Thứ Bảy tuần XXVII thường niên
Lc 11,27-28
Picasso là một danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha ở thế kỷ 20. Ông qua đời vào năm 1973 và đã để lại 15.000 họa phẩm giá trị. Khi đọc tiểu sử của ông, người ta nhận thấy những nét độc đáo nơi ông: Ông rất sợ cô đơn, thích giao du với bạn bè, thích ở những nơi huyên náo ồn ào hơn những nơi đồng quê tĩnh mịch; ông còn thích xem đấu bò và ra vào quán rượu. Thế nhưng một điều lạ lùng là mỗi khi ông bắt tay vào việc, tất cả nhân viên trong xưởng vẽ của ông phải hoàn toàn yên tĩnh, mọi người trong nhà phải triệt để giữ thinh lặng.
Thinh lặng là điều kiện tối cần để cho con người thực hiện những công việc lớn lao. Cũng vậy đối với các Kitô hữu, việc làm lớn nhất là gì nếu không phải là thinh lặng lắng nghe lời Thiên Chúa, rồi đem ra thực hành trong cuộc sống? Vì chỉ trong môi trường thinh lặng, chúng ta mới dễ dàng gặp được Thiên Chúa và lắng nghe tiếng Ngài. Trong thinh lặng, Thiên Chúa đã mặc khải danh của Ngài cho Môsê, Thiên Chúa đã gọi Samuen, và trước công khai thi hành sứ vụ, Đức Giêsu cũng vào thinh lặng trong sa mạc 40 đêm ngày để ăn chay và cầu nguyện.
Đức Maria cũng đã bắt đầu bước vào đời sống thinh lặng sau khi thưa lời Xin vâng. Mẹ thinh lặng đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua việc cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể mà không lời giải thích mặc cho Giuse hiểu lầm. Mẹ đã lặng thinh bên người con yêu dấu trong suốt 30 năm và lặng thinh dõi theo hành trình rao giảng Tin Mừng của con Mẹ. Cuối cùng Mẹ đã lặng thinh đứng bên thập giá để cùng con đón nhận chén đắng Cha trao hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Hôm nay, khi nghe Đức Giêsu giảng và chứng kiến những phép lạ Ngài làm, người phụ nữ đã ngang qua người con mà ca ngợi người mẹ diễm phúc sinh ra người con tuyệt vời như thế. Nhân lời khen của người phụ nữ về người Mẹ, Đức Giêsu lại ca tụng người lắng nghe và thực hành Lời Chúa với lời lẽ thật đẹp:“Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Ở đây, người phụ nữ đề cập đến vai trò của người mẹ trần gian, nhưng Đức Giêsu lại nói đến vai trò người con của Cha trên trời. Người phụ nữ đề cập đến cái hữu hạn, Đức Giêsu lại đề cập đến cái vô hạn. Cũng vậy, người phụ nữ nói đến mối liên hệ về bề mặt theo tính xác thịt, Đức Giêsu lại nói đến mối liên hệ bề sâu đó là lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Do đó, lời khen của người phụ nữ đặt trên phương diện trần gian, còn lời khen của Đức Giêsu dành cho những ai đặt trên nền tảng vững chắc của đời sống mai sau.
Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc. Mẹ có phúc không phải vì Mẹ đã cưu mang và cho Đức Giêsu bú mớm, nhưng Mẹ có phúc vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, Mẹ đã “ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Trong thinh lặng, Mẹ nghiền gẫm và suy niệm lời của Thiên Chúa, để từ đó Mẹ đã biến lời Ngài thành sức sống cho mình. Cũng như Mẹ, cô Maria trong gia đình ở Bêtania, đã được Đức Giêsu khen ngợi là chị đã chọn phần tốt nhất và không bị lấy đi vì chị đã ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời của Ngài.
Noi gương Mẹ, mỗi chúng ta cố gắng loại bỏ những ồn ào, náo nhiệt, những lo lắng sục sôi của hận thù, ghen ghét, ích kỷ… bỏ đi những dấu chân của sự chán nản, buông xuôi.. để đi vào thinh lặng nguyện cầu. Ở nơi đó, Thiên Chúa sẽ mặc khải cho chúng ta và biến ta nên con người mới. Hãy quyết tâm đứng lên, can đảm phá đổ những cản trở làm ta xa Chúa để xây dựng lâu đài nội tâm. Chỉ trong thinh lặng, ta mới có thể tin yêu, phó thác; dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa thì thầm với ta trong mọi biến cố. Chỉ trong thinh lặng, ta mới nhận ra được bài học vô giá Thiên Chúa muốn dạy ta qua các biến cố trong cuộc đời. Ước gì chúng ta cũng được Đức Giêsu khen ngợi: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.