Suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu
Thứ sáu - 11/04/2025 19:30
113
Cả 4 tác giả Tin Mừng đều có bài tường thuật cuộc Thương khó cùa Chúa, dài nhất trong mọi bài tường thuật. Và tùy theo nhãn giới thần học của mình, mỗi tác giả đều có những đặc nét riêng, nhiều sự kiện riêng. Năm nay chúng ta đọc bài Thương khó theo thánh Lu-ca, thiết tưởng trước hết cũng nên đối chiếu với một trong 3 tác giả còn lại, Mác-cô chẳng hạn. Tiếp đó chọn vài câu tiêu biểu nhất trong trình thuật của ông để cùng nhau suy niệm.
1- Vài nét văn chương
Trong Tin Mừng Lu-ca, vắng mặt nhiều giai thoại có trong Tin Mừng Mác-cô. Đặc biệt, đó là cuộc xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Mc 14,3-9; x. Lc 7,36-50; 23,56 ?) ; lời tiên tri về gương xấu và sự tán loạn của mọi môn đệ (Mc 14,27-28) cũng như việc nó hoàn tất (Mc 14,50-52) ; sự hiện diện của các chứng nhân giả nêu lại một lời nói của Đức Giê-su về Đền thờ (Mc 14,55-60) ; việc binh lính Rô-ma lăng nhục Vua Giê-su (Mc 15,16-20) ; thức uống : rượu pha một dược (Mc 15,23) ; tiếng kêu của Tv 22 do Đức Giê-su hấp hối thốt lên và lối chơi chữ trên tên của Ê-li-a ngôn sứ (Mc 15,34-36).
Ngược lại, Lu-ca có nhiều giai thoại đáng lưu ý thuộc riêng mình. Đức Ki-tô đưa ra một giáo huấn khai triển dài dòng trước khi lập phép Thánh Thể (22,15-16, với chén rượu đầu tiên ở c. 17) nhưng nhất là sau đó (22,24-30 - với nhiều đoạn song song nơi Mác-cô và Mát-thêu bên ngoài cuộc Thương khó ; 22,31-32.35-38). Thiên sứ và mồ hôi máu trong cơn hấp hối/cuộc chiến đấu (22,43-44), lệnh ngưng kháng cự và việc chữa lành tai bị chém (22,51), cái nhìn của Chúa trên Phê-rô (22,61a), tất cả đều là những ghi chú rất quen thuộc với độc giả ; nhưng cũng ý nghĩa không kém là những ghi chú về cớ buộc tội từ phía Do-thái (23,2.5), bị Phi-la-tô đáp trả bằng 3 lần tuyên bố Chúa vô tội (23,4.14.22 ; x. thêm Ga 18,38; 19,4.6). Việc Đức Giê-su ra trước tòa Hê-rô-đê (23,6-12) và phán quyết đầu tiên của Phi-la-tô (22,13-16) là hai khối đáng nể, y như việc gặp các phụ nữ Giê-ru-sa-lem trên đường thánh giá (23,27-32) và cuộc đối thoại với tên trộm lành (23,40-43). Người ta cũng tìm thấy 2 lời ngắn hơn, lời của Đấng Chịu đóng đinh về ơn tha thứ (23,34) và tiếng kêu cùa kẻ hấp hối trích dẫn Tv 31 (23,46b). Cuối cùng, đó là 50 câu -hơn 20 trong số đó được đặt trên miệng Đức Ki-tô- mà Lu-ca có riêng, trên tổng số 127 câu.
2- Vài câu suy niệm
Không đi vào việc phân tích trọn vẹn cuộc Thương khó theo thánh Lu-ca, chúng ta chỉ cần suy niệm trong năm này vài câu nói của Đức Giê-su mà chỉ riêng Lu-ca ghi lại. Như đối với các trình thuật thời thơ ấu -cũng thuộc riêng Lu-ca- chúng ta chẳng có ở đó các “kỷ niệm cá nhân” của Đức Ma-ri-a, “được lưu giữ trong lòng” mãi đến ngày Người chuyển lại cho tác giả Tin Mừng sao ?
“Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu đau khổ” (22,15)
Đức Ma-ri-a từng biết rõ con mình.... như nhiều bà mẹ khác ! Và Lu-ca khẩn thiết nhắc ta nhớ Đức Giê-su có khả năng “chịu đau khổ đề đi vào trong Vinh quang của mình.” Người sẽ nói lại điều này với hai lữ khách làng Em-mau (24,26). Vâng, trước cả bao thánh nhân lẫn chứng nhân tử đạo, và vượt hơn tất cả họ, Đức Giê-su đã đi đến cái chết của mình với một tính khí kiên định, cả quyết, can đảm. Toàn bộ Tin Mừng Lu-ca được xây dựng trên chủ đề “cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem” vốn khởi sự bằng công thức chắc nịch : “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được cất khỏi thế gian này, Người cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem” (9,51). Và xa hơn, với nhiều sức mạnh, Đức Giê-su lấy lại chủ đề này của đời mình : “Thầy có một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !” (12,50). Người ta sai lầm một cách quá đáng -và đó là sai lầm kinh khủng của đạo diễn Martin Scorcese trong phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Ki-tô” -khi giản lược Người thành một kẻ khốn khổ, đu đưa và yếu đuối như chúng ta hết thảy. Cũng còn một câu riêng của Lu-ca là chi tiết sau đây trong cuộc Biến hình : “Ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra rạng ngời vinh quang, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (9,30-31). Vâng, chúng ta nên nhớ rằng Đức Giê-su đã tiến tới cái chết của mình cách hoàn toàn tự do… biết mình đang đi tới “nơi đâu” như thánh Gio-an sẽ xác định : “Thầy đi đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Đây là một ánh sáng lớn lao cho đức tin chúng ta, trước sự ra đi của thân nhân quá cố, và trước sự ra đi gần kề của chính mình.
“Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (22,31)
Trong cuộc Thương khó theo thánh Lu-ca, Xa-tan được nhắc tới 3 lần. Trước hết như kẻ gợi hứng cho âm mưu của tay môn đồ quản lý : “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa” (22,3). Âm mưu này chính là giả bộ bán Thầy, khiến Thầy bị bắt, để mong khi bị dồn đến chân tường, Thầy sẽ dùng quyền lực để tự cứu và khai mào cuộc nổi dậy mới chống quân xâm lược Rô-ma. Rồi như kẻ cám dỗ Phê-rô trước khi ông trở thành “người canh giữ chân lý để củng cố anh em mình” : “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh” (22,31). Cuối cùng, như thần dữ của những tư tế quyết định bắt Đức Giê-su : “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (22,53). Qua 3 phen nhắc tới “tác nhân” vô hình này, thảm kịch Thương khó đạt được một chiều kích không ngờ đối với những ai chỉ đọc các biến cố ở mức độ con người thôi. Đây chẳng phải là một “chuyện vặt” đầy dẫy trên báo chí chúng ta, song là cuộc chiến cánh chung vĩ đại, siêu việt. Đây là lời loan báo chiến thắng của Thiên Chúa trước Địch Thủ -nghĩa của chữ Xa-tan trong tiếng Hip-ri. Ta hiểu tại sao khi hắn từ giã Đức Giê-su ngay đầu sứ vụ của Người, sau 3 cuộc cám dỗ trong hoang địa, Lu-ca có nói : “Quỷ dữ lìa bỏ Người, chờ đợi thời cơ” (4,13). Chớ bao giờ quên rằng chúng ta được liên kết vào cuộc chiến đáng sợ đó. “Xa-tan đã đòi được sàng chúng ta…” và Đức Giê-su nhấn mạnh như thế 2 lần trong Lu-ca : “Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (22,40.46).
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (23,34)
Hơn mọi lời trong cuộc Thương khó, câu này xuất hiện như một “kỷ niệm” của Đức Ma-ri-a. Bà lúc ấy đứng nơi chân thập giá. Bà đã nghe con yêu dấu tha thứ cho các lý hình/đao phủ của mình. Có lẽ bà đã nhận ra trong trái tim mình tư tưởng ấy của con yêu, sau Người và với Người. Ta hiểu rằng Ma-ri-a đã tha thiết chuyển lại cho Lu-ca câu nói mà các tác giả Tin Mừng khác xem ra quên bẵng. Và Lu-ca, vốn rất ưu tư nêu bật chủ đề nổi tiếng là lòng thương xót, đã nắm lấy cơ hội chuyển lại cho chúng ta một trong những hạt ngọc của Tin Mừng : Thiên Chúa yêu mến các tội nhân ! Thiên Chúa thương xót các tội nhân ! Đừng nghe bài Thương khó trong Chúa nhật Lễ lá này mà chẳng nghĩ đến các tội lỗi của riêng mình.
“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (23,43).
Vâng, đó là cách khác để lặp lại với ta Đức Giê-su đã nhìn cái chết của mình ra sao : một cuộc tiến vào Vinh quang… một sự “khai mạc Vương quốc của Người” (23,42). Kẻ bị án tử ấy, nghịch lý thần linh, đang sắp xếp, chuẩn bị nhiều chỗ trên “lạc viên” của Thiên Chúa ! như Người từng loan báo với môn đệ : “Thầy trao Vương quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy” (22,29). Vương quyền của Người có bị phần lớn thế nhân bóp méo, từ chối cũng vô ích, Đức Giê-su ý thức mình là vua rất rõ. Và các lời xỉ mắng khiêu khích của những kẻ tra tấn Người chẳng làm gì được : “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi” (23,37). Thứ Sáu Thánh, chúng ta sẽ sốt sắng đến hôn kính và thờ lạy Thánh giá ấy, biểu tượng vương quyền, chìa khóa thiên đàng, nơi trở về ngay cả những tội phạm biết nói lên với lòng thống hối : “Xin Ngài nhớ đến tôi khi vào Nước của Ngài” (23,42).
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23,46)
Trong thánh Lu-ca, đây là câu nói cuối cùng của Đức Giê-su trên thập giá, lấy từ Thánh vịnh 31,6. Phải chăng nên cùng với Đức Ma-ri-a, tín hữu tiên khởi và tấm gương Hội thánh, chiêm ngắm nơi Đức Giê-su khuôn mẫu của kẻ tin : vâng, Người biết rằng khi hấp hối, mình chẳng rơi vào hư vô, như tư tưởng vô thần muốn khiến chúng ta tin như vậy. Khi giã từ cõi thế, Đức Giê-su ngả vào “đôi tay Cha mình.”
Không, cuộc Thương khó không chỉ là một “bài phóng sự.” Đó là chính nguồn suối của đức tin chúng ta. Lạy Chúa Giê-su, xin cảm tạ Ngài. Chúng con tin vào Ngài, và như Ngài, vào mọi điều tuyệt diệu của Thiên Chúa.
Viết theo Claude Tassin và Noël Quesson.
Tác giả: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi