Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Chủ nhật - 20/03/2016 23:53  1493

(Tiếp) 

VI. Thiên Chúa chọn sự sống và người nghèo

Sứ điệp lòng thương xót nơi Cựu Ước không hề là sứ điệp thuần túy thiêng liêng; nhưng nó là sứ điệp về sự sống. Và như thế, về căn bản cốt lõi, nó có chiều kích sinh lý và xã hội rõ ràng. Thực vậy, nhân loại đáng bị chết vì tội lỗi. Nhưng, do lòng thương xót, Thiên Chúa đã cho con người cơ hội sống mới. Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài không vui mừng khi thấy kẻ gian ác phải chết vì tội lỗi họ. Nhưng Ngài vui mừng khi thấy tội nhân hối cải và tiếp tục sống (Ed 18,23; 33,11). Đức Giê-su đã lấy lại sứ điệp Cựu Ước này khi nói: «Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống» (Mc 12,27; Mt 22,32; Lc 20,38).

Như vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa chính là quyền năng nâng đỡ của Ngài. Quyền năng này bảo vệ, cung cấp, sáng tạo và làm triển nở sự sống mới. Lòng xót thương của Ngài phá vỡ lối suy nghĩ chật hẹp của con người về sự công bằng mà theo đó họ phải chịu trừng phạt và chịu chết vì tội lỗi. Lòng xót thương của Thiên Chúa ưa thích sự sống. Trung thành cùng giao ước với dân Ngài, lòng thương xót của Thiên Chúa tái lập mối tương giao đã bị đổ vỡ do tội lỗi của họ, và tặng cho họ những điều kiện sống mới bền vững. Lòng xót thương là chính việc Thiên Chúa chọn lựa sự sống. Điều này thật rõ ràng: Thiên Chúa không phải là kẻ thù của sự sống như là Nietzsche nghĩ[1]. Nhưng Ngài quyền năng (Tv 27,1) và là nguồn sự sống (Tv 36,10); Ngài là bạn của sự sống (Kn 11,26).

Tiếp đến, Thiên Chúa đặc biệt lưu tâm hướng về người nghèo và người yếu thế[2]. Sự thực không thể quên, chính Ít-ra-en cũng đã từng là những người nghèo bên đất Ai-cập (Xh 22,20; Đnl 10,19; 24,22); thế rồi với đôi tay dũng mãnh, Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-cập và giải thoát họ (Xh 6,6; Đnl 5,15). Tại Đất Hứa, Thiên Chúa mãi yêu thương và chăm sóc cách đặc biệt những người nghèo và kẻ yếu thế. Điều này được thấy cách hiển nhiên trong giới răn: không được áp bức và ngược đãi khách ngoại kiều, cô nhi quả phụ (Xh 22,20-26); rồi nó cũng thể hiện rõ ràng trong việc bênh vực những người nghèo trước tòa án xét xử (Xh 23,6-8), và cấm đối xử tệ với họ (Xh 22,24-26). Sách Lê-vi biết tới một luật phân biệt xã hội (Lv 19,11-18.25). Nhưng, với Thiên Chúa, chuẩn mực thứ bậc xã hội chắc chắn sẽ bị đảo lộn. Trong bài ca tạ ơn của bà An-na, hình ảnh báo trước bài ca Magnificat của Đức Ma-ri-a nơi Tân Ước, chúng ta thấy:

«Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
Ai nghèo túng, Ngài cất nhắc từ đống phân tro,
Đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
Tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng» (1Sm 2,8).

Đặc biệt, luật giữ ngày Sa-bát được nhắc tới (Xh 20,9 tt; 23,12; Đnl 5,12-15). Theo đó, những người nô lệ và khách ngoại kiều cũng được một ngày nghỉ ngơi không làm việc. Rồi, cũng có một năm nghỉ ngơi nữa, tức là cứ bảy năm, thì có một năm đồng ruộng để hoang, những người nghèo sẽ được hưởng hoa màu đó; và cũng trong năm nghỉ ngơi ấy, những người nô lệ sẽ được phóng thích (Xh 23,10; Đnl 15,1-18).  Theo cùng cách thức như thế, thì xuất hiện năm toàn xá, tức là bảy tuần năm (bảy lần bảy năm). Trong năm toàn xá này, mọi tài sản sẽ được trả về phần sở hữu của mỗi người, đồng ruộng không được gieo vãi, vườn nho không được hái, phóng thích tự do cho tất cả mọi người (Lv 25,8 tt; 27,14 tt). Mặc dù người ta không hoàn toàn tuân giữ mệnh lệnh phóng thích cho mọi người nô lệ, nhưng dù sao trên nền tảng của mệnh lệnh này, thì tình liên đới bác ái của dân Thiên Chúa được lưu tâm, và đất hứa được trao cho họ như là sở hữu chung. Sách Đệ-nhị-luật triển khai khái niệm về một dân, trong đó không có người nghèo cũng chẳng có người bị bỏ rơi (Đnl 8,9; 15,4), một dân biết những luật lệ liên quan tới cô nhi quả phụ, khách ngoại kiều và những người nô lệ (Đnl 14,29; 15,1-18; 16,11.14; 24,10-22), và một dân nhận có nhiệm vụ đóng thuế thập phân để giúp người nghèo - cụ thể là những ngoại kiều, cô nhi quả phụ (Đnl 14, 28tt; 26,12).[3]

Sứ điệp của các ngôn sứ tiếp tục nhấn mạnh sự quan tâm và lựa chọn của Thiên Chúa dành cho người nghèo. Thông điệp này được khởi đầu với ngôn sứ A-mốt, người đã kịch liệt lên án việc lạm dụng áp bức, bẻ cong cán cân công lý (Am 2,6-8; 4,1.7-12; 8,4-7). Ngôn sứ này cũng phê phán lối sống phóng túng của tầng lớp thượng lưu (6,1-14). Giữa cuộc sống ồn ào lễ hội và hưởng thụ thái quá, ông  yêu cầu người ta trân trọng nhân phẩm và sống công bằng, đó chính là cách thực hành tôn giáo đích thực (5,21-25). Những lời lẽ rõ ràng mãnh liệt như thế cũng được thấy nơi các ngôn sứ: I-sa-i-a (Is 1,11-17; 58,5-7), Ê-dê-ki-en (Ed 18,7-9), Hô-sê (Hs 4,1-3; 6,6; 8,13; 14,4), Mi-kha (Mk 6,6-8), và Da-ca-ri-a (Dc 7,9 tt). Đó là những lời khích lệ dành cho người nghèo. Qua đó, họ thấy cụ thể: một sự lắng nghe, một nơi trú ẩn, một tấm lòng xót thương, nhân nghĩa và an ủi nơi Thiên Chúa của Ít-ra-en, hoàn toàn khác với các ngẫu tượng (Br 6,35-37).

Nơi các ngôn sứ, càng lúc chúng ta càng thấy lời kêu xin thống thiết đối với lòng xót thương Thiên Chúa (Is 54,7; 57,16-19; 63,7 – 64,11; Gr 31,20 v.v.). Lời hứa của Thiên Chúa dành cho người nghèo chứ không phải là cho kẻ kiêu căng quyền thế (26,6; 41,17; 49,13). Theo ngôn sứ I-sa-i-a đệ tam, Đấng Cứu Tinh (Mê-si-a) được gửi tới cho những người nghèo, những kẻ phận nhỏ, và mang tới cho họ Tin mừng (Is 61,1).

Như thế, chúng ta có thể cùng với các ngôn sứ khẳng định rằng: Đức Chúa chọn lựa những người nghèo, bất lực, và những người phận nhỏ. Người ta thường bị cám dỗ coi rằng đó là một ảo tưởng hão huyền về một trật tự mới của xã hội. Nhưng, hạn từ «hão huyền» sẽ chẳng có lý do hiện diện ở đây. Bởi vì chúng ta không đề cập tới một dự án của con người, nhưng là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho sự sống nhân loại và cho lời hứa cánh chung.
 

[1] Friedrich Nietzsche, The Twilinght of the Idols, New York: 1924, 42-43.
[2] F. Hauck, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 6: 37-43.
[3] Norbert Lohfink, ‘Das deuteronomistische Gezetz in der Endegestalt…’, In Biblische Notizen 51, 1990: 25-40.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại917,775
  • Tổng lượt truy cập78,921,226
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây