Chân trời hy vọng

Thứ bảy - 05/04/2025 03:57  276
Chúa Nhật V mùa Chay năm C
(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
 
Trong sắc chỉ Spes non confundit, ĐTC. Phanxicô đã có những lời tuyệt đẹp và chứa chan hy vọng như sau: “Tha thứ không thay đổi quá khứ, không sửa chữa được những gì đã xảy ra. Nhưng tha thứ cho phép chúng ta thay đổi tương lai và sống khác đi, không oán hận, không căm phẫn và không báo thù”[1].

 
Giovanni Domenico Tiepolo, Đức Kitô và người đàn bà ngoại tình, tranh sơn dầu 1752, kích thước, 72,7x104,7 cm
(Giovanni Domenico Tiepolo, Đức Kitô và người đàn bà ngoại tình, tranh sơn dầu 1752, kích thước, 72,7x104,7 cm)

Tin mừng hôm nay tiếp tục mở ra cho chúng ta chân trời bao la của lòng thương xót Chúa, qua việc Chúa Giêsu tha thứ và cứu thoát một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Đó là hình ảnh của một chân trời hy vọng, không kết án, loại trừ hay hủy diệt, nhưng thứ tha, đón nhận và hy vọng.

Người viết trên đất

Một trong những câu hỏi thường đặt ra là Chúa viết gì trên đất[2]. Có nhiều câu trả lời: (1) viết tội những kẻ đang đấu tố ấy; hoặc (2) viết tội của người phụ nữ; (3) viết nguệch ngoạc để từ chối trả lời. Nhưng dù Ngài viết gì thì cũng “để gió cuốn đi”, một hành động trả lời bằng ngôn ngữ thinh lặng, không lời, vô ngôn, nhưng rất sâu sắc và mãnh liệt. Ngài không muốn con người nhìn vào mặt tối, để rồi kết án, hủy diệt, loại trừ. Ngài đến để cứu, vì Ngài là Giêsu (Thiên Chúa cứu thoát), nên Ngài đang viết luật mới, luật yêu thương và cứu thoát…

Một cái bẫy giăng ra để trừ khử và sát hại, được Chúa Giêsu biến thành một cơ hội để giải thoát và cứu chữa. Người phụ nữ đã được cứu thoát và được chữa lành: “Tôi không kết án chị đâu, hãy di và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không chỉ thoát bẫy nhưng còn cứu thoát cả nạn nhân của bẫy và kẻ chủ mưu giăng bẫy. Họ đã lần lượt thả hòn đá trên tay xuống và rút lui, vì nhận ra mình cũng không vô tội, cũng cần đến lòng thương xót của Chúa.

Tôi không kến án

Đấng hoàn toàn có quyền xét xử giờ đây lại lên tiếng “tôi không kết án”. Điều đó có nghĩa là tội đã được tha, một cơ hội mới mở ra, một chân trời mới thênh thang và hy vọng. Không kết án có nghĩa là không một tội nhân nào bị dồn vào đường cùng. Nếu họ gặp Chúa Giêsu, thì chân trời hy vọng vẫn mở ra cho họ. Ngài là hiện thân của “Thiên Chúa cứu thoát”, một Thiên Chúa sẵn sàng “mở một con đường giữa sa mạc, khơi dòng sông giữa đồng khô cỏ cháy” (Bài đọc I, Is 43,19).

Nếu như sự kết án đóng cửa và loại trừ, thì sự tha thứ mở ra chân trời bao la của hy vọng. Thiên Chúa không kết án và tha thứ, vì Ngài hy vọng rằng “mọi tội nhân đều có một tương lai”. Trong bài đọc II, chúng ta có thể thấy được một tương lai đẹp đẽ của một người đã từng bắt bớ các Kitô hữu. Phaolô, sau cuộc hoán cải, đã tuyên xưng niềm tin và hy vọng tuyệt đối của mình vào Chúa Kitô Giêsu, tới mức “coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”. Giờ đây, đối với Phaolô, được biết Đức Kitô, được đồng hình đồng dạng với Ngài trong đau khổ và cái chết, được có niềm hy vọng sống lại từ cõi chết, là những điều lớn lao hơn cả.

Đừng phạm tội nữa

Lòng thương xót không phải là dễ dãi hay dung túng với tội lỗi. Câu chốt của Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất rõ ràng trong những phán quyết của mình. Một đàng, Ngài nhân từ xót thương, giải gỡ và cứu thoát tội nhân, vì Ngài ghét tội chứ không ghét người có tội. Nhưng đàng khác, Ngài vẫn cho hối nhân thấy những tội lỗi họ đã phạm là sai trái, đi ngược lại với lề luật của Chúa, phương hại đến phẩm giá của mình và người khác. Chính vì thế, Ngài đã nhắn nhủ tội nhân “từ nay đừng phạm tội nữa”.

Gói ghém trong lời nhắn nhủ ấy là một niềm hy vọng về sự hoán cải, canh tân. Hy vọng một chương mới của cuộc đời sẽ mở ra cho chị ta. Đó là một chân trời mới, chân trời của tự do và bình an, khi con người thoát khỏi sự kềm tỏa của tội lỗi và được sống như những người con tự do của Thiên Chúa. Điều này cho thấy Thiên Chúa chúng ta quả là một Thiên Chúa của niềm hy vọng. Đức Giêsu chính là niềm hy vọng của chúng ta, là cánh cửa hy vọng, vì Ngài giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, ma quỷ và cái chết (x. Spes non confundit, 1).

***

Như vậy, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta chân trời hy vọng như câu nói quen thuộc: “Không có một thánh nhân nào mà không có một quá khứ, không tội nhân nào mà không có một tương lai”.

Bí tích Hòa giải bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Đó không chỉ là một ân huệ thiêng liêng tuyệt diệu mà còn là một bước quyết định, thiết yếu và không thể thiếu trên hành trình đức tin của mỗi người. Qua bí tích này, Thiên Chúa tẩy xóa tội lỗi chúng ta, chữa lành tâm hồn chúng ta, nâng chúng ta lên và cho chúng ta cảm nếm hạnh phúc vì được con của Ngài[3].

Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta để hướng chúng ta đến một tương lai tốt đẹp hơn: “Tương lai được tha thứ soi sáng sẽ cho phép chúng ta đọc quá khứ bằng đôi mắt khác, an nhiên hơn, ngay cả khi mắt vẫn còn đẫm lệ”[4].

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha đã luôn kiên nhẫn yêu thương và bao dung với lỗi lầm của chúng con. Xin cho chúng con cảm nhận lòng Cha yêu thương và tin tưởng con lớn lao dường nào, để con luôn cố gắng không làm Cha thất vọng. Xin cho con cũng có cái nhìn bao dung và hy vọng vào anh chị em con nhiều hơn.  Amen.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay44,909
  • Tháng hiện tại249,556
  • Tổng lượt truy cập85,501,285
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây