Hiện tại hóa thần học Matthêu

Chủ nhật - 02/04/2017 04:51  3100
Tìm hiểu Tin mừng không phải là tìm những kiến thức thuần túy, cũng chẳng phải là để thuyết phục người khác phải đồng ý với quan điểm của mình. Trái lại, tìm hiểu Tin mừng ấy là tấm lòng chân thành khát khao gặp gỡ chính Đấng Hằng Sống đang ẩn mình đàng sau những chữ viết. Cảm nghiệm về điều này, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chia sẻ: “Trên hết mọi sự, chính Tin mừng nuôi dưỡng tôi trong các kinh nguyện của tôi; nơi Tin mừng tôi gặp được tất cả những gì cần thiết cho linh hồn hèn mọn của tôi. Trong đó tôi luôn khám phá ra những ánh sáng mới, những ý nghĩa mới, những ý nghĩa còn ẩn giấu và huyền nhiệm[1]”.
 
Ánh sáng và ý nghĩa thần học của Tin mừng luôn luôn sống động, không bao giờ vơi cạn. Ở đây ta chỉ muốn hiện tại hóa vài tư tưởng thần học nơi Tin mừng Mt mà thôi.
 
I. Giảng dạy gắn liền với đời sống.
 
Như đã nói, Tin mừng Mt có một cấu trúc rất độc đáo với “năm diễn văn xen kẽ năm trình thuật”. Ngầm hiểu sau cấu trúc này, Mt muốn nhấn mạnh tới vai trò giảng dạy của Đức Giêsu. Vì thế, kết thúc bài diễn văn trên núi (Mt 5-7), tác giả ghi rõ: “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (7, 28-29). Giảng dạy là đưa người nghe từ miền tăm tối chưa biết tới miền ánh sáng của hiểu biết, nhờ đó người nghe được đi từ thế giới cũ bước vào thế giới mới. Cụ thể, Đức Giêsu đưa người nghe vào thế giới mới của sự thật chân lý, làm cho người nghe cảm nếm được suối nguồn hạnh phúc đích thực.
Lời giảng dạy của Đức Giêsu ở đây khác với những kinh sư. Kinh sư như thể chỉ nhắc lại mặt chữ của Thánh Kinh, còn lời Đức Giêsu giảng dạy có uy quyền, Ngài vén mở con tim của Thiên Chúa. Thế nên, lời Ngài giải thoát con người khỏi những “xiềng xích kìm kẹp chật hẹp” để đưa họ vào triều đại của Thiên Chúa. Còn hơn nữa, Đức Giêsu sống lời Ngài giảng dạy. Đặc biệt, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 16-17), và đồng hóa với những kẻ bé mọn nhất ấy là những “ốm đau bệnh tật, những người bị tù đày, trần truồng” (Mt 25).
 
Lời giảng dạy uy quyền của Thầy Giêsu chất vấn lối sống của ta. Nếu lời giảng dạy của ta chưa có sức sống, có lẽ ta chưa sống lời ta giảng dạy và giảng dạy điều ta sống.
 
II. Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
 
Tin mừng Mt sống động với những nhịp bước của Thiên Chúa đi vào lịch sử của con người. Những trang đầu Tin mừng đã giới thiệu Đấng Mêsia là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (1,23). Để rồi khi khép lại, Tin mừng Mt muốn âm vang mãi lời xác tín “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28,20). Nói cách khác, cả Tin mừng Mt như được ôm ấp sự hiện diện tràn đầy của Đấng ở cùng chúng ta. Sự hiện diện lạ lùng này đã được cắm rễ sâu trong lịch sử dân riêng, đặc biệt nơi những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Mỗi khi dân gặp thử thách kinh hoàng, thì điểm tựa của họ chỉ là “Đức Chúa ở với họ”. Đặc biệt nơi biến cố dân bị đi lưu đày, đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, thì lúc ấy phát triển niềm tin lạ lùng vào sự hiện diện của Đức Chúa với khuôn mặt Shekhinah (Sơ-khi-na). Shekhinah là sự hiện diện của Đức Chúa mà Môsê khát khao cháy bỏng muốn được nhìn thấy, mà ông chỉ được thấy sau lưng. Shekhinah mang khuôn mặt nữ tính cuốn hút con người lạ lùng. Khi dân bị đi lưu đày, kinh nghiệm Đức tin của dân Chúa khám phá ra rằng sự hiện diện của Đức Chúa vượt quá biên giới của Itraen. Ngài không hề bị đóng khung ở trong Đền thờ Giêrusalem. Nhưng Shekhinah-cùng đi lưu đày với dân ở Babylon. Nói cách khác, ở Shekhinah muốn ở cùng dân ngay ở trong hoàn cảnh bi thương nhất. Để rồi từ đó làm vọt chảy lên ý nghĩa: giữa lúc đi lưu đày trắng tay không có gì cả, thì chính lúc đó dân riêng mới tuyên xưng: Đức Chúa là tất cả của họ. Điều này còn được cụ thể nơi cuộc đời những người tôi tớ Chúa. Chẳng hạn Môsê, khi ông được Chúa gọi để giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ Aicập. Ông chân thành thưa với Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Itraen ra khỏi Aicập? Người phán: Ta sẽ ở với ngươi” (x. Xh 3, 11-12). Chính Đức Chúa là sức mạnh để cho Môsê có thể đối diện với bạo chúa Pharaô để đưa dân về miền đất tự do. Còn khi đối diện với dân, Môsê lại nhận ra bất toàn của mình: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng, cứng lưỡi” (Xh 4,10). Nhưng Đức Chúa đã trả lời Môsê: “Bây giờ, ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì” (x. Xh 4, 11-12). Lời hứa này của Đức Chúa mời gọi những người tôi tớ Chúa làm một cuộc vượt qua: đi từ cái nhìn thiết thực về bất toàn của bản thân bước tới đón nhận sự can thiệp âm thầm lạ lùng của Thiên Chúa nơi cuộc đời. Chúa can thiệp không chỉ lúc thành công, đặc biệt là lúc thất bại. Ấy cũng là kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia khi ông thi hành sứ mạng khó khăn là loan báo đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, dân sẽ bị đi lưu đày. Ông là người yêu hòa bình, yêu quê hương, nhưng vì vâng lệnh Đức Chúa loan báo sự thật, thành ra ông bị mọi người ghét bỏ. Thế nên, có lần Giêrêmia tâm sự: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ (...). Suốt ngày con đã nên trò cười thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần con nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: Bạo tàn, phá hủy. Có lần con tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến Người (...). Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim (...). Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng” (x. Gr 20, 7-11). Giữa đau khổ cùng cực, niềm xác tín không hề lung lay: Đức Chúa hằng ở bên con. Chính Ngài chiến đấu chống lại địch thù cho con.
 
Sự hiện diện của Đức Chúa với khuân mặt Shekhinah giờ này được cô đọng nơi Hài Nhi Giêsu. Để rồi, ba nhà hiền sĩ tới bái lạy. Chỉ chiêm ngưỡng Hài Nhi, trong thinh lặng nhưng ắp đầy sự hiệp thông. Thành ra ba nhà hiền sĩ đại diện cho muôn dân được vui mừng hớn hở. Nơi Hài Nhi bé bỏng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta cách hữu hình. Chỉ những ai bé mọn như các mục đồng, hoặc bé mọn là sẵn sàng lên đường bỏ lại sau lưng sự hiểu biết của con người, để đến bái lại Hài Nhi, thì mới đón nhận được Shekhinah của Thiên Chúa. Shekhinah của Đức Chúa là phúc lành cho những người bé mọn : phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3). Đặc biệt, Đức Giêsu là hiện diện tròn đầy của Thiên Chúa. Trên Thập Giá, một khuôn mặt Thiên Chúa trọn vẹn làm người trở nên dễ bị tổn thương và yếu đuối. Đó là tột đỉnh của Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa đi cả vào trong những vực thẳm chết chóc của con người. Để rồi với tình yêu cháy bỏng, Ngài biến đổi tất cả thành niềm vui Phục Sinh. Với Tin mừng Mt, những lời cuối cùng của Đấng Phục Sinh dành cho các môn đệ và chúng ta là: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Đó là sức mạnh và là nguồn sống năng động của mỗi người.
 
Ngày hôm nay, xã hội bị lây nhiễm bởi trào lưu tư tưởng duy tục, tức là chỉ nhìn con người dưới lăng kính thế tục vật chất. Chính Đức thánh cha Phanxicô đã cảnh báo: trào lưu thế tục đang ào ạt tấn công Giáo hội dưới nhiều hình thức: “ngẫu tượng mới là tiền bạc” (x. GE 55-56), thái độ bi quan vô bổ (số 84-86), chủ nghĩa nghi ngờ hoặc chủ nghĩa tục hóa (93-96). Đối diện với một thực trạng kinh hoàng này, Tin mừng Mt cống hiến cho ta liều thuốc linh dược: mở lòng đón nhận Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính khi ta đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, thì Ngài chiến đấu cho ta. Đây cũng là điều mà mở đầu Thánh Lễ, vị chủ tế xác tín chào cộng đoàn: Chúa ở cùng anh chị em. Chúa hứa và mãi luôn thực hiện. Ngài đang âm thầm thực hiện trong đời ta. Điều quan trọng là ta có dám tin vào lời hứa của Ngài hay không? 
 
LỜI KẾT
 
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu ba phần chính: khái quát tin mừng Mt, tìm hiểu một số bản văn tiêu biểu của Mt, rồi hiện tại hóa vài tư tưởng thần học của tin mừng này. Đàng sau những nỗ lực chân thành này, ta khám phá ra sự hiện diện âm thầm thiết thực của một Thiên Chúa, Emmanuen-Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Một Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh mãi luôn mời gọi ta đi vào huyền nhiệm của Ngài. Giờ này, việc tìm hiểu dần khép lại, ta lại được thôi thúc tiếp tục “phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa (...), đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để Lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ[2]”.
 
Gặp gỡ thân mật Đấng Emmanuen nơi Lời của Ngài, ta được biến đổi và có được con tim thanh thoát tự do để làm chứng: “Chúng tôi rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi” (1 Tx 2,4).
 
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu
 

[1] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Manuscrit A, 38v: Manuscrits autobiographiques (Thủ bản về Nhật ký một tâm hồn), Paris, 1992, tr. 268.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), số 26. Được Đức giáo hoàng PHANXICÔ trích lại trong tông huấn Evangelii Gaudium số 149.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập258
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay36,086
  • Tháng hiện tại896,447
  • Tổng lượt truy cập78,899,898
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây