TUẦN 4 Mùa Vọng Năm C
Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
Thời gian trước đây báo mạng rộn lên thông tin ngày 21/12/2012 là ngày tận thế theo lịch của người Maya cổ đại, một dân tộc có nền văn minh rất sớm vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giáng Sinh. Sau đó, người ta lại đồn rằng, ngày tận thế sẽ trễ lại hai ngày tức là vào ngày 23/12. Nhiều người tin ngày 21/12 hay 23/12 là ngày tận thế nên họ rất hoang mang sợ hãi. Nhiều người ở Mỹ, Anh hay một số nước giàu khác xây hầm thật kiên cố, những bongke, chuẩn bị tàu Noe, mua sẵn một số thức ăn khô, vũ khi săn thú và các dụng cụ gia đình hòng vượt qua ngày tận thế. Nhiều người Công giáo cũng sợ, vội đi mua nến, đem đến nhà thờ xin cha làm phép với hy vọng sẽ thắp nến đã làm phép vào những ngày đêm tối tăm ấy. Ở vào thời điểm này, thế giới phải đối mặt với đại dịch đang gây ra những hậu quả kinh hoàng khôn lường khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về ngày tận thế sắp đến. Quí ông bà anh chị em đang có mặt trong thánh lễ hôm nay nghĩ thế nào?
Trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, có lần Đức Giêsu nói với các môn đệ về ngày tận thế. Các môn đệ hỏi Ngài, khi nào ngày ấy đến? Đức Giêsu trả lời “Ngày tận thế/ ngày cánh chung sẽ đến, nhưng bất chợt không ai biết là lúc nào, ngay cả Con Người là Đức Giêsu cũng không biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Ngày tận thế đối với người Công Giáo không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ cho dù sẽ có những tai ương kinh hoàng xảy đến trước vì ngày tận thế chính là ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để kiện toàn ơn cứu độ. Nếu đó là ngày Chúa trở lại thì ngày ấy phải là ngày của niềm vui, bình an và hạnh phúc, ngày của ơn cứu độ và giải thoát trọn vẹn.
Quả vậy, bài đọc thứ nhất tiên báo ngày vị cứu tinh đến là ngày hy vọng và giải thoát, ngày mà Israel cũng như các dân tộc khác sẽ được tận hưởng niềm vui ơn cứu độ “số sống sót sẽ trở về với con cái Israel, Ngài sẽ dựa vào quyền lực và uy danh của Thiên Chúa mà đứng lên chăn dăn Israel và cho họ an cư lạc nghiệp vì quyền lực của Ngài sẽ trải rộng đến tận cùng cõi đất.” Không những thế, Ngài còn đem lại hòa bình cho muôn dân tộc. Nói như thư Do Thái, Ngài sẽ vâng theo thánh ý Chúa Cha trong mọi sự để thực hiện việc thánh hóa nhân loại “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng.”
Niềm vui Chúa đến thật sự đã tới với Đức Maria, lan tỏa đến bà Elizabeth và Gioan Tẩy Giả. Thật vậy, ngay sau khi được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, lòng tràn đầy niềm vui vì có Chúa, Mẹ Maria đã vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui thánh thiêng ấy. Vì thế, chỉ ngay sau khi nghe tiếng Đức Maria chào, thì Gioan trong lòng mẹ đã nhảy lên vui sướng, và được Thánh Thần thúc đẩy, bà Elizabeth đã cất tiếng khen ngợi Đức Maria “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc…. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Con đường Chúa đến không bằng phẳng dễ đi, nhưng là con đường nghèo khó, đau thương và cái chết. Tác già thư Do Thái đã trải nghiệm về điều này nên đã viết rất rõ ràng “khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ, con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách đã chép về con.” Đức Giêsu đến để thực thi ý Chúa bằng cách bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Hy lễ cũ là máu chiên, máu dê, máu bò được thay thế bằng hy lễ mới là mạng sống của Đức Giêsu, là máu của Ngài đổ ra trên thập giá một lần thay cho lễ vật quá khứ, làm lễ vật hiện tại và tương lai cho toàn thể nhân loại. Nhờ máu Ngài đổ ra và mạng sống của Ngài được trao ban mà tất cả thế giới nhận được ơn cứu độ vĩnh viễn.
Niềm vui cứu độ đã được trao ban, nhưng nó sẽ trở thành hiện thực thế nào vẫn tùy thuộc vào thái độ đón nhận của mỗi người. Mẹ Maria đã chuẩn bị một tâm hồn xứng đáng cho Chúa ngự đến bằng cách lắng nghe và suy gẫm lời Chúa để khám phá và thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhờ đó mà ngay sau khi hiểu được lời truyền tin của sứ thần, Mẹ đã mở lòng ra bằng một lời xin vâng đầy khiêm tốn và chân thành cho Ngôi Hai ngự vào “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa hãy cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần tryền.” Một khi đã có Chúa, Mẹ lại mau mắn làm lan tỏa niềm vui ấy cho người khác. Bà Elizabeth là người đầu tiên được chia sẻ niềm vui ấy cũng đón nhận bằng một tấm lòng rộng mở. Bà cưu mang và sinh Gioan làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Bà vui mừng hớn hở đón nhận sự viếng thăm của Mẹ Maria đang cưu mang Con Chúa trong dạ. Ngay cả Gioan dù vẫn còn là một thai nhi cũng mau lẹ đón nhận niềm vui ơn cứu độ mà nhảy lên vui sướng.
Ngày Chúa Giêsu đến lần thứ nhất đã là ngày tràn đầy niềm vui ơn cứu độ. Nếu thế thì ngày Chúa trở lại trong vinh quang để hoàn tất ơn cứu độ, tức là ngày tận thế sẽ càng vui mừng hơn nữa. Là người có đức tin, có tình yêu và niềm cậy trông chẳng lẽ chúng ta lại không hân hoan vui mừng trong ngày Chúa đến. Làm sao có thể hiểu được một tín hữu Công Giáo lại âu lo, hoang mang và sợ hãi trước ngày Chúa đến. Đúng hơn mỗi tín hữu cần bình tâm, lạc quan và sống tích cực trước mọi hoàn cảnh để chính chúng ta trở thành người khơi lên đức tin, đức cậy và đức mến cho những người xung quanh. Nguyện xin Chúa tha thứ cho chúng ta vì những thiếu sót lỡ lầm trong niềm tin, lòng mến và niềm hy vọng, và ban cho chúng ta đủ nghị lực để sống tin yêu và hy vọng như Chúa chờ đợi hầu có thể làm chứng cho Chúa. Amen.