Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể (tiếp)

Thứ sáu - 19/01/2018 04:17  1914
B. SÁCH DẤU CHỈ (1,19 -12,50)

Thông thường, khi đề cập tới hành động phi thường của Đức Giê-su, Nhất Lãm dùng danh từ phép lạ (duna,meij - dunameis) để diễn tả quyền năng mãnh liệt của Ngài. Trước quyền năng ấy, thính giả thường “kinh ngạc sửng sốt” (x. Mc 1,27; 2,12). Tin mừng thứ tư không phủ nhận điều này, nhưng lại dùng một danh từ khác: dấu lạ (shmei/on - sémeion). Nơi mỗi dấu lạ, tin mừng thứ tư không cho phép độc giả dừng lại ở bề mặt bên ngoài, nhưng phải tiếp tục nỗ lực đào sâu hơn để hiểu về căn tính Đấng là tác giả của dấu lạ.

Nơi sách về Dấu Chỉ (1,19 – 12,50), tác giả thuật lại 07 dấu lạ : 1. Nước hóa rượu (2,1-12) ; 2. Chữa lành con của viên sĩ quan (4,46-54) ; 3. Chữa người bại liệt ở hồ Bết-da-tha (5,1-16) ; 4. Hóa bánh ra nhiều (6,1-14) ; 5. Đi trên mặt biển (6,15-21) ; 6. Chữa người mù từ thuở mới sinh (9,1-41) ; 7. Cho La-da-rô được sống lại (11,1-44). Trong phần này ta chỉ tìm hiểu dấu lạ thứ ba và thứ sáu mà thôi.

I. Dấu lạ chữa người bại liệt ở hồ Bết-da-tha (5,1-9)

1. Khung cảnh

Trình thuật đặt độc giả vào khung cảnh của một dịp lễ không xác định rõ tên[1]. Mỗi một dịp lễ, đặc biệt là dịp hành hương lên Giê-ru-sa-lem (lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều), là tưởng niệm biến cố quá khứ, trong đó Thiên Chúa dấn mình vào trong lịch sử cứu độ và Ngài đã để lại dấu ấn. Khi mừng lễ, không những để mình tháp nhập vào dòng chảy cứu rỗi, mà còn kín múc sức sống và đọc ra từ đó ý Chúa cho những bước đường tương lai. Vậy thì việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ nơi trình thuật Ga 5,1-9 có ý nghĩa gì?

2. Vài ý chính

Như đã nói, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài chưa vào trong Đền thờ. Bước chân của Ngài đang ở giữa những mảnh đời đớn đau bệnh tật “nằm la liệt” ở hồ nước Bết-da-tha (x. 5,1-3). Qua việc nêu tên hồ nước Bết-da-tha, có nghĩa là “căn nhà của lòng thương xót”, tác giả đang hé lộ ý nghĩa sâu xa hơn của việc Đức Giê-su hiện diện ở giữa những mảnh đời vỡ vụn.

Giữa đám đông như vậy, ánh mắt của Đức Giê-su tập trung vào người bệnh lâu năm nhất của Tân Ước: 38 năm. Tình thương không bao giờ là chung chung, nhưng luôn cụ thể. Cụ thể tới độ, Đức Giê-su biết, thấu hiểu, tình trạng đớn đau của người bệnh (5,5).  Xuất phát từ con tim cảm thông muốn chia sẻ, Đức  Giê-su lên tiếng: «Anh có muốn khỏi bệnh không ?» Đặt một câu hỏi, ấy cũng là bắc nhịp cầu làm quen và tạo cho người ốm cơ hội giãi bày tâm tư: «Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!» (c. 7). Lời thú nhận bất lực của người ốm hệ tại trước hết ở việc anh không có người giúp đỡ (a;nqrwpon ouvk e;cw)[2]. Và như thế thì khả năng được cứu chữa quá xa vời đối với anh. Dù thế, anh ta vẫn cố dành tất cả nỗ lực để làm điều anh có thể là “mon men tới hồ nước”. Nhưng, khi anh tới nơi thì đã có người xuống trước rồi (v. 7b)!  38 lần gom sức để thử vận may, nhưng anh vẫn mãi là người đến sau, cơn bệnh vẫn mãi đeo bám. Mỗi lần “thất bại”, là thêm một lần ngập lụt trong vũng lầy bất lực.

