Những vết thương khơi nguồn hy vọng

Thứ bảy - 26/04/2025 19:36  784

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH năm C

Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31

chadangt2psCó một câu chuyện kể về một đôi mắt. Người mẹ chẳng may sinh ra một đứa con bị mù bẩm sinh đã làm một hành vi anh hùng là hiến đôi mắt của mình cho con. Người con không hề biết chuyện đó, nên đã lớn lên với mặc cảm là con một người mẹ mù. Anh ta tỏ thái độ bực dọc một cách vô lý với mẹ, không muốn mọi người biết đến mẹ mình. Khi con trưởng thành, người mẹ thấy thế đã dời đi, với một lá thư để lại: “Con hãy chăm sóc tốt cho đôi mắt của mình, vì trước khi là đôi mắt của con, đó đã là đôi mắt của mẹ”. Người con sau đó đã hối hận, đi tìm mẹ về và phụng dưỡng mẹ cách ân cần, hiếu thảo. Đôi mắt khiếm thị với những vết sẹo xấu xí giờ lại trở nên đáng yêu và trở thành dấu chỉ của lòng mẹ bao la cho anh…

Hôm nay Lời Chúa cũng cho chúng ta thấy những vết thương trên thân mình Chúa phục sinh, như dấu chỉ của tình yêu thương xót vô bờ mà Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta như được mời gọi sờ chạm đến những dấu tích của lòng thương xót Chúa và cảm nhận cách sâu đậm tình yêu Ngài dành tặng cho chúng ta, để chúng ta cũng được biến đổi, được vững niềm tin yêu hy vọng và trở thành chứng nhân cho niềm hy vọng phục sinh.

Tại sao lại là vết thương?

Thánh Tôma không đòi được nhìn thấy dung nhan Chúa hay nghe được tiếng Chúa, mà là được thấy dấu đinh ở tay Người, xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn. Trước đó, Chúa phục sinh cũng cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Sở dĩ như vậy là vì những vết thương này diễn tả một cách cụ thể và sống động sự hiến thân của Ngài vì yêu nhân loại. Ngài đã yêu con người chúng ta đến cùng, tới mức hy sinh mạng sống cho chúng ta. Những vết thương nơi dấu đinh và cạnh sườn là những dấu chứng hùng hồn về một tình yêu hy sinh quảng đại tới tận cùng, một tình yêu vĩ đại, vượt lên trên mọi yếu đuối và bất xứng của con người chúng ta.

Những vết thương, vì thế là dấu chỉ của tình yêu và hy vọng, dấu chứng của lòng thương xót vô bờ, của tình yêu khiêm hạ và trao ban, không bao giờ mệt mỏi và vơi cạn. Những vết thương ấy cho chúng ta thấy rằng tình yêu đích thật không phải là một cái gì trừu tượng mơ mộng. Tình yêu đích thực đòi hỏi sự dấn thân, hy sinh, phục vụ, quên mình, trao ban. Những vết thương ấy nói với chúng ta rằng tình yêu là hành động, không phải là ý tưởng hay lý thuyết suông.

Bình an cho anh em

Trong bài Tin Mừng hôm nay, câu chúc này được lặp lại ba lần. Đây không phải là lời chúc suông, mà là quà tặng tình yêu mà Chúa phục sinh muốn trao ban cho các môn đệ và nhân loại. Bình an đó là chính sự sống mới mẻ và quyền uy của Ngài. Ngài trở thành nguồn mạch bình an của chúng ta vì đã hy sinh thân mình để hòa giải chúng ta với Chúa và với nhau, đã chịu chết và phục sinh để chiến thắng tội lỗi, ma quỷ và cái chết. Mọi nguyên nhân của sợ hãi, bất an, thất vọng đã được Ngài gỡ bỏ.

Đây là quà tặng miễn phí nhưng cũng tự do. Con người có thể mở lòng đón nhận hoặc khép dạ chối từ. Vì thế, hằng ngày trong các Thánh lễ, chúng ta không chỉ cầu chúc bình an cho nhau nhiều lần, nhưng cũng còn thể hiện thái độ mở lòng đón nhận bình an qua lời nguyện với Chúa Cha: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Để nhờ lượng từ bi Chúa nâng đỡ, chúng con luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn…”. Chúng ta cũng mở lòng tha thiết cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, […] Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội thánh Chúa. Xin đoái thương ban cho Hội thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa”.

Đặt ngón tay vào đây…

Chúa Giêsu đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Tôma: sờ chạm vào lòng thương xót. Có lẽ ông Tôma muốn một sự tiếp xúc và cảm nghiệm sâu xa về tình yêu thương xót của Thầy hơn là nghi ngờ về Thầy. Quả thực, với cảm nghiệm ấy, ông đã đạt tới một bước nhảy vọt trong đức tin với lời tuyên xưng vững vàng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Ông đã được chinh phục bởi lòng thương xót Chúa.

Trong cuộc sống của người tín hữu, chúng ta có nhiều cơ hội để được lòng thương xót Chúa đụng chạm đến. Cách đặc biệt phải kể đến bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Nơi bí tích Hòa Giải, chúng ta đón nhận dòng nước thanh tẩy và Thánh Thần tái sinh. Nơi đó, Thiên Chúa cho chúng ta cảm nhận lòng thương xót khi Ngài tẩy xóa tội lỗi chúng ta, chữa lành những thương tích của linh hồn chúng ta, cho chúng ta nhìn ngắm dung nhan dịu dàng và nhân hậu của Người. Bí tích Thánh Thể là dòng máu thắm như dấu chứng của lòng thương xót đích thực: một tình yêu khiêm hạ, trung thành, trao hiến đến độ hy sinh mạng sống cho Người mình yêu.

***

Như vậy, phụng vụ Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay hướng chúng ta đến vẻ đẹp và niềm vui của lòng thương xót Chúa. Tình yêu Chúa không bao giờ vơi cạn, lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta và nhân loại. Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu cao vời khôn ví. Ngài luôn xót thương, không mỏi mệt tha thứ, hằng rộng tay chữa lành và nuôi dưỡng chúng ta bằng ân sủng và tình thương vô biên của Ngài.

Đáp lại lòng thương xót vô bờ của Chúa, chúng ta được mời gọi đến gần Chúa, cảm nhận sâu đậm lòng thương xót của Ngài, nhất là qua bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, qua việc đón nhận ân xá trong Năm Thánh. Quả thực, “ân xá giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn tới mức nào […] vì ân xá có ý diễn tả sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, một sự tha thứ không giới hạn”.[1].

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn với sự cứng cỏi của chúng con. Xin cho chúng con được cảm nhận lòng thương xót Chúa, để chúng con được ơn hoán cải, vững lòng trông cậy và cao rao lòng thương xót Chúa cho mọi người. Amen.

[1] Spes non confundit, số 23.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm92
  • Khách viếng thăm96
  • Hôm nay30,707
  • Tháng hiện tại1,824,039
  • Tổng lượt truy cập87,075,768
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây