Chúa Nhật III Mùa Chay năm C
Xh 3,1-8.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9
Mùa Chay là mùa sám hối và hy vọng. Sám hối vì chúng ta có niềm hy vọng được tha thứ, được biến đổi, được bình an, hạnh phúc. Hy vọng, vì sám hối là gặp gỡ lòng thương xót Chúa, đón nhận ơn thanh tẩy, thánh hóa và canh tân của Ngài.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thắp lên trong chúng ta niềm hy vọng lớn lao vào tình yêu thương xót của Ngài, đồng thời, thúc đẩy chúng ta sám hối để mở lòng đón nhận lòng thương xót vô biên ấy.
Ta đã nghe thấy…
Bài đọc I mạc khải lòng thương xót vô biên của Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, tới mức con người cần phải “cởi dép” ra mà đến gần Ngài. Tuy nhiên, sự thánh thiện ấy cũng đầy tràn ân sủng và tình thương. Tình thương ấy được thể hiện qua việc Ngài “thấy rõ” cảnh khổ cực của dân, “nghe” tiếng dân kêu than, “biết" (thấu hiểu) các đau khổ của họ. Vì thương, Ngài cúi xuống để đi vào mối liên hệ với họ (“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi… Abram,… Isaac,… Giacóp…”).
Tình thương xót hải hà ấy còn được biểu lộ qua việc Ngài hằng “hiện hữu” (“Ta là Đấng Hằng Hữu”) để “giải thoát” dân và đưa vào Đất Hứa và sẽ đồng hành với dân “từ đời nọ đến đời kia” và cho đến “muôn thuở”. Thiên Chúa không xa cách và hững hờ với cuộc chiến của chúng ta với tội lỗi và ma quỷ. Ngài luôn đi cùng với chúng ta và đứng về phía chúng ta. Ngài là Thiên Chúa luôn “có mặt” và “ở với”, là Đấng “hiện hữu” và là Thiên Chúa “của” dân, “của” Abraham, “của” Isaac, “của” Giacóp, “của” bất cứ ai tin vào Ngài.
Nếu các ngươi không sám hối
Lòng thương xót của Thiên Chúa vô biên vô tận, nhưng sẽ không thể hoạt động nơi chúng ta nếu chúng ta không mở lòng đón nhận. Bài đọc II nói đến thái độ khước từ dẫn đến diệt vong của “phần đông không đẹp lòng Thiên Chúa”. Bài Tin Mừng nhấn mạnh đến việc mở lòng của chúng ta qua hành động sám hối. Đây là vấn để sinh tử, vì nếu không thi hành thì “sẽ bị chết hết”, “sẽ bị chặt” đi.
Những biến cố thời sự xảy đến trong đời luôn là một lời mời gọi chúng ta nhìn lại bản thân và canh tân chính mình. Thiên Chúa luôn nói với chúng ta qua lịch sử và biến cố. “Những sự việc xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này” (BĐ II, 1Cr 10,11).
Để nó lại sang năm
Chúng ta thường xuyên đón nhận lời mời gọi sám hối qua Kinh Thánh, qua Giáo hội, qua các biến cố, qua những người Chúa gửi đến… nhưng nhiều khi chúng ta nghĩ sám hối chỉ là lời mời gọi dành cho những kẻ tội lỗi, chứ không phải cho mình! Vì thế, đời sống chúng ta vẫn cứ dậm chân tại chỗ, chai lì trong những đam mê tội lỗi, không có gì biến chuyển và canh tân theo thời gian!
Sở dĩ chúng ta còn đang có thời gian và cơ hội sám hối, là vì Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn, đã chờ đợi một thời gian dài (ba năm) và còn đang tiếp tục đợi chờ thêm một thời gian ngắn nữa (một năm). Biết đâu, có ai đó đang nài nỉ lòng kiên nhẫn và thương xót của Chúa cho chúng ta. Vì vậy, sứ điệp sám hối không phải là dành cho ai đó và vô thời hạn, nhưng là cho chính chúng ta và ngay lúc này!
***
Tóm lại, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến tâm tình sám hối. Tâm tình này khởi đi từ việc nhận biết lòng thương xót vô biên của Chúa, mở lòng để cho lòng thương xót Chúa tha thứ, uốn nắn và biến đổi chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng vô cùng công minh thánh thiện, nhưng cũng là người Cha vô cùng nhân từ xót thương. Lòng nhân từ thương xót của Chúa biểu lộ qua sự kiên nhẫn mà Ngài đang dành cho chúng ta.
Thời gian hoán cải có thời hạn. Hy vọng chúng ta không bỏ lỡ có hội, nhưng biết sớm nhận ra tình thương hải hà của Ngài và mau chóng trỗi dậy trở về với Ngài, để Ngài giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào đời sống ân sủng dồi dào như “vùng đất tràn trề sữa và mật”.
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha đã yêu thương và kiên nhẫn với chúng con. Xin cho chúng con mau chóng trở về với Cha để đón nhận lòng thương xót, ơn tha thứ và tìm lại hạnh phúc trong Nhà Cha. Amen.