Trước lời giãi bày của người bệnh, Đức Giê-su lên tiếng: Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi (c. 8). Lời của Chúa Giê-su vắn gọn với ba động từ ở thể mệnh lệnh: hãy trỗi dậy, hãy vác chõng và hãy đi. “Hãy trỗi dậy”, một lời quyền năng trái ngược với tình trạng “nằm liệt 38 năm” của người bệnh. “Hãy trỗi dậy” (evgei,rw) ấy là quyền năng sự sống của Đấng lên tiếng truyền cho người bại liệt, nhờ đó anh ta có thể thay đổi cuộc đời. Tiếp đến, “hãy vác chõng”. Đề nghị này của Đức Giê-su xem ra có vẻ hơi thừa, bởi lẽ điều mà người bệnh cần là được khỏi bệnh, chứ không cần phải “vác chõng”. Nhưng, ở đây chính Đức Giê-su đề nghị anh ta vác chõng, một đàng là chuẩn bị cho trình thuật tiếp theo liên quan tới việc vác chõng trong ngày sa-bát (x. Ga 5,9b -18). Đàng khác, vác chõng ấy là đảm nhận lấy lịch sử cuộc đời mình. Chính chiếc chõng là bằng chứng cụ thể thiết thực về những tháng ngày mòn mỏi bất lực của bệnh nhân. Để có thể bước vào một hành trình mới, cần đảm nhận lịch sử đời mình. Thế nên, sau đó Đức Giê-su phán: Hãy đi. Đi là là hành động ngược lại với thái độ “nằm” biểu tượng của bóng dáng chết chóc tử thần. “Hãy đi” là cất bước lên đường lao mình về phía trước, dù chưa biết thế nào. Nhưng đó là một cuộc ra đi dứt khoát, và trên bước đường ấy, Thiên Chúa sẽ tiếp tục can thiệp âm thầm nâng đỡ.

Ngay sau mệnh lệnh của Đức Giê-su, thì trong khoảnh khắc, anh bệnh nhân liền (euvqe,wj, c. 9a) được khỏi bệnh. Thành ngữ khỏi bệnh (u`gih,j) hiểu theo nghĩa là sức khỏe toàn bộ con người. Việc chữa lành này biểu tượng của ơn cứu độ dồi dào[3]. Hiệu quả của Lời Đức Giê-su gọi về một cuộc biến đổi sâu xa tận căn. Việc thay đổi này kèm theo dòng chuyển động: đi. Nếu như trong Nhất Lãm, sau khi người bại liệt được khỏi, Chúa truyền cho người bệnh về nhà anh (x. Mc 2,9), thì nơi tin mừng thứ tư, Chúa truyền cho anh là: Hãy đi (c. 9a). Động từ đi (peripate,w) ở thể chưa hoàn thành diễn tả rằng hành động của anh còn tiếp tục trong thời gian, hay nói cách khác cuộc hành trình của anh còn tiếp diễn.

Trình thuật khép lại với tình tiết thời gian: hôm ấy lại là ngày Sa-bát (c. 9b). Nếu như ở đầu, tác giả đặt câu chuyện vào bối cảnh của một lễ hội vô danh, thì ở cuối, lễ này được cụ thể là Sa-bát[4]. Rõ ràng đó là một lựa chọn có chủ ý của tác giả. Khi đặt Sa-bát kết thúc câu chuyện, tác giả mời độc giả nhìn biến cố chữa lành trong tương quan với công trình sáng tạo và công trình giải thoát của Thiên Chúa. Cụ thể, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã tái tạo và giải thoát người bệnh 38 năm. Hành động giải thoát này không bị giới hạn trong khuôn khổ của Đền thờ, mà là ở bên ngoài. Một Thiên Chúa hiện diện vượt quá khuôn khổ của Đền thờ, và như thế Ngài đã tỏ lòng xót thương, ấy cũng là ý nghĩa của tên Bết-da-tha, căn nhà của lòng xót thương. Nơi Đức Giê-su, lòng xót thương của Thiên Chúa được thể hiện tràn đầy.

[1] Luc DEVILLERS. La fête de l’Envoyé. La section johannique de la fête des Tentes (Jean 7,1 - 10,21) et la christologie. p. 15 : Rõ ràng Ga 5,1 kể về một dịp Lễ không tên, thế nên ta không được áp đặt “một tên” cụ thể nào cho dịp Lễ này.
[2] Người ta có thể nói rằng tình trạng căn bệnh của anh không tới mức trầm trọng như người bại liệt nơi Tm Nhất lãm (Mt 9,2 ; Mc 2,2). Tuy thế, người bại liệt trong nơi Nhất Lãm ít nhất có những người khác mang anh đi. Trong khi đó nơi Tm thứ tư, người ốm không có ai để giúp anh.
[3] Xavier LÉON-DUFOUR. Lecture de l’évangile selon Jean. Tome II. p. 224.
[4]Trong tin mừng thứ tư, độc giả thấy xuất hiện 11 lần từ « sa-bát » : 5,9.10.16.18 ; 7,22.232 ; 9,14.16 ; 19,312. Thật lạ, đa phần (chín lần trên tổng số 11) các từ sa-bát nằm ở trong phần trình bày về các lễ từ chương 5 đến chương 10 của tin mừng.

Tác giả: Lm. Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập285
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,099,042
  • Tổng lượt truy cập71,126,799
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây