Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể (tiếp)

Thứ tư - 17/01/2018 18:24  2510
51HmROWKgoL SX331 BO1,204,203,200PHẦN II

MỘT SỐ TRÌNH THUẬT TIÊU BIỂU

Vì thời lượng giới hạn, ta chỉ dừng lại tìm hiểu một số trình thuật tiêu biểu của mỗi phần tin mừng mà thôi. Ước mong qua những nét chính yếu của mỗi bản văn, ta sẽ có được những chìa khóa căn bản để hiểu tin mừng và đi vào gặp gỡ Ngôi Lời một cách sâu đậm hơn.

 A. LỜI TỰA (1,1-18)

I. Đọc và quan sát Ga 1,1-18

Nếu chỉ đọc thoáng qua Lời tựa Ga 1,1-18, độc giả sẽ cảm thấy bản văn hơi khô, trừu tượng, khó hiểu. Tuy nhiên, đây là những chữ đầu tiên của tác phẩm, chắc chắn tác giả cẩn thận chọn lọc ngôn từ đắt đỏ để giới thiệu nội dung thần học quan trọng của cả tin mừng. Nội dung ấy là gì?

Dựa vào chi tiết “ông Gio-an” xuất hiện trong bản văn ở các câu 6 và 15, ta thấy bản văn được chia làm ba phần chính:

c.1-5: Chiêm ngưỡng Ngôi Lời vĩnh hằng.
c. 6-14: Ngôi Lời bước vào trần gian.
c. 15-18: Ngôi Lời tặng ban nguồn ân sủng sung mãn.
Nhìn khái quát ba phần trên, độc giả thấy vượt quá cảm nhận ban đầu về ngôn từ khô khan, ẩn trong Lời tựa là tiến trình năng động của Ngôi Lời vĩnh hằng đi vào trong lịch sử nhân loại.

II. Vài ý chính

1. Chiêm ngưỡng Ngôi Lời vĩnh hằng (c. 1-5)

 “Từ khởi thủy, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1). Với lời văn trang trọng linh thánh, tác giả mời gọi độc giả chiêm ngưỡng Ngôi Lời vượt không gian và thời gian. Chiêm ngưỡng, ấy là để lòng mình mở ra với huyền nhiệm sống động của Đấng tự nguyện vén mở (auto-révélation), nhờ đó ta được tháp nhập vào dòng chảy sức sống mãnh liệt của chính Ngài. Khi dìm mình trong nguồn mặc khải, ta hiểu được căn tính của Ngôi Lời: Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa (c.2). Điều lạ lùng quan trọng của Ngôi Lời, trước hết không phải là công trình này công trình nọ, nhưng là: Hằng hướng về Thiên Chúa, luôn để mình tháp nhập vào Suối Nguồn, luôn mở lòng ra đón nhận Nguồn Sức Sống từ Chúa Cha.

Hiểu về căn tính Ngôi Lời, cùng lúc độc giả hiểu về chính mình và vạn vật với một chân lý nền tảng: Vũ trụ và con người được dựng nên nhờ Ngôi Lời (c.3). Chân lý này gợi lại những chữ đầu tiên của Thánh Kinh, từ khởi thủy, Thiên Chúa sáng tạo trời đất; Ngài phán một lời, liền có mọi sự (x. St 1,1 – 2,4a). Lời Thiên Chúa mãi là Lời quyền năng, Lời mang đến sự sống giải thoát. Chiêm ngưỡng Ngôi Lời sáng tạo, độc giả được mời gọi nhìn về chính bản thân với ánh mắt ngỡ ngàng: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 139,13-14).

Tóm lại, mở đầu tin mừng, tác giả mời gọi ta chiêm ngưỡng Ngôi Lời vĩnh hằng sáng tạo. Chính Ngài vén mở cho ta hiểu căn tính của Ngài trước hết là hướng về Chúa Cha để đón nhận sự sống từ Suối Nguồn. Tiếp đến, cùng dòng chảy sức sống ấy, Ngôi Lời hướng về nhân loại và vạn vật để thông ban sự sống: “Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (c.3-5). Dù sự sống con người cũng như vạn vật bị nguy cơ rình rập “trở về tình trạng hỗn mang với bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,1), thì quyền năng sáng tạo của Ngôi Lời vẫn vượt thắng: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (c.5). Sự sống mãnh liệt biểu lộ giữa trong tử thần. 

2. Ngôi Lời bước vào trần gian (c. 6-14)

Khi ban sự sống cho con người, thì cùng lúc Thiên Chúa có dự án hiến trao quà tặng lớn lao hơn nữa cho con người. Dù “vực thẳm bóng tối” của hỗn mang đôi khi làm cho lịch sử chao đảo, thì dự án tình thương của Thiên Chúa vẫn được thực hiện.

Chính Gio-an có vai trò, một đàng chuẩn bị cho Ánh Sáng, đàng khác chính ông là con người bằng xương bằng thịt xác nhận mốc điểm: Ngôi Lời vĩnh hằng dấn mình vào trong dòng lịch sử (c.6-8). Gio-an là ngôn sứ, ông hội tụ nơi mình tất cả những người được sai đi để nói Lời Thiên Chúa được ghi lại nơi Thánh Kinh. Một cách thiết thực, nơi Thánh Kinh, Ngôi Lời đã dấn mình vào trong thời gian và không gian: Ngôi Lời là ánh sáng thật đã đến thế gian và soi chiếu mọi người (c.9-10). Ngôi Lời ẩn mình trong những chữ viết của Thánh Kinh. Ngài đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận (c.11). Thật lạ, lời hứa về Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu, đã được các ngôn sứ và Gio-an loan báo, nhưng người ta lại không đón nhận Ngài. Chỉ có những người anawim – Những người nghèo của Đức Chúa, những người còn sót lại, mới đón nhận Ngài. Những người nghèo của Đức Chúa, ấy là những người được sinh ra do bởi Thiên Chúa. Nói cách khác, do mặc khải của Thiên Chúa thì ta mới có thể đón nhận được Ngôi Lời mà thôi.

Và thời khắc đã điểm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1,14). Đây là một khúc quanh quá sức lạ lùng: Ngôi Lời có tự muôn thuở, vô hình, và không gì có thể chứa đựng được Ngài, vậy mà giờ này Ngài hoàn toàn tự nguyện “mặc lấy xác phàm” để cư ngụ giữa chúng ta. Nếu theo sát bản văn Hy-lạp, Ga 1,14 phải được dịch: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14). Động từ “trở thành” luôn mang tính năng động, nó diễn tả cả một tiến trình triển nở mãnh liệt. Ngôi Lời là Thiên Chúa quyền năng, như Cựu Ước nói chẳng ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống được (Xh 33,20), thế nhưng Ngài đã “trở thành xác phàm”, tức là mặc lấy tất cả những gì là mong manh nhất, yếu đuối nhất, trần trụi nhất. Hóa ra việc “trở thành” của Thiên Chúa là tự “rút đi, trút bỏ” quyền năng vinh quang của Ngài. Như thế cho thấy một sự đảo ngược: biểu lộ quyền năng vinh quang không phải để cho người ta sợ sệt, trái lại là “hóa mình ra trống rỗng” để cho con người được gần gũi (x. Pl 2,6-11). Gần gũi cụ thể nhất là Thiên Chúa cắm lều giữa chúng ta. Động từ “cắm lều” (skhno,w) gợi lại tất cả những ngày tháng mỏi mệt rã rời bước đi trong sa mạc của dân Chúa. Ấy cũng là những ngày tháng học hỏi bài học đắt giá nhất: thế nào là nghèo khó, thế nào là tín thác. Bởi vì khi mà buông bỏ tất cả, trần trụi ra đi không ngừng, ấy là lúc “trắng tay” (x. Đnl 8,1-3). Lúc ấy, người ta chỉ trông nhờ vào một mình Thiên Chúa.

Thế đấy, Lời Thiên Chúa không còn xa lạ nữa, không còn là chữ viết khó hiểu trừu tượng, nhưng “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cắm lều giữa chúng ta” (1,14). Biến cố này giúp ta ý thức giá trị tuyệt diệu về việc hiện diện của ta trên cuộc đời này. Bên cạnh đó ta cũng ý thức giá trị nhân phẩm của con người, dù một người nghèo nàn, tàn tật hay tù đày vv, tất cả họ đều mang nhân tính, một nhân tính đã được chính Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đảm nhận. Chính ở điểm này mà ta có được niềm hy vọng chứa chan.

3. Ngôi Lời tặng ban nguồn ân sủng sung mãn (c.15-18)

Ngôi Lời đã nhập thể, trở thành một con người hữu hình, cắm rễ sâu trong dòng lịch sử của nhân loại: Bắt đầu tại Pa-lét-tin, rồi tới hết mọi thời, mọi người.  Chính Gio-an, là nhân vật lịch sử, ông làm chứng về Ngôi Lời (c.15). Hơn là một nhân vật lịch sử, Gio-an là người được Thiên Chúa sai đến (c.6), thành ra việc làm chứng của ông là chính công trình của Thiên Chúa. Công trình ấy đã được thực hiện qua Mô-sê (Cựu Ước), Thiên Chúa đã giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và ban tặng cho họ Lề Luật. Giờ này, công trình của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su   Ki-tô. Đây là lần đầu tiên nơi tin mừng Gio-an xuất hiện tên Đức Giê-su Ki-tô (c.17). Ngài chính là Ngôi Lời, Nguồn ân sủng và sự thật mà Thiên Chúa đang ban tặng cho con người.

Từ đó, tác giả mời gọi ta mở lòng ra đón nhận: “Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn dĩ là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta thấy” (Ga 1,18). Nếu theo sát bản văn Hy-lạp, thì Ga 1,18 phải được dịch là: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ cả; nhưng Con Một vốn dĩ là Thiên Chúa hằng hướng về cung lòng Chúa Cha, chính Người đã mặc khải cho ta thấy”. Với lối dịch sát nghĩa này, ta thấy rõ một dòng sức sống luôn chuyển động: Con Một hằng hướng về cung lòng Chúa Cha.

Rõ ràng, tất cả Lời tựa của tin mừng Gio-an, từ câu mở đầu (c.1) tới câu cuối (c.18), căn tính cốt lõi của Ngôi Lời là: hằng hướng về cung lòng Chúa Cha. Và như vậy, vượt lên trên những chữ viết, bề ngoài có vẻ khô khan, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô tự nguyện để mình ẩn trong những chữ viết. Ngài hằng ấp ủ khát vọng: hướng về cung lòng Chúa Cha; cùng lúc Ngài hướng về mọi người và muốn thông truyền sức sống sung mãn từ suối nguồn cho mọi người. Và dòng chảy mãnh liệt ấy, giờ này từng bước một được tỏ lộ trong các trang tin mừng tiếp theo.

4. Bài học

Chiêm ngưỡng Đức Giê-su, Ngôi Lời hằng sống, để hiểu căn tính cốt lõi nhất của Ngài: Hằng hướng về cung lòng Chúa Cha (1,1.18). Từ đó, ta hiểu căn tính của mình: Cuộc đời ta đến từ chính Suối Nguồn, vượt không gian và thời gian. Cùng lúc, Ngôi Lời hằng hữu đã tự nguyện nhập thể ước mong đi vào mọi ngóc ngách đời ta. Điều ưu tiên là: Ở lại với Ngài (x. Ga 1,39).

Tác giả: Lm. Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay36,454
  • Tháng hiện tại896,815
  • Tổng lượt truy cập78,900,266
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây