PHẦN II: TÌM HIỂU MỘT SỐ BẢN VĂN TIÊU BIỂU
B. NĂM TRÌNH THUẬT XEN KẼ NĂM BÀI DIỄN VĂN (3-25)
Phần chính của Tin mừng gồm năm trình thuật xen kẽ năm bài diễn văn. Những dòng dưới, chúng ta sẽ tìm hiểu mỗi phần một bản văn tiêu biểu mà thôi.
I. Bài giảng trên núi (5, 1-12)
1. Bối cảnh
Như đã nói, phần đầu tiên sứ mạng công khai của Đức Giêsu là công bố Nước Trời (3-7). Sau phần thuật lại những biến cố chuẩn bị khai mạc cuộc sống công khai của Đức Giêsu (Mt 3-4), Đức Giêsu lên núi công bố bài diễn văn dài (5-7). Những câu đầu của bài diễn văn này được giới thiệu rất rõ Đức Giêsu lên núi, Người mở miệng dạy họ (x. 5,1). Và cuối chương 7, tác giả tường thuật rằng: Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong (7, 26-27). Ngay sau đó, tác giả kể: Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống (8, 1). Rõ ràng là Mt rất cẩn thận sử dụng những “câu văn chuyển đoạn” để nối kết các phần của Tin mừng. Với vai trò là những lời đầu tiên của bài diễn văn (5-7), hẳn rằng bản văn 5, 1-12 có những ý nghĩa quan trọng mà chúng ta cùng khám phá.
2. Vài ý chính
a. Đức Giêsu ưu tiên “lên núi”
Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi (5, 1) Đám đông ở đây có thể là những người đã nghe danh tiếng của Đức Giêsu; hoặc là đám đông là những người đã được Đức Giêsu chữa lành bệnh tật, hoặc trừ quỷ (x. 4, 23-25). Dù thế nào đi nữa, đám đông đang tới với Đức Giêsu, họ là những người mang trong mình khắc khoải kiếm tìm mà họ tin là có thể thấy nơi Đức Giêsu. Trước đám đông ấy, Đức Giêsu không đáp trả “nhu cầu tức khắc” của họ, nhưng Ngài lên núi. Một hành động đơn giản mà đầy ý nghĩa, nó đang diễn tả điều ưu tiên đích thực của Đức Giêsu. Lên núi là bỏ lại phía dưới dễ dãi, bỏ lại những kiếm tìm “hào nhoáng vội vàng” để vươn mình tới những thực tại lớn lao hơn. Trong Thánh Kinh, thường núi là điểm hẹn gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Trong chiều hướng này, Đức Giêsu lên núi là để ngụp lặn và kín múc sức thiêng từ Suối Nguồn. Như vậy, ưu tiên đích thực của Đức Giêsu ấy là để tìm kiếm Thánh Ý Chúa Cha.
Chính ưu tiên của Đức Giêsu kéo theo dòng chuyển động của đám đông cũng lên núi với Ngài. Và như thế, Ngài đang kéo họ lên khỏi những tìm kiếm dễ dãi, để cùng với Ngài đi vào nẻo đường mà Thiên Chúa ước mong. Cụ thể, như Môsê mới (x. Xh 19), Đức Giêsu ban tặng hiến chương Nước Trời cho dân mới.
b. Nguồn phúc lành đến từ Suối Nguồn
Thành ngữ “phúc thay” được lặp lại nhiều lần[1]. Cụ thể, các lời chúc phúc thường lật ngược hoàn cảnh: từ khó nghèo sang có cơ nghiệp; từ sầu khổ sang ủi an; từ bách hại sang phúc thay v.v. Ta tự hỏi: nhờ vào đâu mà có thể làm lật ngược tình thế như vậy? Chính trong lời Tin mừng đã gợi ý cho ta: sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa đám đông làm cho “bất hạnh” trở thành “phúc thay”. Tin mừng Gio-an đã nói rõ: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống muôn đời” (Ga 3,16).
Tiếp đến, ta thấy có tám mối phúc. Tám bằng bảy cộng một. Bảy là con số hoàn hảo, tức là bao gồm tất cả. Ấy vậy mà lại còn thêm một nữa, tức là con số nói về sự duy nhất tuyệt đối. Như thế, tám là sự “tròn đầy mà mãi luôn độc đáo duy nhất”. Nói cách khác, đó chính là sự dư tràn trong mọi hoàn cảnh. Ta cũng thấy con số tám, “tám ngày sau” để nói về ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20, 1.19.26), tức là ngày của Đức Chúa Phục Sinh, ngày mới mẻ không thể tưởng tượng nổi. Cũng thế, tám mối phúc nói về ân phúc ban tặng dư tràn của kỷ nguyên mới mở ra cho nhân loại. Hơn nữa, tám mối phúc cũng là giới thiệu tất cả mọi cảnh vực của cuộc sống. Vì Đức Giêsu có trong đời, thành ra trong mọi hoàn cảnh, ta có thể tìm thấy hạnh phúc. Đó là một xác tín, một hy vọng không ai có thể lấy đi được.
3. Bài học
Kết thúc 12 câu mở đầu bài giảng trên núi, những lời “phúc thay” tiếp tục được âm vang trong những lời tiếp theo của Đức Giêsu. Tám mối phúc thật vượt khỏi mọi biên giới không gian, thời gian, và dành cho hết mọi người[2]. Lời “phúc thay” từ môi miệng của Đức Giêsu cũng mời gọi độc giả làm một cuộc lên đường: đặt bước chân đời mình vào cùng nẻo đường mà Đức Giêsu bước về đỉnh đồi Gôlgôta. Đó là mối phúc “thực thi Thánh Ý Chúa Cha” mà kết thúc tám mối phúc, Đức Giêsu lặp đi lặp lại hai lần: “Phúc thay ai bị bách hại... Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại” (x.c11-12). Quả thật, có bách hại, có sỉ vả đấy, nhưng đó là phúc: vì được thông dự vào điều khát khao mà cả cuộc đời Đức Giêsu ước mong thực hiện để cứu độ nhân loại. Nói cách khác, độc giả được mời gọi bước theo con đường Thập Giá để sống mối phúc trọn vẹn. Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu
[1] Mối phúc thứ tám liên quan tới bách hại đạo có hai lần dùng từ phúc thay (c. 11-12). [2]Mahatma Gandi, vị cha tinh thần của Ấn Độ. Chính ngài đã hướng dẫn thành công cuộc cách mạng đuổi thực dân Anh ra khỏi Ấn Độ bằng con đường bất bạo động. Trong lời tự thuật của mình, Mahatma Gandi đã hãnh diện khẳng định: ngài đã tìm thấy nguyên lý của tinh thần bất bạo động ở trong chính Bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Nói một cách nào đó, chính Gandi đã sống tinh thần tám mối phúc thật. Bài giảng không còn ở bên ngoài ngài nữa, mà đã trở thành sức mạnh quyền năng nội lực giúp Gandi nghiệm cảm được hạnh phúc và con đường giải thoát.