(Lc 3,10-18)
Chúng ta đang ở giữa Mùa Vọng. Hôm nay là Chúa nhật của mừng vui (Gaudete Sunday). Chủ đề chính của Chúa Nhật này là niềm vui. Các bài đọc không chỉ mời gọi chúng ta hướng tới niềm vui; mà còn cho chúng ta biết tại sao, và nên vui mừng thế nào. Tin Mừng lại cho chúng ta thấy một chủ đề khác nhưng cũng liên quan đến chủ đề chính. Mượn mẫu gương ông Gioan, Tin Mừng giúp chúng ta nhận ra giới hạn của bản thân mình và không vượt quá những giới hạn đó.
Hò vang lên vì vui mừng
Tiếp tục suy ngẫm về các chủ đề Mùa Vọng về lời hứa và sự biến đổi, chúng ta có thể thấy rõ ràng tại sao niềm vui là một thái độ thích hợp để sống. Theo thánh Phaolô, niềm vui là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22), là kinh nghiệm sâu xa bên trong tâm hồn về sự hài lòng và vui mừng. Niềm vui được nói đến ở đây là một cảm thức tôn giáo chứ không chỉ là cảm xúc thông thường. Cùng với lòng biết ơn, niềm vui là sự đáp trả của con tim đối với lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Sion được cho là đã hét lên vui sướng vì họ đã được Thiên Chúa cứu thoát khỏi tay của kẻ thù. Người ta cũng tin tưởng rằng Thiên Chúa ở giữa dân người. Đáp ca thánh vịnh cũng đã công bố sứ điệp đó và bài đọc thứ hai cũng loan tin Chúa đã đến gần. Đó là lý do để chúng ta hoan hỉ vui mừng.
Mặc dù chúng ta không có khuynh hướng “hét lên vì vui sướng”, nhưng không có lý do gì để chúng ta sống mà không có niềm vui; Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng; dù chúng ta thịnh vượng hay nghèo khó, mạnh khỏe hay ốm đau, đang tận hưởng cuộc sống hay đang đấu tranh với tử thần. Những hoàn cảnh của cuộc sống không quyết định chúng ta có nên vui mừng hay không. Nhưng chính sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta mời gọi chúng ta sống niềm vui.
Niềm vui mùa vọng
Mùa Vọng là thời gian dành cho niềm vui. Không những vì chúng ta đang mong chờ ngày kỷ niệm Chúa Giáng sinh mà còn vì Thiên Chúa luôn ở giữa chúng ta. Các bài đọc Chúa Nhật này đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, không phải với tư cách là một quan tòa mà là Đấng Cứu Tinh. Chúng ta vui mừng trước việc Thiên Chúa cứu độ chúng ta, việc cứu độ ấy làm cho chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và không sợ bất cứ điều gì có thể cản trở con đường của chúng ta đến với Ngài. Chúng ta vui mừng trong sự bình an của Thiên Chúa, sự bình an vượt trên mọi sự hiểu biết. Niềm vui Mùa Vọng giống như niềm vui sướng tràn ngập của người phụ nữ vừa mới sinh con, dẫu niềm vui diễn ra trong sự đau đớn của việc hạ sinh, giữa sự mong manh của cuộc đời. Niềm vui Mùa Vọng bắt nguồn từ sự nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Là chính mình
Những kỳ công Thiên Chúa hoàn tất trong cuộc đời chúng ta không che phủ những thực tại về giới hạn của con người. Gioan Tẩy Giả là một khuôn mẫu cho chúng ta về điều này. Ông không tìm kiếm những lời khen ngợi của dân chúng dù điều đó có lẽ không khó gì đối với ông. Ông biết những giới hạn dành cho bản thân và không vượt quá khỏi những giới hạn đó. Khi khuyên nhủ những người khác, ông nói với họ hãy biết họ là ai để biết phạm vi những quyền lợi trong nghề nghiệp của họ. Chỉ thu phần thuế được định mức chứ không thu nhiều hơn. Không đàn áp những người mà mình có quyền trên họ.
Khi chúng ta thực sự nhận biết rằng Thiên Chúa ở giữa chúng ta, chúng ta không cần phủ nhận những giới hạn của bản thân hoặc những ranh giới chính đáng làm nên cuộc sống của chúng ta. Nhận thức rằng căn tính của chúng ta bắt nguồn từ việc chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta sẽ không ngần ngại thừa nhận rằng có những người khác đi trước chúng ta hoặc vượt xa chúng ta. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta là chính mình. Có lẽ, điều chúng ta cần nhất là được cứu thoát khỏi bản tính lừa dối của chính mình khi chúng ta hành động cách giả tạo để gây ấn tượng hoặc làm cho phù hợp với suy nghĩ của người khác. Mùa vọng là thời gian chúng ta loại bỏ đi những hành động đó để sống thành thật và khiêm nhường trước Thiên Chúa và mong chờ ơn cứu độ. Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