KHÁI QUÁT VỀ CÁC THÁNH VỊNH
Một vài câu hỏi đơn sơ nêu ra ở buổi gặp gỡ đầu tiên này : Tại sao chúng ta lại cầu nguyện với Thánh Vịnh ? Thánh Vịnh là gì ?
1. Tại sao ta lại cầu nguyện với các Thánh Vịnh?
Một lần, hai lần rồi nhiều lần, khi mà lòng người rời rã, khi mà những bước chân mệt nhoài thở chẳng ra hơi, ta chỉ để mình ngồi thinh lặng rồi bỗng thấy âm vang lời thì thầm :
« Lạy Thiên Chúa, xin dủ lòng xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm,
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
Tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy….
Của lễ dâng Ngài là tâm thần tan nát,
Một tâm hồn tan nát giày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê » (x. Tv 51,1[1]).
Chẳng cần nói gì cả, chẳng cần một lời giải thích nào cả, tâm hồn ta như người thấy lại được nghị lực sống. Tựa thể một người bước đi giữa đêm đên của chán chường, tâm hồn ta thấy được vài tia sáng để tiếp tục bước đi. Đó là một trải nghiệm : Một gặp gỡ lạ lùng với Đấng hiện diện ngay cả trong cơn cùng quẫn đời con.
Hoặc lại một kinh nghiệm khác, khi tâm hồn thơ thới an bình, ta lại nghe : « Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con cũng trong mong được gần Ngài lạy Chúa » (Tv 42,1). Lời Thánh Vịnh vang lên, lòng người dịu lại, tựa thể một người khát cháy giữa buổi trưa hè, gặp được ngồn nước mát trong, bỗng nhiên sức sống nở rộ!
Dù vui, dù buồn, ta thấy lời Thánh Vịnh gần gũi ta quá. Gần gũi tới độ, nhiều lúc chúng ta cứ ngâm nga : « Chúa chăn nôi, Chúa chăn nuôi tôi, Chúa đưa tôi đi qua vạn nẻn đường. Người đưa tôi đi lên núi cao say xưa gió biển, vui uống suối miền nam…. » (x. Tv 23,1). Thánh Vịnh gần gũi ta, làm ta ngỡ ngàng và hạnh phúc. Chính vì thế chúng ta cầu nguyện và ước mong tiếp tục đào sâu một số Thánh Vịnh.
Hơn nữa, chúng ta cầu nguyện với Thánh Vịnh, bởi vì chính Chúa Giê-su đã dùng Thánh vịnh mà cầu nguyện (x. Mc 14,26 ; Lc 24,44). Đặc biệt trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giê-su đã để trên môi miệng Ngài lời Thánh Vịnh : « Ê-lô-i, Ê-lô-i, lema xabacthani, Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con » (x. Tv 22,2) ; hoặc : « Lạy Cha, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha » (Tv 31,6).
Chính thánh Au-gút-ti-nô đã phát biểu : « Đức Giê-su Ki-tô là người hát Thánh Vịnh tuyệt vời nhất ». Bởi vì Đức Ki-tô hát Thánh Vịnh trong cả đời Ngài, Ngài hát tới tận giây phút bĩ cực nhất, và khi chỉ còn những hơi thở thều thào cuối cùng, thì Ngài đã dùng hơi thở ấy để nguyện cầu với Thánh Vịnh.
2. Vậy Thánh Vịnh là gì ?
Thánh vịnh là lời cầu cầu nguyện của Dân Riêng, thuộc thể thơ ca (150 Thánh Vịnh)[2] được chắt chiu từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa cả trong lúc vui buồn vui sướng khổ. Thường thì những lời khẩn nguyện trong Thánh Vịnh được cất cao thành giọng hát, và khi nghe, ai cũng cảm thấy đó như là lời cầu nguyện của chính bản thân mình dâng lên Chúa vậy. Nói cách khác, Thánh Vịnh là lời lẽ của con tim khối lòng, được Chúa Thánh Thần linh hứng để dâng lên Thiên Chúa. Mà đã là lời lẽ của con tim, thì con tim ấy đôi khi gặp những người bạn, nhiều khi gặp kẻ thù ; con tim ấy có lúc tràn trề sự sống, vui tươi, hy vọng ; nhưng cũng chẳng thiếu khi bị ghìm chặt bởi bóng đen sự chết, buồn thảm đắng cay. Chính vì thế, khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh, chúng ta nên cầu nguyện với cả cõi lòng.
3. Thánh Vịnh nói gì với ta ngày hôm nay?
Trước hết, Thánh vịnh giúp ta nhận ra công trình của Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới, đặc biệt trong Giáo hội và trong con người của ta. Thứ hai, Thánh vịnh giúp ta khám phá ra chiều sâu thẳm của cõi lòng người, để từ đó định hướng tất cả niềm vui nỗi buồn của ta về với Thiên Chúa. Thứ ba, xuyên qua Thánh vịnh, Thiên Chúa đang tiếp tục mời gọi ta cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa nhằm hạnh phúc và ơn cứu rỗi cho mọi người.
Cũng phải thú nhận rằng, có một số khó khăn khi cầu nguyền với Thánh vịnh. Lý do đơn giản rằng : các Thánh vịnh là lời thơ của một Dân tộc khác ta về ngôn ngữ, văn hóa, rồi ở một thời cách xa ta khoảng gần 3000 năm. Tuy nhiên, ta vẫn coi Thánh vịnh là lời kinh nguyện của ta, bởi vì đó là những lời khẩn cầu của chính Thiên Chúa ; rồi các Thánh vịnh diễn tả tất cả mọi cảnh vực sống cùng với mọi tình cảm của con người : từ khổ đau tới vui mừng ; từ cõi chết tới cõi sống. Đó là những điều gắn liền với kiếp nhân sinh. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng nói với ta rằng : rất nhiều khi vì cầu nguyện thường xuyên với Thánh vịnh, hoặc ở trong trạng thái mệt mỏi, ta không nếm nghiệm được hương vị của Thánh vịnh ; hoặc ta thấy khá là máy móc. Đó là những sự thật. Sự thật ấy cũng nói với ta rằng, bên cạnh những mệt mỏi, máy móc ấy, rất nhiều khi ta cũngđược một vài lời Thánh vịnh đánh động, và những lời ấy đã là ánh sáng hoặc lương thực nuôi dưỡng đời ta. Tóm lại, dù có khó khăn, nhưng các Thánh vịnh luôn là những con đường chắc chắn dẫn ta tới gặp gỡ và nếm nghiệm Thiên Chúa hằng sống[3].
« Lạy Chúa là Cha từ ái, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con dưới cái nhìn hiền hậu của Chúa. Những ngày này, chúng con tập sống với Chúa qua việc suy niệm các Thánh vịnh, xin cho chúng con được tới gần Lời Chúa với tấm lòng kính trọng, ý thức và khiêm mọn. Xin đừng để cho Lời Chúa ra vô ích nơi chúng con, nhưng xin giúp chúng con mở lòng đón nhận Lời Chúa với tất cả tấm lòng quảng đại.
Chúa cũng thấy đấy, nhiều lúc con tim chúng con hay khép kín, không hiểu sự giản dị của Lời Chúa. Xin gởi Chúa Thánh Thần tới mở toang cánh cửa cõi lòng chúng con để chúng con đón nhận Lời Chúa tựa lưỡi gươm sắc bén hai lưỡi và nhờ đó chúng con được biến đổi. Chúng con nguyện xin Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con ». Amen.
[1] Số thứ tự các Tv được dùng theo quy điển Híp-ri. [2] Hiện tại ta thấy có hai cách ghi số thứ tự các Tv. Số t.t theo bản văn Do-thái (TK) | Số t.t theo bản LXX và La-tinh (PV) |
Tv 1 – 8 | Tv 1 – 8 |
9 | 9,1-21 |
10 | 9,22-39 |
11 – 113 | 10 – 112 |
114 | 113,1-8 |
115 | 113,9-26 |
116,1-9 | 114 |
116,10-19 | 115 |
117 – 146 | 116 – 145 |
147,1-11 | 146 |
147,12-20 | 147 |
148 – 150 | 148 – 150 |
[3] Vài lời mời gọi cần thiết để hiểu thêm về Thánh vịnh. Nếu có dịp nên tìm hiểu thêm sách Xuất hành, hoặc ngôn sứ I-sa-i-a, đó là những sách mà các Thánh vịnh hay trích dẫn.