Niềm vui của người cha khi thấy đứa đi hoang trở về

Thứ bảy - 29/03/2025 05:27  150
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C
Lc 15,1-3.11-32

a parable showing the magnitude of gods grace 0Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe được xem là một trong những giáo huấn hay nhất của Kinh Thánh. Từ dụ ngôn này, có thể rút ra nhiều áp dụng qua các đề tài như: Người con hư mất, hai đứa con bị hư mất, người cha chờ đợi, lòng nhân từ của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa đối với người con hư mất, người con hư mất và người con nô lệ.

Nhưng có lẽ trước kia chúng ta quen gọi dụ ngôn này là “người con hoang đàng”, cách gọi này không được chính xác. Trước hết, vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu khi kể dụ ngôn này có ý đề cao tính yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha, trong bối cảnh nhóm Pharisêu và các kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời cho họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi ba dụ ngôn: Con chiên bị mất, Đồng bạc bị mất và đặc biệt là dụ ngôn này.

Có thể nói, người cha là nhân vật chính của dụ ngôn. Ông không phải là một người cha nghiêm khắc, gia trưởng, quyền hành và độc đoán. Nhưng là một người cha rất giàu lòng nhân hậu, khoan dung, và thương xót đối với con cái của mình. Ông có hai người con trai. Người con thứ xin chia gia tài. Ông sẵn sàng chia gia tài cho nó. Vì yêu thương và tôn trọng tự do của con, người cha đã để cho người con thứ rời bỏ gia đình ra đi. Khi người con thứ đi xa, ông ở nhà thương nhớ, mòn mỏi và trông chờ nó trở về. Sau khi đã phung phí hết tài sản, người con thứ trở về trong tư thế thân tàn ma dại, hai bàn tay trắng; người cha vui mừng, ra đón, ôm lấy nó, hôn lấy hôn để, rồi truyền cho đầy tớ mang giày, mặc áo đẹp cho cậu, và còn mở tiệc mừng.

Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay lại tìm được nó. Quá khứ không còn gì đáng kể; điều quan trọng là nó đã trở về. Đã không muốn nghe lời hối lỗi của con thứ, nay người cha lại để cho người con cả tha hồ nói lên những tâm tình chua cay. Sau đó, ông đã trả lời với giọng dịu dàng âu yếm. Qua lời ông nói, người con cả chẳng còn lý do gì mà nói rằng cha xử bất công với mình nữa. Nhưng ông tế nhị điều chỉnh: “Vì em con đây đã chết nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Nếu cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào người anh lại không vui sướng khi gặp lại em? Chúng ta không bao giờ biết được phản ứng sau đó của người con cả (nghe theo đề nghị của cha? Đi vào nhà và chào em? Đi vào ăn tiệc chung vui?). Chúng ta cũng không biết người con thứ được sống theo chế độ nào, anh ta sẽ đáp lại thế nào. Dù sao, toàn chương 15 giống như một bài ca chan hòa niềm vui được tấu lên để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm được điều mà họ đã mất.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là người Cha nhân lành. Thiên Chúa là Cha nhân lành khi chủ động giao hòa cùng con cái tội lỗi; Ngài là Cha nhân lành khi sẵn lòng tha thứ và làm cho con cái nên công chính hơn. Giao hòa không dừng lại ở việc xin lỗi, sợ bị Thiên Chúa giáng phạt, mà giao hòa là phải nhận ra Thiên Chúa quả thực là người Cha nhân lành hay tha thứ, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Quả thế, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng, dù muốn hay không thì tình trạng tội lỗi luôn đẩy con người vào thảm trạng của kiếp nô lệ, nô lệ cho ma quỷ và kết cục là phải chết.

Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa thật lớn lao biết bao khi Ngài đã sai Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ, để giải thoát. Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Người đã hết lòng chăm lo cho tội nhân, tìm kiếm và mời gọi người tội lỗi trở về. Hơn tất cả, Người đã hy sinh mạng sống để đền thay tội lỗi nhân loại. Khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta đầy tin tưởng để rồi quyết tâm quay trở về giao hòa với Thiên Chúa.

Vì thế, cho dù tội lỗi đến đâu, chúng ta đừng bao giờ thất vọng, như những gì chúng ta được khuyên sống trong Năm Thánh 2025 này. Tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô luôn đeo đuổi chúng ta (Rm 8,37-39). Thiên Chúa quan sát và chờ đợi chúng ta, để vác chúng ta lên đôi vai khi cần (Is 40,11) và đưa chúng ta về lại ràng. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự âu yếm của Thiên Chúa chúng ta, hãy thưa với Ngài rằng chúng ta là con chiên lạc lối và hãy xin Ngài mau đến tìm kiếm chúng ta (Tv 119;176), để từ đây săn sóc chúng ta như con chiên thân thuộc (Tv 95,7) trong tình yêu thắm thiết của Ngài. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay43,881
  • Tháng hiện tại54,415
  • Tổng lượt truy cập85,306,144
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây