Gặp gỡ Chúa qua các Thánh Vịnh (kết)

Thứ năm - 11/08/2016 11:17  1828
Tâm tình ca ngợi

Cùng đồng hành với nhau trên một đoạn đường, chúng ta chỉ tìm hiểu và cầu nguyện với vài Thánh Vịnh mà thôi. Dù vậy, ước mong mãi mãi là được gặp gỡ Chúa trong chính cuộc đời thật của ta. Gặp gỡ Chúa để Ngài vén mở cho ta hiểu thêm về Ngài và cũng là để hiểu hơn về con người thật của ta: mỏng manh, yếu đuối bệnh tật. Hành trình tìm hiểu sẽ còn được tiếp tục với đôi chân tìm kiếm của mỗi người. Ở đây xin được cô đọng những bước chân đồng hành vừa rồi trong bài ngợi ca của Đức Nữ Trinh Ma-ri-a.

1. Xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để ta cùng ngợi ca và nếm nghiệm tình thương lạ lùng của Thiên Chúa trong cuộc đời ta.

2. Đọc chậm rãiBài ngợi ca Magnificat” (Lc 1,46-55)

(46) Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
(47) thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
(48) Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
(49) Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
(50) Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
(51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
(52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
(53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
(54) Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
(55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
 
Bài thánh ca này được chia làm hai phần. Phần 1, c. 46-50 là lời ngợi khen cám ơn của Mẹ. Phần 2, c. 51-55 lời ngợi khen mở ra toàn bộ lịch sử cứu độ.

3. Vài gợi ý suy niệm

Để thấy ý nghĩa sâu xa của bài thánh ca này, ta nên đặt nó ở trong bối cảnh của nó. Đó là dịp Mẹ Ma-ri-a đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Khi vừa gặp người chị họ già cả này, bé thơ trong dạ của cụ già nhảy mừng, còn chính cụ già đầy tràn Thánh Thần...Rồi Đức Ma-ri-a cất ca bài Ngợi Khen (Magnificat).

a. Phần 1, c. 46-50. Rõ ràng chủ từ của lời ca ở đây là chính đức Ma-ri-a, hay cụ thể hơn là chính “linh hồn Mẹ”: “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (c. 46). Thánh Ambroise nói: “ước mong thay hồn và thần trí Mẹ Ma-ri-a ở trong ta để ta có thể cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa”. Trong lời ngợi khen của Mẹ, ta thấy có hai động từ quan trọng mà Đức Ma-ri-a là chủ từ: ngợi khen, hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa. Điều đó nói lên rằng: đối với Mẹ, Thiên Chúa là tất cả. Thành ra, ngay sau đó, chỉ có Thiên Chúa là chủ từ của các động từ khác. Nói cách khác, vẫn là lời ca ngợi của Mẹ Ma-ri-a đó, nhưng giờ này Mẹ ẩn mình đàng sau lời ca, để cho chỉ một mình Thiên Chúa xuất hiện làm chủ tình thế trong lời ca.

Để hiểu được tâm tình “ngợi khen hớn hở” của Mẹ Ma-ri-a, ta mở tầm nhìn về tâm tình của Chúa Giê-su: “Ngay lúc ấy, Chúa Giê-su hớn hở mừng vui trong Chúa Thánh Thần cất tiếng: con ngợi khen Cha là Chúa tể trời đất, Cha đã dấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều đó, nhưng đã mặc khải cho những người nhỏ bé” (Lc 10,21). Rõ ràng là lời ngợi khen của Mẹ Ma-ri-a tương tự như tâm tình của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su thấy rõ sự tương phản giữa: bậc khôn ngoan thông thái/người bé nhỏ. Mẹ Ma-ri-a trong bài ca nhấn mạnh sự tương phản: kẻ quyền thế/người khiêm nhường; giàu có/đói nghèo. Trong cái nhìn này, ta không quá lời khi nói, lời ca của Đức Ma-ri-a diễn tả một trong những điều chính yếu nơi Tin Mừng: ngợi ca Thiên Chúa.

Mẹ ngợi ca Thiên Chúa tức là Mẹ yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người thật của mình, yêu một tình yêu mãnh liệt. Tới độ muốn “hớn hở mừng vui”, theo tiếng Hy-lạp là “nhảy mừng”, tựa như Gio-an Tẩy Giả nhảy mừng trong dạ Ê-li-sa-bét. Ta lại chẳng nhớ tâm tình của Đa-vít nhảy múa trước Hòm Bia Thiên Chúa sao. Đó là tâm tình chân thành nhất mà cũng đơn sơ nhất. Chính trong tâm trạng đơn sơ, nó diễn tả sự thật về chính mình và hé mở cho ta hiểu về Thiên Chúa. Đối với Mẹ, Thiên Chúa thật gần gũi và cũng rất thánh thiêng: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Chính Thiên Chúa cứu độ, giải thoát Mẹ khỏi cái “cô đơn, không hiểu biết” về huyền nhiệm Nhập Thể. Khi nói Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, ấy là Thiên Chúa trong sự trải nghiệm rõ ràng: Ngài đã từng giải thoát Ít-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập, giờ đây Ngài tiếp tục giải thoát. Nếu Ngài là Đấng Cứu Độ, con chỉ là “tôi tớ, nữ tỳ, nô lệ” của Ngài. Ngài cho con thoát khỏi cảnh “nô lệ” của bóng tối, giờ này con xin làm “nô lệ” của Ngài, Đấng ban sự sống. Ta xin cho được ơn nếm nghiệm Đấng Giải Thoát ta, để rồi ta ngợi khen nhảy mừng vui trong Thiên Chúa với Mẹ Ma-ri-a.

Bây giờ ta tiếp tục xem Thiên Chúa cứu thoát Mẹ thế nào? ‘Ngài đã đoái thương phận hèn nữ tỳ” (c. 48). Mẹ nhận thấy rằng: Thiên Chúa lớn lao quyền năng, vậy mà Ngài đã đoái thương nhìn đến thân phận nghèo hèn của mình. Tâm tình này thường xảy ra đối với những người thánh hiến vào dịp khấn trọn. Lúc nằm xuống đất để chết đi cho đời, nhìn nhận mình chỉ là tro bụi, thế mà Chúa đã đoái thương nhìn đến. Vì thế niềm vui thể hiện rạng rỡ, đôi khi chỉ có giọt lệ diễn tả hay hơn. Trong tiếng Hy-lạp, từ “phận hèn” có nghĩa đặc biệt, nó không chỉ diễn tả khía cạnh mỏng dòn, yếu hèn, mà riêng với Mẹ Ma-ri-a, từ này có lẽ còn diễn tả: vâng, con chỉ là thụ tạo thấp hèn, thế mà Chúa đã đoái thương chọn con là Mẹ Đấng Cứu Thế; rồi nữa trước biến cố Truyền Tin, thật khó mà hiểu được, bao khó khăn nội tâm xảy đến, thế mà giờ này Chúa đã giải thoát cứu vớt con, cho con tâm hồn an bình hớn hở. Thế đấy, Thiên Chúa đã chọn một thôn nữ chẳng ai biết đến, nhưng từ lời fiat “xin vâng” của Mẹ, Thiên Chúa làm cho Mẹ thành thụ tạo mới.

-“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 48). Lời ngợi ca của Mẹ ở đây dạy ta rằng: điều quan trọng đối với một người là ngợi ca những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho ta. Có người bảo tôi, làm sao ca ngợi Thiên Chúa khi mà tôi gặp cảnh cơ hàn, lúc mà thế giới tàn khốc chiến tranh, giờ mà trẻ thơ chết oan ức. Thật, lúc ấy tế nhị. Nhưng nếu ta can đảm để lắng đọng tất cả những âu lo của riêng cõi lòng lặng trĩu, rồi không nhìn thế giới theo con mắt cá nhân chủ nghĩa của mình nữa, mà là nhìn các biến cố bằng cái nhìn của Thiên Chúa, thì ta vẫn thấy có thể ngợi ca Thiên Chúa đã cho ta phân biệt đâu là lành đâu là dữ. Để rồi từ đó ta có thể đồng cảm với những ai khổ đau. Trong trường hợp này, ngợi khen có nghĩa rằng: tôi chiêm ngưỡng thế giới như là nơi mà Thiên Chúa thi thố gia ân, nơi Thiên Chúa bộc lộ lòng thương xót vô bờ bến, nơi Thiên Chúa tặng ban tất cả cho ta nơi Đức Giê-su Ki-tô, nơi mà Thiên Chúa ưu tiên những người khó nghèo, tay trắng, đau khổ.

Tiếp đến Mẹ dạy ta rằng: ngợi khen phải gắn liền với kinh nghiệm sống động trong cuộc đời của mỗi người, chứ không phải chỉ là những chữ vô hồn. Chẳng hạn, được là linh mục của Chúa, được Chúa chia sẻ cho quyền năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa, hoặc có đức tin...vv. Ấy là ân huệ thật lớn lao, vậy mà ta hay quên. Có lẽ thỉnh thoảng ta cần hồi tâm xét mình để thấy rõ rằng Chúa đang có mặt trong cuộc đời ta để mà ngợi khen Chúa.

Rồi nữa, lời ngợi khen trong những biến cố thường nhật, dù nhỏ bé. Thật sự, Mẹ đã nghe được lời sứ thần Gab-ri-en, nhưng được bao nhiêu phút? Mẹ cũng đã nghe lời ca ngợi của chị họ Ê-li-sa-bét, nhưng đâu có dài. Thế mà Mẹ nhìn thấy trong hai biến cố ấy, Thánh Ý Thiên Chúa đang thực hiện, không chỉ cho Mẹ, mà còn cho cả vũ trụ. Như thế, ngợi ca Thiên Chúa là nhận ra rằng Thiên Chúa đang tỏ mình cho bản thân và cho vũ trụ. Trên phương diện tâm lý, ta chỉ cần tập trung vào một biến cố nào đó như là khúc ngoạt đời ta, rồi từ đó ta sẽ học hỏi khám phá ra rất nhiều ý nghĩa. Thật vậy, nhiều lúc ta quá “ôm đồm” với hàng ngàn ý tưởng, hoặc loay hoay với bao vấn đề, thế là ta nhìn các biến cố chẳng sáng sủa chút nào cả[1].

b. Phần 2, c. 51-55, mở rộng ra ơn cứu độ thế giới. Ta sẽ suy niệm trước tiên cách thế Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi (c. 51-53). Thật lạ, Chúa lật ngược tình thế: hạ bệ những kẻ quyền thế kiêu căng, nâng cao những ai phận nhỏ. Đó là lúc Chúa “giơ tay biểu dương sức mạnh”. Hình ảnh này nhắc nhớ kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Xuất hành. Đó là lúc Chúa giơ tay qua người tôi tớ Chúa là Môi-sê rẽ nước biển làm hai để cho dân bước qua, nhờ đó họ thoát khỏi đất nô lệ tiến vào đất tự do. Ở đây Mẹ Ma-ri-a dạy ta tập nhìn theo cái nhìn của Chúa: quan tâm tới người nghèo khó, khiêm cung; đừng chạy theo thói đời hướng theo “kẻ quyền thế, kiêu căng. Chính Mẹ đã sống điều Mẹ hát. Trong biến cố giáng sinh, Mẹ Ma-ri-a sinh Chúa trong cảnh nghèo nàn. Bé thơ Giê-su nghèo, không nhà, không quyền bính, không tài sản. Thế nhưng Thiên Thần lại hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”. Khi Chúa Giê-su đi xuống dòng sông Gio-đan, tự coi mình như là tội nhân, để rồi khi lên khỏi nước, chính Chúa Cha đã lên tiếng: “đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”. Qua đây ta cũng học được cách thế hành động của Thiên Chúa: luôn luôn kín đáo, âm thầm, đơn giản, và mãnh liệt hằng ngày.

Tiếp đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa mở rộng cho hết mọi người kính sợ Chúa. Dân kính sợ Chúa là đặt nơi Ngài niềm hy vọng cứu rỗi.
 
4. Ta xin cùng với Mẹ Ma-ri-a hát bài kinh ngợi ca “Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa í a. Thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi...”.
 
Những dòng chia sẻ khép lại, nhưng lời ngợi ca của Đức Nữ Trinh tiếp tục âm vang mở ra những tâm tình mới. Và với đôi chân thơ thới, ta lại tiếp tục để Chúa dìu đi. Đi về nơi Ngài muốn.

[1] Kinh nghiệm của đức hồng y Martini : khi đi thăm một bệnh nhân 35 tuổi, nằm liệt ở trong phòng ăn. Khi đến thăm, người thanh niên này kể : trong vòng 14 năm trời rồi, con nằm trong một chiếc xe lăn nhỏ này, hoàn toàn bất toại, con không tự mình di chuyển được, hoàn toàn phụ thuộc, con phải thở với ống ô-xy…Thế rồi, trong thinh lặng, anh ta vui vẻ hào hứng : « Con xin tạ ơn Chúa, con xin ngợi khen Ngài vì đã ban cho con bao ân huệ : sự sống của con, ánh sáng của con mắt, ánh sang con tim. Vâng, Ngài quả là lớn lao kỳ vĩ, con xin dâng Ngài đời con, sự khiết tịnh của con và quà tặng là chính con…. ». Thật là kinh nghiệm quý báu dạy ta mở lòng mở mắt nhìn cuộc đời với con tim của Chúa. Thế rồi đức hồng y nhận ra đường lối Thiên Chúa và cất tiếng : « Vâng, lạy Chúa, chính Ngài cho chúng con thấy Ngài đã cứu chúng con thế nào, Ngài đã đến với chúng con ra sao. Khi mà chúng con không thể, thì Ngài đã đến cứu chữa cách lạ lùng. Con xin ngợi khen tạ ơn Chúa ».

Tác giả: Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập412
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm378
  • Hôm nay41,705
  • Tháng hiện tại902,066
  • Tổng lượt truy cập78,905,517
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây