Gặp gỡ Chúa qua các Thánh Vịnh (1)
Thứ hai - 27/06/2016 11:23
2191
Dẫn nhập
Chúng ta thường nghe lời mời gọi tha thiết : «Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em… » (Đnl 6,4-9). Trong lời mời gọi này, ta lưu tâm tới việc yêu mến Thiên Chúa với tất cả khối lòng, trái tim. Hôm nay, tôi chỉ mời gọi bạn yêu mến Thiên Chúa qua đôi chân với những bước đi hòa quyện với những lời hát của con tim tha thiết.
Yêu mến Thiên Chúa với đôi chân. Lời mời gọi này có vẻ hơi lạ, nhưng thực ra đã có ở lời gọi ở sách Đnl 6,4-9 như vừa trích ở trên rồi : « Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy… » (c. 7).
Nói tới đi ấy là nói tới con người sống động, con người dùng đôi chân của mình để yêu mến Thiên Chúa. Nhưng dường như ít khi ta để ý tới đôi chân. Nhưng thực tế thì ngày qua ngày, từ thung lũng này tới đỉnh đồi kia, đôi chân chúng ta luôn cảm thấy ngỡ ngàng. Đôi chân cho phép chúng ta bước vào một cuộc khám phá lạ lùng, ở đó chúng ta sẽ tìm kiếm điều lòng chúng ta khát khao, cùng lúc ta thực hiện căn tính ơn gọi của con người là luôn vươn mình về phía trước. Nhờ đôi chân, chúng ta cảm thấy hương vị của bụi đất (A-đam), và nhờ đôi chân rong ruổi lữ khách, chúng cũng nói với chúng ta đôi điều về Đấng Hoàn Toàn Khác.
Đôi chân gợi cho ta cuộc lên đường mà lúc khởi đầu thật là khó khăn. Bởi vì phải nhấc đôi chân nặng trịch để dò dẫm xem đâu là những bước đi chắc chắn, xem đâu là những viên đá đặt vững chắc để đặt những bước tiếp theo. Nhưng, một khi đôi chân đã đi vào dòng chuyển động, thế là đôi mắt hướng về phía núi đồi để khám phá vô biên lớn lao. Sự mênh mông vô tận thì thầm vẽ lên lối đi của những viên đá xuyên qua những trườn dốc hoặc vực sâu. Vậy ra, đôi chân có tham dự tích cực vào cuộc khám phá một Thiên Chúa luôn lớn hơn lòng chúng ta tưởng.
Bên cạnh đó, bước đi trong dòng đời, ta nhận ra rằng đôi chân của chúng ta vẫn còn là nơi ghi dấu tất cả những bất hạnh cuộc đời. Mệt nhọc đến từ đôi chân. Đôi lúc đôi chân quặn đau bởi những giằn vặt của những lối đi, hoặc vấp phải những khấp khểnh ngăn lối. Đôi chân cũng chẳng ham gì những con đường thẳng tắp rải nhựa đường, bởi khi nắng lên, nhựa đường chảy ra và dính vào chân khiến da sưng phồng, rộp rát.
Một đôi chân luôn mang nơi mình niềm vui và nỗi cô quạnh, tiếng reo và chán chường. Nhưng chính ở đó, đôi chân mới có hương vị rất thật cho cuộc phiêu lưu càng lúc càng xa. Càng vươn tới, càng cần sự kiên trì, bám chặt với mặt đất để khám phá ra con người « tro bụi » mang trong tim nỗi khát khao lênh láng. Xa hơn. Tiến xa hơn ! Đó là lời nhủ thầm da diết mà đôi chân réo gọi ta nhập vào trong vũ điệu đất trời với lòng người. Chính ở đó, đôi chân lại là yếu tố không thể thiếu của lễ hội và nhịp bước lời hoan ca.
Thiên Chúa nơi Đức Giê-su cũng đến gặp gỡ chúng ta qua những bước đi. Thiên Chúa của những lối tới miền Giu-đa, nẻo về của miền Ga-li-lê. Chính Thiên Chúa đã dùng đôi chân bước trên trái đất này để đến với con người. Và con người học trả lời bằng những lời ngợi ca xuyên qua những bước đi kinh nghiệm cuộc đời. Đôi chân cống hiến cho chúng ta hương vị của đất đai và làm cho chúng ta yêu mến mảnh đất này để từ đó chúng ta khám phá ra những bước đi của Thiên Chúa. Từ đôi chân, chúng ta học hỏi bước đi tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi nơi và trong tất cả. Và thế là chúng ta ngợi ca Thiên Chúa bằng những đôi chân của chúng ta… « Tôi mừng vui, mỗi khi nghe nhủ rằng nào ta tiến lên Đền Thờ Thiên Chúa. Đây, Gia-liêm, ta dừng chân ngắm của tiền đường. Ôi thành thánh vinh quang. »
Đôi chân đã đưa con người tới gặp Thiên Chúa, hay nói đúng hơn chính Thiên Chúa nơi đôi chân cụ thể của Đức Giê-su đã đến tìm kiếm ta trước. Gặp gỡ để giãi bày tất cả nỗi lòng cay đắng lẫn ngọt bùi. Và đó cũng chính là tâm tình mà các tác giả Thánh Vịnh muốn gửi gắm. Hy vọng giản dị là qua việc cùng cầu nguyện với một vài Thánh Vịnh[1] dưới đây, chúng ta sẽ gặp gỡ một Thiên Chúa sống động. Và nếu có thể, chúng ta bắt đầu yêu mến cầu nguyện với các Thánh Vịnh hơn.
Với ước mong ấy, sau bài khái quát về Tv, chúng ta sẽ cùng nhau đề cập bốn chủ đề sau dưới sự soi sáng của Tv 1; 3; 6 và bài ca Magnificat của Đức Mẹ.
1. Hiểu về căn tính con người: Tv 1
2. Con người lúc gặp thử thách gian nan : Tv 3.
3. Con người lúc bệnh tật Tv 6.
4. Ngợi ca Thiên Chúa: Magnificat Lc 1,46-55.
CÁC SÁCH THAM KHẢO
Carlos G. VALLES, Thánh vịnh để chiêm niệm. Gồm 150 Thánh vịnh để suy niệm và cầu nguyện, (Nguyên bản Psalms for Contemplation), Do Loyola Press, Chicago, 1989.
Carlos M. MARTINI, Le désir de Dieu : prier les psaumes (Thiên Chúa khát mong : cầu nguyện với các Thánh vịnh), Paris : Cerf, 2004.
NGUYỄN Văn Lộc Sj., Đức Ki-tô, Người hát Thánh Vịnh đáng kính phục, Antôn Đuốc Sáng, 2006.
[1] Đây là vài Thánh Vịnh được trích từ
Gặp gỡ Chúa qua Thánh Vịnh mà chúng tôi có dịp chia sẻ.