Thứ Năm tuần XXVIII
Rm 3,21-30; Lc 11,47-54
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Đồng thời còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng. Chính lòng oán ghét này đã dẫn đến cái chết đẫm máu của Chúa Giêsu trên thập giá, và như vậy Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn trả nợ máu, bởi vì tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha và yêu thương cứu chuộc loài người chúng ta, dòng máu ấy đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Suy nghĩ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa và về cuộc đời mình, thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Rôma một minh chứng về ơn công chính hóa nhờ đời sống đức tin chứ không phải bởi việc làm theo lề luật. Ngài giúp chúng ta hiểu ra rằng: người ta được hưởng ơn cứu độ là do lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện ra nơi việc Chúa Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh để cứu độ loài người. Thiên Chúa đã thương xót những con người bất lực, cả dân Do thái cũng như dân ngoại, và đã ban ơn cứu độ một cách nhưng không, chỉ cần con người tin vào Đức Giêsu Kitô.
Nhận định trên đây của thánh Phaolô là một Tin Mừng cho dân Do thái, cho dân ngoại và cho mỗi người chúng ta. Trải qua suốt dòng lịch sử, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá vẫn tiếp tục nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về chiều cao-sâu-dài-rộng của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò ngôn sứ một ý nghĩa và sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục loan báo Tin mừng cứu độ và mang lại kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống.
Quả thật, dòng máu của Chúa Giêsu trong cuộc Vượt Qua nền tảng cho sứ mạng của Hội Thánh được sinh ra và được sai đến với thế giới bởi Thần Khí của Đấng Phục Sinh. Từ khi dòng máu của Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành nguồn sức mạnh phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình Chúa và tình người, dẫn đến một nhân loại biết sống tình liên đới với nhau.