TM Luca, Tin Mừng lòng thương xót

Thứ sáu - 08/01/2016 03:36  9104
TIN MỪNG THEO THÁNH LU-CA
Tin mừng lòng thương xót
 
MỤC LỤC

DẪN NHẬP. 3

PHẦN I: KHÁI QUÁT TIN MỪNG LU-CA.. 5

I. Tác giả, cộng đoàn và thời gian viết. 5
1. Tác giả. 5
2. Độc giả và thời gian sáng tác của Tin mừng thứ ba. 6

II. Đề nghị một cấu trúc. 7

III. Vài tư tưởng thần học của Tin mừng Lu-ca. 8

PHẦN II: VÀI TRÌNH THUẬT TIÊU BIỂU.. 12

I. Phần 1: Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử nhân loại (1,5 – 4,13). 12
1. Biến cố truyền tin (Lc 1,26-38): Lòng xót thương Nhập Thể. 12
2. Hiện tại hóa: Thiên Chúa đến gần. 18

II. Phần 2: Sứ vụ ở Ga-li-lê (4,14 – 9,50). 19

1. Chúa Giê-su cho con trai bà góa thành Na-in sống lại (7,11-17). 19
2. Chúa để cho người phụ nữ tội lỗi tới gần Ngài (7,36-50). 22

III. Phần 3: Hành trình lên Giê-ru-sa-lem (9,51 – 19,28). 25

1. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37). 25
2. Dụ ngôn người Cha nhân hậu (Lc 15, 11-32). 28

IV. Phần 4-5: Tại Giê-ru-sa-lem, Thương Khó và Phục Sinh (19,29 – 24,53). 32

1. Bữa tiệc Thánh Thể (Lc 22,14-20). 32
2. Trên Thập giá (23,39-46). 36
3. Gặp gỡ trên đường Em-mau (24,13-35). 39

PHẦN III: HIỆN TẠI HÓA THẦN HỌC LU-CA.. 43

1. Lời ân sủng «đảo ngược». 43
2. Lời thách thức: mặc lấy sự yếu đuối. 44
3. Lời xuất hành, hạnh phúc ‘một nửa ở phía trước’. 47

LỜI KẾT.. 50

DẪN NHẬP

Một hành động biểu tượng luôn mời gọi suy nghĩ. Hôm mở cửa lòng thương xót (08/12/2015), vị cha chung của Giáo phận mang cuốn Tin mừng dẫn đầu bước qua cửa thánh và tiến vào vương cung thánh đường Phú Nhai. Thật trang nghiêm ắp đầy ý nghĩa: mang cuốn Tin mừng là mang chính Đức Ki-tô ẩn dấu dưới những chữ viết. Mang cuốn Tin mừng để bước vào Năm Thánh, ấy cũng là thái độ xác tín rằng: chính Đức Ki-tô là suối nguồn cứu rỗi và là dung mạo đích thực của lòng xót thương[1]. Như vậy, với niềm xác tín này, ta có thể nói rằng: bề ngoài thì vị cha chung Giáo phận mang cuốn Tin mừng với những chữ viết, nhưng trong thâm tâm thì lại mang ước mong tha thiết: chính Đức Ki-tô sẽ ôm ấp toàn thể Giáo phận và chính một mình Ngài mới có Lời ban sự sống đời đời.

Cả bốn Tin mừng đều kể về cuộc đời của Đức Giê-su Ki-tô, về lời nói việc làm của Ngài, và đỉnh cao là chính cuộc Tử Nạn - Phục Sinh của Ngài (MK 20). Tuy nhiên, mỗi một Tin mừng lại kể về Ngài bằng những nét độc đáo riêng. Nói theo ngôn ngữ của tông huấn Verbum Domini (Ngôi Lời Thiên Chúa), thì cùng là Đức Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhưng Lời “duy nhất này được diễn tả bằng nhiều cách thế khác nhau, như một bản nhạc nhiều cung bậc”[2]. Hôm nay, theo chiều hướng của Năm Phụng vụ C và trong bầu khí của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ta chỉ dừng lại chiêm ngưỡng Đức Giê-su theo cái nhìn của thánh sử Lu-ca mà thôi. Ta thử xem, ngoài những nét chung so với các Tin mừng khác, thì dung mạo Đức Giê-su theo Tin mừng thứ ba này có những điểm nổi bật nào? Dung mạo sống động của Ngài truyền ban sự sống cho cuộc sống người tín hữu hôm nay ra sao? Đặc biệt, trong Năm thánh Lòng Thương Xót, Đức Giê-su Ki-tô theo Tin mừng Lu-ca hướng dẫn ta sống thế nào?

Chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi trên qua ba phần chính:

Phần I:    Khái quát về Tin mừng Lu-ca
Phần II:   Nghiên cứu một số bản văn tiêu biểu của Tin mừng Lu-ca
Phần III:  Hiện tại hóa sứ điệp Tin mừng Lu-ca

PHẦN I

KHÁI QUÁT TIN MỪNG LU-CA

Chỉ nhìn thoáng qua, dù Tin mừng Lu-ca (Lc) chỉ có 24 chương, ít hơn 04 chương so với Tin mừng Mát-thêu, nhưng Tin mừng thứ ba lại dài nhất trong tất cả các tác phẩm của Tân Ước[3]. Ngay từ thời các giáo phụ, Lc luôn luôn được Giáo hội và các tín hữu yêu mến và trưng dẫn nhiều. Lý do chính yếu nhất là vì Giáo hội đã luôn trải nghiệm nguồn sức mạnh ơn cứu rỗi nơi Tin mừng này, đặc biệt bởi vì Tin mừng thứ ba này có lối văn sáng sủa dễ hiểu và khá gần gũi với các tín hữu.

Và để đi vào khám phá cụ thể hơn gương mặt Đức Giê-su nơi Tin mừng này, thiết tưởng trước hết ta nên tìm hiểu xem tác giả và độc giả của Tin mừng này là ai? Tin mừng này được sáng tác vào năm nào? Cấu trúc Tin mừng ra sao và tư tưởng thần học của Tin mừng này thế nào?

I. Tác giả, cộng đoàn và thời gian viết

1. Tác giả

Theo truyền thống và đa số các giáo phụ (I-rê-nê, Ter-tu-li-a-nô, Gio-an Kim Khẩu) thì Lu-ca là tác giả của Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ. Chính tác giả đã tự giới thiệu mình một cách rõ ràng với chủ từ ở ngôi thứ nhất “tôi” ở đầu hai tác phẩm này (x. Lc 1,1-4 và Cv 1,1). Trong khi đó các tác giả các Tin mừng khác thì lại ẩn danh. Khi để mình ở ngôi thứ nhất trong tác phẩm, tác giả nhắm mục đích rõ ràng: ngài muốn đảm bảo những điều được viết trong tác phẩm của mình là xác thực, mang rõ tính sử học. Chính vì lẽ đó mà các học giả coi Lu-ca vừa là nhà thần học vừa là nhà sử học.

Theo các thư của Phao-lô thì chính Lu-ca là người môn đệ đã chia sẻ nỗi đau khổ ngục tù với vị Tông đồ dân ngoại (2 Tm 4,11). Chắc hẳn rằng Lu-ca cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng thần học của Phao-lô[4]. Ngoài ra, qua thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-sê, ta được biết Lu-ca là một thầy thuốc (x. Cl 4,14; 2 Tm 4,11; Plm 24). Là môn đệ của vị Tông đồ dân ngoại, cùng với nghề thầy thuốc[5], hẳn rằng các khía cạnh này sẽ được thể hiện trong Tin mừng Lu-ca mà ta sẽ có dịp đề cập tới.

2. Độc giả và thời gian sáng tác của Tin mừng thứ ba

Ngay khi mở đầu Tin mừng, Lu-ca đã nêu rõ độc giả của mình là Thê-ô-phi-lô: « Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính » (x. Lc 1,1). Thê-ô-phi-lô có thể hiểu như là tên một cá nhân. Nhưng theo đa số các học giả, Thê-ô-phi-lô có nghĩa là « người được Thiên Chúa yêu thương ». Thành ra tên này được Lu-ca dùng để gửi tác phẩm của mình cho « tất cả những ai được Thiên Chúa yêu thương ». Đó là các tín hữu tại các Giáo hội ở miền Đông Biển Địa Trung Hải, họ thấm nhuần văn hóa Hy-lạp.

Tác phẩm này được viết vào khoảng những năm 80 – 85, tức là sau biến cố Đền thờ bị phá hủy (70).

II. Đề nghị một cấu trúc

Dựa vào tiêu chuẩn về không gian (nơi chốn địa lý), ta có thể chia Tin mừng Lc thành năm phần chính với một phần dẫn nhập như sau[6]:

Phần dẫn nhập: (1,1- 4)
Phần 1 : Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử nhân loại (1,5– 4,13)
Phần 2 : Sứ vụ ở Ga-li-lê (4,14 – 9,50)
Phần 3 : Hành trình lên Giê-ru-sa-lem (9,51 – 19,28)
Phần 4 : Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem (19,29 – 21,38)
Phần 5 : Thương khó và Phục sinh (22,1 – 24,53)
Nhìn khái quát cấu trúc của Tin mừng thứ ba, ta thấy cuộc đời của Đức Giê-su như là một hành trình lên đường rất sống động: bước vào lịch sử nhân loại tại vùng Ga-li-lê để rồi bước về Giê-ru-sa-lem để hoàn tất sứ mạng.

III. Vài tư tưởng thần học của Tin mừng Lu-ca

1. Trước hết, như vừa thoáng thấy trong phần cấu trúc, Tin mừng Lc nhấn mạnh tới Đền thờ Giê-ru-sa-lem[7]. Chỉ cần nhìn khái quát cả Tin mừng này, ta sẽ thấy vai trò rất đặc biệt của Giê-ru-sa-lem. Tin mừng bắt đầu bằng việc trình bày Da-ca-ri-a cầu nguyện trong Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem (x. Lc 1,9), rồi kết thúc với việc kể lại rằng: sau khi các môn đệ thấy Đức Giê-su lên trời, họ quay trở về Giê-ru-sa-lem lòng đầy hoan hỷ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (24,52-53). Rõ ràng là cả Tin mừng thứ ba được bao bọc bởi hình ảnh Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Có lẽ vì lý do này mà theo truyền thống, người ta gán cho Tin mừng thứ ba với biểu tượng là con bò. Đó là con vật quan trọng để dâng hiến tế trong Đền Thờ. Hơn nữa, Đền Thờ không hề là vật chất gỗ đá, nhưng là nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi Thiên Chúa Giao Ước ở giữa dân Ngài. Chính vì thế, Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem lúc 12 tuổi (x. 2,49); Ngài quyết định đi lên Giê-ru-sa-lem (x. 9,51). Giê-ru-sa-lem như được nhân cách hóa[8], Đức Giê-su đã thương khóc Giê-ru-sa-lem (19,28.41-44). Cũng tại Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su muốn hiến dâng trọn vẹn hiến lễ đời mình. Tất cả quyết định ấy diễn tả thái độ lựa chọn hiến dâng tất cả cho Chúa Cha không giữ lại cho mình điều gì: «Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha» (23,44-46).

2. Tiếp đến, Lu-ca muốn trình bày một Thiên Chúa tới gần con người. Việc Ngài tới gần con người đã được chuẩn bị với lời loan báo của các ngôn sứ, đặc biệt là của I-sa-i-a 7,14: «Vì thế, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en». Tiếp đến, là cuộc chuẩn bị gần với cuộc sinh hạ lạ lùng của Gio-an Tẩy Giả, và cụ thể nhất Thiên Chúa tới gần con người khi Ngài sai sứ thần Gáp-ri-en tới truyền tin cho Ma-ri-a. Rồi nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa ở với con người, đặc biệt những người nghèo của Đức Chúa (anawim): Cụ già Si-mê-ôn, nữ ngôn sứ An-na. Thiên Chúa còn tới gần con người hơn nữa khi mà Đức Giê-su đã đón tiếp, đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi (x. Lc 15). Việc tới gần này gắn liền với cuộc xuất hành bị cất khỏi trần gian (9,31.51). Nói cách khác, đó chính là việc dấn mình cho tới tận cùng xuyên qua cái chết và phục sinh của Ngài.

3. Khi Thiên Chúa tới gần con người, Ngài tỏ lòng «bao dung, nhân hậu» với con người. Không quá lời khi coi Tin mừng Lu-ca như là Tin mừng của lòng thương xót. Độc giả thấy rải rác khắp Tin mừng thứ ba những thành ngữ liên quan tới lòng xót thương của Thiên Chúa (6,36; 7,13; 10,33; 15,20; 17,12; 18,13.37.39). Chúng ta sẽ có dịp đào sâu hơn chủ đề này, nhưng ngay bây giờ chúng ta thấy rằng Tin mừng Lc dùng khá nhiều dụ ngôn để nói về lòng xót thương của Thiên Chúa[9]. Chẳng hạn, trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Thiên Chúa như người Cha sẵn sàng mở rộng vòng tay ôm con đi hoang trở về. Còn hơn nữa đã hôn người con ấy bằng nụ hôn vĩnh cửu: Lòng thương xót của Ngài lớn lao hơn tội lỗi con người (Lc 15). Cũng vẫn lòng thương xót ấy, trên Thập Giá, Đức Giê-su đã sẵn sàng đón nhận người trộm lành và cho anh được vào thiên đàng với Ngài (Lc 23,43).

4. Ngoài ra Tin mừng Lc cũng nhấn mạnh tới tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giê-su. Ngay từ khởi đầu, Đức Giê-su được Chúa Thánh Thần tác tạo trong cung lòng Đức Ma-ri-a (1,35), Ngài được đầy Chúa Thánh Thần dịp chịu phép rửa tại sông Gio-đan (3,22), rồi được Chúa Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa chịu ma quỷ cám dỗ (4,2). Đặc biệt, chính Chúa Giê-su xác nhận rằng: «Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó…» (x. 4,16-21). Rồi cũng chính tác giả Lc trình bày biến cố Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ để đi rao giảng Tin mừng (x. Cv 2,1-13).

Vai trò của Chúa Thánh Thần gắn liền với tâm tình cầu nguyện của Đức Giê-su. Những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giê-su, Ngài luôn cầu nguyện. Chẳng hạn khi chịu phép rửa, Tin mừng Lu-ca nêu rõ: đang khi Người (Đức Giê-su) cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người (x. 4,21-22). Khi tuyển chọn các tông đồ, «Đức Giê-su đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa» (6,12). Hoặc trong biến cố hiển dung, Lc kể: «Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh, chói lòa» (9,28-29). Cầu nguyện như là hơi thở cuộc đời Đức Giê-su, chính trong cầu nguyện mà Đức Giê-su thấy được hướng đi và có những quyết định.

Dù mới chỉ có cái nhìn khái quát về Tin mừng thứ ba, ta cũng đã có một số kiến thức căn bản nền tảng về Tin mừng này. Đặc biệt hơn, vượt lên trên tất cả những kiến thức, ta thấy một Thiên Chúa sống động, đến gần con người và dủ lòng thương họ. Thiên Chúa hằng sống còn tha thiết mời ta tiếp tục đến khám phá nơi Đức Giê-su Con Một của Ngài, dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa trong phần tiếp theo.

 
PHẦN II

VÀI TRÌNH THUẬT TIÊU BIỂU

Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha
 
Như đã nói, cả cuộc đời Đức Giê-su như thể bị cuốn hút về phía Giê-ru-sa-lem. Rảo qua các trang Tin mừng Lu-ca, ta như cảm thấy những bước chân của Ngài luôn háo hức lên đường để hoàn tất sứ mạng cứu rỗi. Dõi theo từng chặng đường của cuộc hành trình năng động này, chúng ta sẽ đề cập một số biến cố tiêu biểu của Tin mừng Lu-ca nhằm làm nổi bật «lòng thương xót» của Thiên Chúa.

I. Phần 1: Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử nhân loại (1,5 – 4,13)

1. Biến cố truyền tin (Lc 1,26-38): Lòng xót thương Nhập Thể

Chặng đường thứ nhất của Tin mừng Lc thuật lại việc Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử nhân loại (1,5 – 4,30) do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ta thử xem biến cố nhập thể diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa ra sao?

Phải ghi nhận rằng, trình thuật «truyền tin» này khá quen thuộc. Quen thuộc tới độ nhiều khi gần như thuộc lòng. Ưu điểm là ta nắm được nội dung của câu chuyện. Nhưng có nguy cơ là nhiều khi quen quá, kéo theo cám dỗ chỉ muốn đọc lướt qua trình thuật này với những kiến thức đã biết rồi. Khiến ta không còn để con tim «rộng mở» cho sứ điệp Lời Chúa nữa! Nhưng, thực tế thì Lời Chúa luôn là nguồn suối sống động không bao giờ vơi cạn[10]. Thành ra có lẽ cần thiết hơn, khi nghiên cứu trình thuật này, thái độ khiêm mọn đầu tiên là: xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Bởi vì, cùng một Chúa Thánh Thần soi sáng cho các tác giả nhân loại viết Thánh Kinh, thì cũng cùng một Chúa Thánh Thần mở trí soi lòng để ta nếm nghiệm tính mới mẻ tươi trẻ của Lời Chúa.

Tiếp đến, biến cố truyền tin có một chi tiết rất lạ mà ít khi ta để ý. Trình thuật truyền tin được mở đầu và kết thúc với mốc điểm thời gian: «Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng» (Lc 1,26.36). Mốc điểm thời gian này muốn gửi gắm cho ta nhiều sứ điệp. Trước hết, chính Thiên Chúa bước vào dòng lịch sử nhân loại ở thời điểm bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, chứ không trước và cũng chẳng sau. Thiên Chúa tôn trọng thời gian. Và như thế, Ngài tôn trọng con người. Đã nói tới con người, là nói tới con người ở trong thời gian với cả một tiến trình phát triển tiệm tiến. Và chỉ trong quá trình ấy, con người dần dần sống kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Khi bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, ấy là nói về cụ già được Thiên Chúa cất đi nỗi «hổ nhục phải chịu trước mặt người đời» (Lc 1,25). Một khúc quanh mới trong cuộc đời của bà mở ra. Còn hơn thế nữa, mốc điểm thời gian «khi bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng» ấy là khuôn mặt hội tụ tất cả những người phụ nữ son sẻ trong Thánh Kinh mà ở đây ta chỉ nêu ra hai ví dụ. Vẫn còn đó hình ảnh sống động tổ mẫu Sa-ra, hiếm hoi không sinh con. Mãi tới khi bà hơn 90 tuổi, còn chồng bà là ông Áp-ra-ham đã 100 tuổi, lúc ấy bà mới sinh con (x. St 17,17; 21,1-5). Điều quan trọng cần ghi nhớ là chính khi bà Sa-ra sinh I-xa-ác, đó là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài đối với Áp-ra-ham và cho cả Ít-ra-en sau này. Hoặc nữa, bà An-na, một người mẹ sầu khổ đắng cay vì không thể sinh con. Thế rồi Thiên Chúa đã nhớ tới bà, và bà đã sinh ra Sa-mu-en (1 Sm 1,19-20), ngôn sứ của Đức Chúa. Dưới thời của Sa-mu-en, để Dân Chúa có một hy vọng thoát khỏi cảnh áp bức của các dân láng giềng, thì bắt đầu Ngài thực hiện cho việc một người nữ hiếm hoi sinh con. Nói cách khác, dù là Sa-ra hay An-na hay bà Ê-li-sa-bét, trước hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc từ phía con người, thì đây Thiên Chúa là Đấng duy nhất mở ra hy vọng. Như thế, bằng mốc điểm thời gian «khi bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng», trình thuật truyền tin mà chúng ta đang suy niệm đặt ta vào một khúc quanh quyết định cho lịch sử nhân loại. Một khúc quanh lạ lùng.

Khúc quanh này mở đầu với quyết định của Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en[11] đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thuộc làng quê Na-da-rét. Na-da-rét hoàn toàn vô danh, nhỏ bé chẳng ai mong chờ, chẳng ai hy vọng. Nhưng điều mà người đời không hy vọng, thì Thiên Chúa lại để ý tới. Một phụ nữ hiếm hoi sinh con đã là khó, bây giờ một trinh nữ «không biết đến việc vợ chồng» mà lại sinh con thì lại càng không thể. Và chính ở đây, tác giả mời gọi độc giả không đọc trình thuật truyền tin với một thái độ thờ ơ, nhưng là để mình tháp nhập vào một dòng cuộn chảy quyền năng tình thương lạ lùng của Thiên Chúa: «Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Dòng tình thương mãnh liệt này đã cắm rễ trong lịch sử: Tất cả các khuôn mặt «phụ nữ hiếm hoi» mà lại sinh con, ấy là kinh nghiệm sống động, sống động tới độ cảm nhận thấy chính trong hơi thở và cung lòng máu thịt của mình; còn hơn nữa, cảm nghiệm thấy tình thương lạ lùng của Ngài ngay trong vũng lầy tủi hổ đời mình nữa. Giữa lúc chẳng ai có thể ngờ, thì Thiên Chúa lại cho cung lòng héo hắt nở hoa: sinh con.

Giờ đây, vẫn kinh nghiệm sống động này, thánh sử Lu-ca mời ta bước tới trải nghiệm lớn lao kỳ vĩ hơn: Trinh nữ sẽ sinh con mà không biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34). Trước lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en, thánh Bê-na-đô thốt lên như sau: «giây phút sứ thần ngỏ lời với Đức Nữ Trinh, thì khắp cả vũ trụ với muôn vàn vì sao tinh tú cũng như muôn loài sống động như hồi hộp[12] nín thở đợi chờ lời đáp của Mẹ. Bởi muôn loài những mòn mỏi trông mong ơn cứu rỗi tự ngàn xưa. Khi Mẹ thưa lời «xin vâng», hết thảy vũ trụ reo mừng bởi vì vầng đông ơn cứu độ đã ló rạng tươi sáng».

Tâm tình của thánh Bê-na-đô, cây vĩ cầm của Đức Nữ Trinh, cho ta nếm nghiệm niềm vui trọng đại của biến cố truyền tin. Tuy nhiên, niềm vui trọng đại này chỉ có thể vững bền và trải dài tới cuộc đời của ta, khi ta cần hướng về một tâm điểm âm thầm mãnh liệt. Tâm điểm âm thầm mãnh liệt đó là gì?

Quả thật, bình thường ai cũng thấy rõ trên bức tranh về biến cố truyền tin gồm có sứ thần Gáp-ri-en và Đức Nữ Trinh Ma-ri-a. Nhưng, đó chỉ là bề nổi, còn một nhân vật trọng tâm nữa đang âm thầm ẩn dấu[13]. Thật vậy, ngay khi Đức Ma-ri-a đồng thuận thưa xin vâng, thì Ngôi Hai trở thành xác phàm trong cung lòng Mẹ (Ga 1,14)[14]. Đây mới là cốt lõi của trang Tin mừng. Nếu hoàn vũ có ngỡ ngàng ngập tràn niềm vui thì bởi biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa tự nguyện Nhập Thể trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Biến cố này mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới mẻ về việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Biến cố này được thánh Phao-lô chiêm niệm: «Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi» (Gl 4,4-6).

Con Thiên Chúa, Đấng vượt thời gian và không gian làm sao có thể «sinh làm con một người đàn bà» được? Hơn nữa, Ngài là Đấng cả và trời đất chứa chẳng nổi, làm sao có thể sinh ra từ một phàm nhân, rồi sống dưới chế độ lề luật? «Ngài sẽ trị vì trên Ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Triều đại Người vô cùng vô tận», làm sao có thể sinh hạ trong lòng một người thôn nữ chẳng ai biết đến? Mặc khải kỳ vĩ này khơi mào cho một cuộc đảo lộn cách hiểu về Thiên Chúa. Một Thiên Chúa trọn vẹn trở thành một con người trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô. Ngài sinh ra từ một người phụ nữ. Chính ở điểm này mà thánh I-rê-nê nói: «Với việc đến trần gian này, Đức Ki-tô mang theo với Ngài tất cả sự mới mẻ[15]». Sự mới mẻ là Thiên Chúa muốn sống cho tới tận cùng kiếp sống của một con người. Và khi sống như thế, Ngài diễn tả lòng xót thương của Ngài: để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

Như vậy, với biến cố Nhập Thể, dù từ ngữ «lòng thương xót» không thấy xuất hiện trong bản văn. Nhưng chính ở đây đã mở đầu và định hướng cho ta hiểu thế nào về lòng thương xót đích thực: Lòng thương xót luôn là việc dấn mình cụ thể vào trong lịch sử, và trong cuộc đời con người chứ không đứng ngoài. Khi dấn mình như thế, Đức Giê-su đang làm một cuộc kénosis tự «hóa mình ra trống rỗng», để mình trở thành nô lệ, trở nên giống phàm nhân (x. Pl 2,6-11).

2. Hiện tại hóa: Thiên Chúa đến gần

Tin mừng Lu-ca đề cập tới việc Đức Giê-su bước vào lịch sử nhân loại. Biến cố này đã được các ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa. Ai cũng mong đợi, nhưng không phải ai cũng đón nhận được Ngài. Ngay từ biến cố sinh ra đã loan báo cho ta thấy điều đó. Những người ở Giê-ru-sa-lem xôn xao biết Người, rồi các biệt phái và kinh sư cũng biết, cả Hê-rô-đê nữa. Người tìm quán trọ, nhưng người ta từ chối. Ngài phải ở nơi trú ẩn của chiên bò. Những người mục đồng mới đón Chúa. Thông qua chi tiết này, Lu-ca cũng đang trình bày một nội dung thần học rõ ràng mà các ngôn sứ đã loan báo: chỉ một số sót, số nhỏ của Ít-ra-en mới đón nhận Đấng Mê-si-a. Số sót hay nhóm nhỏ ấy cũng còn gọi là nhóm anawim tức là những người nghèo của Đức Chúa (người nghèo của Gia-vê). Họ là Si-mê-on; cụ lão An-na; Da-ca-ri-a, Ê-li-sa-bét; Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se…Những người nghèo này, họ không có gì cả, họ chấp nhận sống nghèo để đợi chờ mọi sự đến từ phía Thiên Chúa.

Nghèo ở đây là nghèo vật chất rồi tinh thần. Những người tội lỗi cũng là những người nghèo. Bởi vì, trước mặt Chúa, họ không có gì để mà biện hộ cho mình, thành ra họ nghèo. Khiêm tốn nhìn nhận nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa, ấy cũng đi vào con đường «tự hủy» của Đức Giê-su, «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9).

II. Phần 2: Sứ vụ ở Ga-li-lê (4,14 – 9,50)

Cả phần thứ hai này nhấn mạnh sứ vụ công khai của Chúa Giê-su ở miền đất Ga-li-lê. Trong phần này, ta suy niệm hai biến cố Đức Giê-su đã làm, để qua đó hiểu thêm về lòng thương xót của Ngài.

1. Chúa Giê-su cho con trai bà góa thành Na-in sống lại (7,11-17)

a. Khung cảnh

 Chúa Giê-su cùng một đám đông đi vào thành Na-in, tới cửa thành thì gặp một đám đông khác đi đưa đám. Giữa cảnh ồn ào nhuốm màu tang tóc, Chúa ghé mắt nhìn người đàn bà góa mất con.

b. Vài điểm chính

 «Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương…» (7,13). Chúng ta chiêm ngưỡng thật lâu các hành động của Chúa để đi vào tâm tư của Ngài. Trước hết, Chúa trông thấy bà. Ánh mắt của Chúa không phải là cái nhìn dừng lại ở bề ngoài, nhưng là cái «thấy» hiểu thấu những nát tan cõi lòng bên trong, từ đó khơi lên «lòng trắc ẩn». Chúa chạnh lòng thương bà, Ngài cùng quặn đau với bà. Sẻ chia đớn đau với bà như vậy, Chúa mới bắt đầu nói: Bà đừng khóc nữa (7,13). Chắc chắn rằng, tiếng nói của Chúa thật ấm áp, cảm thông và ắp đầy tin tưởng. «Bà đừng khóc nữa» cũng có nghĩa là «Bà đừng tuyệt vọng». Giọt lệ của bà có lẽ đắng cay lắm. Mà không đắng cay sao cho được, vì bà đã mất chồng, mất chỗ dựa, mất người bảo vệ. Bây giờ, còn có đứa con trai duy nhất là chỗ dựa cho tuổi già xế bóng, cho những tháng ngày cô quạnh, vậy mà chính bà lại đang phải đưa nó đi chôn. Đưa đứa con ra nơi huyệt mả, cũng như thể là chôn hết hy vọng của bà vậy. Nước mắt là tiếng lòng đớn đau không diễn tả thành lời. Nước mắt của bà cuốn hút sự chú ý của Chúa. Bình thường trong Tin mừng, khi có người xin thì Chúa mới làm phép lạ. Còn đàng này, bà góa chẳng hề xin. Vậy mà Chúa lại tự nguyện can thiệp. Có lẽ, chính giọt lệ đớn đau của bà đã là một lời kinh nguyện rồi. Mọi đớn đau kêu than luôn có thể là một lời kinh nguyện chạm vào lòng Thiên Chúa.

Một Thiên Chúa thương xót, không đứng ngoài đớn đau của con người. Nhưng Ngài ở trong cuộc. Thánh sử Lu-ca mô tả thật hay: «Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài…nói: Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy» (7,14). Chiêm ngưỡng hành động ắp đầy lòng thương xót của Ngài, ta khám phá ra nơi Đức Giê-su: Thiên Chúa lại gần. Mãi mãi, Ngài là Đấng đến gần con người, chứ không tránh xa. Hành động của Ngài ở đây phá tan đi tất cả những «mường tượng của con người về một Thiên Chúa cao sang uy quyền xa cách con người». Thậm chí hành động này sửa sai lại quan niệm của ta về Thiên Chúa: nào là Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối toàn năng, nơi Ngài không thêm không bớt. Trước hết, ta phải ghi nhận rằng đó là ý niệm vay mượn mang đậm màu sắc triết học với các từ ngữ chuyên môn «tuyệt đối, nguyên nhân đệ nhất, hữu thể trọn vẹn không thêm không bớt». Quan niệm này không sai, nhưng có nguy cơ là bó khung Thiên Chúa trong một ý niệm «tuyệt đối, không thêm, chẳng bớt». Và từ đó rất dễ đi tới kết luận: vì chẳng thêm bớt gì nơi Ngài, thành ra đớn đau khổ ải cũng chẳng có thể đụng chạm hay liên quan gì với Ngài. Hoặc nữa, vì Ngài tuyệt đối quyền năng, nên Ngài có thương con người, thì ấy là tình thương như kiểu «chiếu trên» thương hại những người «khốn khổ». Và như thế thì tình thương của Thiên Chúa có khác gì hơn như là kiểu bố thí hay «thương hại» !!! Mà thương hại thì không thể là Tình Yêu được.

Còn ở đây thì hoàn toàn khác. Chính Đức Giê-su được thôi thúc bởi lòng trắc ẩn, Ngài tới gần, sờ chạm vào quan tài. Sờ vào quan tài, ấy cũng là sờ chạm vào cái chết. Một Thiên Chúa để mình liên lụy với cái chết. Và như vậy, Đức Giê-su đang để mình vượt quá biên giới hạn hẹp của những quy định luật lệ: Ngài sờ chạm vào quan tài, là Ngài tự nguyện để mình ra nhơ uế. Và chỉ khi để mình bị nhơ uế như vậy, Chúa Giê-su mới truyền cho người chết: này anh thanh niên, tôi bảo anh, hãy trỗi dậy (7,14). Đây là lời quyền năng, quyền năng của Đấng để mình liên lụy vào trong cái chết của con người. Để rồi, từ đó Ngài phán: Hãy trỗi dậy. Tức là hãy đón nhận lấy sự sống đến từ Đấng là sự sống. Nói cách khác, khi truyền cho người chết hãy trỗi dậy, Đức Giê-su tự nguyện đón nhận lấy cái chết của anh, để trả lại cho anh chính sự sống của Ngài. Như thế, lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su ở đây diễn tả chính yếu tính của Thiên Chúa.
 
Lòng thương xót đem lại sự sống. Ngay khi anh sống lại, Tin mừng kể: Chúa Giê-su trao anh ta cho bà mẹ[16]. Ngài là Đấng trao ban sự sống, thành ra Ngài tặng ban lại cho người mẹ. Và như thế, lòng xót thương của Ngài diễn tả cách rõ ràng: Ngài trả lại cho bà niềm hy vọng. Ngài cho con bà sống lại, Ngài cũng mở cho bà tương lai mà bà đã mất. Phần còn lại, vẫn chờ đợi lòng đáp trả từ phía của bà và của độc giả.

c. Bài học

 Chạnh lòng thương không phải là một cảm xúc hời hợt, nhất thời. Nhưng được phát xuất từ một cái nhìn thấu hiểu, một cái nhìn cho phép đi vào chia sẻ nếm nghiệm nỗi đau của người khác. Ở đây, Chúa Giê-su «chạnh lòng thương» là hiện tại hóa nỗi quặn đau cõi lòng của Thiên Chúa mà Hô-sê đã diễn tả thật hay: «Trái tim Ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi» (Hs 11,8). Thánh Au-gút-ti-nô khuyên: «Hãy yêu đã rồi muốn làm gì thì làm». Xin cho tất cả sứ mạng phục vụ của ta được thôi thúc bởi «lòng xót thương» tới gần.

2. Chúa để cho người phụ nữ tội lỗi tới gần Ngài (7,36-50)

a. Khung cảnh

Chúa được mời dùng bữa tại nhà ông biệt phái tên là Si-môn. Thế rồi người phụ nữ tội lỗi đã tới chạm vào chân Chúa và khóc, chị lấy tóc lau chân Chúa.

b. Vài ý tưởng chính

Như vừa nói, trình thuật mở đầu bằng việc mô tả Chúa Giê-su vào bàn ăn. Nhưng câu chuyện bỗng nhiên chuyển hướng khi chị phụ nữ tội lỗi xuất hiện (7,37). Việc chị đến với Chúa bề ngoài có vẻ như thể là một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng thực ra với chị thì đã có một chủ ý rõ ràng. Bằng chứng là chị đã mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (7,38).

Cả trình thuật không thấy chị lên tiếng một lần nào. Chị thinh lặng, nhưng chính hành động của chị là ngôn ngữ nói hộ tấm lòng. Tin mừng kể: «Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên» (7,38). Đoạn đường chị tới với Chúa có lẽ chẳng đáng xa, nhưng lại là một cuộc cách mạng kỳ vĩ: chị phải can đảm vượt qua bao tiếng xầm xì, vượt qua bao cái nhìn soi mói để đến với Chúa. Có lẽ hành động cách mạng của chị là vượt lên trên cả cái nhìn của những người đạo đức đương thời mà ông biệt phái Si-môn là điển hình: ai đời một người tội lỗi mà lại tới sờ chạm vào vị ngôn sứ! Là một người tội lỗi, ai cũng biết, ấy là người mang nơi mình gánh nặng, sự đổ vỡ nội tâm, tấm lòng đớn đau. Tới một Phê-rô, khi được Chúa soi sáng cho biết mình là người tội lỗi, thì đã phải quỳ sấp mặt xuống thưa: «Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi» (Lc 5,8). Ấy vậy mà chị phụ nữ tội lỗi ở đây lại mạnh dạn tới gầnsờ chạm vào Chúa.

Đây quả là một bước nhảy vọt kỳ vĩ trong kinh nghiệm con người tới gặp gỡ Thiên Chúa. Bước nhảy vọt này khiến ta thắc mắc muốn đào sâu thêm ý nghĩa: làm thế nào mà chị phụ nữ có thể can đảm vượt quá những cái nhìn hẹp hòi để đến với Chúa như vậy? Thiết nghĩ, chị chỉ có thể tới với Chúa, ấy là vì chị tin rằng: khi chị tới với Ngài, Ngài sẽ không hắt hủi chị. Và quả thật là như vậy. Nhưng, có lẽ sức mạnh quyết định giúp chị vượt qua tất cả, vượt qua cả cái nhìn tiêu cực về bản thân tội lỗi của mình, ấy chính là sức cuốn hút mãnh liệt của Chúa. Hay nói cách khác, chính lòng khát khao mà Chúa đã khơi lên trong lòng chị đã đẩy bước chân chị tới với Ngài. Chúa Giê-su nói rõ: «Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài» (Ga 6,37).

Khi chị phụ nữ tội lỗi đến với Đức Giê-su, Ngài hoàn toàn thinh lặng đón nhận. Thái độ thinh lặng của Ngài hùng hồn hơn bao lời nói. Chính trong thinh lặng, Ngài thấu hiểu cõi lòng tan nát của chị: một đời tội lỗi, tăm tối, ngột ngạt đớn đau. Khác hẳn với thái độ những người biệt phái «hắt hủi, xa tránh, khinh thường chị», thì Chúa lại đón nhận chị. Như thế, thái độ thinh lặng của Chúa ắp đầy ý nghĩa: Ngài đón nhận chị và đã mở ra một tương lai mới cho chị. Có lẽ đó là niềm vui lớn lao nhất khi thấy nhân phẩm mình được tôn trọng.

Quả thật trong trình thuật này, ta không thấy có chữ «lòng thương xót». Nhưng chính thái độ thinh lặng của Chúa đón nhận chị ấy là «lòng thương xót» lớn lao có khả năng làm cho con người ta được biến đổi. Và giá phải trả là, Chúa Giê-su chấp nhận để cho người khác hiểu lầm về mình: «nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi» (7,39). Nói khác đi, chính khi thể hiện lòng thương xót đón nhận chị phụ nữ tội lỗi, Chúa Giê-su tự nguyện để mình liên lụy với thân phận «lỗi tội» của chị. Và đó là tình yêu vĩ đại mở đầu cho một tình yêu lớn lao nơi chị: «Ai yêu nhiều sẽ được tha nhiều» (7,47).

c. Bài học

Lòng thương xót được diễn tả trong máu thịt cuộc đời thực chứ không là lý thuyết, nhờ vậy khơi dậy tình yêu đáp trả từ phía của con người. Nhờ việc dấn thân liều lĩnh của chị phụ nữ tội lỗi mà một cuộc giải phóng nội tâm đã xảy ra. Đó là Tin mừng cứu rỗi: Tin mừng tới giải thoát người ta khỏi gánh nặng tội lỗi, làm cho người ta muốn vươn mình tới điều mà người ta hằng khát khao ước mong.

Đôi khi ta có xu hướng giống như người biệt phái là muốn làm vừa lòng mọi người mà không dấn mình cụ thể. Ta cố gắng làm việc theo cách thức mà không ai chỉ trích được. Đôi lúc ta không muốn dính líu vào việc. Đó là cách chúng ta không sống hết mình. Mà nếu ta không dám liều mình dấn thân thì chẳng có gì xảy ra.

Lòng thương xót đích thực luôn có hai chiều: một đàng Chúa đến gần sờ chạm vào nỗi khổ của người khác; đàng khác, Ngài để cho người khác tới sờ chạm vào mình. Can đảm tới với Chúa, dù Ngài thinh lặng.

III. Phần 3: Hành trình lên Giê-ru-sa-lem (9,51 – 9,28)

Chặng đường lên Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su được khởi đầu bằng một mốc điểm rất quan trọng: «Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem» (9,51). Lên Giê-ru-sa-lem đồng nghĩa với việc được rước «lên trời». Nói cách khác, lên Giê-ru-sa-lem để thực thi thánh ý Chúa Cha một cách quyết liệt, không gì có thể lay chuyển được. Và trên nẻo đường lên Giê-ru-sa-lem mà Chúa Giê-su rao giảng, trong đó có hai dụ ngôn mà chúng ta sắp đề cập tới.

1. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37)

a. Khung cảnh

Một người thông luật hỏi Chúa Giê-su về việc «phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp» (10,25). Chúa Giê-su trả lời: yêu Chúa và yêu người thân cận như chính mình. Và để trả lời cho người thông luật biết người thân cận là ai, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn.

b. Vài điểm chính của dụ ngôn

Trước hết, ta cần ghi nhận rằng, dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu này cùng với dụ ngôn mà chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp theo là phần riêng của Tin mừng Lu-ca. Nghĩa là các Tin mừng khác không có. Hẳn rằng, qua các dụ ngôn này, Lu-ca muốn trình bày những tư tưởng thần học độc đáo của mình. Thông thường, một người «nửa sống, nửa chết» như trong dụ ngôn mà ta đang suy niệm, đó là một người mà biên giới sống chết quá mong manh. Họ tàn hơi, cạn kiệt sức lực, không thể vượt qua ngưỡng cửa của tử thần. Họ hoàn toàn đợi chờ sự sống đến từ nơi khác. Ai sẽ giúp họ ? Phải chăng là các vị tư tế và các thầy Lê-vi, những người giảng dạy Lề Luật cho họ? Dụ ngôn kể,  thấy tình trạng bi đát của anh thì họ «tránh qua» một bên để đi. Dường như việc thực thi Lề Luật không đủ để «làm rung động» trái tim những người hướng dẫn về mặt tôn giáo này. Thành ra họ «tránh qua», thờ ơ!

Còn người Sa-ma-ri, một người vốn bị coi là ngoại đạo và thường bị khinh miệt, lại tới gần người nửa sống nửa chết. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn. Người Sa-ma-ri «chạnh lòng thương, ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc» (10,33-34). Chạnh lòng thương là cùng đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng «bị tước đoạt, bị cướp bóc» như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực «nửa sống nửa chết» của người nạn nhân. Làm sao mà một người Sa-ma-ri «ngoại bang» (Lc 17,18) lại có con tim trắc ẩn, chạnh lòng thương như vậy được? Câu hỏi nêu ra là để mời gọi ta suy tư. Trước hết, lòng trắc ẩn là do quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải do việc thực hành lề luật. Tiếp đến, con tim của người Sa-ma-ri rung động trắc ẩn, ấy là bởi vì chính bản thân anh cũng đã từng bị khinh miệt, bị kỳ thị, và đặc biệt là bị coi như những người «dị giáo». Anh ta cũng trải nghiệm cảnh trắng tay, bất lực trước ơn cứu độ của Thiên Chúa, thành ra anh đợi trông tất cả từ Ngài[17]. Kinh nghiệm thấy rằng, khi nghèo không có gì thì thường dễ cảm thông chia sẻ với người khác hơn. Xuất phát từ lòng trắc ẩn này, người Sa-ma-ri đã đem lại sự sống cho nạn nhân bằng sự dấn mình quan tâm săn sóc.

Còn hơn nữa, dụ ngôn này đòi ta phải suy nghĩ, chất vấn về lối thực hành đời sống đạo của ta và cách ta hiểu về Thiên Chúa. Tiêu chuẩn để đánh giá một tôn giáo đích thực: lòng xót thương dành cho người thân cận. Tiêu chuẩn này đảo lộn lối suy nghĩ «tránh xa». Bởi vì khi «tránh xa» con người, thì cùng lúc cũng «tránh xa» Thiên Chúa. Hóa ra, các Lê-vi và Tư tế chỉ thực thi Lề Luật theo mặt chữ, tức là chỉ dừng lại ở những gì quy định của Lề Luật chứ chưa đi tới hồn của Lề Luật; họ chưa gặp gỡ Tác Giả của Lề Luật, Đấng «chạnh lòng thương». Cách thực hành đạo như thế có nguy cơ đóng Thiên Chúa vào trong khung chật hẹp suy nghĩ của con người. Để phá tan cơn cám dỗ muốn mọi thứ phải được hệ thống hóa, kể cả Thiên Chúa, Đức Giê-su đã ví mình như người Sa-ma-ri. Chính điều này hoàn toàn làm cho thính giả ngỡ ngàng: Chúa không ví mình với một người đạo đức khuôn mẫu, nhưng lại ví mình như một người ngoại đôi khi bị khinh miệt! Chính ở đây, Đức Giê-su đang sống điều Ngài dạy: «Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu» (9,57). Ngài không dựa vào bất cứ một «điểm tựa nào» từ phía của con người, nhưng hoàn toàn đợi chờ từ phía Thiên Chúa. Bởi thế, tất cả lòng xót thương của Chúa Cha đã đổ đầy lòng Ngài, thành ra Ngài là chính dung mạo lòng xót thương của Thiên Chúa.

Mỗi khi có lòng trắc ẩn dành cho người khác, ấy chính là cách thực thi trọn vẹn «Luật mến Chúa yêu người». Và chính ở đó ta mới có sự sống đời đời làm gia nghiệp.

c. Bài học

Chúa Giê-su ví mình như người thân cận, Đấng chạnh lòng thương tới gần con người, khi con người bị tước đoạt đến độ «dở sống dở chết». Khiêm tốn nhìn nhận mình bất lực để cho Chúa chạnh lòng thương ta. Để rồi, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa trở thành thước đo đời linh mục! «Hãy đi và cũng hãy làm» cho mình trở thành người thân cận của Thiên Chúa và con người.

2. Dụ ngôn người Cha nhân hậu (Lc 15, 11-32)

a. Khung cảnh

 Khi các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su, thì những người lãnh đạo tôn giáo xầm xì «ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng» (15,1-2). Trước hoàn cảnh này, Chúa Giê-su kể cho họ ba dụ ngôn. Hai dụ ngôn đầu ngắn hơn kể về việc một mục tử bỏ 99 con chiên không bị lạc để đi tìm con chiên bị lạc; hay một phụ nữ bị mất một đồng quan, rồi bà đốt đèn đi tìm. Cả hai người đều vui mừng hạnh phúc khi thấy lại điều đã bị mất. Dụ ngôn thứ ba dài hơn sẽ tiếp tục diễn tả niềm vui ơn cứu rỗi đã sờ chạm vào trái tim một người. Dụ ngôn này được Bailey ví như là «bản tóm tắt toàn bộ tin mừng, một mặc khải tuyệt vời về tình yêu thương xót và ý định của Thiên Chúa»[18].  

b. Vài nét chính yếu của dụ ngôn

Trước hết, ta thấy người cha trong dụ ngôn diễn tả chính khối lòng của Thiên Chúa. Khi thấy người con thứ xin chia gia tài, ông đã làm theo đề nghị của con mình. Hành động này của ông thật khó hiểu. Bởi lẽ, trong văn hóa miền Trung Đông, một người con đòi chia gia tài khi bố còn sống, đó là một điều xúc phạm không thể tha thứ. Bởi vì, hành động này không chỉ diễn tả thái độ muốn sống tự lập, tách rời khỏi người cha, mà còn cụ thể như là muốn cái chết của cha mình vậy. Điều rất lạ, người cha thinh lặng. Ta không biết ông nghĩ gì, nhưng có lẽ suy nghĩ của ông được nói hộ qua hành động: ông đã chia gia tài của mình cho con.  Ông ý thức rất rõ rằng, trao tài sản cho con «trẻ người non dạ» là một quyết định quá mạo hiểm: Ông đang để người con ấy vuột khỏi tầm tay của mình; còn hơn nữa, biết đâu người con ấy sẽ mãi mãi ra đi! Nhưng ông vẫn chấp nhận rủi ro để chia gia tài cho cậu! Đúng vậy, khi có gia tài, cậu con thứ đã ra đi bắt đầu một cuộc sống phóng đãng (15, 13). Từ ngày ấy, lòng cha héo hắt quặn đau; cũng từ ngày đó ông luôn ngóng trông con thấp thỏm.

Khác với hai dụ ngôn vừa nói ở trên, người mục tử và phụ nữ đã háo hức lên đường đi tìm con chiên lạc hoặc đồng quan thất lạc, ở đây người cha già lại ở tại nhà mình. Dù lên đường hay ở tại nhà, cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh ước mong muốn tìm lại điều đã mất. Tuy  nhiên khi người mục tử và chị phụ nữ lên đường thì «con chiên lạc, hay đồng quan thất lạc» lại ở tình trạng «thụ động». Còn ở đây, khi người cha già tại nhà mình, ông chấp nhận thụ động thì lại là cơ hội để cho người con thứ cố gắng nỗ lực. Rất lạ, ngay trong hoàn cảnh bi đát nhất «phải đi chăn heo, ước mong có đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng mà cũng chẳng ai cho», thì chính lúc đó lại là một khởi đầu mới cho đời anh: «anh hồi tâm suy nghĩ…Thôi, ta đứng lên đi về nhà cha» (x. 15,14-18). Chính giây phút nếm nghiệm ê chề đớn đau nghiệt ngã, thì anh ta nghĩ về cha mình.

Quả thật, anh ta chủ động lên đường về với cha. Nhưng nguồn nghị lực nào đã thêm sức để anh có thể đứng lên mà quay trở về? Tin mừng kể, trên đường về, khi anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy (15,20). Không phải người con thứ, trai trẻ mắt sáng đã thấy cha trước, nhưng là chính người cha già. Trông thấy anh còn ở đằng xa, có khi cả «đằng xa trong tình trạng nhơ uế rách rưới tàn tạ», xa cách với nhân phẩm một người con. Khóe nhìn của cha không phải là cái nhìn xét đoán nghi ngờ, nhưng là tấm lòng thấu hiểu tin tưởng «chạnh lòng thương» (Lc 15,20). Tức là, con tim người cha bồi hồi xúc động đớn đau với anh, khi anh đói rách cơ bần mất danh dự. Thôi thúc bởi lòng trắc ẩn, người cha chạy về phía con, ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (15,20). Một hành động xem ra xa lạ với những truyền thống văn hóa Trung Đông thời đó. Bởi vì thông thường, một người râu tóc bạc phơ được coi như là chuẩn mực đời sống đạo đức. Thành ra, để giữ phẩm giá của mình, vị cao niên này phải ngồi trên ghế danh dự, chờ những người phạm sai lầm tới để phán quyết về số phận người đó. Còn đàng này, thì chính người cha lại chạy về phía người con tội lỗi. Đây là một hành động phá vỡ thói quen, người cha chấp nhận để mình bị mất danh dự để chạy về người con. Hay nói cách khác, người cha không cần nghĩ tới danh dự của mình nữa, điều quan trọng là ra đón con. Và ông đã ôm người con và hôn lấy hôn để. Chính ở đây, ta thấy lòng thương xót lớn lao khôn lường của người cha: không kết án, nhưng thắm thiết dịu dàng bao bọc lấy cuộc đời người con. Chính lòng xót thương này đã cho phép người con được biến đổi: mất, nay lại tìm thấy; chết, nay được sống lại.

c. Bài học
 

Đêm đen tăm tối nhất của nửa khuya cũng là khởi đầu của bình minh ló rạng. Lòng xót thương của người cha trong dụ ngôn luôn bao hàm ý nghĩa liều lĩnh mạo hiểm chấp nhận «quên cả danh dự của mình». Chính nhờ đớn đau hạ mình xuống như thế, người con được nâng lên. 

 Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Đức Giê-su ví mình như người Sa-ma-ri, Ngài «chạnh lòng thương», chủ động tới vác người bị nạn vào quán trọ. Chính khi con người không còn có thể làm được gì nữa, thì chính lúc ấy Thiên Chúa tới với con người. Còn trong dụ ngôn người Cha nhận hậu, thì chính người cha như thể «thụ động» để từ đó Ngài đón nhận nỗ lực của người con trở về. Như vậy, lòng thương xót đích thực luôn có tính đôi chiều: trước hết, hãy để cho Chúa hành động biến đổi ta. Để rồi đến lần ta, ta nhận được lòng xót thương của Ngài, ta sẽ về với Chúa rồi diễn tả lòng thương xót cho người khác.

IV. Phần 4-5: Tại Giê-ru-sa-lem, Thương Khó và Phục Sinh (19,29 – 24,53)

Cuộc hành trình của Đức Giê-su đã tới Giê-ru-sa-lem. Đây là phần thuật lại sứ vụ của Đức Giê-su tại thánh đô, đặc biệt đỉnh cao của Tin mừng là chính cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Trong phần này chúng ta sẽ đề cập ba trình thuật sau.

1. Bữa tiệc Thánh Thể (Lc 22,14-20)

a. Khung cảnh

Chúa Giê-su đang ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua. Những lời giảng dạy của Ngài gặp phải sự chống đối kịch liệt từ phía những người lãnh đạo tôn giáo. Họ tìm cách thủ tiêu Đức Giê-su, còn Giu-đa đang liên kết với các thượng tế để tìm cách nộp Người (22,2-3). Giữa bầu khí căng thẳng ấy, Chúa Giê-su dùng bữa Vượt Qua với các Tông Đồ, và trong bữa ăn Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể.

b. Vài nét chính

Trước hết, trình thuật lập bí tích Thánh Thể được kể trong Tin mừng Nhất Lãm (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,14-20) và 1 Cr 11,23-35. Tất cả các bản văn đều đề cập tới cử chỉ trang trọng của Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: «Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy…Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người» (Mc 14,22-23)[19]. Cử chỉ trang trọng của Đức Giê-su diễn tả rõ ý thức thẳm sâu của Ngài muốn dành cho các môn đệ. Một đàng, Ngài cùng các người thân tín đang hiện tại hóa biến cố Vượt Qua mà Thiên Chúa đã giải thoát con cái Ít-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Đàng khác, Ngài muốn làm cho lễ Vượt Qua mang một ý nghĩa sâu xa là cuộc giải thoát tận căn hơn. Thế nên, Ngài cầm lấy tấm bánh đời mình để tạ ơn Chúa. Sự sống Ngài đón nhận từ Chúa Cha, giờ đây Ngài tự nguyện bẻ ra để trao sự sống ấy cho các Tông Đồ.

Thứ đến, riêng Tin mừng Lu-ca, có lẽ được ảnh hưởng tư tưởng thần học của Phao-lô[20], nên nhấn mạnh vài chi tiết đặc biệt: «Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy…Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em» (Lc 22,19-20). Hai chi tiết riêng cụ thể:…mình Thầy, hiến tế vì anh em, và… Máu đổ ra để lập giao ước mới. Chắc chắn Lu-ca muốn gửi gắm nơi hai chi tiết riêng này vài điểm nhấn thần học của mình. Nội dung thần học này là gì? Nhấn mạnh chi tiết «hiến tế vì anh em», Lu-ca muốn lưu tâm độc giả rằng: cả cuộc đời Đức Giê-su là một hiến tế. Điều này đã được Lu-ca kín đáo chuẩn bị kỹ lưỡng qua chi tiết mà chúng ta đã nói: Tin mừng mở đầu và kết thúc với Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi người ta dâng lễ vật lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một điều khác biệt tận căn là: Nếu như nơi giao ước cũ, của lễ dâng lên Thiên Chúa là con vật bị sát tế, thì ở trong bí tích Thánh Thể, chính Đức Giê-su là hiến tế. Ở đây ta thấy âm vang tâm tình hiến tế của Đức Giê-su như thư gửi tín hữu Híp-ri mô tả: «Khi bước vào trần gian, Đức Giê-su đã nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây con đến để thực thi ý Ngài như Sách Thánh đã chép về con» (Dt 10,5-7). Như vậy, chính Đức Giê-su tự nguyện dâng thân mình làm hiến tế vì anh em. Hiến tế này là trao tặng mãi mãi không ngơi nghỉ.

Tiếp đến, Máu giao ước mới mà bản văn Lu-ca muốn nhấn mạnh. Máu ở đây được chỉ định rõ ràng là máu Đức Giê-su Ki-tô, là biểu tượng của chính sự sống. Bây giờ hiến mạng sống để lập giao ước mới. Như vừa nói, Giao ước cũ thường có máu của chiên bò kèm theo việc sát tế con vật: một nửa máu sẽ được rưới lên bàn thờ, biểu tượng nơi Thiên Chúa ngự; nửa phần còn lại sẽ được rưới trên dân. Như thế, qua giao ước, dù hai bên khác nhau lại trở nên thân mật, nghĩa thiết. Đó là giao ước cũ. Còn giao ước mới, giờ này được thiết lập không phải bằng máu của thú vật nữa; của lễ hiến tế không phải là những yếu tố ở bên ngoài con người nữa, nhưng là chính máu của Đức Ki-tô, chính Ngài là của lễ sát tế. Giao ước mới lập bằng chính máu của Thiên Chúa trọn vẹn làm người. Nhờ giao ước này, con người có một giá trị thường hằng vĩnh cửu. Bởi vì lập giao ước là đặt hai bên cân xứng nhau: như vậy, một đàng Thiên Chúa tự hạ mình xuống «trong xác phàm» ngang hàng với con người, nhờ thế con người được nâng lên; đàng khác duy bởi tình yêu thôi thúc mà Thiên Chúa đã ký kết với con người giao ước này, một giao ước vượt không gian và thời gian, một giao ước luôn vững bền mới mẻ.

c. Bài học

 Dù từ ngữ «lòng thương xót» không xuất hiện trong trình thuật bữa tiệc ly, nhưng qua cử chỉ và lời nói «hiến tế vì anh em  và máu giao ước mới» đã diễn tả sâu xa lòng xót thương của Chúa Giê-su: lòng xót thương luôn gắn liền với tình yêu dâng hiến tất cả, tới độ hiến dâng chính thân mình làm hiến lễ vì chúng ta.
Trong đời linh mục, lòng thương xót đích thực là hiến tế chính cuộc đời mình. Không có hiến tế, không có hy sinh, tất cả những việc phục vụ của ta chỉ là máy móc. Đặc biệt, mỗi khi dâng Lễ, linh mục đọc lời truyền phép với lệnh truyền của Đức Giê-su: «…Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ tới Thầy», thì trong lệnh truyền thiêng thánh này luôn bao hàm ý nghĩa: anh em cũng «hiến mình cho người khác» nữa.

2. Trên Thập giá (23,39-46)

a. Khung cảnh

Cả cuộc đời Đức Giê-su háo hức về Giê-ru-sa-lem, thực ra là để thực thi Thánh Ý Chúa Cha. Giờ này, tại Đồi Sọ, Ngài chịu treo trên Thập giá giữa trời và đất, đây là giây phút Ngài hoàn tất Thánh Ý.

b. Vài ý chính

Trước hết, ta chiêm ngưỡng thái độ của Đức Giê-su trên Thập Giá. Khi người ta đóng đinh Đức Giê-su giữa hai tên gian phi (23,33-34), tức là người ta đã hạ nhục nhân phẩm của Ngài rồi. Một người cả đời đem lại niềm vui hạnh phúc cho con người, vậy mà lại bị liệt vào hạng phạm nhân. Rồi khi mà Ngài chỉ còn tấm áo che thân, người ta cũng tước đoạt hết. Ngài bị trần trụi, dễ bị tổn thương. Chưa hết, mọi người đi qua lại cũng như những người có mặt tại đỉnh đồi Gôn-gô-ta đều bĩu môi, chế nhạo, xỉ vả Ngài. Đàng sau những lời thách thức «xuống khỏi thập giá», có cả nọc độc cám dỗ của Sa-tan nữa. Nhưng Đức Giê-su hoàn toàn thinh lặng. Thinh lặng «ở lại trên Thánh Giá» là ngôn ngữ mãnh liệt diễn tả tấm lòng muốn thực hiện cho tới cùng Thánh Ý Chúa Cha. Thinh lặng cũng là để nếm nghiệm sự hiện diện kín đáo của Chúa Cha trong cơn đớn đau cùng cực này. Giữa những lời lộng ngôn chế diễu của những người phỉ báng Chúa Giê-su, có một tiếng nói bênh vực và nhìn nhận vương quyền của Ngài: «Ông Giê-su ơi, khi nào vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng» (23,42). Đó là tiếng của người trộm khét tiếng tới độ bị án phải đóng đinh trên thập tự. Đó là hình phạt nặng nhất và ô nhục nhất dành cho những người phạm tội ác nguy hiểm. Cả một đời anh trộm này chỉ lo ăn cắp gian lận, thậm chí có thể giết cả người mà tay không sợ vấy máu. Giờ đây anh đang phải đối diện với cái chết cận kề, đớn đau trên thập tự tủi nhục. Làm sao anh có thể nhận ra vương quyền của Đức Giê-su, nếu không phải lòng của anh được soi sáng bởi ơn trên. Hay nói đúng hơn, chính anh là người đang được nếm hưởng ơn cứu rỗi đã bắt đầu ngay trên Đồi Sọ. Như nhận ra dấu hiệu sự can thiệp âm thầm nhưng rất mãnh liệt của Chúa Cha, Đức Giê-su đã lên tiếng: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (23,43).

Tiếp đến là lời kêu lớn của Đức Giê-su: «Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha» (23,48). Thường thì lời nói cuối cùng là cô đọng ước nguyện cả một cuộc đời. Nếu vậy, lời cuối cùng của Đức Giê-su trên Thập Giá cũng hé mở cho ta thấy khát khao cháy bỏng cả cuộc đời Ngài: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Lu-ca không phủ nhận nỗi đớn đau cùng cực của Chúa Giê-su trên thập giá như Tin mừng Mt và Mc diễn tả trong lời cuối cùng «Ê-lô-i, Ê-lô-i la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?» (Mt 27,46; Mc 14,34). Nhưng Lu-ca hướng độc giả về niềm tín thác trọn vẹn của Đức Giê-su: «Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha».

Lời khẩn nguyện của Đức Giê-su trích từ Tv 31,6: «Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con». Đó là lời nài van thống thiết của một người bị quân thù bủa vây tứ phía. Giữa cảnh sầu đau, hồn ảo não (Tv 31,10), mọi người thân tránh xa, thì thánh vịnh gia tìm ẩn náu nơi Chúa. Điều lạ lùng và mới mẻ là thánh sử Lu-ca lại thay chữ Ngài nơi Tv 31 bằng chữ Cha, Áp-ba trên môi miệng của Chúa Giê-su. Chính điều này làm cho lời khẩn nguyện của Đức Giê-su trên Thập Giá ắp đầy hy vọng: giữa lúc đớn đau đến tột cùng, thì Ngài lại đặt tất cả những đớn đau ấy trong tương quan với Cha, Áp-ba: Cha ơi. Đó là kiểu nói diễn tả sự hiểu biết sâu xa và kinh nghiệm mật thiết duy nhất giữa Đức Giê-su và Chúa Cha. Nỗi đớn đau xé lòng không cắt đứt niềm tin tưởng của Đấng Chịu Đóng Đinh, nhưng lại càng làm cho tình thương gắn chặt một cách thắm thiết: «Cha ơi, con xin phó thác hồn con trong tay Cha». Đây là niềm tín thác trọn vẹn, cùng lúc hiến dâng tất cả. Như thế, tất cả cuộc Thương Khó, dù có đớn đau, bị ruồng rẫy, khinh miệt, Chúa Giê-su luôn sống một tâm tình trọn vẹn với Chúa Cha. Giờ này, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài hiến trao trọn vẹn trong tay Cha: hiến trao trọn cuộc đời thăng trầm và đặc biệt là kể cả những thất bại đớn đau.

c. Bài học

Trong tâm tình phó thác trọn vẹn, Đức Giê-su cũng ôm lấy tất cả nhân loại trong lời khẩn nguyện của Ngài. Chính nhờ Ngài mà mỗi người chúng ta có thể thưa với Chúa Cha lời nguyện tín thác: Áp-ba, Cha ơi. «Chính Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi» (Rm 8,15).

Lời cầu nguyện của Đức Giê-su trở thành nền tảng cho tình yêu tín thác của từng người chúng ta: «Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta» (Rm 8,35-37). Trong tâm tình tín thác trọn vẹn, ta nghe lời tha thiết của vị Tông Đồ dân ngoại mời gọi: «Vậy nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người» (2 Cr 5,20-21).

3. Gặp gỡ trên đường Em-mau (24,13-35)

a. Hoàn cảnh

Biến cố Đức Giê-su chịu đóng đinh quá đau thương khiến các môn đệ kinh hoàng. Họ đang gặp một cuộc khủng hoảng tăm tối. Những điều mà họ «hy vọng» giờ này vỡ nát vụn: vì Đấng mà họ đã dấn bước đi theo giờ này chết thảm hại trên Thập Giá. Ngõ đường tương  lai khép lại, thành ra họ trở về Em-mau quê quán với tâm trạng cay đắng, «nét mặt buồn rầu» (24,17).

b. Vài điểm chính

Chính trên bước đường của đôi chân rã rời ấy mà Chúa Phục Sinh tới gặp họ. Thiết nghĩ nên ghi nhận rằng: chỉ có Tin mừng Lu-ca mới thuật lại câu chuyện trên đường Em-mau (Lc 24,13-35). Hẳn rằng, trình thuật này có rất dồi dào ý nghĩa. Ở đây ta chỉ nêu ra vài điểm căn bản mà thôi.

Trước hết, ý nghĩa độc đáo của trình thuật này được diễn tả qua hành động của Đấng Phục Sinh: «Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gầncùng đi với họ» (14,16). Độc giả ai cũng biết, chủ đề chính mà hai môn đệ trò chuyện và bàn tán không là gì khác ngoài biến cố tử nạn đau thương của Thầy mình. Biến cố này khiến cuộc đời họ bị đảo lộn. Một lần Đức Giê-su đã đến trong cuộc đời họ qua những lời rao giảng cùng các phép lạ Ngài làm, Ngài đã thắp cho họ niềm hy vọng rực sáng. Vậy mà giờ này niềm hy vọng vụt tắt làm tiêu tan tất cả nguồn nghị lực nơi họ. Thường khi gặp tăm tối, người ta hay «than thân trách phận» và dễ dàng để cho tiếc nuối gậm nhấm.

Chúa Giê-su biết rõ tâm can của họ. Nhưng thật lạ, Ngài không đến tỏ mình ra ngay cho họ để cất khỏi lòng họ gánh nặng oằn trĩu. Tin mừng kể: Ngài tiến đến gần cùng đi với họ. Một hình ảnh rất sống động gần gũi gói ghém ý nghĩa lớn lao.  Ngài đến gặp Cơ-lê-ô-pát và môn đệ kia vô danh (như thể đại diện chỗ cho mỗi độc giả) khi mà các ông chán chường thất bại. Ta nhớ Ngài cũng đến trong cuộc đời của Phê-rô giữa lúc ông «vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào» (Lc 5,5). Nói cách khác, Ngài đến gặp ông giữa lúc ông trắng tay. Chính ở đây ta thấy ý nghĩa lớn lao của việc «Ngài tiến đến gần và cùng đi với họ». Ngài tiến tới gần là Ngài đi vào trong tăm tối chán nản của họ. Ngài tiến tới gần để ở trong cuộc chứ không đứng ngoài. Ngài cùng bước đi với họ những bước chân mỏi mệt, cùng sẻ chia nỗi lòng buồn chán thất vọng của hai môn đệ để rồi từ đó mới dọi sáng ơn cứu rỗi.  Ở đây ta thấy rất rõ đường lối sư phạm của Thiên Chúa dù chúng ta đã có lần nghe, nhưng xin để cho thấm nhuần con tim: Thiên Chúa kiên nhẫn, Ngài tỏ mình cho ta cách tiệm tiến.

Điểm thứ hai, Ngài đến gần con người để biến đổi cuộc sống bi thương của họ. Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ nghe (24,25-27). Giải thích là khai mở một lối đi mà họ đang bế tắc; giải thích là đẩy họ ra khỏi cảnh u mê để đưa họ vào nguồn ánh sáng sự sống. Cụ thể, chính Chúa Giê-su chỉ ra cho họ thấy: biến cố Đức Ki-tô chịu đóng đinh chết trên thập giá là hoàn toàn nằm trong dự án của Thiên Chúa mà toàn bộ Thánh Kinh đã loan báo. Như thế, từ một điều đau khổ thất bại có vẻ như thể là hoàn toàn vô nghĩa, bất hạnh, thì giờ này nhờ việc Đức Giê-su mở trí cho họ am hiểu Thánh Kinh thì chính biến cố ấy lại ắp đầy ý nghĩa. Không phải là ý nghĩa thuần túy con người, nhưng là ý nghĩa đích thực mang lại ơn giải thoát cho con người.

Điểm thứ ba, Đức Giê-su còn diễn tả việc dấn mình cụ thể qua hành động Bẻ Bánh  (24,30). Ta chiêm ngưỡng từng cử chỉ rất trang trọng linh thiêng: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ (24,31). Cử chỉ này gọi về bí tích Thánh Thể mà Đức Chúa Giê-su đã thiết lập trong bữa tiệc ly trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Giờ này, đã Phục sinh, Ngài tiếp tục hiến mình làm của ăn cho các môn đệ. Chính việc hiến mình này làm cho mắt họ mở ra, họ thấy được Ngài: mãi mãi là Đấng hiến mình vì họ.

c. Bài học

Chúa đến trong đời riêng của mỗi người: Ngài đi vào trong cả những thất vọng tăm tối đắng cay; Ngài cùng đi với ta những bước đường tẻ nhạt buồn chán. Nhưng, từng bước một Ngài tự mặc khải cho ta qua Lời hằng sống và Bánh Thánh, khiến lòng ta được «bừng cháy». Chúa kiên nhẫn với ta, xin cho ta cũng kiên nhẫn với anh em.

Chúa Giê-su hiến tế đời mình nuôi sống cuộc đời chúng ta. Xin cho mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta ý thức được rằng chính Chúa Giê-su đang tiếp tục dâng Thánh Lễ và tuôn đổ ân sủng xuống trên từng người.

Dù không tìm hiểu hết các trình thuật nơi Tin mừng Lu-ca, nhưng qua những bản văn chúng ta vừa suy niệm, ta thấy dung mạo Đức Giê-su phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa một cách lạ lùng. Ngài phá vỡ tất cả những hẹp hòi định kiến của con người để tới sờ chạm vào nỗi đớn đau cùng cực của nhân loại, cùng lúc Ngài thinh lặng để cho người tội lỗi sờ chạm vào mình. Sự dấn mình của Ngài trả giá là chính hiến tế đời mình trên Thập Giá. Ở đó, lòng thương xót của Thiên Chúa giải thoát tận căn tội lỗi con người. Khép lại phần này mà lời khẩn nguyện của Chúa Giê-su trong lúc cùng cực nhất vẫn còn âm vang: Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha.
 
 PHẦN III

HIỆN TẠI HÓA THẦN HỌC LU-CA

 
Lời Thiên Chúa là lời sống động, mãi luôn mới mẻ và không ngừng mời gọi ta đào sâu nếm nghiệm. Như một độc giả bình thường tiếp cận Tin mừng Lu-ca, phần này xin được nêu ra ba khía cạnh mang tính thời sự của Tin mừng thứ ba.

1. Lời ân sủng «đảo ngược»

Vượt lên trên những chữ viết, Lc mời gọi độc giả khi đọc Tin mừng là khám phá chính Đức Giê-su, Lời của ân sủng. Ngay khi mở đầu sứ vụ công khai, độc giả đã thấy lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su (Lc 4,22).

Lời ân sủng của Ngài đảo ngược vẻ bề ngoài của con người: «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn» (5,32). Tin mừng ân sủng đảo lộn các thực tại bất công và đau khổ để tạo ra cơ hội mới: Phúc cho kẻ nghèo khổ, phúc cho kẻ bị bách hại, phúc cho kẻ khóc lóc…Khốn cho kẻ giàu có, khốn cho những kẻ được no nê, khốn cho những kẻ vui cười, khốn cho những kẻ được mọi người ca tụng (6,20-26).

Nền tảng đảo ngược các giá trị ấy là do tình yêu dấn mình trọn vẹn của Thiên Chúa khi Ngài làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết: «Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết» (Cv 2,23-24). Thiên Chúa đảo lộn các vẻ bề ngoài của con người và lật ngược chúng từ trên xuống dưới[21]. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, thì với cùng quyền năng mãnh liệt ấy, Chúa Giê-su ẩn mình trong các trang Tin mừng. Gần cuối Tin mừng Lu-ca, Đấng Phục Sinh tới gần hai môn đệ trên đường Em-mau, Ngài giải thích Thánh Kinh cho họ, và họ đã sống kinh nghiệm: «Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?» (Lc 24,32). Điều quan trọng không phải ở chỗ là lời giải thích có hay hay không. Nhưng là lời giải thích làm cho lòng người bừng cháy. Nói cách khác, Lời Tin mừng luôn là lời thắp lên ngọn lửa mãnh liệt trong lòng, Lời giải thoát con người khỏi những cái nhìn chán nản thất vọng.

Chính vì thế, khi đọc Tin mừng là được mời gọi trở thành chứng nhân, tức là chính cuộc đời và con người của ta cũng trở thành lời loan báo tin mừng. Tin mừng nếm nghiệm cụ thể ngay cả trong những lần thất bại, hoặc khi cảm thấy mình vô dụng, chán chường, nghi ngờ. Lời ân sủng ắp đầy sức mạnh đảo lộn những thất bại trở thành bài học quý giá.

2. Lời thách thức: mặc lấy sự yếu đuối

Tiếng Do-thái dùng chữ rahanim để nói về lòng thương xót. Chữ này có nghĩa là cung lòng của người mẹ. Tình thương của người mẹ dành cho con thật đặc biệt: cho dẫu người con có bướng bỉnh, hư hỏng tới đâu đi nữa, khi quay trở về, người mẹ đều động lòng trắc ẩn và đón nhận. Tiếng La-tinh lại dùng chữ misericordia để nói về lòng thương xót. Từ này bao gồm chữ cor là trái tim và từ miseri có nghĩa là dành cho người nghèo. Như thế chữ misericordia là diễn tả một con tim cùng chung nhịp đập với những người nghèo cùng khốn. Chính trong chiều hướng này mà Đức hồng y W. Kasper đã suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài không hề câm điếc, Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Ngài để ý tới nỗi thống khổ của con người; Ngài lên tiếng nói, hành động và can thiệp để giải thoát và cứu rỗi[22]

Khi nếm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho bản thân, thì lòng thương xót thần linh luôn thôi thúc ta thông truyền lòng thương xót ấy cho người khác nữa. Ta diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào? Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đề nghị: «Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muộn lầm lạc, xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha»[23]. Lời kinh là ước nguyện giãi bày trước tôn nhan Chúa, cùng lúc lời kinh là tiếng lòng khẩn nài xin Chúa ban ơn đặc biệt. Thật lạ, ở đây cùng với vị cha chung giáo hội, ta không xin sức mạnh phi thường để mang vác anh em kém may mắn, nhưng lại xin chính điều Chúa mong muốn cho các tôi tớ của Ngài: mặc lấy sự yếu đuối. Như thế, để có thể truyền thông lòng thương xót của Thiên Chúa, thì ta lại xin được mặc lấy sự yếu đuối. Mang yếu đuối vào mình là một ân huệ mà chính Chúa chia sẻ cho những người tôi tớ được cùng đi vào con đường tự hạ của Ngài.

Mặc lấy sự yếu đuối để cảm thông với người khác. Để diễn tả lòng cảm thông, thương cảm, tiếng La-tinh dùng chữ Pati cum gộp lại với nhau có nghĩa là «cùng chịu đau khổ với». Trong chiều hướng này, mặc lấy sự yếu đuối ấy là bước vào những chỗ làm đau đớn, thông dự vào những đổ vỡ, sợ sệt và đau khổ. Mặc lấy sự yếu đuối là không còn đứng ở bên ngoài thờ ơ, nhưng là dấn mình vào bên trong: cùng thét gào với những người khốn khổ, cùng ngậm ngùi với những kẻ cô đơn, và cùng khóc với những ai đang rơi lệ[24].

Như thế, mặc lấy sự yếu đuối lại là cách thế diễn tả mãnh liệt lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót thách thức ta yếu với người yếu, hèn với người hèn và bất lực với người bất lực. Có lẽ giây phút cụ thể ắp đầy ân sủng «mặc lấy sự yếu đuối» chính là lúc chúng ta sống kinh nghiệm gặp gỡ Đấng giàu lòng xót thương trong bí tích Hòa giải. Chính lúc khiêm tốn nhìn nhận yếu đuối lại là lúc ân sủng của Thiên Chúa biểu lộ quyền năng mãnh liệt. «Mỗi linh mục còn được kêu gọi hãy quản lý lòng thương xót của Chúa trong Bí tích Sám hối để qua đó và nhân danh Đức Ki-tô tha thứ các tội và giúp hối nhân bước đi trên con đường thánh thiện cam go với một lương tâm ngay thẳng và hiểu biết[25]».

3. Lời xuất hành, hạnh phúc ‘một nửa ở phía trước’

Có lẽ Tin mừng Lu-ca cho ta biết nhiều nhất về cuộc đời của Mẹ Ma-ri-a. Nhưng điều đặc biệt hơn là, những gì Lu-ca kể về Mẹ, thì thường gửi gắm trong đó sứ điệp: đường lối của Thiên Chúa can thiệp vào trong cuộc đời của một con người rất đặc biệt. Ngài chỉ trao cho họ có «một nửa quà tặng», còn một nửa kia, họ sẽ nhận được khi họ lên đường vươn mình về phía trước.

Khi truyền tin xong cho Đức Ma-ri-a, Tin mừng kể: sứ thần từ biệt ra đi (1,38). Tức là chính Mẹ phải bước đi trong đức tin trên chính đôi chân của Mẹ. Mẹ lên đường đi thăm người chị họ Ê-li-sa-bét. Và chính khi ra đi như vậy, Mẹ nhận được lời chúc phúc: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ…Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em» (1,42.45). Quà tặng Chúa ban cho Mẹ qua lời chúc phúc của Ê-li-sa-bét, một người mà bấy lâu nay héo hắt (hiếm hoi), nhưng giờ này lại ắp đầy sự sống: được đầy Chúa Thánh Thần, đứa con trong bụng nhảy mừng. Hoặc nữa, khi Đức Ma-ri-a đem Hài Nhi Giê-su lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, thì cùng lúc Chúa Thánh Thần dun dủi cụ già Si-mê-on tới gặp Hài Nhi (2,27). Cũng chính trong cuộc gặp gỡ ở Đền Thờ mà Mẹ nhận được lời chúc phúc. Rõ ràng là chính Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Mẹ, cùng lúc Chúa Thánh Thần cũng đang âm thầm chuẩn bị trong tâm hồn những người khác để tặng ban ân huệ cho Mẹ. Nhưng, ân huệ chỉ ban tặng khi có liều lĩnh cất bước lên đường.

Dường như cuộc đời của Mẹ đã chuẩn bị cho cả cuộc đời của Đức Giê-su, Con Mẹ. Như đã nói, cuộc đời Đức Giê-su được ví như là một cuộc lên đường. Và cuộc lên đường này đã được cụ thể bằng ngôn từ ắp đầy ý nghĩa: Xuất Hành. Trong cuộc biến hình trên núi, chỉ có Tin mừng Lu-ca hé mở cho ta biết nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su với Mô-sê và Ê-li-a: Xuất Hành sắp hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem (9,31). Xuất hành là mãi mãi trong tư thế sẵn sàng ra đi. Ra đi là đồng nghĩa với việc can đảm dứt mình khỏi những quyến luyến an toàn giả tạo. Ra đi là lao mình về phía trước bấp bênh không biết hết được. Chính khi không biết hết, ta sống niềm tín thác vào Thiên Chúa: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Chính trong cuộc xuất hành của Chúa Giê-su mà ơn cứu rỗi được tặng ban cho tất cả nhân loại.

Cuộc xuất hành của Chúa Giê-su luôn kèm theo cuộc ra đi của mỗi người. Lên đường là giả thiết chấp nhận nguy hiểm, đôi khi có cả những rủi ro tai nạn. Nhưng Đức giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi: «Tôi một ngàn lần thà có một Giáo hội thương tích hơn là có một Giáo hội bệnh hoạn[26]». Vẫn theo vị cha chung, lý do căn bản để ta lên đường, bởi vì Chúa luôn là người đi tiên phong: «Ngài luôn luôn đi trước chúng ta…Khi chúng ta nghĩ tới việc đi xa, nó có thể làm ta sợ hãi. Nhưng thực ra Ngài đã ở đó. Chúa Giê-su đợi chờ chúng ta nơi những con tim của những người chúng ta gặp gỡ, nơi những thương tích của họ, trong đời sống của họ, trong tâm hồn thiếu đức tin của họ[27]». Ra đi gặp gỡ, ấy là vì chính căn tính của ta: «linh mục không bao giờ thuộc về con người của mình nữa, nhưng là thuộc trọn vẹn về Chúa». Ta đã thuộc trọn vẹn về Chúa, thì chính Ngài lo lắng cho ta.

Cũng ghi nhận rằng, để lên đường được thì ta cần có nghị lực là đời sống nội tâm. Ở đây, ta được mời gọi sống tinh thần chiêm niệm như Đức Ma-ri-a «ghi nhớ và suy niệm trong lòng» (2,19.51). Ấy là cách luôn tỉnh thức để nhận ra Chúa hiện diện trong những điều nhỏ bé đời thường.  Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong ngày lễ Thứ Năm Truyền Dầu, đã nhắn gửi các linh mục: «Thiên Chúa không quá quan tâm đến những con số lớn lao và những thành công rực rỡ bên ngoài, nhưng mang về những chiến thắng trong hạt cải nhỏ bé[28]». Chính nhờ ghi nhớ suy niệm trong lòng quyền năng của Chúa đang có mặt ngay cả trong những điều bé nhỏ, sức mạnh năng động của Tin mừng sẽ thôi thúc ta xuất hành.

LỜI KẾT

Đáp lại tiếng Chúa và Giáo hội mời gọi trong Năm Lòng Thương Xót, chúng ta vừa cùng nhau nỗ lực tìm hiểu Tin mừng Lu-ca qua ba phần: khái quát Tin mừng, nghiên cứu vài trình thuật tiêu biểu và hiện tại hóa Tin mừng thứ ba. Cho dù nỗ lực này còn khiêm mọn, nhưng có một điều chắc chắn là khi suy niệm các bản văn tin mừng, ấy là ta ước mong «đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị mới mẻ với Đức Giê-su Ki-tô và mở lòng ra để cho Ngài tới gặp gỡ mình[29]».

Phần tìm hiểu của chúng ta sẽ dần khép lại, nhưng hình ảnh mang cuốn Tin mừng ở đầu vẫn còn ắp đầy ý nghĩa. Những gì chúng ta vừa tìm hiểu chỉ là vài chìa khóa đơn giản mà thôi, phần tiếp theo là chính mỗi người sẽ mang cuốn Tin mừng trên tay và suy niệm. Như thế dung mạo lòng xót thương của Thiên Chúa sẽ mỗi ngày một khắc họa sâu đậm hơn trong trái tim mỗi người, tới độ ta được biến đổi tận căn.

Cuộc gặp gỡ lạ lùng này sẽ cho ta nếm nghiệm «niềm vui Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giê-su. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Ki-tô, niềm vui luôn được tái sinh[30]».
 
SÁCH THAM KHẢO

1. Sách chú giải và nghiên cứu
Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke, Col. Sacra Pagina Volume 3, Collegeville: The Liturgical Press, 1991.
NIB (The New Interpreter’s Bible), Volume IX, Luke and John, Nashville: Abingdon Press, 1995.
Philippe Bossuyt et Jean Redermakers, Jésus – Parole de la Grâce selon saint Luc, Vol. 1 & 2: Bruxelles, Éditions Lessius, 19993.
Yves Saoût, Evangile de Jésus Christ selon saint Luc, (Cahiers Evangile 137), Paris: Cerf, 2006.

2. Sách Giáo huấn của Giáo hội
Bộ Giáo Sĩ, Linh mục – Thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót, Tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng, 2011.
ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini – Về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, (Bản dịch của UBTK trực thuộc HĐGMVN), Nxb Tôn Giáo, 2011.
ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn từ phụng vụ Năm B, (dịch giả G.B. Lưu Văn Lộc) Nxb Đồng Nai, 2014.
ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, (Bản dịch của UBLBTM), 2013.
ĐGH Phanxicô, Dung mạo lòng thương xót, (Bản dịch tạm thời).
ĐGH Phanxicô, Giáo hội giàu lòng thương xót, Nxb Tôn giáo, 2015.
3. Sách thiêng liêng

Carlo M. Martini, Người loan báo Tin Mừng, (dịch giả Phạm Quốc Huyên), Nxb Tôn giáo, 2013.
Jean-Luc VESCO. Jérusalem et son prophète. Paris: Cerf, 1988.
Henri W. Nouwen, Lòng thương xót, Nxb Phương Đông, 2009.
Michael T. Winstanley, Trong tay Ngài, Nxb Phương Đông, 2011.
Wal-ter Kasper, Mercy. The Essencen of the Gospel and the Key to Christian Life, New York: Paulist Press, 2014.

[1] ĐGH Phanxicô, Dung mạo lòng thương xót, số 1-2.
[2] ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini – Về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, (Bản dịch của UBTK trực thuộc HĐGMVN), Nxb Tôn Giáo, 2011, số 7, tr.31.
[3] Lc có 1151 câu; Cv: 1006 câu; Mt: 1068 câu; Mc: 661 câu. X. Philippe Bossuyt et Jean Redermakers, Jésus – Parole de la Grâce selon saint Luc, Vol. 1 & 2 : Bruxelles, Éditions Lessius, 19993 , tr. 13.
[4]NIB (The New Interpreter’s Bible), Volume IX, Luke and John, Nashville: Abingdon Press, 1995, tr. 4.
[5]Theo Canon de Muratori (thế kỷ thứ II) cung cấp cho ta vài chi tiết: “Tin mừng thứ ba là thuộc về tác giả Lu-ca, một lương y. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, thánh Phao-lô coi Lu-ca như là người đồng hành trong các chuyến truyền giáo. Tác giả này đã viết Tin mừng dựa theo tư tưởng của Phao-lô. Chứ chính bản thân ngài thì không nhìn thấy Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt”. x. Xavier LEON-DUFOUR, Les évangiles synoptiques. L’évangile selon saint Luc, In Introduction a la Bible, tome III, Paris: Desclée, 1976, tr. 136.
[6]NIB (The New Interpreter’s Bible), Volume IX, Luke and John, Nashville : Abingdon Press, 1995, tr. 10.
[7] Jean-Luc VESCO, Jérusalem et son prophète, Paris : Cerf, 1988.
[8] Giê-ru-sa-lem đôi khi được nhân cách hóa, tức là được nói tới như là một con người. Chẳng hạn khi Đức Giê-su nói: «Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem. Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi» (13,34). Hay, Giê-ru-sa-lem là nơi mà Đức Giê-su muốn hoàn tất sứ mạng cứu rỗi: «một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được» (13,33).
[9] Chỉ nơi Tin mừng Lu-ca mới kể lại những dụ ngôn «Người giàu có ngu xuẩn» (12,16-21); Người phú hộ và La-da-rô nghèo khó (16,19-31); Người Sa-ma-ri nhân hậu (10,30-35); đặc biệt là dụ ngôn Người cha nhân hậu (15,11-32).
[10] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, (Bản dịch của UBLBTM), 2013, số 11-13, tr. 15-17.
[11] Yves Saoût, Evangile de Jésus Christ selon saint Luc, (Cahiers Evangile 137), Paris: Cerf, 2006, tr. 10. Trong Cựu Ước, sứ thần Gáp-ri-en chỉ xuất hiện nơi sách Đa-ni-en mà thôi. Đó là lúc sứ thần báo tin cho vị ngôn sứ biết thời điểm Ít-ra-en sẽ được giải thoát, rồi giúp ngôn sứ giải thích lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a tiên báo về cảnh Giê-ru-sa-lem bị hoang tàn đổ nát (x. Đn 9,1-4.20-27). Tóm lại, khi xuất hiện Gáp-ri-en, ấy là sứ thần loan báo niềm hy vọng, ấy là thời Đấng Thiên Sai.
[12] Tâm tình này gợi ta nhớ lại hồn thơ thi sĩ thần bí Hàn Mặc Tử. Trong bài «Sóng lộc triều nguyên» khá quen, thi sĩ họ Hàn đã thưa với Đức Mẹ: «Ma-ri-a, linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run, thần tử thấy long nhan. Run như run, hơi thở chạm tơ vàng…».
[13] Khởi đầu trình thuật nói rõ: Thiên Chúa sai sứ thần đến với Đức Ma-ri-a (Lc 1,26); rồi yếu tố quyết định làm cho Đức Trinh Nữ sẽ mang thai là: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà» (1,35); và Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (1,35). Rõ ràng, nhân vật chính của biến cố truyền tin là chính Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
[14] Lời kinh Truyền Tin ghi rõ: «…Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền… Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người…».
[15] St. Iréné, Adversus Haereses, IV, c. 34 (trích trong ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, (Bản dịch của UBLBTM), 2013, tr.16).
[16] Bản dịch của Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã in nghiêng những chữ này. Đó là lời mời gọi lưu ý cách đặc biệt.
[17] Thái độ của anh hoàn toàn khác với những người thông luật muốn «chứng tỏ», khằng định mình (10,29).
[18] K.E.Bailey, Poet & Peasant and  through Peasant Eyes, Grand Rapids: Eerdmans, 1983. Trích trong Michael T. Winstanley, Trong tay Ngài, Nxb Phương Đông, 2011, tr. 101.
[19] Mt 26,26-27: «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội»
[20]1 Cr 11,24: «Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy…Đây là Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy».
[21] Carlo M. Martini, Người loan báo Tin Mừng, (dịch giả Phạm Quốc Huyên), Nxb Tôn giáo, 2013, tr. 50-51.
[22] Wal-ter Kasper, Mercy. The Essencen of the Gospel and the Key to Christian Life, New York : Paulist Press, 2014, tr. 46.
[23] Trích trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức giáo hoàng Phan-xi-cô.
[24] Henri W. Nouwen, Lòng thương xót, Nxb Phương Đông: 2009, tr. 15.
[25] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ điệp gửi ĐHY James Stafford – Tòa Ân Giải Quốc Tế, (14/03/2009). Trích từ Bộ Giáo Sĩ, Linh mục – Thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót, Tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng, 2011, tr. 10-11.
[26]ĐGH Phanxicô, Giáo Hội giàu lòng thương xót, Nxb Tôn giáo, 2015, tr. 43.
[27] ĐGH Phanxicô, Giáo Hội giàu lòng thương xót, Nxb Tôn giáo, 2015, tr. 44.
[28] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn từ phụng vụ Năm B, (dịch giả G.B. Lưu Văn Lộc) Nxb Đồng Nai, 2014, tr. 268.270.
[29] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, (Bản dịch của UBLBTM), 2013, số 3, tr. 8.
[30] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, (Bản dịch của UBLBTM), 2013, số 1, tr. 7.

Tác giả: Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập435
  • Máy chủ tìm kiếm87
  • Khách viếng thăm348
  • Hôm nay51,034
  • Tháng hiện tại911,395
  • Tổng lượt truy cập78,914,846
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây