Tìm kiếm hạnh phúc thật ở đâu?
Thứ ba - 15/02/2022 03:15
1305
Lc 6,17.20-26
Ai trong chúng ta cũng mong muốn cho mình được hạnh phúc, và hạnh phúc là khát vọng sâu xa nhất mà Thiên Chúa đã đặt để nơi tâm hồn mỗi người. Bởi thế, có thể nói cuộc sống là một hành trình và nỗ lực của con người đi tìm hạnh phúc. Quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người mỗi khác: người thì cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của; có quyền lực, địa vị danh vọng; người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn. Dù hạnh phúc có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung lại con người vẫn chỉ nhìn hạnh phúc với những gía trị chóng qua, mau hết. Hạnh phúc đích thực chỉ có được, khi chúng ta thực hành những mối phúc mà Chúa Giêsu đã chỉ ra trong bài Tin Mừng.
Những mối phúc Đức Giêsu đưa ra khác xa các tiêu chuẩn, cũng như cách đánh giá của con người. Những người được Chúa chúc phúc là: người nghèo khó, người đói khát, người buồn sầu khóc than, người bị bách hại vì danh Chúa. Trái lại, những người được coi là hạnh phúc dưới con mắt của người đời: người giàu có, người đang được no nê, người vui cười, người được mọi người ca tụng, lại là những người dường như Chúa không mấy ưa thích, thậm chí là lên án. Tại sao cách nhìn nhận của Chúa lại không giống những gì con người ưa thích và tìm kiếm?
Thưa, vì Chúa muốn con người được hạnh phúc thật sự và hạnh phúc đời đời. Còn con người lại muốn hạnh phúc giả tạo, hạnh phúc nhất thời. Người “nghèo” Chúa muốn nói ở đây là người có một tâm hồn “nghèo khó”, khiêm tốn, đơn sơ và giản dị. Họ nhìn nhận mình nhỏ bé, không cậy dựa vào thế lực của tiền bạc, hay sức riêng của bản thân nhưng một niềm tin tưởng phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Ngược lại, sự giàu có mà Chúa đề cập đến lại chính là sự giàu có của trần gian, một thứ giàu có làm mê mẩn và khiến người ta chạy theo vật chất, để rồi tìm kiếm nó như cùng đích của cuộc đời, vì “ kho tàng ở đâu, thì lòng trí chúng ta ở đó” (Lc 12,34). Những người này, vì quyền lợi vật chất sẵn sàng bán rẻ lương tâm, chà đạp lên nhân phẩm và sự sống của người khác, với mục tiêu thu vén cho riêng mình. Họ lấy của cải vật chất làm cứu cánh thay vì chỉ là phương tiện sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Họ cậy dựa vào quyền lực trần thế, như lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một đã cảnh báo: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa!” (Gr 17,5). Sự giàu có như thế, quả là điều bất hạnh.
Những người “đang phải đói”, đó là những người khao khát sống công chính, thánh thiện, luôn ao ước sống đẹp lòng Chúa. Trái lại, những người đang “no nê”, là những người thỏa mãn với những gì mình có; họ no thỏa với những thú vui trần gian và xác thịt. Cái no thỏa như vậy, làm mù lòa con mắt tâm linh và không thể đem lại hạnh phúc cho con người. Còn với những ai đang “phải khóc”; họ là những người khóc than buồn sầu cho tội lỗi của mình và của nhân loại; để rồi quyết tâm hối cải và thay đổi đời sống. Họ khóc cho những mảnh đời đau khổ; để rồi quảng đại quan tâm chia sẻ, giúp đỡ tha nhân. Một thái độ trái ngược, đó là những người “đang vui cười”, họ sung sướng trên sự đau khổ của anh chị em mình, đó là những nụ cười man rợ. Điều đó, thật đáng phê phán trước mặt Thiên Chúa và đi ngược lại với những giá trị đạo đức của con người. Thử hỏi, làm sao ta có thể vui cười khi xúc phạm, hay bôi nhọ danh dự; khi gieo đau khổ, khi hủy diệt sự sống hoặc phá hoại hạnh phúc của người khác như việc phá thai, buôn bán người, buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật…Những nụ cười theo kiểu như thế, quả thực vô phúc và đáng trách!
Còn với những người bị bắt bớ, bị oán ghét vì danh Chúa, họ là những người dám sống các giá trị của Tin Mừng, dám làm chứng cho sự thật, can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Họ sẽ được lãnh nhận hạnh phúc như Chúa hứa ban: “Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc 6,23) và “những ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10,22). Đối lập với những người bị bắt bớ, đó là những người được mọi người ca tụng; họ là những người sống giả hình. Các việc đạo đức họ làm, những việc bác ái họ thực thi chỉ nhằm phô trương thanh thế, hay khoe danh tiếng của mình. Họ làm tất cả những việc đó, không phải vì lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân mà chỉ vì danh vọng hão huyền, như có lần Chúa Giêsu đã răn dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh (Mt 6,1-4).
Như vậy, qua một vài điều suy niệm trên đây, chúng ta thấy Thiên Chúa không vô lý hay khắt khe khi lên án những cái mà con người cho là hạnh phúc, và rồi Ngài lại chúc phúc cho những cái mà con người cho là bất hạnh. Những mối phúc là những lời mời gọi của Chúa dành cho những ai muốn trở nên hoàn thiện, muốn trở thành người môn đệ đích thực của Ngài. Những mối họa hay những điều Ngài lên án, qua tính từ “khốn”, không được hiểu như một lời chúc dữ hay một sự nguyền rủa; đúng hơn đó là những lời cảnh tỉnh của Chúa nhằm kêu gọi người ta ăn năn hối cải để thay đổi đời sống.
Sứ điệp của lời Chúa một lần nữa nhắc nhở và cũng là cơ hội để chúng ta duyệt xét lại cung cách sống của mình. Chúng ta sẽ là người được Chúa chúc phúc, khi biết sử dụng của cải vật chất trong tinh thần khó nghèo; biết giúp đỡ, chia sẻ cho tha nhân; biết tích trữ kho tàng ở trên trời. Chúng ta sẽ là người vô phúc, khi dửng dưng vô cảm với nỗi đau khổ của tha nhân; khi chạy theo những khoái lạc trần gian; khi coi tiền bạc như một ông chủ, để rồi phục vụ nó.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con có một tinh thần thanh thoát để không bám víu vào của cải hay quyền lực trần gian, nhưng chỉ biết nương tựa nơi Chúa và chọn Chúa là hạnh phúc của cuộc đời. Amen.
Tác giả: Phó tế Phaolô Nguyễn Văn Hiền