Sự gắn bó giữa Phaolô và các tín hữu Philipphê 

Chủ nhật - 13/08/2017 15:23  3381
Phaolô là một vị tông đồ của dân ngoại. Sau khi trở lại đức tin kitô giáo, ngài đã được thôi thúc ra đi một cách không mệt mỏi để rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Ngài đã thực hiện nhiều hành trình truyền giáo và thành lập những cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Trong trường hợp vắng mặt, thánh nhân duy trì mối liên lạc với các cộng đoàn ấy bằng thư từ và cũng là để tiếp tục dậy dỗ các tín hữu. Thành lập, viếng thăm và viết thư tóm tắt lòng nhiệt thành về đời sống tông đồ của Phaolô.  Để tìm hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ đề cập đến một trong những cộng đoàn này mà thánh nhân có mối liên hệ rất mật thiết : đó là cộng đoàn Philipphê.
 
 
Đôi nét về thành Philipphê
 
Philipphê là một thành của Hy Lạp có tên là Datos, hay mang một tên khác xa xưa hơn là Krenides mà ở có rất nhiều mạch nước tuôn chảy từ những ngọn đồi. Vào thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, thành phố này bị chiếm đóng bởi Makêđônia và bị thống trị bởi vua Philippe II và người con trai cả Alexandre. Vị vua này đã lấy tên của mình mà đặt lại cho thành phố này, có nghĩa là Philipphê. Thành Philipphê nằm trên trục đường Via Egnatia nối Phương Tây với Phương Đông. Con đường này do một thái thú của đế chế Roma tên là Egnatius xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Người ta có thể sử dụng con đường này để đi lại từ Roma bằng cách xuống tàu tại cảng Brundisium, rồi ngang qua những thành phố Hy Lạp, Thessalonica, Amphipoli, Philipphê cho đến tận cảng Nêapoli. Cũng từ Nêapoli này có thể đi đến thành phố Alexandria Troas thuộc Tiểu Á bằng đường hằng hải vượt qua Biển Aegea. 
 
Vào năm 31 trước Công nguyên, thành Philipphê bị biến thành thuộc địa của đế quốc Roma. Đây là thị trấn nằm trên địa bàn của huyện đầu tiên thuộc tỉnh Makêđônia mà thủ phủ là Thessalonica. Do có lợi thế địa lý với một bên là đồi núi và bên kia là vùng đất canh tác trù phú cùng với con đường Via Egnatia chạy qua, thành Philipphê trở nên trung tâm thương mại. Vì thế, có thể nói rằng các tín hữu tại đây không nghèo. Họ thường giúp đỡ tài chính cho Phaolô.
  
Cuộc hành trình thứ nhất đến Châu Âu
 
Trong sứ mệnh của mình, Phaolô đã muốn đem Tin mừng đến khắp nơi. Theo sách Công vụ Tông đồ chương 6, câu 9, trong một thị kiến, một người Makêđônia đã đề nghị ngài ra đi đến đất nước của mình để loan báo Tin mừng. Vì lý do này, Phaolô đã rời Trôa để đến cảng Nêapoli. Khi cập bến, ngài còn đi bộ khoảng 12 km trên con đường Via Egnatia cho đến tận Philipphê mà ở đây ngài chuẩn bị để loan báo Tin mừng lần đầu tiên tại Châu Âu vào khoảng năm 49 (50-52).
 
Thành Philipphê thời đó bao gồm đa phần dân chúng thuộc sắc tộc Latinh. Tuy nhiên cũng có một số thuộc gốc người Hy Lạp và Makêđônia. Còn về phía cộng đồng người Do thái thì không có nhiều lắm. Tại đây chỉ có những nhà cầu nguyện chứ không hề có hội đường.   
 
Vào ngày sabat, theo thói quan, Phaolô tham dự với những người Do thái tại nơi cầu nguyện ngoài cổng thành nằm bên bờ sông (x. Cv 16,13). Tại đó, có một phụ nữ tên làn Lyđia, chuyên buôn bán vải điều, đã được đánh động bởi lời giảng dạy của Phaolô và đã trở lại. Ngay lập tức ngài đã rửa tội cho bà ấy cùng cả gia đình và những người làm công. Với lòng hào hiệp, bà này đã mời Phaolô cùng các thành viên trong đoàn truyền giáo cư trú tại gia đình của mình. Ngài còn lưỡng lự, nhưng theo Luca : « Bà ép chúng tôi phải nhận lời » (Cv 16,15).
  
Thế là sự ra đời của cộng đoàn Philipphê ra đời trong bối cảnh đặc biệt. Chính tại nhà Lyđia mà Phaolô đã thiết lập cộng đoàn tín hữu. Những tín hữu đầu tiên tại đây bao gồm : Êvôđia, Xidigô, Xintikhe, Clement (x. Pl 4, 2-4), Epáprôđitô (x. Pl 4,18) và đặc biệt là nữ thương gia vải điều Lyđia người gốc Thyatira (x. Cv 16,14) mà cũng là người sẵn sàng dùng ngôi nhà của mình làm nơi cầu nguyện hàng ngày cho cộng đoàn tín hữu tại Philipphê.
 
Những ngày trong sứ vụ tông đồ của Phaolô và những người cộng sự tại đây kéo dài không lâu. Các ngài bị kết án là mang đến những thứ thực hành hoàn toàn trái ngược với thuần phong đế quốc Roma (x. Cv 16, 21) nên bị buộc phải rời khỏi. Vì thế, Phaolô đã tìm cách đến Thessalonica cách đó chừng 200 km.
 
Mối quan hệ khăng khít với cộng đoàn Philipphê
 
Thư gửi cho cộng đoàn tín hữu Philipphê được thánh Phaolô viết mang đầy niềm cảm xúc trìu mến so với các thư viết cho các cộng đoàn tín hữu khác. Ngài đã đánh giá cao sự quảng đại mà cộng đoàn này đã dành cho mình. Trong thư gửi cho các tín hữu Philipphê, ngài giãi bày : « Chính anh em, những người thành Philipphê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin mừng, lúc rời khỏi Makêđônia, không một Hội thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi ; bởi vì ngay khi tôi còn ở Thessalonica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng » (Pl 4, 15-16). 
 
Một mối tương quan bằng hữu được dệt giữa Phaolô và cộng đoàn tín hữu này. Mối tương quan ấy đã thúc đẩy họ có một sự hiệp thông, cộng tác trong sứ vụ tông đồ. Phaolô luôn luôn nhận được sự hậu thuẫn của các tín hữu Philipphê ngay cả những thời điểm không ở bên họ. Khi ngài truyền giáo tại Akhaia, họ cũng hỗ trợ tài chính. Vì thế, Phaolô sau này còn nói về sự giúp đỡ này trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Corintô : « Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, bởi vì các anh em từ Makêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần » (2 Co 11,9).
 
Khi Phaolô thực hiện chuyến hành trình truyền giáo lần thứ ba tại Êphêsô, các tín hữu Philipphê cũng tiếp tục duy trì thói quen bác ái này. Cảm động trước sự quảng đại của họ, ngài đã viết thư gửi cho cộng đoàn tín hữu này. Văn phong và nội dung thư thể hiện tình bằng hữu tốt đẹp giữa ngài và các tín hữu Philipphê.
 
Lời mở đầu thư, ngài không nêu chức danh tông đồ như thói quen thường thấy trong các thư khác. Ngài tự giới thiệu mình với họ và giới thiệu người đồng hành Timôtê như là « tôi tớ của Đức Kitô Giêsu » ; trong khi đó ngài lại gọi cộng đoàn tín hữu Philipphê là « dân thánh trong Đức Kitô tại Philipphê ».
 
Sau đó, Phaolô nói với họ về hoàn cảnh tù đầy của mình nhưng cũng không quên đảm bảo rằng ngài luôn luôn dành cho họ tình yêu của mình trong Đức Kitô : « Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi : tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa » (Pl 1, 8-11).
 
Ngài cũng chia sẻ với họ những mối bận tâm của mình để cho Tin mừng được rao giảng, những khó khăn mà mình gặp phải trên bước đường ấy. Trong mọi trường hợp, ngài chấp nhận tất cả để danh Đức Kitô được nhận biết : « Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi » (Pl 1, 21). Ngước mắt nhìn Đức Kitô, ngài hát lên cho họ thánh thi về gương tự hạ của Chúa Giêsu mà ngài đã dậy các tín hữu Philipphê và họ đã hát trong khi cử hành các buổi cầu nguyện : « Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự… » (Pl 2, 6-8).
 
Lời kết
 
Trong Năm Đức Tin và trong viễn cảnh của Thượng Hội đồng về tái truyền giáo vào tháng Mười 2012 tại Roma, vị tông đồ Phaolô cho chúng ta một cái nhìn về phương thức loan truyền Tin mừng với tất cả con người của mình. Ngài đã chấp nhận cuộc phiêu lưu như là cơn gió của Thần Khí thổi đến nơi mà mình muốn. Ngài cũng không chỉ rao giảng Tin mừng cho dân ngoại vằng lời nói nhưng cũng bằng cách gần gũi với họ để cùng sống và nhất là thường xuyên tìm cách duy trì những mối liên lạc : viếng thăm họ ngay khi có dịp và trao đổi thư từ khi vắng mặt. Nơi thánh nhân, chúng ta thấy được một sự hiệp thông toàn diện qua lời cầu nguyện và những hành động thực tiễn.
 
Tăng Kỳ Mục
 
Sách tham khảo
 
1. H. D. SAFFREY, Histoire de l’Apôtre Paul ou faire chrétien le monde, Cerf 1997
 
2. Hans CONZELMANN et Andreas LINDEMANN, Guide pour l’Etude du Nouveau Testament, Labor et Fides 1999
 
3. M. CARREZ, P. DORNIER, M. DUMAIS et M. TRIMAILLE, Les Lettres de Paul de jacques, Pierre et Jude, Desclés, Paris 1983
 
4. Chantal REYNIER, Pour lire Saint Paul, Cerf 2008
 
5. Dictionnaire encyclopédique du christianisme ancien, tome 2, Cerf 1990
 
6. Nhóm Phiên dịch CGKPV, Kinh thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước, nxb tp. HCM 2002
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm232
  • Hôm nay35,011
  • Tháng hiện tại895,372
  • Tổng lượt truy cập78,898,823
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây