ở Ga 2,13, Đức Giê-su hành hương lên Giê-ru-sa-lem; lần thứ hai được đề cập ở Ga 6,4, dịp ấy, Đức Giê-su ở tại vùng Ga-li-lê.
[2] Robert A. CULPEPPER. The Johannine Hypodeigma : A Reading to John 13. In Semeia 53 (1991), p. 135 ; Xavier LÉON-DUFOUR. Lecture de l’évangile selon Jean. Tome III. p. 13-14.
[3]Norberto, Dẫn nhập phê bình vào Truyền thống Gio-an, tr.144-146.
[4] Idem. , tr.31.
[5]Frédéric MANNS. Le lavement des pieds. Essai sur la structure et la signification de Jean 13. tr. 168.
[6] Jacques BRIEND. La signification du lavement des pieds (Jn 13,1-20). tr. 18. 22.

Tác giả: Cha Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập250
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay34,704
  • Tháng hiện tại895,065
  • Tổng lượt truy cập78,898,516
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây