Gặp gỡ Chúa qua các Thánh Vịnh (4)

Thứ hai - 11/07/2016 06:10  2121
Con người gặp thử thách gian nan 
 
1. Đặt mình trước mặt Chúa rồi nài nỉ xin ơn biết đảm nhận thử thách đắng cay và tín thác vào Chúa Quan Phòng, Ngài đang có mặt hướng dẫn đời ta lúc cùng quẫn.

2. Đọc Tv 3

ĐỨC CHÚA là Đấng bảo vệ người công chính

1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít, khi vua chạy trốn con mình là Áp-sa-lôm.

2 Lạy CHÚA, thù địch con đông vô kể,
người nổi dậy chống con thật quá nhiều!

3 Quá nhiều kẻ đang nói về con: "Chúa Trời đâu cứu hắn! "

4 Nhưng lạy CHÚA, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ,
là vinh dự của con,
là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất.

5 Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng CHÚA,
Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người.

6 Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
rồi thức dậy, vì CHÚA đỡ nâng tôi.

7 Tôi chẳng còn phải sợ
lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi.

8 Lạy CHÚA, xin trỗi dậy,
cứu lấy con, lạy Thiên Chúa con thờ.
Mọi kẻ thù con, Ngài đánh vỡ mặt,
bọn gian ác, Ngài đập gẫy răng.

9 CHÚA chính là nguồn ơn cứu độ,
xin ban phúc lộc cho dân Ngài.
 
 Quan sát bản văn và đưa ra một cấu trúc. Ngoài câu 1 là lời giới thiệu Tv, dựa vào ba lời thân thưa Lạy CHÚA ở các câu 2.4.8 ta có thể chia Tv làm ba phần sau :

c.1 : Giới thiệu.
-c. 2-3 : giãi bày cùng Chúa nỗi hiểm nguy trước kẻ thù « quá nhiều ».
-c.4-7 : tin tưởng tín thác vào Chúa.
-c.8-9 : tiếp tục nài nỉ xin Chúa ra tay cứu chữa.

3. Vài gợi ý[1]

a. Câu 1 đặt độc giả vào hoàn cảnh của Tv : Tv này của vua Đa-vít, khi vua chạy trốn con mình là Áp-sa-lôm. Đây là một biến cố đớn đau nát ruột của Đa-vít, bị chính người con là máu thịt của mình phản bội, lật đổ ngai vàng. Còn hơn nữa, chính Áp-sa-lôm còn đang muốn săn lùng mạng sống của cha mình nữa. Thành ra Đa-vít phải trốn chạy nhục nhã tủi hổ (2 Sm 15 – 16). Trong bối cảnh này, ta đặt mình vào tâm trạng của Đa-vít để xem đâu là thái độ của Đa-vít ?
b. Trước hết tâm tình của Đa-vít diễn tả ở lời thân thưa : Lạy CHÚA (c.2-3). Lời đầu tiên mà Đa-vít ngỏ lời là : Lạy CHÚA. Lời thân thưa này gọi về một sự hiện diện sống động. Giữa lúc cơ hàn, tác giả không tự mình lo tìm cách thoát nạn, nhưng lại ưu tiên đi vào một mối tương quan sống động : Lạy Chúa. Lời thân thưa xuất hiện đầu tiên trên môi, ấy cũng diễn tả tấm lòng thường trực nghĩ về Ngài và đặc biệt ngỏ lời trước hết với Ngài lúc nguy nan. Nói cách khác, người mà ông tìm đến để xin ơn cứu giúp tiên quyết là chính CHÚA. Ông muốn đặt điểm tựa lúc khốn khó này nơi Ngài. Thế rồi tác giả giãi bày cơ sự : « thù địch con đông vô kể, người nổi dậy chống con thật quá nhiều ! Quá nhiều kẻ đang nói về con : Chúa Trời đâu cứu hắn ! » (c.2-3). Chỉ có hai câu vắn gọn mà ta thấy có tới ba lần đề cập tới con số quá nhiều, quá đông kẻ thù. Nhấn mạnh điều này, tác giả đang muốn trình bày sự thật trước tôn nhan Chúa rằng : hoàn cảnh của ông quá bi đát, sức lực bản thân ông không thể chống lại với kẻ thù đông vô số như vậy được. Sức mạnh của kẻ thù như muốn nuốt trửng số phận bé bỏng của ông ; đặc biệt hơn và nguy hiểm hơn, số đông kẻ thù ấy như muốn áp bức, bẻ gẫy niềm tin tưởng của ông vào Đức Chúa : Chúa Trời đâu cứu hắn ! Có lẽ đây là trò ác độc nhất của kẻ thù. Trong bất cứ một cơn thử thách nào, đụng chạm tới niềm tin vào Thiên Chúa, và muốn tước đi niềm tin này thì dường như đó là thử thách cùng cực nhất. Vậy mà kẻ thù muốn tấn công cả điều sâu xa cốt lõi này.

c. Các câu 4-5 diễn tả thái độ tín thác của tác giả : « Nhưng lạy CHÚA, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con… ». Tác giả cũng bắt đầu bằng lời thân thưa : lạy CHÚA. Trước thế lực quân thù đông vô kể, rồi kẻ thù mưu mô muốn tấn công cả đức tin của tác giả nữa, thì ông đã đưa ra giải pháp : chính Chúa là khiên che thuẫn đỡ. Dường như kẻ thù càng bức bách, thì niềm tín thác của tác giả vào Chúa càng vững mạnh hơn. Ông tin rằng, lời ông vừa kêu lên, thì Chúa đã lắng nghe và nhậm lời. Nói cách khác, tác giả xác tín rằng, Thiên Chúa luôn gần gũi, đỡ nâng ông trong mọi hoàn cảnh. Khi càng cơ cực nguy nan, thì tác giả lại càng cảm thấy gần gũi Chúa. Chính vì lẽ đó, ngay khi gặp kẻ thù đông vô số bủa vây, tác giả vẫn có được tâm hồn bình an : « Tôi nằm xuống và thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì CHÚA đỡ nâng tôi » (c.6). Khi tâm hồn an bình giữa bão tố, rồi không hoảng sợ giữa gian truân, ấy đã là sự có mặt âm thầm nhưng mãnh liệt của Thiên Chúa trong cuộc đời rồi. Nói cách khác, chính việc Thiên Chúa hiện diện với ông khiến cho tác giả có được nghị lực can đảm. Dù kẻ thù có đông vô số bủa vây, tác giả không sợ gì. Một mình tác giả với sức mạnh của CHÚA, có thể đương đầu lại với kẻ thù.

d. Các câu 8-9 nài nỉ xin Chúa ra tay : « Lạy CHÚA, xin trỗi dậy, cứu lấy con…Mọi kẻ thù con, Ngài đánh vỡ mặt, bọn gian ác, Ngài đập gẫy răng… ». Hai câu này cũng tiếp tục bằng lời thân thưa : lạy CHÚA. Đó vừa là thái độ tha thiết, vừa là tâm hồn gần gũi tin tưởng. Tin tưởng tới độ, xin Chúa ra tay, chính Ngài đánh vỡ mặt kẻ thù. Như vậy, thái độ của tác giả rất rõ ràng : chính Thiên Chúa sẽ chiến đấu thay cho ông để chống lại kẻ thù. Dù kẻ thù có đông và tàn bạo thế nào đi nữa, Chúa cũng sẽ « đánh vỡ mặt, bẻ gẫy răng ». Lời van xin này có vẻ hơi đơn sơ mộc mạc : đánh vỡ mặt, đập gẫy răng quân thù ! Nhưng có ý nghĩa và ăn khớp với những câu mở đầu Tv. Đánh vỡ mặt rồi đập gẫy răng ấy là làm cho kẻ thù phải « câm miệng lại », không cho chúng nói phạm thượng nữa, cũng chẳng cho chúng còn có thể gieo rắc hoài nghi như phần mở đầu đã đề cập tới : chúng nói về con, « Chúa Trời đâu cứu hắn ». Nói tóm lại, khi Chúa can thiệp, Ngài sẽ làm cho kẻ thù phải bẽ mặt, và lật ngược tất cả những xảo trá gian tà của chúng.
 
Cuối cùng là lời tuyên xưng tín thác của tác giả : « CHÚA chính là nguồn ơn cứu độ, xin ban phúc lộc cho dân Ngài » (c. 9). Lời tuyên xưng này nêu bật niềm tin tưởng và kinh nghiệm nếm trải của tác giả giữa cơn thử thách cùng cực. Giữa lúc ấy, rõ ràng trước kẻ thù đông vô số, thất bại đã thấy trước mắt đối với tác giả rồi. Nhưng, nhờ tin tưởng vào Chúa, Ngài đã ra tay và vì thế mà chiến thắng đã xuất hiện, rồi tác giả được an bình giữ tối tăm.

4. Thánh vịnh 3 và cuộc sống

Lời Tv này gặp gỡ cuộc đời mỗi người khi đối diện với hoàn cảnh vượt quá khả năng của mình. Trước tình thế ấy, ta dâng tất cả lên Chúa, Ngài sẽ ra tay và ta được an bình. Hơn nữa, Tv này cũng tiên báo cảnh Đức Giê-su bị hiểu lầm, xúc phạm, bị kẻ thù tứ phía bủa vây. Nhưng Ngài tín thác trọn vẹn : lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23,38).

Nơi Tv này, ta cũng học hỏi thái độ của Đa-vít lúc gặp cảnh đen tối. Dù đớn đau ê chề khi thấy con ruột của mình phản bội, ông vẫn nhận sự hiện diện âm thầm và rất đỗi mãnh liệt của Thiên Chúa, rồi ông cũng đón nhận đường lối của Thiên Chúa trong cuộc đời.

[1] X. BÊ-NÊ-ĐIC-TÔ XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh. Tập I: Cựu Ước, Nxb Tôn giáo 2012, tr. 108tt.

Tác giả: Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập347
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm305
  • Hôm nay67,809
  • Tháng hiện tại1,089,809
  • Tổng lượt truy cập71,117,566
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây