CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56
Tuần Thánh khởi đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, cũng được gọi là Chúa Nhật Thương Khó (Dominica in Palmis de Passione Domini). Đây là tuần cao điểm trong năm Phụng Vụ, vì diễn ra những cử hành long trọng và quan trọng nhất, đặc biệt là Tam Nhật Thánh.

Chúa Nhật Lễ Lá đánh dấu hai truyền thống cổ xưa: Tại Giêrusalem, người ta có thói quen tổ chức rước kiệu, và tại Rôma, người ta có thói quen đọc trình thuật Khổ Nạn (passio). Niềm hân hoan chung quanh việc Đức Kitô Vua tiến vào thành thánh mau chóng nhường chỗ cho một trong những bài ca về Người Tôi Trung đau khổ và việc long trọng công bố cuộc Thương Khó của Chúa. Trong bối cảnh Năm Thánh 2025 này, chúng ta có thể kín múc ở đây suối nguồn của niềm hy vọng đích thực, không làm thất vọng, qua việc xua tan những mơ mộng hão huyền, lấy đức tin và lòng khiêm nhường để xây dựng niềm cậy trông đích thực của những người môn đệ Chúa Kitô.
Giải ảo hy vọng
Đọc lại hành trình của Chúa Giêsu từ khi tiến vào thành đến đỉnh Đồi Sọ, chúng ta thấy một quá trình giải ảo cho những hy vọng hão huyền. Dân chúng hy vọng có một người hùng, một vị vua ngự đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ La Mã, mang lại cho họ tự do, thiết lập cho họ một vương quốc hùng cường. Nói cách khác, niềm hy vọng của họ đặt nền tảng trên những mộng ước thế gian, nặng tính chính trị và xã hội. Họ muốn “chính trị hóa” sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đã “lật ngược” tất cả những hy vọng hão huyền ấy. Ngài chứng minh hy vọng thật đến từ chân lý và tình thương, hướng về cùng đích siêu nhiên và vĩnh cửu.
Thực vậy, Chúa Giêsu đã tiến vào thành như một hoàng tử hòa bình (khiêm nhường cỡi trên lưng lừa, chứ không nghênh ngang tung phi ngựa chiến), không quân đội, không vũ khí, không mũ áo cân đai… Ngài tiến vào như “Chiên Con hiền lành” bị đem đi làm thịt, như người Tôi Trung đau khổ, như một Hạt Giống sẵn sàng bị nghiền nát và mục nát đi để trổ sinh hoa trái dồi dào. Ngài chấp nhận “hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ” và “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (Bài đọc II), để mua chuộc ơn cứu rỗi cho chúng ta. Tình yêu hy sinh và hiến thân ấy mới là suối nguồn mang lại hy vọng đích thực cho chúng ta.
Đem cả niềm tin
Lời nguyện phần làm phép lá mời gọi chúng ta “đem cả niềm tin” mà bước theo Chúa trong Tuần Thánh này. Niềm tin giúp chúng ta không chỉ nhớ lại một biến cố quá khứ mà sống lại, hiện tại hóa cuộc Vượt Qua của Chúa chúng ta. Qua đó, một đàng chúng ta cảm nghiệm mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại trong chính tâm hồn và cuộc đời chúng ta, đàng khác, chúng ta kín múc ân sủng, bình an và niềm hy vọng tràn trề cho bước đường hiện tại và tương lai của mình. Bài Exsultet diễn tả niềm vui mừng hy vọng ấy:
Này là đêm,
mà hết những ai có lòng tin Chúa Kitô khắp trên trần gian,
được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên,
được ơn thiêng đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân.
Niềm hy vọng ấy đến từ niềm xác tín vào một Thiên Chúa yêu thương, luôn sẵn sàng hiến tặng cho chúng ta tất cả, kể cả Người Con một chí ái của Ngài. Đó là một tình yêu lạ lùng, vô tận, trung thành, vô điều kiện, và mang lại ơn cứu thoát. Tình yêu ấy vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ, lớn lao hơn tất cả tội lỗi và bất xứng của chúng ta, siêu việt mọi ước muốn và công trạng của con người. Tình yêu vĩ đại và vĩnh cửu ấy là suối nguồn vô tận cho chúng ta. Cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp biết chừng nào vì chúng ta biết có một Đấng luôn yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và dẫn dắt chúng ta đến hạnh phúc đời đời.
Bài học khiêm nhường
Lời tổng nguyện mời gọi chúng ta hãy học nơi Thầy Chí Thánh “bài học khiêm nhường”. “Khiêm” là nhún nhường, nhũn nhặn, không khoe khoang. “Nhường” (nhượng) là nhường nhịn, nhận mình thua kém… Trong tiếng Latinh, chữ “khiêm nhường” (humilitas) có gốc bởi chữ “humus” có nghĩa là bùn đất. Khiêm nhường như thế là ý thức về thân phận thật của mình (từ bùn đất), thấp kém, mỏng giòn, yếu đuối, để biết nhũn nhặn, nhún nhường, hạ mình. Bài học khiêm nhường nơi Chúa Giêsu thì lớn lao hơn nhiều, vì Ngài “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang (kenosis), mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân (…) vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá”! (x. Bài đọc II, Pl 2,6-11).
Như vậy, “khiêm nhường” đối với Chúa Giêsu là “hủy mình” (kenosis), hiến mình, nghĩa là một tình yêu hy sinh và quảng đại tới mức quên mình đi vì phần rỗi anh em. Đó là bài học chúng ta được mời gọi học trong cuộc thương khó Chúa và thực hành suốt đời: chết đi cho con người cũ, con người ích kỷ, tham lam, tội lỗi, để mặc lấy con người mới, con người quảng đại, vị tha và thánh thiện. Đó là cuộc “vượt qua” mà chúng ta được mời gọi thực thi dù có phải trả giá. Như Chúa Giêsu, để hoàn thành cuộc vượt qua, đã chấp nhận bị vây bắt, bị bỏ rơi, bị đánh đập và giết chết; đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận trả giá đắt cho những chọn lựa của mình. Nhưng, điểm tới của niềm hy vọng sẽ là tươi sáng: “per crucem ad gloriam (lucem)”: “sau thập giá đến vinh quang (ánh sáng)”.
***
Như vậy, trong suốt hành trình Tuần Thánh, bên cạnh bầu khí tang tóc u tối buồn sầu của cuộc thương khó và tử nạn, chúng ta vẫn thấy ánh lên niềm hy vọng phục sinh, như bài ca Exsultet đã ca lên: “Ôi đêm thật hạnh phúc… đêm rực rỡ như bình minh, đêm mà ánh sáng soi cho ta biết bao cảm mến sướng vui”.
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh với chủ đề Những người hành hương hy vọng. Phụng vụ hôm nay sáng lên cho chúng ta niềm hy vọng “không làm cho chúng ta phải thất vọng” như Thánh Phaolô đã nói trong thư Rôma: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay. Chúng ta còn tự hào về niềm hy vọng được vinh quang của Thiên Chúa […] Niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1-1.5).
Xin Chúa giúp chúng ta tham dự sốt sắng Tuần Thánh, để kín múc dồi dào niềm hy vọng cứu rỗi mà Chúa muốn trao tặng cho chúng ta.