Thứ 5 Thánh: Đức Giêsu yêu họ đến cùng
Thứ tư - 12/04/2017 18:48
3485
THÁNH LỄ TIỆC LY
Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15 Tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ là một tình yêu mãnh liệt, vô hạn và không biên giới. Thánh Gioan tông đồ đã cảm nhận thật sâu sắc tình yêu này của Đức Giêsu nên đã viết “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” Yêu đến cùng là yêu hết mình, yêu cho đến chết và làm tất cả những gì có thể cho người mình yêu. Vậy Đức Giêsu đã làm gì để thể hiện tình yêu của Ngài với các môn đệ?
1. Đức Giêsu thể hiện tình yêu đến cùng bằng việc rửa chân cho các môn đệ
- Về điểm này, thánh Gioan kể rất rõ ràng, chi tiết và cụ thể trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe “Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa nên trong bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Vì Đức Giêsu là Thầy và là Chúa nên việc rửa chân cho các môn đệ là hành động mang đầy ý nghĩa.
- Việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trước hết mang ý nghĩa thanh tẩy. Đức Giêsu đã nói rõ với Phêrô “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Vì không hiểu nên ban đầu Phêrô đã không để Đức Giêsu rửa chân cho, nhưng sau khi đã hiểu, Phêrô xin Đức Giêsu không chỉ rửa chân mà còn rửa cả tay và đầu cho ông nữa. Nhờ được Đức Giêsu rửa mà Phê rô đươc thanh tẩy để xứng đáng được chia phần vinh quang với Thầy.
- Việc rửa chân còn là một việc làm mang ý nghĩa phục vụ “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa thì phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Trước kia, Đức Giêsu đã hết mình phục vụ các môn đệ và trước giờ phút ly biệt này, Người còn hạ mình rửa chân cho họ là để dạy và làm gương cho họ bài học phục vụ trong khiêm hạ.
2. Đức Giêsu thể hiện tình yêu đến cùng qua việc lập bí tích Thánh Thể
- Bí tích Thánh Thể chính là việc trao ban thịt máu mình làm thần nương nuôi dưỡng linh hồn các môn đệ. Nhờ bí tích này, Đức Giêsu không phải rời xa các môn đệ mà còn ở lại với họ cho đến ngày tận thế. Ngài không ở lại một cách hữu hình bên ngoài mà ở lại trong chính tâm hồn họ qua việc họ rước lấy thịt và máu của Ngài. Thịt của Ngài trở thành thịt của họ và máu của Ngài trở thành máu của họ. Chẳng có sự ở lại nào sâu sắc cho bằng sự ở lại này! Không chỉ ở lại với các môn đệ mà thôi Ngài còn ở lại với mỗi người tín hữu chúng ta.
- Thánh Phaolô đã nói điều này rất rõ trong thư gửi tín hữu Cr “Điều tôi đã nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: Đây là Minh Thầy hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”
- Không phải chỉ thánh Phaolô tông đồ ghi nhận mà cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để trao ban thịt máu mình và ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như vậy mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rược cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén và nói “chén này là Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy, đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20; Mt 26,26-29).
3. Đức Giêsu thể hiện tình yêu đến cùng qua việc trở thành Chiên Vượt Qua
- Sách Xh kể rằng, để giải phóng Israel ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa truyền cho dân giết chiên vượt qua. Chiên vượt qua phải là chiên đực, vẹn toàn và không quá một tuổi. Máu chiên phải bôi lên khung cửa nhà Israel. Thịt chiên phải nướng lên ăn với rau đắng và bánh không men ngay trong đêm hôm đó. Israle phải ăn trong tư thế vội vã, lưng thắt gọn, chân đi dép và tay cầm gậy. Đêm hôm đó sứ thần của Thiên Chúa sẽ vượt qua và mọi con cái Israel được cứu thoát nhờ máu chiên bôi trên khung cửa, còn toàn thể con trai đầu lòng của người Ai Cập bị tiêu diệt.
- Đức Giêsu là Chiên vượt qua của toàn thể nhân loại. Ngài là con chiên tinh tuyền vô tì tích của Thiên Chúa. Ngài khiêm tốn phục vụ ân cần và can đảm chịu mọi khổ đau vì các môn đệ. Bị bắt hại, bị đánh đòn, bị giết chết, bị treo lên và chịu đâm thâu, nhưng Ngài chẳng mở miệng kêu than một tiếng. Tất cả chúng ta đều biết rằng sau bữa tiệc ly, Đức Giêsu bị bắt, bị đánh đòn, phải vác thập giá, chịu đóng đinh, nhưng hoàn toàn im lặng phó thác cho Chúa Cha. Quả thật, với tất cả những gì phải chịu, Đức Giêsu đã trở thành chiên vượt qua không chỉ giải phóng các môn đệ mà còn giải phóng tất cả nhân loại.
Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng qua việc hạ mình khiêm tốn phục vụ, lập bí tích Thánh Thể để trao ban thịt máu mình và ở lại với giáo hội cho đến tận thế, làm chiên vượt qua hy sinh mạng sống đền thay muôn tội lỗi cho nhân loại. Ngài mời chúng ta theo gương Ngài khiêm tốn phục vụ tha nhân, gắn bó với Ngài qua việc thường xuyên rước Thánh Thể và sẵn sàng hy sinh cho người khác. Thử hỏi bao lâu nay tôi đã sống lời mời gọi của Chúa ra sao? Hôm nay, một lần nữa tôi lại được Chúa mời gọi theo gương sống của Ngài, tôi có quyết định gì? Nguyện xin Chúa cho chúng ta sống được như Ngài là khiêm tốn phục vụ, luôn gắn bó với Ngài qua việc rước Thánh Thể và sẵn sàng cho đi như Ngài đã trao ban. Amen.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh