Tin mừng Matthêu, Tin mừng Đấng Emmanuel (5)

Thứ bảy - 25/02/2017 03:10  2391
PHẦN II: TÌM HIỂU MỘT SỐ BẢN VĂN  TIÊU BIỂU

B. NĂM TRÌNH THUẬT XEN KẼ NĂM BÀI DIỄN VĂN
 (3-25)

Phần chính của Tin mừng gồm năm trình thuật xen kẽ năm bài diễn văn. Những dòng dưới, chúng ta sẽ tìm hiểu mỗi phần một bản văn tiêu biểu mà thôi.

IV. Đức Giêsu đi trên mặt nước (15, 22-33)

Sau khi rao giảng Nước Trời tại Galilê, Đức Giêsu bắt đầu đề cập tới cộng đoàn Nước Trời (13, 53-18, 35). Nói cách khác, ấy chính là cộng đoàn Đức tin mà Đức Giêsu muốn thiết lập. Trong phần này, chúng ta dừng lại tìm hiểu trình thuật Đức Giêsu đi trên mặt nước (15, 22-33).

1. Hoàn cảnh

Sau khi hóa bánh nuôi năm ngàn người ăn no (15, 13-21), trời đã xế chiều, vậy mà Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Và trên chuyến đi qua bờ bên kia như thế, thuyền các môn đệ gặp bão tố. Khoảng canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã đi trên mặt biển mà tới với họ (x. 15, 22-33).

2. Vài ý chính

Thật lạ thái độ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia”. Dường như Ngài thấy có điều không ích lợi cho các môn đệ ở bờ bên này của “thành công với những lời khen” sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, thành ra ngay tức khắc Ngài bắt các ông sang bờ bên kia. Mt dùng động từ rất mạnh “bắt” (avnagka,zw), ép buộc các môn đệ phải làm một điều mà các ông không ưa thích[1]. Nói cách khác, bắt ép các môn đệ sang bên kia biển hồ lúc trời tối, ấy cũng là “bắt” họ phải đối diện với một thực tại phía trước có bóng dáng của tử thần.

Giữa lúc ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện một mình (14, 23). Như đã nói, lên núi luôn có nghĩa biểu tượng là dứt mình khỏi dễ dãi để tới gặp suối nguồn là Thiên Chúa (x. Mt 5, 1). Sống tâm tình sâu thẳm với Chúa Cha, Đức Giêsu không quên các môn đệ đang phải chèo chống con thuyền giữa phong ba đêm tối. Nhưng Ngài không đến cứu thoát các ông ngay, mà phải tới canh tư, lúc gần rạng sáng. Thường Chúa đến can thiệp vào lúc con người không ngờ, và vào lúc con người như thể cạn kiệt sức lực. Dường như vất vả bất lực là một trải nghiệm cần thiết cho người môn đệ, để từ đó họ ý thức về sự thật con người của mình. Giữa lúc ấy, thì Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ. Có điều lạ, khi Ngài xuất hiện, thì họ lại hoảng sợ kêu la: “Ma đấy” (14, 26). Khi Đấng Phục Sinh tỏ mình ra, các tông đồ kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma (x. Lc 24, 36). Trong Thánh Kinh, biển cả có nghĩa biểu tượng là nơi ẩn trú của quyền lực ác thần, và cũng đồng nghĩa với sự chết. Đi trên biển cả, ấy là chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi. Vậy, khi Đức Giêsu đi trên mặt biển, điều đó muốn nói rằng Ngài đã chiến thắng tử thần. Thành ra Ngài ngỏ lời với họ: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ (14, 27). Nếu theo sát bản văn Hy-lạp, ta thấy ý nghĩa lời nói của Đức Giêsu rất quan trọng: qarsei/te(evgw, eivmi\ mh. fobei/sqe - Hãy vững tâm, Ta là Đấng Ta là, Đừng sợ. Giữa biển cả bấp bênh, lời của Đấng đi trên mặt biển là lời khẳng định vững chắc. Ở giữa hai lời trấn an, Đức Giêsu tự vén mở: Ta là Đấng Ta là. Như thế, nhờ việc các môn đệ dứt mình ra khỏi bờ an toàn dễ dãi bên này mà họ khám phá ra Đấng đi trên mặt biển, chính Ngài là Đấng Ta Là (evgw, eivmi) đã mặc khải cho Mô-sê trên núi Khô-rếp (x. Xh 3,14).

Mặc khải tên luôn là để ta đi vào huyền nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Như xưa, khi Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê biết Tên Ngài, thì Ngài đang chuẩn bị thực hiện cuộc giải thoát dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập (x. Xh 3,1-14). Giờ này, khi Chúa Giêsu tự mặc khải là Đấng Hằng Hữu, Ngài cũng đang thực hiện một cuộc giải thoát các môn đệ. Qua hình ảnh “sang bên bờ biển bên kia giữa đêm tối bão táp”, ấy là vượt qua cái nhìn của đám đông nhốt chặt Đức Giêsu theo “ý riêng của họ” để đi vào khám phá dự án của Thiên Chúa nơi cuộc đời Đức Giêsu.

Ngoài ra, nơi trình thuật này cũng hàm ẩn ý nghĩa về con thuyền của Giáo hội. Chính con thuyền Giáo hội đang gặp bão tố giữa đêm đen của lịch sử bắt bớ đạo. Lúc ấy, một lần nữa, chính Phêrô cần được nâng đỡ đức tin bởi Đấng chiến thắng tử thần. Khi Đức Giêsu vào thuyền với các tông đồ, thì gió lặng ngay. Chính Đức Giêsu là nguồn bình an cho Giáo hội.

3. Bài học

Một trong những ưu tiên của người môn đệ đó là để cho Chúa Giêsu huấn luyện. Cách huấn luyện của Ngài đôi khi không theo sở thích riêng bản thân. Nhưng Ngài “bắt” ta phải sang bờ biển bên kia, rời bỏ những suy nghĩ thiển cận của ta về Ngài. Ta được mời gọi không ngừng sang bờ bên kia để khám phá ra huyền nhiệm lạ lùng của Đức Giêsu. Chính khi ra đi, ta đón nhận được mặc khải của Chúa Cha để hiểu về Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Và nhờ đó ta được chúc phúc, và Giáo hội được xây dựng.

V. Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16)

Chúng ta bước sang chặng cuối của năm trình thuật xen kẽ năm diễn văn (3-25). Nếu như ở các phần trước, Đức Giêsu vẫn hoạt động ở miền Galilê, thì bây giờ Ngài tới rao giảng Nước Trời tại Giêrusalem (19-25). Trong phần này, chúng ta cũng chỉ tìm hiểu Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16).

1. Hiểu dụ ngôn

Dụ ngôn là một câu chuyện trong đời thường hoặc một câu chuyện hư cấu, qua đó tác giả muốn gửi gắm một sứ điệp. Đặc biệt để khám phá ra sứ điệp quan trọng, thông thường ta dựa vào những chi tiết gây ngỡ ngàng trong dụ ngôn. Cũng vậy, nơi dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16) ta thấy có hai chi tiết ngỡ ngàng.

2. Vài gợi ý

Trước hết là cách ông chủ thuê người làm vườn nho. Lúc đầu, ông “thỏa thuận” thuê người với tiền lương mỗi ngày một quan (c.1). Đó là lẽ công bằng (c.13) và thông thường xảy ra trong cuộc sống. Nhưng, tiếp đến giờ thứ ba, ông trở ra thấy những người khác ở không, ông mượn vào làm vườn nho (20, 3-4). Rồi giờ thứ sáu, giờ thứ chín, ông cũng làm y vậy (c.5). Điều lạ, “ông chủ đi mượn người làm vào lúc giờ 11”, tức là 17 giờ chiều, chỉ còn một giờ nữa là nghỉ việc. Chính cách đi thuê người làm lạ lùng như thế, sứ điệp của dụ ngôn được hé lộ: mục đích ông chủ mượn người làm không hề nhắm tới “hiệu quả của công việc”; ông không đặt nặng ở chỗ làm nhiều làm ít. Nhưng điều quan trọng hơn là, để cho những người được mượn thấy ý nghĩa cuộc đời. Bởi lẽ, có những người “suốt ngày không có việc; rồi chẳng ai mướn” (c.6-7). Không ai mướn, ấy cũng như thể chẳng có giá trị gì cả, ấy vậy mà ông chủ lại để ý tới. Sứ điệp của Lời Chúa hé mở: điều chính yếu nhất khi mời gọi ta vào làm vườn nho của Chúa đó là để cho ta được hạnh phúc, vì Ngài thương ta. Điều này cần phá vỡ lối suy nghĩ: lợi nhuận, tính toán so đo khi làm việc cho Chúa. Trái lại, chính việc ta được làm vườn nho cho Chúa, ấy là vì Chúa dủ lòng thương cho ta tham dự vào công việc của Ngài.

Điểm ngỡ ngàng thứ hai là khi ông chủ trả tiền lương: ngài trả cho mỗi người một quan tiền, không kể nhiều giờ hay ít giờ lao động. Cách trả lương này khiến những người làm giờ đầu không vui, vì thế ông chủ hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (20, 15). Lời này tiếp tục cho ta thấy ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn: phần thưởng của người làm vườn nho không hệ tại ở “quan tiền”, nhưng đó là được chia sẻ lòng tốt của ông chủ. Hay nói đúng hơn, vượt lên trên hẹp hòi tính toán của con người (ghen tương) để đi vào lòng quảng đại của Thiên Chúa, nếm nghiệm lòng “tốt bụng” của Ngài.

3. Bài học

Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” chỉ được kể trong Tin mừng Mt. Hay nói cách khác, nơi dụ ngôn này, tác giả đang muốn cho thấy một trong những điểm nhấn của Tin mừng. Chính câu kết của dụ ngôn diễn tả điểm nhấn ấy: “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (19,30; 20,16). Chúa đến đảo lộn lối suy nghĩ hẹp hòi của con người.

Thái độ cần thiết là sống đức khiêm nhường trước tôn nhan Chúa. Khiêm nhường đúng nghĩa luôn là quà tặng đến từ Chúa. Chính sức mạnh từ Chúa tuôn đổ vào lòng để nhờ đó, con người có thể có đức khiêm nhường.
 
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu

[1] L‎‎ý do có thể là vì bờ bên này an toàn, còn vượt biển sang bên kia luôn có nhiều rủi ro. Lại nữa, trời đã muộn, và kinh nghiệm biển cả nói với họ rằng: tại biển hồ Galilê, thường có những luồng gió lạnh mang hơi nước từ biển Địa Trung Hải gặp luồng gió nóng từ Samạc Syria thổi tới; khi đêm, không khí lạnh hơn, dễ tạo ra những trận cuồng phong bất thình lình. Và như thế, mạng sống con người đặt giữa biên giới sống chết.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập290
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm264
  • Hôm nay45,476
  • Tháng hiện tại1,067,476
  • Tổng lượt truy cập71,095,233
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây