THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA VỌNG- NGÀY 17 THÁNG 12
(Mt 1,1-17)
“Gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Abraham” (Mt 1,1)
Hôm nay (17 tháng 12) bắt đầu giai đoạn hai, giai đoạn chuẩn bị gần cho việc mừng lễ Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Bài Tin mừng cho thấy Thiên Chúa đã chuẩn bị từ xa và liên tục trong lịch sử cho việc sinh hạ của Con Ngài như thế nào.
Trước hết, việc chuẩn bị cho Ngôi Hai giáng trần đã được chuẩn bị từ xa và liên tục qua việc Thiên Chúa chọn Abraham làm tôi trung của Chúa. Ngài tiếp tục âm thầm dẫn dắt lịch sử nhân loại qua các con cái, cháu chắt, chút chít của vị tổ phụ này cho đến vua Đavít, rồi từ vua Đavít đến thời lưu đầy ở Babilon và từ thời lưu đầy ở Babilon đến Đức Kitô. Mỗi giai đoạn kéo dài tới 14 đời. Cả thẩy có ba gia đoạn, nghĩa là bao gồm đến 42 đời. Một sự chuẩn bị thật xa và rất ư là liên tục, chu đáo.
Tiếp đến, việc chuẩn bị cho Ngôi Hai giáng trần đã được chuẩn bị từ xa và liên tục qua việc Thiên Chúa trung thành với lời Ngài đã hứa với các tổ phụ, các ngôn sứ, các vua và toàn thể dân Israen. Cụ thể, nổi trội và đáng nhớ nhất là với tổ phụ Abraham, với vua Đavít. Đó cũng là lí do thánh Mátthêu đã mở đầu bài Tin mừng hôm nay, cũng là tất cả Tin mừng của ông khi viết: “Gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Abraham” (Mt 1,1). Như ta sẽ thấy trong những ngày tiếp theo về nơi chốn sinh ra (Bêlem), hành trình cuộc đời, phẩm hạnh, sứ mạng của Đức Giêsu Kitô có những nét của tổ tiên mình, thừa kế những phẩm chất của gia tộc mình.
Sau cùng, việc chuẩn bị cho Ngôi Hai giáng trần đã được chuẩn bị từ xa và liên tục qua việc Thiên Chúa đề cao vai trò của truyền thống, của luật pháp, của hôn nhân khi gán cho thánh Giuse vai trò chuyển giao lời hứa của Thiên Chúa với tổ tiên cũng là dân Chúa chọn như trên đã trình bày. Thánh Mátthêu viết: “… Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Như chúng ta biết, và qua cách viết tế nhị và rất mở này, thánh Mátthêu cho thấy thánh Giuse chỉ là cha nuôi, cha theo luật pháp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà vai trò của thánh Giuse không quan trọng. Không có sự bao bọc, cộng tác của thánh Giuse, Con Thiên Chúa không có một nơi an toàn để tồn tại, để đi vào lịch sử nhân loại. Con Thiên Chúa không có được cơ hội thuận lợi tự nhiên để ở với nhân loại, giao tiếp với con người cách tự nhiên, bình thường. Con người mất đi cơ hội cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa, mất đi ý thức chân quý cuộc sống của mình, của lịch sử nhân loại.
Thánh Giuse đã dành cho Thiên Chúa một “khoảng trống”, một “ngôi nhà thông thoáng, rộng rãi” để Thiên Chúa có không gian hành động khi đóng vai trò cha nuôi. Không chỉ thánh Giuse mà theo một nghĩa nào đó, tất cả tổ tiên ngài: những nhân vật được kể trong bản gia phả trên đây cũng đều đã để một “khoảng trống” cho Thiên Chúa hoạt động. Thực ra, chính Thiên Chúa mới là chủ đích thực, là nhân vật chính của lịch sử, của mọi biết cố trong lịch sử nhân loại này. Tất cả chúng ta chỉ là đại diện cho Chúa, chỉ là người thừa hành. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta chỉ là “tiếng kêu” chứ không phải “Lời”. Nếu chúng ta ý thức vai trò đại diện và vì thế, để Thiên Chúa hành động nơi ta, trong các biến cố lịch sử đời ta như các tổ tiên của Đức Giêsu, Ngôi Lời sẽ nhập thể và hành động nơi ta. Nếu chúng ta luôn cởi mở, luôn ngoan nguỳ trước lời mời gọi của Chúa, cộng tác với ơn Chúa, chúng ta sẽ trở thành những thân nhân của Chúa. Chúng ta sẽ có vai trò hết sức ý nghĩa trong chương trình cứu độ của Chúa.
Như vậy, từ rất xa xưa, Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị rất chu đáo cho Ngôi Lời đi vào lịch sử nhân loại. Ngày nay, Ngài vẫn còn muốn và rất muốn tiếp tục đi vào lịch sử nhân loại nếu chúng ta biết mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa, noi gương các tổ phụ, cách riêng thánh Giuse khi “để một khoảng trống” nơi ta cho Chúa cư ngự, cho Chúa làm chủ. Amen.