Gặp gỡ Chúa qua các Thánh Vịnh (5)

Thứ hai - 18/07/2016 20:57  2607
CON NGƯỜI ĐỐI DIỆN VỚI BỆNH TẬT
 
Không cuộc đời nào mà lại không có thử thách gian nan. Thử thách gian nan như là điều đương nhiên trong cuộc đời, đặc biệt trong đời sống thiêng liêng. Thử thách ấy có nhiều dạng, Thánh vịnh diễn tả qua cơn bệnh tật, có thể bệnh tật thể lý và cả tâm hồn nữa.
 
1. Đặt mình trước mặt Chúa rồi xin Ngài ban ơn can đảm để đối diện với thử thách gian nan.
2. Đọc chậm rãi Tv 6.

Lời khẩn nguyện của người ốm đau

(1) Phần nhạc trưởng. Có họa đàn. Theo đàn bát huyền. Thánh vịnh. Của vua Ða-vít.
(2) Lạy CHÚA, xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ,
đừng sửa trị con lúc nổi lôi đình.
(3) Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức,
chữa lành cho, vì gân cốt rã rời.
(4) Toàn thân con rã rời quá đỗi,
mà lạy CHÚA, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?
(5) Lạy CHÚA, xin trở lại mà giải thoát con,
cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu.
(6) Chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa,
nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài?
(7) Rên xiết đã nhiều, nên con mệt mỏi,
trên giường ngủ, những thổn thức năm canh,
từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,
(8) mắt hoen mờ vì quá khổ đau,
thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm.
(9) Ði cho khuất, hỡi bọn làm điều ác,
vì CHÚA đã nghe tiếng nức nở ta rồi,
(10) CHÚA đã nghe tiếng ta cầu khẩn,
CHÚA đón nhận lời ta nguyện xin.
(11) Ước gì hết mọi kẻ thù tôi
phải nhục nhã, rụng rời kinh khiếp,
vội tháo lui, nhục nhã ê chề.
 
Quan sát Tv. Từ câu 1 tới câu 6, ta thấy có tới bốn lần LẠY CHÚA, ấy là lời khẩn nguyện dâng lên Chua. Tiếp đến câu 7-8 thấy chủ từ “con” của người bệnh; và đột nhiên tới câu 9 thì giọng văn thay đổi: ấy là lúc Chúa nhận lời. Từ quan sát này, ta đề nghị chia Tv này làm ba phần sau.

- Phần 1, c. 1-6 là lời cầu nguyện trực tiếp của người đau khổ dâng lên Thiên Chúa, phần này nhấn mạnh tiếng kêu: “Lạy Chúa” ( 4 lần).
- Phần 2, c. 7-8, người đau khổ quay về với chính mình; phần này mô tả tâm trạng của người khốn khổ với chủ từ: “con”.
- Phần 3, c. 9-11, phần này thay đổi giọng văn đột ngột. Người đau khổ bỗng hồ hởi vui tươi, vì Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ; phần này nhấn mạnh: “Chúa nghe tiếng kêu cầu”.

3. Vài gợi ý suy niệm

a. Phần 1, c. 1-6 là lời cầu nguyện trực tiếp của người đau khổ dâng lên Thiên Chúa

Lời cầu nguyện như là lời bộc bạch cõi lòng khổ đau của mình. Họ cảm thấy như thể bị Thiên Chúa trừng phạt, bị cơn thịnh nộ của Ngài đè nặng nghiền nát họ. Thành ra xương cốt họ rã rời, cuộc sống bị chao đảo. Họ như thể gần vương quốc của tử thần. Trong cơn hốt hoảng, mắt mờ đi, họ nếm nghiệm sự thật: con tàn hơi rồi; con không thể chịu đựng được nữa. Kinh nghiệm này thật quí báu, ấy là thái độ của người bệnh trước Đấng Vĩnh Hằng. Giữa lúc cảm thấy trần trụi như vậy, lời khẩn nguyện càng tha thiết hơn: ôi lạy Chúa xin xót thương con, tới mau cứu chữa con. Con không đợi trông nơi nào khác ngoài mình Ngài.

Tv này dạy ta hai điểm. Trước hết, thái độ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát người bệnh. Thứ hai, con người gắn liền với tội lỗi, tội lỗi tàn phá con người tôi, làm cho tôi bị rã rời, bị hủy hoại. Riêng điểm thứ hai, ta cần được soi sáng bởi tin mừng Gio-an 9,3. Trước người mù từ lúc bẩm sinh, các môn đệ hỏi: “đó là tại tội của bố mẹ hay của riêng người mù?” Chúa trả lời rõ ràng: chẳng phải là tội của cha mẹ anh ta, cũng chẳng phả là của người mù. Ở đây, Chúa Giê-su không chấp nhận bệnh mù là hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Theo chiều hướng này, Tv 6 mô tả người bệnh như là kinh nghiệm cá nhân về tội lỗi theo nghĩa rộng: tức là anh ta thấy nơi thân xác mình có một sự suy sụp rõ ràng về thể lý. Sự suy sụp này như là dấu hiệu của tội lỗi. Nếu như tội lỗi là sự từ chối Thiên Chúa, từ chối sự sống, thì ta có thể hiểu bệnh tật ở đây như là dấu vết của tội lỗi.  Chính vì vậy mà người bệnh khát mong được giải thoát.

b. Phần 2, c. 7-8, người đau khổ quay về với chính mình

Dù đối diện với cơn khổ đau cùng cực, người bệnh không nổi loạn. Trái lại, người bệnh khiêm tốn đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng cứu chữa. Ở đây ta nhớ thái độ tuyệt vời của Đức Giê-su trước cơn đau khổ: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”; rồi “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con”.

c. Phần 3: Tới c. 9 thì có một sự thay đổi đột ngột. Người bệnh nói: “Đi khuất mắt ta hỡi bọn làm điều ác, vì Đức Chúa đã nghe tiếng nức nở ta rồi....” Ở đây, ta thấy Tv nói tới thái độ xác tín của người bệnh về việc Thiên Chúa đã nghe tiếng nức nở, đã nhận lời cầu khẩn của họ. Đó là niềm hy vọng chói sáng của người bệnh. Người bệnh không hề nói: tôi đã được chữa lành, sức khỏe lại đến với tôi[1]. Có thể căn bệnh chưa được khỏi hẳn, nhưng đó là niềm hy vọng chắc chắn.

Đây là một kinh nghiệm về việc cầu nguyện trong cơn cùng quẫn. Với sự van nài thầm thĩ chân thành, một lúc nào đó, người ta đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, xác tín thẳm sâu: Thiên Chúa đã nghe lời con cầu nguyện. Bởi vì Chúa nghe lời con nguyện, thành ra tình trạng cơ cực của tôi được thay đổi. Chắc chắn tôi sẽ được chữa lành, và sẽ được giải thoát khỏi tay kẻ thù. Kẻ thù ở đây là những người lợi dụng tình trạng yếu đau của người bệnh mà “cười nhạo, khinh bỉ chế diễu hoặc cướp bóc những gì người bệnh có”. Kẻ thù ở đây có thể là hình ảnh xã hội tồi tệ. Nhưng khi hy vọng nảy sinh nơi người bệnh, cùng lúc người ấy thấy sức mạnh để chiến thắng kẻ thù và mở ra chân trời mới.

Ta có thể đúc kết cả Tv 6 trong hai câu: “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương con”; “Chúa đã nghe tiếng con van nài”.

4. Hướng thần học của Thánh Vịnh 6

Câu 1 nói rằng, Tv này do Đa-vít sáng tác, có lẽ Tv này rất cổ. Thời ấy, người ta coi cái chết như là vô nghĩa : « Chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa. Nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài » (Tv 6,6). Thánh vịnh này dành cho hết mọi người, đặc biệt là những người bệnh tật yếu đau, họ khấn hứa với Chúa một điều rồi họ tới Đền thờ đọc Thánh vịnh này. Họ muốn sống lại kinh nghiệm của tác giả trong cơn ốm đau khổ ải được Chúa chữa lành, rồi họ ngợi khen Chúa. Còn hơn cả lời than vãn của người bệnh tật, Tv 6 là kinh nghiệm về ơn cứu độ mà Thiên Chúa tặng ban cho họ. Chính vì thế có hai chủ đề lớn trong Tv này : Than vãn và ngợi khen[2]. Thường ngày hôm nay người ta nói tới cầu nguyện là : Cầu xin, tạ ơn, xin lỗi v.v. Nhưng trong các Thánh vịnh, than vãn và ngợi khen là hai thái độ nền tảng đan dệt nhau trong kinh nghiệm của người cầu nguyện đối với Thiên Chúa.
 
Trước hết tâm tình ngợi khen, đối tượng chính là Thiên Chúa. Đó là thái độ tiên khởi khi con người đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, tâm hồn cảm thấy hân hoan nhiệt thành phấn khởi, hoặc khi lòng mình ngỡ ngàng nhận ra những công trình lớn lao vĩ đại của Thiên Chúa. Đó lại chẳng phải là kinh nghiệm của Đức Ma-ri-a trong bài Ma-nhi-fi-cat sao : « Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi… ».

Trong Thánh Kinh, tâm tình ngợi khen như thể là thành ngữ diễn tả sức sống năng động. Ấy cũng là thái độ ngỡ ngàng sửng sốt trước sự vĩ đại của có mặt của con người trên cuộc đời này. Ngợi khen là lúc người ta ý thức sự hiện diện lạ lùng của Thiên Chúa trong cuộc đời. Nói cách khác, ngợi khensống. Và như thế, không ngợi khen như thể đồng nghĩa với chết : « chốn tử vong không ai ngợi khen Ngài ». Rõ ràng rằng « chết » như thể là « không hiện diện », thành ra không thể ngợi khen Chúa ; còn khi người ta cảm thấy sức sống dồi dào, con tim hồ hởi với niềm vui trào dâng, người ta ngợi khen Chúa.

Vậy thì than vãn phải chăng là thái độ ngược lại của ngợi khen ? Không hẳn là vậy. Than vãn thường là tiếng kêu của một người mà sức sống đang dần vơi cạn. Ấy là tiếng kêu của người cảm thấy sức khỏe bị rã rời, khả năng yêu thương bị sa sút, nhân phẩm bị chà đạp, hay đời sống tâm linh bị kiệt quệ. Đó là kinh nghiệm rất thực khi họ nếm nghiệm sự tàn lụi nơi con người giới hạn của mình. Trong bối cảnh đó, họ kêu gào lên Đấng hằng sống : xin đừng nỡ bỏ con, xin mau đến với con để con lại có thể ngợi khen Ngài. Than vãn ấy cũng là tâm trạng của người cảm thấy hãi hùng kinh khiếp ; hoặc run sợ trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Tv 6,1) ; hoặc cảm thấy tương lai tối tăm mịt mù. Thành ra, họ kêu gào : « Lạy Chúa, đoái thương con…. » (c. 3). Kinh nghiệm than vãn cũng gặp thấy nơi Gióp, đặc biệt là chính Chúa Giê-su trên Thập giá : « Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ? » (Tv 22). Cầu nguyện Tv này, ta xin ơn được hiệp thông với tất cả những người cô đơn đau khổ sợ hãi bị bỏ rơi.
 
5. Thánh vịnh 6 và đời ta

Lời Thánh vịnh này làm tôi suy nghĩ : Đã bao giờ ta thật sự ngợi khen Thiên Chúa về những ân huệ lãnh nhận chưa ? Ta đã thực sự kêu gào tới Chúa trong lúc ngập chìm trong khổ đau ? Thường khi ta chìm đắm trong ngợi khen Thiên Chúa, lúc ấy ta cũng hiểu thêm về chính mình. Rồi nữa khi ta kêu gào lên Chúa, ấy cũng là lúc diễn tả tất cả khát vọng được ơn giải thoát. Ngợi khen và than vãn sẽ đan xen nhau trong đời ta làm ta được lớn lên trong mối thân tình với Chúa.

[1] Ở trong Ga 5, ta thấy có trường hợp tương tự: người bại liệt vác chõng trên vai; hoặc người bại ở Cổng Hoa trong sách Cv, anh ta đứng dậy.
[2] Trong các Tv, ta thấy nhiều thể loại : Tv hoàng cung, Tv khôn ngoan, Tv kể lại biến cố lịch sử…Tất cả đều cô đọng ở hai thái độ chính : than vãn và ngợi khen.

Tác giả: Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm270
  • Hôm nay18,297
  • Tháng hiện tại995,684
  • Tổng lượt truy cập78,999,135
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây