CHÚA NHẬT I PHỤC SINH năm C
Cv 10,34.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa phục sinh. Lễ Phục sinh là lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, là ngày lễ của ánh sáng, của niềm vui và hy vọng tràn trề. Niềm vui đến từ hy vọng cứu rỗi đã được chứng minh và bảo đảm nơi cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng bị treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng “ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường” (Bài đọc I, Cv 10,39-40).

Niềm vui mừng hy vọng ấy đến từ nấm mồ được mở tung, các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh và niềm an ủi khích lệ từ nơi Người. Con người có hy vọng và niềm vui sâu xa trong tâm hồn vì mọi sợ hãi, tối tăm, thất vọng… đã được ánh sáng phục sinh chiếu rọi, làm cho tâm hồn tràn ngập bình an, niềm vui và hy vọng.
Tảng đá lăn khỏi mộ
Niềm hy vọng đến trước tiên từ nấm mồ được mở tung ra. Nấm mồ tượng trưng cho quyền lực kềm tỏa của bóng tối, sự bao vây của cái chết, sự đào sâu chôn chặt của tương lai một phận người. Vùi sâu trong nấm mồ có nghĩa là đi vào sự tan biến và hủy diệt, là đóng kín với những hoài bão, ước mơ và hy vọng. Thầy bị mai táng trong mồ, cũng có nghĩa là Thầy sẽ đi vào quên lãng, số phận của những ai theo Thầy cũng tan thành mây khói…
Nhưng tảng đá đã được lăn khỏi mộ. Tảng đá đã được niêm phong, có lính canh gác cẩn mật, thế mà vẫn bị lật tung. Đấng làm chủ sự sống đã trỗi dậy, đã phá tan quyền lực sự chết, đã chiến thắng sức mạnh tử thần. Tảng đá lăn ra là mở tung nấm mồ để mở toang cánh cửa hy vọng. Sự chết chẳng còn quyền chi đối với Đức Kitô, Ngài đã bẻ tan gọng kìm của sự chết để mở ra con đường toàn thắng nhờ quyền năng phục sinh thần thiêng của Ngài (x. 1Cr 15,54-57).
Ông đã thấy và đã tin
Nấm mồ mở tung, nhưng hy vọng chỉ đến với những ai có lòng tin. Thiếu cái nhìn đức tin, nấm mồ trống chỉ là một dấu chỉ của việc “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”! Nghĩa là một vụ mất xác, ăn cắp xác đã xảy ra! Tin Mừng Mátthêu cũng ghi lại những tin đồn đoán như thế (x. Mt 28,8-15). Chính bà Maria Magdala và các môn đệ lúc đầu cũng nghĩ thế, thậm chí, các môn đệ còn khư khư giữ ý kiến này tới mức bị Chúa khiển trách các ông “không tin và cứng lòng” (x. Mc 16,9-15).
Tuy nhiên, chúng ta thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến, với sự nhạy bén của trực giác siêu nhiên, “đã thấy và đã tin”. Đức tin giúp người môn đệ nhận ra dấu chỉ hy vọng ngay cả những nơi xem ra trống rỗng và thất vọng nhất. Đúng như tác giả thư gửi tín hữu Hípri đã nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1). Sau này, Chúa Phục Sinh cũng tuyên phúc những người không thấy mà tin (x. Ga 20,29).
Lan tỏa niềm hy vọng phục sinh
Trong Sắc chỉ mở Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra câu hỏi: “Nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta là gì?” Câu trả lời là: “Tôi tin sự sống đời đời”. Quả thực, niềm tin vào sự sống vĩnh cửu giúp chúng ta soi sáng “những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ”, nhờ đó, “lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng hưởng tới cuộc gặp gỡ Đức Chúa hiển vinh”.
Nhưng đâu là nền tảng của niềm tin vào sự sống đời đời đang khi chúng ta bất lực trước quyền lực sự dữ và cái chết? Câu trả lời: “Chúa Giêsu đã chết và sống lại”. Sự phục sinh của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta chân trời hy vọng cứu rỗi như chúng ta ca lên trong đêm Vượt Qua: “Người là Chiên thật đã xóa bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con”.
Người tín hữu, lãnh nhận đức tin qua Bí tích Thánh Tẩy, được mời gọi lan tỏa niềm hy vọng phục sinh này qua một cuộc đời “tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh”. Ánh sáng đó là sự thật, sự thiện lành, sự đẹp đẽ, tình yêu, niềm vui, bình an... Ánh sáng đó là niềm hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5,5). Ánh sáng ấy là sự minh chứng “lý do và ý nghĩa” (logos) cho niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15).
***
Như vậy, phụng vụ Lễ Chúa Phục Sinh hôm nay thắp lên trong chúng ta niềm vui và hy vọng. Chúng ta hy vọng vì chúng ta có một tương lai xán lạn và chắc chắn. Tương lai ấy xán lạn vì đưa chúng ta tới sự sống phúc vinh đời đời. Tương lai ấy chắc chắn vì được bảo đảm bằng cuộc phục sinh khải hoàn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đập tan quyền lực tử thần và mở đường cho chúng ta vào cõi trường sinh.
Niềm hy vọng ấy một đàng mời gọi chúng ta thêm xác tín vào quyền năng và tình thương Chúa, đàng khác thúc đẩy chúng ta hãy loại bỏ “men cũ” (là lòng gian tà và độc ác) để trở thành “bánh không men” (lòng tinh tuyền và chân thật), để cụ thể việc mừng lễ Phục sinh nơi cuộc sống mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã chết và đã sống lại để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn, được nắm chắc niềm hy vọng cứu độ nhờ cuộc Vượt Qua của Chúa, để chúng con trở thành dấu chỉ và men hy vọng trong thế giới hôm nay. Amen.
Spes non confundit, số 18.
Kinh Tiền Tụng lễ Canh thức Phục sinh.
Lời tổng nguyện Lễ Phục Sinh ban ngày.