Nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh

Thứ sáu - 02/05/2025 23:26  102

Chúa Nhật 03 PS C

Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

33dee1e3da3d7600a831f01bb41e1be5Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ!

Truyện: Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha thì mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn… Đứa con chẳng biết bố mình là người như thế nào, nó chỉ bố nó là người nín thinh qua cái bóng mà mẹ nó chỉ cho thấy. Không có một hình ảnh, không có một kỷ niệm nào về bố thì làm sao nhận ra được người đang hiện diện bên cạnh mình là bố được?

Các môn đệ, đặc biệt là người môn đệ Chúa yêu không thể nhận ra được người đang ngỏ lời với họ là Đức Giêsu đã phục sinh từ trong cõi chết nếu các ông không ghi nhớ những ký ức về Thầy của mình qua những lời nói, những cử chỉ thân quen mà Thầy hay làm khi còn sống. Tin mừng thánh Gioan thuật lại việc bảy môn đệ đi đánh cá, nhưng với một tâm trạng chán chường, dù đã có những lời loan báo rằng Đức Giêsu đã phục sinh, nên việc đánh cá của các ông cũng không đem lại một kết quả khả quan nào. Thế rồi, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người ngỏ lời với họ. Người chỉ dẫn cho họ cách thả lưới bắt cá và họ đã bắt được rất nhiều cá. Chính nhờ mẻ cá lạ lùng này, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đã nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu và nói với Phêrô: ‘Chúa đó’ (x.Ga 21,1-7).

Một người bình thường thì không thể nào đủ nhạy bén để nhận ra sự hiện diện của Đấng phục sinh qua những hành vi cử chỉ quen thuộc được? Chỉ có người môn đệ đã tựa đầu vào ngực Chúa, luôn lưu giữ những hình ảnh, những cử chỉ, lời nói của Thầy trong ký ức, và luôn gợi lại trong tâm trí để nhớ về Thầy, mới có thể nhận ra Đấng phục sinh đang hiện diện và ngỏ lời với họ. Cũng thế, làm sao mà Phêrô cũng như các tông đồ khác có đủ can đảm để làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng đã chết và đã phục sinh như bài đọc I cho thấy, nếu chính các ông không cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người sống lại từ cõi chết? (x.Cv 5,27b-32.40b-41)

Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta đang lưu giữ trong tâm trí những hình ảnh nào về Thiên Chúa? Chúng ta ghi nhớ được bao nhiêu lời giảng dạy của Đức Giêsu? Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt. Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt, hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh. Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng, chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại. Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người, không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn. Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn, hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình. May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu. Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài. Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn. Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1Ga 4,8).

Quả thế, nếu không có được những hình ảnh chân thật về Thiên Chúa, nếu không có được những ký ức tốt đẹp về những việc Chúa đã làm, và nếu không lưu giữ trong tâm hồn những lời đem lại sự sống, thì làm sao chúng ta có thể nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như sự đồng hành và đỡ nâng của Ngài trong cuộc sống hằng ngày? Làm sao có thể tôn trọng nhau cho đúng mực khi chúng ta chưa biết nhìn nhận tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa? Làm sao chúng ta có thể dạy cho con cháu mình biết về Thiên Chúa nếu không có một ý niệm hay một hình ảnh chân thực về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô là Đấng đã chết và đã sống lại?

Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một trái tim mới và một Thần Khí mới, để chúng ta có đủ sự nhạy bén như người môn đệ Chúa yêu năm xưa. Để mỗi người mà chúng ta gặp gỡ, mỗi một biến cố xảy đến trong cuộc đời, đều giúp chúng ta nhận ra những sứ điệp đầy yêu thương và sự hiện diện của Thiên Chúa. Đồng thời, xin Chúa cũng giúp cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ, luôn biết truyền đạt cho con cái những hình ảnh chân thực, những ý niệm đúng đắn về Thiên Chúa, nhờ đó mà con cái sẽ luôn nhận ra và sống với Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập198
  • Máy chủ tìm kiếm144
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay65,819
  • Tháng hiện tại335,741
  • Tổng lượt truy cập87,445,083
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây