CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C
Ga 21,1-19
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Không như các thủ lãnh của thế gian, không như các tổ chức của trần thế, Chúa Giêsu chọn người lãnh đạo Hội Thánh của Người không phải dựa trên tài trí, năng lực lãnh đạo, sự khôn ngoan hay thế lực giàu có mà chỉ rất đơn giản là tình yêu, yêu chính Người, yêu phải hơn người khác. Chính vì tiêu chuẩn này mà Chúa đã hoàn toàn quên Phêrô là kẻ phản bội Người để chọn ông là người lãnh đạo Hội Thánh. Một điều mà trên trần gian này không ai làm bao giờ. Đáp lại lời của Thầy, Phêrô cũng khẳng định tình yêu của ông dành cho Thầy. Chắc chắn giờ đây ông đón nhận nhiệm vụ chăn dắt Dân Chúa không vì danh vọng, không vì quyền lực, chỉ vì yêu mến vâng lời Thầy mình mà thôi. Tình yêu Thầy đã thanh luyện ý hướng phục vụ của ông, đã giúp ông can đảm nhận lãnh sứ vụ và thanh tẩy ông khỏi mọi tội lỗi.
Quả thật, sau sự kiện xảy ra vào đêm Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta chờ đợi Đức Giêsu trừ khử Phêrô, vì tội yêu đuối, hèn nhát và không tin tưởng được. Sau khi đã phạm tội như vậy, hầu hết người ta đều nói rằng họ không còn một chọn lựa nào khác. Sau hết, Phêrô là người đứng đầu nhóm Tông đồ. Ông đã gây ra gương xấu cho những người khác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không coi ông như là đồ bỏ. Thậm chí Người còn không giáng cấp ông, và cũng không hề buộc tội hoặc chê trách gì cả. Đức Giêsu, Đấng thấu suốt tâm hồn con người, đã biết điều này từ trước. Sau bữa ăn sáng, Người quay sang Phêrô và hỏi: “Phêrô có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Thật là một câu hỏi kỳ lạ, khi hỏi: “Anh có yêu mến Thầy không?”. Phải chăng ông đã tỏ ra bất cứ bóng đen nghi nghờ nào, rằng ông không yêu mến Người? Tuy nhiên, đây là câu hỏi mà Đức Giêsu đã đặt ra cho Phêrô. Và Phêrô đã nói “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Ông nói những lời đó một cách chân thành. Còn điều gì hơn nữa - những lời nói đó rất thật. Ông thực sự yêu mến Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng có một khía cạnh khác tốt đẹp hơn nơi Phêrô. Sức mạnh và sự yếu đuối vẫn có thể đồng thời tồn tại trong cùng một con người. Đức Giêsu kêu gọi Phêrô tiến lên phía trước. Người yêu cầu ông công khai tuyên bố về tình yêu của ông đối với Người, bởi vì sự kiện ông chối Người cũng đã diễn ra nơi chỗ đông người.
Tuy nhiên, ba lần ông Phêrô xác nhận lòng yêu mến đối với Chúa không chỉ là để “chuộc lại” ba lần ông chối Chúa trong cuộc Thương Khó, nhưng còn để biểu dương tình yêu tuyệt đối của ông với Thầy Chí Thánh. Tại sao phải có tình yêu thật lớn thì mới đảm trách được sứ mệnh mục vụ? Trách nhiệm mục tử là trách nhiệm phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10,42-45). Tình yêu có lớn thì mục tử mới dám “hy sinh mạng sống” (Ga 15,13; 10,18) cho đoàn chiên. Dĩ nhiên ai cũng phải công nhận ông Phêrô không có bằng cấp hay văn hóa cao, nhưng lòng mến đối với Chúa thì có lẽ không ai sánh kịp. Vậy mà Chúa còn đòi ông phải xác nhận lại tình yêu ấy, đủ biết tầm mức quan trọng của tình yêu trong trách nhiệm mục tử lớn lao biết chừng nào.
Chúng ta nhớ lại, vào giờ ly biệt trước khi Chúa bước vào cuộc Thương Khó, Phêrô đã khẳng định là sẽ theo Chúa. Đức Giêsu đã loại bỏ sự tự phụ này và báo trước: “Sau này, anh sẽ đi theo Thầy” (Ga 13,36). Quả thật, sau này Phêrô sẽ chia sẻ số phận của Đức Giêsu, sẽ chết như Người một cái chết tàn bạo. Ông sẽ bị dẫn đến nơi ông không muốn. Ông phải chấp nhận điều mà kẻ khác áp đặt cho ông. Ta không chắc là phải chăng là khi nói như thế, Đức Giêsu nhắm đến cái chết thập giá. Nhưng vào lúc mà Phêrô không còn chọn con đường của mình nữa, thì ông đã ở trên đường của Đức Giêsu, Đấng đã nhận lấy cái chết thập giá. Do đó, Đức Giêsu bảo ông: “Hãy theo Thầy”. Dù thế nào, Đức Giêsu luôn luôn ở với Phêrô không những khi thành công, mà cả khi thất bại, cả khi ông đã bị người đời khước từ và giết chết.
Trong Hội Thánh, mọi phẩm trật, mọi trách vụ đều phải đi vào quỹ đạo tình yêu này. Tất cả các chủ chăn của Hội Thánh đều mang lấy sứ mạng yêu thương, đi ra khỏi yêu thương sẽ nguy cơ là trộm cướp chứ không còn là mục tử. Là con cái Hội Thánh, mỗi Kitô hữu có trách nhiệm vâng lời các Đấng Bản quyền của mình, nhưng trong đức tin, cần phải biết yêu thương kính mến và luôn cầu nguyện cho các ngài, biết thực thi quyền bính của mình bằng yêu thương, một tình yêu đến cùng như chính Thầy Giêsu đã yêu. Amen.