Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể

Thứ sáu - 26/01/2018 18:39  2144
saint johnII. Biến cố về Giờ (18,1 – 20,29)

Nhình khái quát biến cố về Giờ (18,1 - 20,29), người ta có thể dựa theo cấu trúc của tin mừng Nhất lãm để tách rời trình thuật Thương Khó ở  Ga 18,1 - 19,42 với trình thuật Phục Sinh ở 20,1- 29. Với cách phân biệt này, Nhất lãm muốn nhấn mạnh cuộc đau khổ của Đức Giê-su. Không phủ nhận cách phân biệt này, nhưng nhìn vào chính bản văn của tin mừng thứ tư, ta thấy có một sự nối kết liền lạc, không thể tách rời nhau giữa biến cố Tử Nạn và Phục Sinh. Các lý do như sau: trước hết khung cảnh « khu vườn » ở đầu trình thuật Thuơng Khó (18,1) liên đới với “khu vườn” khác ở cuối trình thuật Thương Khó (19,41), rồi nối kết với chi tiết “người làm vườn” ở trình thuật Phục Sinh (20,15). Tiếp đến là câu hỏi « các anh tìm ai ?» ở đầu biến cố Tử Nạn ( Ga 18,4a) thấy âm vang ở câu hỏi của Đấng Phục Sinh ngỏ với Ma-ri-a Mác-đa-la: « Bà tìm ai ? » (20,15). Cuối cùng thì việc Đức Giê-su trao ban Thần Khí (19,30) ở trong biến cố Thương Khó cũng gọi về việc trao ban Thần Khí của Đấng Phục Sinh (20,22).

Rõ ràng tin mừng thứ tư muốn làm nổi bật sự nối kết liền lạc của biến cố về Giờ: Thương Khó không thể tách rời Phục Sinh. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh nội dung thần học sâu xa: vinh quang thấy ngay ở Thập Giá Đức Ki-tô ; sự sống trào dâng ngay ở trên đỉnh đồi   Gôn-gô-tha: sau khi tắt thở, Chúa Giê-su trao ban Thần Khí. Trong biến cố về Giờ, ta chỉ dừng lại tìm hiểu vài trình thuật sau mà thôi.

1. Lời cuối cùng của Ngôi Lời trên thập giá (19,28-30)

a. Khung cảnh

Khi bước vào biến cố về Giờ, tại “khu vườn”, Đức Giê-su tiến ra hỏi Giu-đa và quân lính: “các anh tìm ai?” Họ trả lời: tìm Giê-su Na-da-rét! Ngài nói: Chính tôi đây (x. 18,4-5). Câu trả lời của Đức Giê-su thật ý nghĩa: Trước hết, Ngài đảm nhận mình là Giê-su Na-da-rét; cuộc đời Ngài gắn liền với nơi chốn Na-da-rét chẳng có gì “hay ho” trước mắt người đời (x. Ga 1,46). Nhưng, những gì đáng giá trị, thì lại được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện dự án của Ngài. Thế nên, khi Đức Giê-su vừa trả lời: “Chính tôi đây”, thì quân lính, dù có vũ khí trong tay, phải lùi lại và ngã xuống đất (x. 18,6). Lời quyền năng mãnh liệt của Đức Giê-su gọi nhớ về Danh của Đức Chúa đã mặc khải cho Mô-sê trên núi Khô-rếp: Êgô Eimi, Ta là Đấng Ta LÀ (Xh 3,14).

Rõ ràng, ngay ở ngưỡng cửa của biến cố về Giờ, tin mừng thứ tư muốn khắc ghi trong tâm khảm độc giả: Đức Giê-su chính là Thiên Chúa trọn vẹn làm người, là Đấng Ta LÀ, dấn mình vào trong cái tăm tối của cái chết. Dù có bị người đời xét xử, bị treo trên thập giá (19,12-22), thì Ngài luôn là Đấng Êgô Êimi – Ta là Đấng Ta LÀ. Chính trong khung cảnh này, ta chiêm ngưỡng Đức Giê-su trên thập giá với những lời cuối cùng.

b. Vài ý chính

Đây là những giây phút cuối cùng của Đức Giê-su trước khi tắt thở. Trên thập giá, giữa trời và đất, Ngài nói: “Ta khát”. Cái khát ở đây có thể hiểu là cơn khát thể lý. Bởi vì Đức Giê-su bị bắt và bị tra tấn, vác thập giá lên đỉnh đồi Gôn-gô-tha, rồi chịu đóng đinh. Thời gian ấy, Đức Giê-su khát nước. Bên cạnh đó, cơn khát của Đức Giê-su còn diễn tả Ngài muốn dấn mình cho tới tận cùng: Khát khao hướng về Thiên Chúa, cùng lúc khát “vét cạn” để hiến trao cho con người. Đó là cơn khát của Tình Yêu hiến trao tất cả cho Chúa Cha và cho nhân loại.
Vẫn một tình yêu hiến trao, Đức Giê-su nhắp giấm chua (19,29), một hành động ắp đầy ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, “nhắp giấm chua” gọi nhớ về khuôn mặt Thiên Chúa sống động đã giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập. Đó là Thiên Chúa “thấy rõ cảnh khổ cực của dân bên Ai-cập, Đấng đã nghe tiếng chúng kêu than và biết các nỗi đau khổ của chúng” (x. Xh 3,7). Tiếp đến, “nhắp giấm chua” diễn tả nếm trải trong máu thịt tất cả “mặn chát, đắng cay” của phận người. Hành động này diễn tả huyền nhiệm nhập thể dấn mình vào tận cùng vực thẳm đớn đau của lòng người.

Và chỉ sau khi đảm nhận tất cả, Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất (19,30). Đây là lời cuối cùng của Ngôi Lời trên thập giá. Thế là đã hoàn tất “tete,lestai - tetelestai», động từ ở thể hoàn thành diễn tả mọi công việc đã hoàn tất, cùng lúc thể hoàn thành này không hề khép kín, hoàn thành này lại là lời mở ra, mở ra đến muôn thuở. Vì ngay sau đó, Đức Giê-su trao ban Thần Khí (19,30). Đó là một ngõ mở về vô tận của tình yêu hiến dâng tất cả, không giữ lại gì cho riêng mình.

2. Đấng Phục Sinh ban Thần Khí (20,19-23)

a. Khung cảnh

Cái chết bi thảm của Thầy Chí Thánh khiến các môn đệ kinh hoàng. Cửa đóng then cài vẫn không khiến các ông an tâm: các ông sợ. Trong hoàn cảnh ấy, Đấng Phục Sinh xuất hiện giữa các ông.
b. Vài ý chính

Lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh ngỏ với các môn đệ: “Bình an cho anh em!” (20,19). Đây là lời của Đấng đã xuyên qua cái chết thê thảm, xuyên qua nỗi kinh hoàng và đã sống lại. Thế nên, lời chúc “bình an” của Ngài có sức mạnh biến đổi các môn đệ. Chính Đấng Phục Sinh là nguồn bình an giúp các môn đệ tái tạo lại nguồn nghị lực.

Sau lời chúc bình an, thật lạ, Đấng Phục Sinh liền cho các môn đệ xem các vết thương và cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài (20,20). Dấu đinh và con tim mở toang là bằng chứng hùng hồn về cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su. Bây giờ Ngài mời gọi các ông nhìn vào thân thể bị đâm thâu của Ngài để các ông được chữa lành. Cùng lúc, dù đã Phục Sinh, Đức Giê-su vẫn tiếp tục mang nơi mình những dấu đinh và con tim mở toang. Điều này xác quyết rằng: Đấng Tử Nạn và Phục Sinh mãi luôn là một, Ngài tiếp tục dấn mình vào trong cuộc đời của các môn đệ.

Tiếp đến, Đấng Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần cùng với quyền tha tội cho các ông. Hành động này diễn tả một cuộc sáng tạo mới. Khi dựng nên con người, Đức Chúa đã thổi sinh khí vào lỗ mũi con người để họ được sống (St 2,7). Tuy nhiên sự sống lúc ấy vẫn còn non yếu, có nguy cơ phản bội cắt đứt mối tương giao với Thiên Chúa (St 3,6-15). Bây giờ Đấng Phục Sinh ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các môn đệ (Ga 20,22-23). Điều này diễn tả rằng: con người đã nhận được Nguồn Sống mãnh liệt không gì có thể phá hủy được.

Tóm lại, sách về Giờ mời gọi ta chiêm ngưỡng dung mạo Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập thể đối diện với biến cố về Giờ, đối diện với cái chết cận kề. Càng đối diện với tăm tối của phản bội, chối từ, thì Đức Giê-su càng dấn mình yêu cho đến mãi mãi.

Tác giả: Cha Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập254
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm231
  • Hôm nay34,724
  • Tháng hiện tại895,085
  • Tổng lượt truy cập78,898,536
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây