Suy niệm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C
Thứ sáu - 18/02/2022 20:37
923
Lc 6, 27-38
Trong Chúa Nhật tuần này, công việc huấn luyện người môn đệ lại được tiếp tục. Ở đây, công cuộc huấn luyện nhắm đến việc hoán cải lối suy nghĩ và cách hành động của chúng ta. Có lẽ một trong những bài học khó khăn nhất chứa đựng trong giáo huấn của Chúa Giêsu là tha thứ cho những ai bị coi là kẻ thù của mình, những người đã lỗi phạm đến chúng ta. Không chỉ có thế, Tin Mừng còn mời gọi chúng ta vươn tới một tiêu chuẩn thậm chí cao hơn: chúng ta phải có lòng nhân từ thương xót như Thiên Chúa là Đấng nhân từ xót thương. Nếu sự hoàn thiện như thế trở thành hiện thực trong cuộc sống của chúng ta thì chúng ta sẽ có khả năng tha thứ. Thánh Phaolô bảo đảm rằng chúng ta thực sự có thể vươn tới một sự hoàn thiện như thế, không phải bởi khả năng riêng của chúng ta nhưng là do quyền năng của Đấng Phục Sinh, Đấng mà chúng ta được mang lấy hình ảnh của Ngài.
Hình ảnh thần thiêng
Thánh Phaolô trình bày về thần học sáng tạo. Lúc khởi đầu, chúng ta được dựng nên giống như Ađam đầu tiên, trần tục, giới hạn, yếu đuối, lo tìm kiếm mọi sự thuộc thế gian này và vun vén cho hạnh phúc riêng mình. Giờ đây, chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh của Ađam thứ hai, là Đức Kitô - Đấng Phục sinh. Cũng như Đức Kitô, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, được lãnh nhận sức mạnh cứu rỗi của Ngài, và cùng với Ngài được biến đổi thành những thụ tạo mới. Và nhờ đó, giờ đây sức mạnh ấy hoạt động trong ta, chúng ta thực sự có sức mạnh phục sinh, để trở nên nhân từ thương xót như Thiên Chúa là Đấng nhân từ xót thương. Trong Chúa Phục Sinh, chúng ta trải nghiệm một sự biến đổi huyền nhiệm. Từ giờ trở đi, mọi hành động của chúng ta đều có thể xuất phát từ thực tại mới này.
Tặng phẩm của tình yêu
Được biến đổi nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh, chúng ta có khả năng làm được những việc tốt chưa từng có. Chúng ta có thể sống mà không hận thù; có thể lấy đức báo oán. Chúng ta có thể sống quảng đại cách hào phóng với người khác; chúng ta có thể từ bỏ bất kỳ quyền sở hữu nào thuộc về mình. Chúng ta có thể sống mà không phán xét tha nhân một cách bất công. Một khi chúng ta được biến đổi, Thiên Chúa sẽ trở nên nguồn sức mạnh tâm linh cho chúng ta, trở nên khuôn mẫu để chúng ta noi theo, trở thành nguồn lực thúc đẩy chúng ta và trở thành mục đích tối hậu cho mọi việc chúng ta làm. Những việc làm không còn chỉ là những biểu lộ bề ngoài mang tính bổn phận, nhưng còn thể hiện một thực tại sâu xa bên trong, đó là sự biến đổi được diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Việc huấn luyện các môn đệ thành tựu khi có sự biến đổi toàn diện trong Đức Kitô.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary – Year C, Seventh Sunday in Ordinary Time, The Liturgical Press.