Thứ Năm, Tuần 26 Thường Niên B
(Lc 10,1-12)
Hôm nay, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về sứ mạng tông đồ của Người. Dù “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác và sai các ông đi trước” (Lc 10,1), nhưng việc loan báo Tin Mừng là một nhiệm vụ “không thể ủy thác cho một vài ‘chuyên gia’ (thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II): tất cả chúng ta đều được kêu gọi và phải cảm thấy có trách nhiệm. Mỗi người từ vị trí và hoàn cảnh riêng của mình. Vào ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta đã được dạy: “Con là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế, và con sẽ nhận được sự sống đời đời”. Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta đang sống cần những chứng nhân người môn đệ Chúa Kitô.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2): Lời diễn giải tích cực này về sứ mạng truyền giáo thật là thú vị. Bản văn không viết: “Gieo vãi rất nhiều mà thợ gặt thì ít”. Có thể ngày nay, chúng ta phải nói như vậy, trước sự thiếu hiểu biết lớn lao của xã hội về Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của Người. Một cái nhìn hy vọng về sứ mạng truyền giáo có thể giúp chúng ta lạc quan và phấn khởi. Đừng để chúng ta bị nản lòng bởi sự bi quan hay tuyệt vọng.
Trước hết, sứ mạng truyền giáo vừa phấn khởi vừa khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Sứ mạng truyền giáo của chúng ta không nên và cũng không ép buộc người khác tin vào Đấng là Đường, Sự thật và Sự sống, nhưng là tạo ra cơ hội để mỗi người có thể tự do chọn, tin và gắn bó. Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta rằng các lời giảng dạy chỉ là những đề xuất, chứ không phải áp đặt.
“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4): Sức mạnh duy nhất của nhà truyền giáo phải là Đức Kitô. Để Đức Kitô có thể lấp đầy đời sống của mình, người truyền giáo phải giải thoát mình khỏi bất cứ điều gì không phải là Đức Kitô. Sự khó nghèo theo Tin Mừng là điều kiện tiên quyết lớn lao và đồng thời là lời chứng đáng tin cậy nhất mà người Tông đồ Chúa có thể đưa ra, bởi chỉ có sự vô vị lợi này mới làm chúng ta tự do.
Nhà truyền giáo loan báo hòa bình. Họ là người mang hòa bình vì Đức Kitô là “Hoàng tử của Hòa bình”. Vì thế, “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy, bằng không thì bình an đó trở lại với anh em”. (Lc 10,5-6). Thế giới của chúng ta, gia đình của chúng ta, và chính bản thân mỗi chúng ta đều cần có sự bình an. Chính bởi lẽ đó, sứ mạng truyền giáo của chúng ta càng trở nên cấp bách và lý thú hơn.