Bí tích như là biểu tượng

Thứ ba - 06/09/2022 20:24  1650
le caravage lincredulite de saint thomasTrích trong: Giuse Phạm Quốc Điêm, Các bí tích của Đức Kitô được giao phó cho Giáo Hội, ĐCV Bùi Chu 2022, đang chờ xuất bản.
 

1. Khái niệm

Trước hết, phải nói ngay rằng, trong nền thần học đương đại, để mô tả sự kiện được thực hiện trong các bí tích, đã ưu tiên chọn lựa khái niệm biểu tượng hơn là khái niệm dấu chỉ đã được thần học truyền thống sử dụng[1]. Như thế, các bí tích được định nghĩa là những biểu tượng tái hiện mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô bằng các thực tại nghi thức. Thực ra, dấu chỉ và biểu tượng đều nằm trong phạm vi ngữ nghĩa, nhằm diễn tả thực tại bí tích, là những cử chỉ có khả năng thực hiện một sự tham dự đích thực giữa hai chủ thể trong mối quan hệ. Nói cách khác, đó chính là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, được diễn ra qua các nghi thức và được thực hiện qua việc mạc khải đối với Thiên Chúa và đức tin về phía con người. Trong việc thể hiện bản chất của ơn cứu độ được thể hiện qua bí tích, tính năng động của biểu tượng lại có hiệu quả hơn tính năng động của dấu chỉ[2].

Theo C. Rocchetta, cần phải giữ thế quân bình giữa khái niệm bí tích như là dấu chỉ với khái niệm bí tích như là biểu tượng. Khái niệm trước theo cách diễn tả của truyền thống Augustinô và Kinh viện; khái niệm sau xuất phát từ việc tái khám phá trong nền thần học đương đại. Kết hợp giữa hai cách diễn tả, có thể nói rằng: bí tích trong hình thức và cấu trúc tổng thể là biểu tượng, còn nơi trọng tâm cấu thành, là dấu chỉ và xuất phát từ trật tự của dấu chỉ sacramentum ponitur in genere signi[3]. Bí tích là biểu tượng, theo nghĩa nó liên kết với hành động nghi thức, bộc lộ và thực hiện nơi sự kiện bí tích, nội tại trong đức tin của Giáo Hội. Biểu tượng bí tích, theo nghĩa này, là sự diễn tả tính bí tích và tính hữu hình của Giáo Hội như là dân Thiên Chúa, đón nhận, cử hành và sống Lời Chúa. Các bí tích, liên kết với Bí tích Thánh Thể, biểu thị những hành động biểu tượng tuyệt đỉnh, bộc lộ thực tại hữu hình của cộng đoàn Giáo Hội, như là bí tích của Chúa Kitô. Bí tích là dấu chỉ, đề cập đến thời điểm trung tâm và quyết định của hành động biểu tượng do Giáo Hội đặt ra: việc đổ nước trong phép rửa kết hợp với lời, việc thánh hiến trong Thánh Thể, sự ưng thuận trong hôn nhân… Hiểu theo cách này, dấu chỉ là hành động tuyệt đỉnh (bao gồm sự vật, lời và cử chỉ) đại diện và hiện tại hoá việc thực hiện tính biểu tượng của biến cố vượt qua trong Giáo Hội. Như thế, việc tái khám phá bí tích như một biểu tượng cho thấy mục đích thể hiện hành động bí tích trong tính tổng thể và năng động, giải phóng việc hiểu bí tích khỏi tính giản lược và pháp lý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là huỷ bỏ việc hiểu bí tích như là dấu chỉ hay gạt ra bên ngoài trọng tâm của mỗi việc thực hiện bí tích. Vì thế, vẫn rất hữu ích khi duy trì các khái niệm nền tảng của thần học về dấu chỉ bí tích, mặc dù rất cần để hiểu nó trong bối cảnh rộng lớn hơn và năng động hơn của bối cảnh biểu tượng[4].

Thực ra, vấn đề đang bàn đến ở đây cũng đã có trong tư tưởng của các giáo phụ và các bản văn của huấn quyền. Thánh Giustinô đã nói đến ông Nôe lên tàu cùng với những người nhà của ông được cứu khỏi trận đại hồng thuỷ (St 7). Sự kiện này và số lượng tám người được cứu là những biểu tượng (τα συμβολα) của Đấng Phục Sinh và phép rửa[5]. Ôrigenê lại cho rằng các bí tích là những biểu tượng vật chất, như bánh và rượu là những biểu tượng mà chúng biểu thị. Theodore de Mopsuestia gọi phép rửa là symbolon của sự chết và sự phục sinh và khẳng định rằng Chúa Thánh Thần đã tạo ra nó cùng với nước là những biểu tượng ως συμβόλων[6]. Pseudo Dionysius định nghĩa các bí tích là “sébasmia symbola” (Gerachia Ecclesiastica V) và khẳng định rằng có một truyền thống kép: một truyền thống bí mật và huyền bí “sử dụng các biểu tượng liên quan đến các mầu nhiệm”; một truyền thống “rõ ràng và dễ hiểu hơn, triết học và minh chứng” và cho rằng chính Chúa Giêsu đã ban các mầu nhiệm thần linh dưới hình thức của một bữa ăn” (Epistola IX a Tito1105D e 1108A). Massimo de Confessore († 662) cho rằng Bí tích Thánh Thể là biểu tượng và là hình ảnh của những điều đích thực (Com. Gerachia Ecclesiastica 3; 4, 137A; 145 B). Nicholas Cabasilas († 1392) cũng đề cập đến các bí tích như những biểu tượng (rửa tội: Vita in Cristo I, 3 501D; Thánh Thể: I riti Divina liturgia 6 SCh 4bis, 372).

Công đồng Trentô trong Khoá họp XIII (11/10/1551) đã sử dụng thuật ngữ symbolum ít nhất ba lần khi bàn về Bí tích Thánh Thể: 1) “quam alioqui Salvator noster in Ecclesia sua tamquam symbolum reliquit eius unitatis et caritatis – Đấng Cứu Thế đã để lại cho Giáo Hội Bí tích Thánh Thể như biểu tượng của sự hiệp nhất và dây bác ái” (DS 1635); 2) “adeoque symbolum unius illius corporis, cuius ipse caput exsistit” (DS1638); 3) “Commune hoc quidem est sanctissimae Eucharistiae cum ceteris sacramentis, symbolum esse rei sacrae et invisibilis gratiae formam visibilem –Quả thật, trong số các bí tích, Bí tích Thánh Thể được coi là biểu tượng của điều thánh thiêng và hình thức hữu hình của ân sủng vô hình” (DS 1639). Khám phá tư tưởng của các giáo phụ, ĐHY J.H. Newman đã viết: “Hội Thánh, với các bí tích và các chức năng thánh thiêng của mình, rốt cuộc sẽ vẫn là một ‘biểu tượng thuần khiết’ của những thực tại trên trời”[7]. Gần đây có M.-D. Chenu và H. de Lubac là những nhà thần học danh tiếng đã nghiên cứu sâu xa về chiều kích biểu tượng trong nền thần học thời Trung cổ, rất hữu ích cho đề tài của chúng ta[8].

Giá trị biểu tượng của các hành động bí tích có nguồn gốc từ các dấu chỉ trong Cựu Ước, thậm chí từ các yếu tố trong công cuộc sáng tạo: “Thiên Chúa nói với con người qua thụ tạo hữu hình. Vũ trụ vật chất được phô diễn trước trí tuệ con người, để họ đọc được nơi vũ trụ các dấu vết của Đấng Tạo hoá của họ. Ánh sáng và đêm tối, gió và lửa, nước và đất, cây cối và hoa trái đều nói về Thiên Chúa; chúng nói lên một cách biểu tượng cả sự cao cả lẫn sự gần gũi của Ngài” (SGLHTCG 1147). Vũ trụ quan trong Thánh Kinh đầy dẫy những ý nghĩa biểu tượng, như nước trong những câu đầu tiên của Sách Thánh đến nước Biển Đỏ, cũng như nước trong dòng sông Giorđan đến nước trong phép rửa, đều được giải thích theo ý nghĩa biểu tượng trong cái nhìn của Thánh Kinh và Thánh Truyền. Do đó, việc hiểu biết các dấu chỉ trong Thánh Kinh giúp hiểu rõ hơn các ý nghĩa biểu tượng nơi các dấu chỉ bí tích: “những dấu chỉ của Giao Ước, những biểu tượng của các kỳ công của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Trong số các dấu chỉ phụng vụ này của Giao Ước cũ, có thể kể việc cắt bì, việc xức dầu và việc thánh hiến các vua và các tư tế, việc đặt tay, các hy lễ, và nhất là lễ Vượt Qua. Hội Thánh coi các dấu chỉ đó như hình ảnh tiên báo các bí tích của Giao Ước mới” (SGLHTCG 1150)[9].

Tuy nhiên, trước khi trình bày ý nghĩa thần học của thuật ngữ “biểu tượng” trong việc truyền thông ân sủng nơi các bí tích, cần phải hiểu sự khác biệt giữa biểu tượng và dấu chỉ trong lãnh vực nhân học. Thực vậy, con người sinh ra và lớn lên được đặt trong mối liên hệ và được thể hiện trong mối tương quan truyền thông. Vấn đề này liên quan đến nhân học và có tầm quan trọng đặc biệt trong những thập niên gần đây với số lượng lớn thư mục nghiên cứu trong phạm vi triết học, tâm lý học và xã hội học. Trong lãnh vực thần học, cần phải cân nhắc để cho thấy những điểm thuận lợi và khó khăn khi áp dụng vào nền thần học bí tích[10].

Sự đa dạng của việc truyền thông liên ngôi vị, có thể xảy ra ở ba cấp trong tương giao với con người dưới hình thức nhân học: dấu chỉ, ẩn dụ và biểu tượng. Trước hết, dấu chỉ có thể được định nghĩa là “công cụ giao tiếp và thông tin”. Nguồn gốc của nó gồm hai mặt: tự nhiên và nhân học. Như đã đề cập đến ở phần trên, về dấu chỉ tự nhiên, được cung cấp cho con người hằng ngày bởi thiên nhiên, như khói là dấu chỉ hay dấu hiệu của sự hiện diện của lửa, dấu vết của bàn chân là dấu chỉ cho thấy có người đi qua. Trong trường hợp này, các dấu chỉ không phải để thông tin cho ai đó, mà đơn giản là hệ quả của một sự kiện tự nhiên. Chúng chỉ trở thành dấu chỉ giao tiếp để thông tin khi con người đặt nó như là dấu chỉ mang lại ý nghĩa. Truyền thông, về cơ bản là thông tin, trong đó chức năng biểu thị chiếm ưu thế. Về dấu chỉ nhân học (dấu chỉ định ước) là loại dấu chỉ do con người đặt ra, trở thành công cụ thông tin bắt nguồn từ quy ước giữa những người giao tiếp. Ngoài các dấu hiệu mang tính biểu đồ thông thường để thông tin chức năng (bảng chỉ đường, huy hiệu…), còn có lời nói, ngôn ngữ là những dấu hiệu giao tiếp cụ thể trong đời sống con người. Lời nói là đơn vị nhỏ nhất của dấu hiệu ngôn ngữ con người với hai thành phần cơ bản: ký hiệu và ý nghĩa. Từ “bông hồng” là âm vị biểu thị khơi dậy ý nghĩa cụ thể của nó nơi người nghe. Dấu hiệu bằng lời của từ “bông hồng” có chức năng biểu thị đối tượng mà nó đề cập đến và có khả năng khiến hai người đối thoại hiểu được nội dung qua quy ước được thể hiện nhờ các ký hiệu. Việc sử dụng âm vị “bông hồng” là thông tin đầu tiên, rồi đến thông tin kế tiếp “bông hồng màu đỏ” tạo ra những thông tin để trao đổi. Như vậy, dấu hiệu không phải là thực tại nhưng biểu thị thực tại. Ngôn ngữ trong các sách khoa học kỹ thuật và các sách giáo khoa nảy sinh trong bối cảnh này[11].

Thứ đến, ẩn dụ lại được hình thành ở mức cao hơn trong các dấu hiệu ngôn ngữ. Nó tạo ra khả năng truyền tải một tầm nhìn mới, là hành vi giao tiếp ngôn ngữ, trong đó dấu hiệu trở nên một ý nghĩa mới đoạn tuyệt với nghĩa gốc. Thông qua một thực tại đã biết, nó tạo ra một cái nhìn mới, áp dụng cho bối cảnh mà người khác có thể hiểu về điều được diễn tả. Đây là một công cụ để truyền thông đánh dấu giới hạn phân chia dấu hiệu khỏi biểu tượng. Phép ẩn dụ nằm giữa biểu tượng và khái niệm lôgic, thiết lập sự đồng nhất giữa các yếu tố khác nhau, nhưng sự đồng nhất này mang tính loại suy chứ không trên bình diện bản thể. Ví dụ có thể nói: tuổi già là hoàng hôn của cuộc đời. Với hình ảnh hoàng hôn cho thấy sự kết thúc của một ngày, soi sáng ý niệm tuổi già sắp phải giã từ cõi thế, nhưng không thiết lập mối liên hệ giữa hoàng hôn và tuổi già. Một ví dụ khác trong Sách Sáng thế: “Giuse là cây sai quả, cây sai quả bên suối; các cành nó vượt qua tường” (49,22). Phép ẩn dụ cũng thiết lập một liên kết loại suy, không mang tính bản thể học giữa Giuse và cành cây, nhưng hai thực tại này vẫn có mối liên kết chặt chẽ.

Thực ra, cũng không dễ dàng để nhận ra những mối liên hệ giữa dấu chỉ và ẩn dụ. Ví dụ, máu không chỉ là một dấu chỉ hoặc hình ảnh ẩn dụ của sự sống, mà là chính sự sống. Giữa máu và sự sống có mối liên hệ rất chặt chẽ đến nỗi có thể nói máu là linh hồn của sự sống, mất máu là mất sự sống, đổ máu là mất mạng, truyền máu là kéo dài sự sống: máu là sự sống và cũng là sự chết. Ngoài ra, nước cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ với máu. Nước là biểu tượng của sự tái sinh và sự thanh tẩy. Mối liên hệ chặt chẽ giữa máu và sự sống, giữa nước và sự thanh tẩy, sự tái sinh, xác định điều mà chúng ta gọi là biểu tượng. Khác với dấu chỉ và hình ảnh, khác với ẩn dụ và ngụ ngôn, biểu tượng ngoài việc báo hiệu và biểu thị mối tương quan giữa hai thành phần được biểu tượng hoá, nó còn thiết lập cấu thành chính nó. Mối liên hệ giữa hai phần của hai cực biểu tượng (biểu tượng và được biểu tượng) trong một biểu tượng đích thực là bản chất và do đó tạo thành thực tại như thế. Mối tương quan biểu tượng đích thực làm nên tính nhất quán của thực tại. Dĩ nhiên, biểu tượng cũng thuộc loại dấu chỉ và hình ảnh, vì nó cũng chỉ ra và gợi nhớ; tuy nhiên, không phải mọi dấu chỉ đều là biểu tượng, cũng không phải mọi hình ảnh đều là biểu tượng. Điều này cần phải được làm rõ để xác định tính đặc thù của biểu tượng, vì cách sử dụng và hiểu biết nội dung thuật ngữ này hiện nay (nhất là trong tiếng Việt) chắc chắn không giúp nhận thức đúng hơn và sâu sắc hơn hiện thực và tính đặc thù của nó[12].

Vì vậy, biểu tượng là một dụng cụ thông tin, qua đó một người thể hiện kinh nghiệm riêng của mình thông qua các cử chỉ được chia sẻ và được người khác công nhận vì chúng bắt nguồn từ nền văn hoá mà người đó thuộc về[13]. Như thế, biểu tượng khác với ẩn dụ là một hình tượng ngôn ngữ dựa trên nghệ thuật diễn đạt. Trở lại ví dụ “bông hồng”: nó thuộc về quy tắc văn hoá được quy định cho một giá trị đặc biệt liên hệ đến ý nghĩa của tình yêu. Nếu người yêu nói hay miêu tả qua phép ẩn dụ về bông hồng đỏ cho người mình yêu thì chưa đủ, cần phải thể hiện sâu xa hơn nữa bằng việc hiến dâng và truyền tải tình yêu của mình với người ấy. Do đó, bông hồng đã chuyển từ một dấu hiệu biểu thị của một loài hoa (dấu chỉ) sang một lối diễn tả mới (ẩn dụ), thành một biểu tượng hữu hình của mối liên hệ giữa hai người. Như thế, biểu tượng tạo ra “mối liên hệ”. Khởi đi từ những ý niệm nền tảng này, có thể nhấn mạnh thêm để sửa đổi những yếu tố của biểu tượng mà sau này sẽ được áp dụng trong lãnh vực bí tích[14].

Nói chung, biểu tượng là biểu hiện hữu hình của một kinh nghiệm, cá nhân hay tập thể, muốn truyền đạt cho người khác để chia sẻ, liên kết. Thuật ngữ này xuất phát từ động từ Hy Lạp συμβαλλειν symballein – ráp lại với nhau, tạo nên sự hợp nhất giữa hai phần thuộc sở hữu của đôi bên và được ghép lại thành một. Theo nghĩa bắc cầu, có nghĩa là: ném, ném nhau, đặt lại với nhau, hợp nhất những điều bị phân chia, kết nối, tiếp cận, trao đổi lời nói với ai đó, liên kết, nhận diện, liên hệ với; theo nghĩa nội tại: gặp gỡ, hội họp, giao dịch, hợp đồng với ai đó, đạt đến sự thống nhất, đặt mối tương quan với. Nó cũng có thể có nghĩa là so sánh ý kiến riêng, suy đoán, kết luận[15]. Thuật ngữ này có liên hệ với những cách sử dụng thời Thượng cổ trong lãnh vực pháp lý bao gồm một đồ vật (một chiếc nhẫn, một cái thẻ, một con dấu, một đồng xu) được chia thành hai phần, mỗi bên đối tác của một giao kèo giữ một phần, để sau này chính họ hay con cháu có thể nhận ra là những đối tác của một giao kèo. Để nhận diện như thế, hai bên sẽ “đặt (hai mẩu vật ấy) lại với nhau”. Sym-ballein, nghĩa là ráp hai mẩu ấy lại, những mẩu đã được coi là hiện thân của chính giao kèo, dựa vào một luật thành văn hay truyền khẩu, làm nền tảng bảo đảm tính hợp pháp của giao kèo. Hai mẩu của một đồ vật ấy đều có giá trị biểu tượng vì nó cho phép người có cái mẩu ấy xác định tính pháp lý của mình và khẳng định quyền của mình trong giao kèo ấy; nó chỉ có được ý nghĩa đầy đủ khi hai mẩu được ghép lại để nhận ra nhau trong một thoả thuận chung[16].

Bên cạnh những hình thức khác nhau của động từ, có nhiều danh từ phát sinh như symbolè (khớp nối, đường khâu) chỉ sự gặp gỡ qua lại, khớp của khuỷu tay hoặc đầu gối, giống như bất kỳ ý tưởng nào về sự kết hợp, hiệp ước, thoả thuận; symbolon là một dấu chỉ để nhận biết, một cái thẻ để nhận ra, một cái gì bẻ gẫy ra, mỗi bên giữ một nửa, làm bằng chứng, để sau này có thể nhận ra. Việc bẻ gãy một tấm bài mỗi bên giữ một nửa là một lời cam kết, một biểu tượng, một dấu chỉ của sự thoả thuận đã được đôi bên thống nhất. Do đó, biểu tượng như một dấu hiệu để nhận biết, thể hiện quyền trên đó, một hệ thống ghi nhớ dữ liệu của một hệ thống quy ước, chẳng hạn chiếc nhẫn cưới hai người trao cho nhau được gọi là biểu tượng. Dựa trên cơ sở được thiết lập, nhờ sự đồng ý và ra quy ước, có thể trở thành biểu tượng chất chứa nội dung trong đó. Do đó, nó không chỉ biểu thị một điều thuộc vật chất, mà còn là niềm tin được chia sẻ, một giá trị hợp nhất. Biểu tượng không chỉ là quy ước mà còn là sự tương đồng, có khả năng gợi lên mối tương quan giữa một hình ảnh cụ thể và một ý tưởng trừu tượng, mang đến một hình ảnh biểu tượng. Như thế, có thể tạm định nghĩa biểu tượng là một dấu hiệu cụ thể gợi lên nhờ mối liên hệ tự nhiên, một cái gì đó vắng mặt hay không thể cảm nhận được[17].

Ý nghĩa này đã hoàn toàn đưa vào ngôn ngữ của Giáo Hội để chỉ việc tuyên xưng đức tin (tuyên tín), như bản tuyên xưng đức tin của các tông đồ Symbolum apostolicum (Kinh Tin Kính/tín biểu các tông đồ), bản tuyên xưng đức tin của Công đồng Nicêa-Constantinôpôli Symbolum Nicaenum Costantinopolitanum (Kinh Tin Kính/tín biểu Công đồng Nicêa-Constantinôpôli), là những yếu tố riêng biệt thuộc về cộng đoàn Kitô giáo trong kho tàng đức tin depositum fidei được các Kitô hữu đón nhận. Như thế, đặc điểm cơ bản của biểu tượng là biểu hiện hữu hình của một kinh nghiệm nội tâm gắn liền với cuộc sống, là một kinh nghiệm sâu xa nhất không thể diễn tả được bằng những khái niệm, đồng thời đặt con người vào mối liên hệ truyền thông với những người khác. Ngoài ra, biểu tượng là một loại ngôn ngữ biểu hiện và hoạt động để truyền thông. Thực vậy, chức năng chính của biểu tượng không nhằm cung cấp kiến thức trí tuệ, mà là thiết lập một mối tương quan thúc đẩy cuộc gặp gỡ, một cam kết, một sự thừa nhận. Nó có một giá trị triệt để giữa các cá nhân, là nhân chứng của sự hiệp thông và là một người điều hành sự hiệp thông. Về phương diện này, biểu tượng thoát khỏi sự giải thích thuần tuý lý trí, nó khơi dậy những kinh nghiệm sống động, phơi bày thực tại trong một cấu trúc của sự biểu đạt, truyền thông giữa các chủ thể và vận hành một cuộc trao đổi ngôn ngữ[18].

Giữa dấu chỉ và biểu tượng có sự khác biệt, nên không thể đồng hoá giữa chúng với nhau được. Theo E. Ortigues, dấu chỉ “trả ta về với một điều gì khác chứ không phải là chính dấu chỉ”, vì nói đến dấu chỉ là nói đến một “sự khác biệt giữa hai loại tương quan: tương quan biểu thị có thể thấy được và tương quan được biểu thị có thể hiểu được”. Ngược lại, biểu tượng “không trả ta về với một điều gì đó thuộc một trật tự khác như dấu chỉ đã làm, nhưng vai trò của biểu tượng là đưa ta tham gia vào một trật tự mà trong đó cũng có sự góp mặt của chính biểu tượng”[19]. L.-M. Chauvet đã phân tích rất hay về sự khác biệt giữa dấu chỉ và biểu tượng: “Dấu chỉ thuộc về trật tự kiến thức hay thông tin hoặc thậm chí giá trị, trong khi biểu tượng thuộc về trật tự nhìn nhận hay truyền thông giữa những con người với nhau và được đặt bên ngoài giá trị. Dấu chỉ được đặt ở khía cạnh để nói điều gì đó, tức là truyền tải thông tin và kiến thức; biểu tượng được đặt ở khía cạnh để nói với ai đó, tức là trao đổi với một người được coi như một chủ thể và nằm ở vị trí như một chủ thể”[20].

Không giống như dấu hiệu và hình ảnh, biểu tượng giống ẩn dụ và ngụ ngôn, ngoài việc báo hiệu và biểu thị mối tương quan giữa hai phần “được biểu tượng hoá”, nó còn thiết lập và xây dựng nơi chính mình. Mối tương quan hai thành phần của hai cực biểu tượng (cái biểu tượng và cái được biểu tượng) trong một biểu tượng đích thực là bản chất và do đó cấu thành thực tại như thế. Mối tương quan biểu tượng đích thực làm nên tính thống nhất của thực tại[21].

Con người đặt ra biểu tượng để thể hiện mình với người khác và mong được đón nhận. Để được chập nhận, nó không dựa trên tính hợp lý mà là kinh nghiệm. Có hai điều rất khác biệt trong nội dung biểu tượng, đó là yêu và ghét làm nên sự sống và sự chết. Biểu tượng truyền tải hai nội dung lớn lao và cơ bản của một sự tồn tại: biểu tượng của sự chết truyền tải sự chán ghét, thù hận và bạo lực; biểu tượng của tình yêu truyền tải sự gần gũi, thân thương. Các biểu tượng mang lại thực tại và khả năng biểu thị hai nội dung cơ bản trong tâm hồn con người. Như thế, mọi biểu tượng cũng là những dấu chỉ của một thực tại vô hình, nhưng không ngược lại, nghĩa là không phải dấu chỉ nào cũng là biểu tượng. Biểu tượng không phải mang ý nghĩa thuần tuý thông tin, cũng không hoàn toàn là ẩn dụ với những dấu chỉ hợp lý, nhưng là một kinh nghiệm sống, chỉ có thể truyền đạt qua một quá trình của các cử chỉ vượt ra ngoài tính lôgic và tính khách quan của một một thông tin biểu thị[22].

Một đặc điểm khác tạo nên hành động biểu tượng nhờ nỗ lực của con người, nó bao hàm một phần hữu hình, như cử chỉ, vật chất và ngay cả ngôn ngữ, được nối kết với phần vô hình, tạo ra năng lực biểu tượng. Biểu tượng cũng sử dụng các cử chỉ tự nhiên và các nghi thức trong đời sống con người. Về hiệu quả truyền thông của biểu tượng liên quan đến các lãnh vực: người đặt biểu tượng, thực tại được biểu tượng và chủ thể đón nhận biểu tượng. Hành động biểu tượng thực sự biến đổi thực tại được sử dụng bằng cách làm cho nó trở thành một biểu hiện thực sự của một thực tại vô hình. Như vậy, trong hành động biểu tượng, dấu hiệu và ý nghĩa không phải là cái gì khác với chính nó, nghĩa là thực tại vô hình trở nên hữu hình. Thực ra, hiệu quả được thể hiện của biểu tượng không chỉ liên kết với khả năng thể hiện cái vô hình thành hiện thực thông qua biểu tượng, mà còn có thể chạm đến người đón nhận biểu tượng. Khi được đón nhận, biểu tượng sẽ trao cho người khác cái vô hình và làm cho người này tham dự vào đó. Cả hai sẽ chia sẻ cùng một nội dung vô hình được thể hiện bằng cử chỉ biểu tượng. Biểu tượng tạo ra các mối liên hệ bằng cách liên kết giữa con người với nhau, mối liên kết được tạo ra nhờ việc chia sẻ những cảm xúc giống nhau, những năng lực hiện sinh giống nhau. Như vậy, biểu tượng không phải là những gì được đặt vào trong mối liên hệ, mà là chính liên hệ[23].

Tất cả những gì vừa nói có thể được làm sáng tỏ bằng cách quay trở lại ví dụ về bông hồng mà chàng trai tặng cô gái như dấu chỉ tình yêu của anh ta. “Bông hồng” mua từ chợ hoặc ngắt từ vườn trở nên đặc biệt, duy nhất, vì chàng trai đã chọn từ muôn vàn bông để trở thành món quà của mình. Món quà được chuẩn bị cẩn thận, sẽ trở thành một cái gì khác trong bối cảnh mới, nghĩa là trong một động thái nghi thức. Nơi không gian, thời gian đặc biệt và trong khoảnh khắc đó, “bông hồng” này không đơn thuần như bao bông hồng khác, nó là thực tại hữu hình và thiết yếu của tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái. Điều vô hình đã trở nên hữu hình, điều không thể nói ra, nay được hiển hiện để có thể chạm vào. Như thế, bông hồng không chỉ là “dấu chỉ” mà được tỏ bày cách cụ thể của tình yêu, là tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái. Đón nhận món quà cách nghi thức là công nhận tính biểu tượng để đi vào thực tại. Bông hồng giờ đây có sức bày tỏ và làm cho tình yêu thực sự hiện diện, là một hình thể của tình yêu, là chính tình yêu (không hoàn toàn là dấu chỉ của tình yêu) của người tặng và tạo nên tình yêu nơi người nhận, là một phương tiện độc đáo, tạo ra một thực tại mới, ràng buộc hai người theo cách thức mới, liên hệ đến chính đời sống. Hành động biểu tượng tạo ra mối ràng buộc hay mối quan hệ cho thấy tình huống sau không còn giống như trước. Đây chính xác là một trong những đặc điểm chính của biểu tượng: nó chỉ hoạt động bằng cách bộc lộ, và ngược lại, nó chỉ bộc lộ bằng cách hành động[24].

2. Cử chỉ bí tích là dấu chỉ hay biểu tượng?

Những gì đã được ghi nhận cho đến nay cho phép chúng ta hiểu sự thích hợp mà thần học đương đại cho thấy biểu tượng là một thuật ngữ được chọn thay vì dấu chỉ trong việc tái đề xuất nơi thần học bí tích. Sự thay đổi này không ảnh hưởng hoặc làm mất hiệu lực về bản tính bí tích theo truyền thống đức tin của Giáo Hội, theo đó, bí tích là dấu chỉ của một thực tại thánh được nhận biết qua điều nó biểu thị. Khi nói bí tích là biểu tượng sẽ hợp lý hơn nhờ đạt được giá trị nhân học vốn có trong năng lực biểu thị, mà hiệu quả của nó không chỉ có được nhờ liên kết với thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng đã ban giá trị cho các dấu chỉ, mà còn nhờ sức mạnh mang tính nhân học trong ý nghĩa biểu tượng. Do đó, việc thay thế thuật ngữ dấu chỉ thành biểu tượng cho phép vượt qua tính hướng ngoại truyền thông của dấu chỉ, trong đó quy ước thuần tuý và thẩm quyền được thiết lập giải thích giá trị của truyền thông. Đàng khác, với biểu tượng, yếu tố liên quan đến hồng ân nơi các bí tích được nhấn mạnh, nơi hành động không ám chỉ bất cứ điều gì khác ngoài bản thân nó, theo quy ước thuần tuý, nhưng là biểu hiện thực sự điều muốn nói và biểu lộ ở đây và lúc này, cuộc gặp gỡ được thực hiện. Ngoài ra, biểu tượng cũng bao hàm khoảnh khắc “cử hành” như phần thiết yếu của cử chỉ được thực hiện, đặt sự kiện vào trong không gian và thời gian đặc biệt, nghĩa là không gian và thời gian thánh, nhờ giá trị liên hệ hiện diện trong đó. Hồng ân được ban tặng, liên kết với việc cử hành trong bối cảnh nghi thức, gặp nhau nơi tính biểu tượng, mang lại hiệu quả chính xác, vì nó có khả năng thực hiện mối quan hệ kép này[25].

Tính nhân học của biểu tượng, thể hiện tính truyền thông mật thiết đích thực giữa người với người, là nền tảng căn bản để nền thần học đương đại dùng để hiểu biết về bí tích Kitô giáo. Đây là nhận thức mới về sự kiện Kitô giáo để hiểu về mạc khải Thiên Chúa trong Chúa Kitô kéo dài trong các cử chỉ bí tích. Bí tích của Thiên Chúa dành cho con người được thực hiện nơi Chúa Kitô là biểu tượng hoàn thành việc thông truyền mầu nhiệm Thiên Chúa và là nền tảng của các bí tích được công bố là những biến cố thực sự về sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới. Trong mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Kitô, biểu tượng của Thiên Chúa và sự vĩnh cửu của Người trong các bí tích, như những cử chỉ biểu tượng được Giáo Hội thực hiện, với tư cách là thân thể Chúa Kitô, cần có một sự hiểu biết về tính năng động của biểu tượng bí tích. Do đó, khởi đi từ việc giả định rằng, trong bản chất biểu tượng có yếu tố cụ thể và quyết định của các bí tích Kitô giáo, cần xem xét hai mối dây liên hệ. Trước hết, cần phải bắt đầu từ sự kiện bí tích của Chúa Kitô như một hành động biểu tượng của Thiên Chúa dành cho con người, rồi đến tác động nền tảng của nó đối với các bí tích như là những cử chỉ biểu tượng hữu hiệu trong việc hoàn thành mầu nhiệm Chúa Kitô ở đây và lúc này.

Thực vậy, Ngôi Lời nhập thể là biểu tượng bí tích tuyệt đối của Thiên Chúa trong thế giới. Việc Thiên Chúa tự thông truyền cho thế giới là một sự kiện trong đó Thiên Chúa mạc khải và thông truyền trong lịch sử, bản thể thâm sâu nhất của Ngài, được cấu thành bởi tình yêu. Theo nghĩa này, Chúa Kitô là bí tích của Thiên Chúa và cũng là “biểu tượng đích thực” của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách triệt để. Nếu điều này là đúng, chúng ta phải tin rằng sự hiểu biết của Kitô hữu về mầu nhiệm Thiên Chúa được hoàn thành trong Chúa Kitô, xác định và làm sáng tỏ năng lực biểu tượng của mối quan hệ giữa con người với nhau. Đối với đức tin Kitô giáo, Ngôi Lời đảm nhận xác phàm không phải là “dấu chỉ” của tình yêu, không giống như khói chỉ cho biết có lửa, dấu chân cho thấy bàn chân. Trong Chúa Kitô, với tư cách là một sự kiện được Thiên Chúa đặt trong thế giới để truyền thông cho con người, cái biểu thị và cái được biểu thị trùng khớp theo động lực biểu tượng của sự truyền thông đích thực. Nhân tính của Chúa Kitô thực sự là sự thể hiện của chính Ngôi Lời, biểu tượng thực sự và triệt để chứ không phải là một cái gì đó xa lạ với Người. Biểu tượng thực sự được Thiên Chúa đặt trong thế giới là biểu hiện tuyệt vời nhất của sự gần gũi giữa Người và con người. Chúa Kitô là biểu tượng thực sự của Thiên Chúa; là sự hữu hình lịch sử của tình yêu Thiên Chúa và bất cứ ai gặp Người là gặp Chúa Cha[26].

Bản chất thực sự của lời Thiên Chúa nói với con người trong Chúa Kitô là một biểu tượng, trong đó Thiên Chúa thực hiện nơi hành vi phụng vụ. Trong sự kiện vượt qua, biểu tượng có được tất cả những gì thể hiện rõ ràng của Đấng đặt nó để trao ban chính mình và là sự hoàn thành hồng ân biểu tượng của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, không phải là dấu chỉ về bất cứ điều gì khác, mà là chính Đấng đã đặt biểu tượng để nói, để bộc lộ, để nhận biết trong lịch sử để trao ban chính mình. 

Các bí tích gắn bó mật thiết với chính bản chất của tính biểu tượng trong tương quan với Chúa Kitô: chúng là những cử chỉ được thực hiện bởi thân mình lịch sử Chúa Kitô là Giáo Hội, trong đó Người thực sự hiện diện cách hữu hình trong lịch sử nhân loại. Như thế, cần phải bắt đầu lại từ giá trị biểu tượng của các cử chỉ nghi thức trong đời sống Chúa Kitô để hiểu cách chúng được tái hiện nơi thân thể Người là Giáo Hội qua các bí tích mà Người đã thiết lập trong lịch sử. Nói cách khác, các bí tích là những biểu tượng nghi thức đích thực của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong mầu nhiệm của Người, biểu hiện mối quan hệ của Ba Ngôi về tình yêu của Chúa Con dành cho Chúa Cha, thể hiện nơi một số cử chỉ nghi thức, chẳng hạn như phép rửa và bữa ăn cuối cùng, có hiệu quả biểu tượng điều mà Người sẽ thực hiện sau này là trao ban chính mình. Nói cách khác, Chúa Kitô lịch sử đã bày tỏ chính mình, trong sự thật và sự tự do của tình yêu Người đối với Chúa Cha và với con người, qua những cử chỉ được loan báo trước và sẽ thực hiện nơi các cử chỉ biểu tượng và qua các cử chỉ này, Người sẽ thực hiện cách triệt để trên thập giá. Biểu tượng nghi thức tạo thành khả năng để bày tỏ và thực hiện hy tế thiêng liêng của Chúa Kitô đối với Chúa Cha và con người. Như thế, trong những cử chỉ biểu tượng ấy đã có sẵn “ân sủng” và ân sủng ấy sẽ hoàn thành trong mầu nhiệm vượt qua và các biểu tượng bí tích của Giáo Hội được liên kết với năng lực của cuộc vượt qua ấy. Do đó, các bí tích là những dấu chỉ biểu tượng đích thực, qua đó Giáo Hội bày tỏ chính mình và thực hiện điều mà Chúa Kitô đã thực hiện.

Như vậy, trung tâm bản chất các bí tích là các sự kiện biểu tượng của Chúa Kitô được thực hiện nơi thân thể Người là Giáo Hội. Những cử chỉ này được Giáo Hội thực hiện với mối liên hệ kép trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Chúng có được ý nghĩa biểu tượng nhờ sự kiện ấy và được lặp lại nhiều lần trong những cách thế khác nhau, để qua các biểu tượng ấy, loan báo tình yêu của Chúa Ba Ngôi, thể hiện nơi cuộc vượt qua của Chúa Kitô, là cơ sở mà từ đó bắt nguồn các biểu tượng bí tích. Nơi các cử chỉ ấy, Giáo Hội thực hiện chính hy tế thiêng liêng của Chúa Kitô trong các nghi thức biểu tượng đích thực để dâng lên Chúa Cha qua nhiệm thể Người.

Bản tính biểu tượng này của các bí tích là những biểu hiện đích thực của một quyết định tự do được nhận biết nơi các dấu chỉ ân sủng tình yêu vô hình. Điều này loại bỏ khoảng cách giữa dấu chỉ và ý nghĩa theo đó ân sủng bí tích được kết nối bằng cách nào đó với dấu chỉ. Theo nhãn quan Kinh viện, các bí tích chứa đựng ân sủng, nhưng bản thân chúng không phải là chính ân sủng cách hữu hình trong lịch sử. Dấu chỉ bí tích theo cách nhìn ấy được hình thành từ một hình thức pháp lý ngoại tại trong việc giải thích mối tương quan giữa dấu chỉ và ân sủng: các bí tích với hình thức mô thể và chất thể, được thiết lập nhờ “mệnh lệnh” của Chúa, có hiệu quả “ex opere operato” để thông ban ân sủng. Theo nhãn quan mới mà chúng ta đang bàn đến, giữa biểu tượng và thực tại sẽ không có khoảng cách nào cả, đó là sự đồng nhất giữa biểu tượng và thực tại, giữa mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kitô trong cuộc vượt qua của Người và sự biểu lộ cụ thể đích thực trong các biểu tượng nghi thức. Như vậy, nó vượt qua sự phân biệt giữa dấu chỉ và ân sủng và thể hiện cách đích thực ân sủng của Thiên Chúa được Ngài đặt làm biểu tượng nơi Chúa Kitô, truyền thông chính mình, thực sự và hoàn toàn cho con người. Các bí tích tặng ban ân sủng và là ân sủng được thể hiện qua các cử chỉ biểu tượng bí tích. Như vậy, ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện cách hữu hiệu nơi các bí tích, ngay trong cách diễn tả, hữu hình và lịch sử trong không gian và thời gian[27].

Giống như bông hồng chàng trai tặng người yêu biểu thị tình yêu của chàng, mang lại sự hiện diện hữu hình ở đây và lúc này, một sự truyền thông mang tính biểu tượng thể hiện sự sống diễn ra giữa hai người; cũng vậy, điều tương tự xảy ra nơi các bí tích, trong đó, Chúa Kitô qua Giáo Hội, đã thể hiện chính tình yêu của Người cho con người qua các biểu tượng được đặt trong lịch sử. Mối liên kết rõ ràng này được thực hiện qua các cử chỉ biểu tượng, làm cho các bí tích trở thành những sự kiện của tình yêu, tạo ra ân sủng, làm nguyên nhân của các bí tích, không phải nhờ mệnh lệnh, nhưng bởi vì chúng là ân sủng hữu hình cụ thể trước mặt con người. Vì thế, các bí tích với tư cách là những biểu tượng đích thực của ân sủng, nghĩa là hồng ân của tình yêu Chúa Ba Ngôi được đặt trong lịch sử, đòi hỏi hai mối liên hệ sâu xa liên quan đến hai chủ thể tham gia vào hành động biểu tượng này, đó chính là Giáo Hội, thân mình Chúa Kitô, cử hành các bí tích biểu tượng của cuộc vượt qua của Chúa, rồi đến những người lãnh nhận, nghĩa là những người với đức tin nhìn ra những cử chỉ đó, tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho cá nhân từng người trong lịch sử.

Như vậy, tính biểu tượng của bí tích về cơ bản là một biểu tượng mang tính lịch sử cứu độ, mặc dù nó bắt nguồn từ ý nghĩa tự nhiên của các cử chỉ và sự vật, sẽ hoàn thành nơi sự kiện cánh chung trong Chúa Kitô. Ngoài ra, cũng cần xác định thêm các nguyên tắc đặc thù của biểu tượng bí tích. Nó không phải là phần được thêm vào nơi hành động của Chúa Kitô, nhưng là cách thích hợp, nhờ đó nó trở thành hiện tại để đến được với con người. Nó cũng không phải là một biểu tượng trống rỗng, mà là một biểu tượng cao cả trong Giáo Hội về sự hiện diện của Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, có khả năng hiện tại hoá sự kiện vượt qua của Chúa Kitô. Theo nghĩa này, đức tin của Giáo Hội được coi là biểu tượng bí tích khách quan và hữu hiệu. Quả vậy, các bí tích là những biểu tượng hữu hình sản sinh ra ân sủng vô hình. Nước đổ trên đầu trẻ em thực sự mang lại sự sống mới trong Chúa Thánh Thần; bánh và rượu, sau khi thánh hiến, đích thực trở thành Mình và Máu thánh Chúa; dầu, những sự vật và những cử chỉ bí tích là những dấu chỉ đích thực, qua đó hành động thiêng liêng của Chúa Kitô được thể hiện và ân sủng được hoạt động hữu hiệu. Qua các biểu tượng bí tích, Chúa Kitô đích thân đến gặp gỡ con người và lôi kéo họ đến với mình nhờ Chúa Thánh Thần. Do đó, biểu tượng bí tích không nên được hiểu như một sự biểu thị trống rỗng mà như một nhiệm cục khách quan của ân sủng, phù hợp với nhiệm cục nhập thể của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Đồng thời, các bí tích hội đủ điều kiện như một biểu tượng hữu hình và một thực tại vô hình: như một biểu tượng (nước, bánh và rượu, dầu, cử chỉ phụng vụ) qua đó hành động của Chúa Kitô và Thánh Thần của Người được biểu lộ và được thực hiện cho con người; như một thực tại vô hình, vì nó xuất phát từ Đấng Phục Sinh thực hiện trong tâm hồn các tín hữu. Đàng khác, hai khía cạnh này không thể tách rời nhau. Các bí tích là những biểu tượng được bày tỏ, trong hành động, ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Kitô, không chỉ bằng cách ghi nhớ, nhưng mang lại sự hiện diện và thông truyền cho con người hiệu quả duy nhất của mầu nhiệm cứu độ. Vì thế, các bí tích là những sự kiện cứu độ của Thiên Chúa, đòi hỏi phải có một hình thức biểu tượng, qua đó hành động của Thiên Chúa trở nên hiện thực và hoạt động để mở ra cho mọi người hiệu lực độc nhất của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô[28].

3. Bí tích như biểu tượng nghi thức 

Bản chất biểu tượng bí tích là một cử chỉ trong đó Giáo Hội công bố và tưởng niệm mầu nhiệm của Chúa Kitô, do đó, cần phải chỉ ra thành phần cử chỉ ấy để nêu bật các yếu tố cấu thành việc cử hành nơi các bí tích. Ngày nay, các nhà thần học cố gắng tái khám phá tính nghi thức của việc cử hành các bí tích. Thực ra, trong truyền thống thần học Kinh viện, nghi thức về cơ bản bị giới hạn trong cử chỉ cụ thể của bí tích, nhằm cố gắng xác định yếu tố chất thể và mô thể nơi mỗi bí tích, nghĩa là các cử chỉ/chất thể kết hợp với lời làm nên bí tích. Như vậy, những điều tối thiểu được thiết lập để cử chỉ có thể làm nên bí tích là những điều mà thần học cổ điển quan tâm, trong khi, ngày nay, ngoài những điều vừa nói, còn quan tâm đến cả bối cảnh của các sự kiện ấy được cử hành và đặt nó trong tính năng động của cộng đoàn cử hành để đảm bảo tính Giáo Hội của những cử chỉ nghi thức.

Nói chung, nghi thức có thể được hiểu là một hành động biểu tượng, bao gồm các hành động, sự vật và lời nói, được lặp đi lặp lại nhịp nhàng và mang lại ý nghĩa; một hành động giả định hoặc dẫn đến một số hình thức truyền thông nội bộ giữa những con người trong một hệ thống dấu chỉ được thể hiện và ở các mức độ khác nhau liên quan đến nó. Thuật ngữ “nghi thức”, theo từ nguyên, chỉ những gì tuân theo trật tự. Về mặt này, nghi thức thể hiện một hành động mang tính khuôn mẫu về mặt xã hội, tuân theo quy luật đã được thiết định. Nghi thức là một hành động được lặp đi lặp lại theo các quy tắc hơn kém không thay đổi. Trong ý nghĩa ngày nay, người ta nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại này tương ứng với nhu cầu quan hệ của con người và do đó có một chức năng trao đổi mang tính biểu tượng, nếu không, con người không thể truyền thông theo cách thức của con người trong tổ chức mà mình thuộc về. Nghi thức là một hành động biểu tượng, không chỉ đơn giản là nói lên điều gì đó, nhưng là thực hiện những gì nó nói đến; đó là điều mà hành động được ưu tiên hơn là nói tới. Trong bối cảnh này, cử chỉ, sự vật và lời nói được đặt trong một ngôn ngữ biểu tượng có ý nghĩa về mặt nghi thức. Nghi thức thuộc loại diễn tả biểu tượng và thể hiện một hành động ngôn ngữ và do đó là một quá trình của việc truyền thông liên đới giữa các cá nhân với nhau. Tính nghi thức tạo thành một tổng thể nhất quán trong một hệ thống văn hoá nhất định, thiết lập dựa trên môi trường biểu tượng cho phép thể hiện bản thân trước người khác, thiết lập những mối tương quan khác nhau và nhận ra các giá trị. Như vậy, sự thừa nhận nhau là yếu tố căn bản bao phủ toàn thể nghi lễ nơi con người. Nó cho phép cá nhân thể hiện chính mình trong sự hài hoà để thiết lập mối tương quan với những người khác, những người cũng đang đặt mình trong bối cảnh nghi lễ.

Như vậy, nghi thức là một hình thức được lặp đi lặp lại tạo thành mẫu thức, qua đó con người gắn mình vào sự kiện nơi mình phát xuất ra, đồng thời duy trì sự liên kết, hiệp thông mang tính biểu tượng trong bối cảnh của kinh nghiệm tôn giáo. Nghi thức chính xác là một hành động mang tính biểu tượng, qua đó ngôn ngữ của con người được thể hiện và được đặt vào trong hành động ấy. Nghi thức có mối liên hệ sâu sắc giữa hành động nghi lễ và nội dung được thể hiện và vận hành bởi hành động đó. Về điểm này, nghi thức tôn giáo thuộc về trật tự biểu tượng, trong đó một ý nghĩa vắng mặt được thể hiện bởi ý nghĩa của nghi thức. Nếu điều này không xảy ra, nghi thức sẽ biến chất hoặc có nguy cơ biến thành thứ ma thuật, máy móc. Nghi thức tôn giáo là một dạng ngôn ngữ cộng đoàn, là thành quả của một cộng đoàn có đức tin, diễn tả đức tin và chia sẻ đức tin[29].

Cuộc cải cách Tin Lành, với việc nâng cao quyết định cá nhân trong đức tin, đã muốn loại bỏ giá trị khách quan của mọi hình thức nghi thức, dẫn đến hậu quả coi con người như một dụng cụ của ân sủng, còn các bí tích chỉ là một ký ức về lời hứa cứu độ của Thiên Chúa mà mỗi cá nhân tuân theo với đức tin, như một con đường cứu độ đích thực và duy nhất. Tuy nhiên, những phản ứng chống lại tư tưởng này, có nguy cơ làm giảm phụng vụ xuống chủ nghĩa nghi thức. Như thế, cần phải có cái nhìn quân bình để khám phá việc cử hành trong bối cảnh bí tích, theo đó, phụng vụ không đơn giản là một hình thức nghi lễ, nhưng là sự diễn tả chính mầu nhiệm Giáo Hội trong tương quan với Chúa Kitô. Phụng vụ là tiếng nói của hiền thê liên kết với hôn phu của mình. Do đó, việc cử hành có một giá trị đặc biệt chứ không giảm thiểu chỉ là những nghi thức thuần tuý bên ngoài. Viễn cảnh mới này được khởi xướng trong phong trào canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, nhằm khám phá vai trò phụng vụ trong đời sống Giáo Hội, qua đó nêu bật tính bí tích của Giáo Hội. Do đó, các bí tích, với tư cách là những sự kiện được cử hành bởi cộng đoàn Kitô giáo, phải được diễn tả qua phụng vụ, là sự thể hiện bản chất Giáo Hội nơi các cử chỉ. Cuộc canh tân phụng vụ phải thể hiện các giá trị thiết yếu của các nghi thức, được cử hành bởi một cộng đoàn không chỉ quy tụ nhân danh Chúa Kitô, mà còn có khả năng hiểu và sống những ý nghĩa bao hàm trong các cử chỉ phụng tự. Điều này được khẳng định trong SGLHTCG, phần thứ hai được đặt tựa đề là “cử hành mầu nhiệm Kitô giáo”. Phụng vụ là hành động của Giáo Hội quy tụ quanh Đức Kitô, là phương thế hữu hiệu nhất để loan báo mầu nhiệm vượt qua, tưởng niệm, công bố và nếm trước phụng vụ vĩnh cửu trọn vẹn nơi nhân loại được liên kết trong mầu nhiệm duy nhất của tình yêu Ba Ngôi.

Sau Công đồng Vaticanô II, nhiều nhà thần học đã nghiên cứu, đào sâu yếu tố cử hành trong nền thần học bí tích[30], tiêu biểu có A. Grillo, đã nêu bật tính nghi thức như là một thành phần thiết yếu của bí tích, liên quan đến bản chất hữu hiệu của nó chứ không đơn giản chỉ là yếu tố phụ thuộc. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng nền thần học bí tích vào trong bối cảnh phụng vụ để hiểu đúng, cử hành và sống các bí tích. Bản chất của “dấu chỉ”, ngoài việc xảy ra dưới phạm trù mới của “biểu tượng”, cũng được làm phong phú thêm bởi đặc tính “phụng vụ”. Như thế, bí tích đi từ công thức “genus signi et causae/loại dấu chỉ và nguyên nhân đến genus symboli et ritus/loại biểu tượng và nghi thức”. Tác giả cho rằng sự cần thiết của việc nghiên cứu nghi thức chính là một điều kiện của việc hiểu dấu chỉ bí tích, tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong nền thần học bí tích đương đại[31].

Qua việc tái khám phá các yếu tố phụng vụ, nghi thức và cử hành, đã mang lại những ưu điểm cho thần học bí tích. Quả vậy, các yếu tố này nằm trong bản chất biểu tượng của các bí tích, trong đó Giáo Hội tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và đem lại ân sủng cho con người. Bí tích sẽ không thực hiện được nếu không thông qua những hình thức nghi lễ, phụng vụ và các cử chỉ biểu tượng. Quả vậy, việc cử hành bí tích được diễn ra trong cộng đoàn cử hành các biểu tượng nghi lễ, vì yếu tố nghi thức của bí tích là một yếu tố thiết yếu để một cử chỉ trở thành biểu tượng của mầu nhiệm Chúa Kitô, qua đó các tín hữu thể hiện niềm tin của mình. Các bí tích là những sự kiện được cử hành, sẽ đặt ra hai vấn đề: người cử hành (cộng đoàn cùng với thừa tác viên) và cách thức cử hành (trong các hình thức nghi lễ và lễ hội).

Điểm đầu tiên liên quan đến chủ thể cử hành bí tích, đó là cộng đoàn được quy tụ nhân danh Chúa, trở thành Giáo Hội của Chúa Kitô trong thời điểm kết hợp hai thành phần thiết yếu của mầu nhiệm bí tích: cộng đoàn và thừa tác viên. Ở điểm này, sẽ nhận ra rằng, bản tính và hiệu quả của bí tích không nằm trong chính cử chỉ, như một cơ chế tự động để nhận lãnh ân sủng, nhưng nằm trong việc tụ họp nhân danh Chúa Kitô vì Người là bí tích của Thiên Chúa. Ân sủng không chỉ liên kết với một số cử chỉ nhất định, nhưng với mọi hình thức cử hành, được đặt trong cuộc đối thoại của Chúa Con khẩn cầu Chúa Cha, trong hành động cử hành nơi cộng đoàn Giáo Hội. Nhấn mạnh tính Giáo Hội của việc cử hành được hiểu như là chiều kích bí tích của cộng đoàn và như một điều kiện thiết yếu làm nên hiệu quả của cử chỉ phụng tự. Để có một cử hành như thế, toàn thể cộng đoàn, theo những cách thức khác nhau và bổ sung cho nhau, trở thành một cơ thể duy nhất cùng nhau kêu cầu Chúa Cha; đồng thời, lời khẩn cầu dâng lên Thiên Chúa để xin ân sủng của Ngài nơi các bí tích, sẽ không có hiệu quả nếu không được thực hiện với một nghi thức nhất định. Ngoài ra, vai trò của thừa tác viên được đặt trong tương quan với cộng đoàn, vì thừa tác viên là thành phần của cộng đoàn và việc cử hành của ngài là cử hành nhân danh Chúa và cộng đoàn. Cộng đoàn tìm thấy nơi thừa tác viên hình hài của Chúa Kitô in persona Christi đang hiện diện trong cộng đoàn[32].

Liên quan đến cách thức cử hành, tức là thời điểm mà bí tích diễn ra khi cộng đoàn tụ họp nhân danh Chúa, có tầm quan trọng đặc biệt. Loại bỏ chức năng cử hành, bao gồm không gian và thời gian mà cộng đoàn tụ họp với tất cả hình thức nghi lễ trước sau, giảm thiểu vào thời điểm cụ thể mà sự kiện bí tích diễn ra, sẽ dẫn đến nguy cơ tách rời khỏi ý nghĩa biểu tượng, giảm xuống thành một cử chỉ hữu hiệu, không phụ thuộc vào sự nhận thức chung về đức tin mà chỉ cố gắng thực hiện đúng các cử chỉ mà thôi. Việc cử hành các bí tích, giữa chiều kích nhân học và thần học có mối liên hệ chặt chẽ, phân biệt nhưng không tách biệt, theo đó, mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được thực hiện nơi các nghi thức đang diễn ra. Giữa các hình thức của nghi thức và nội dung Kitô giáo được thực hiện một cách hiệu quả nhờ ý thức đức tin của cộng đoàn. Nghi thức Kitô giáo trở thành một không gian cho sự trình bày đức tin và ngược lại, đức tin được thể hiện nơi các nghi thức[33].

Nghi thức bao gồm các sự vật, các cử chỉ và những lời nói diễn ra trong cộng đoàn phụng vụ tụ họp nhân danh Chúa, tạo thành nền tảng cụ thể của bí tích Kitô giáo. Những điều này được lưu truyền qua bao thế hệ, như những biến cố, trong đó, Giáo Hội nhận mình thuộc về Chúa Kitô và nhân danh Người mà hướng về Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các bí tích lệ thuộc vào các hình thức bên ngoài, đến mức trở thành một thứ chủ nghĩa nghi thức, nhưng ở nội dung mà các cử chỉ ấy muốn diễn tả. Cử chỉ biểu tượng, ở khía cạnh “vật chất” phải được Giáo Hội nhìn nhận như một sự kiện của mình, trong đó Chúa Kitô đang hoạt động để khẩn cầu Chúa Cha, mang tính “văn hoá” là những yếu tố nhân học đan xen. Do đó, có sự hội tụ giữa “truyền thống” và “văn hoá” trong việc cử hành các bí tích. Việc cử hành xuất phát từ mối quan hệ cần thiết này, nghĩa là mối tương quan giữa thời gian (truyền thống) và không gian (văn hoá thay đổi tuỳ những địa phương) của đức tin:

«Trong những điều không ảnh hưởng đến đức tin hay lợi ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự thống nhất cứng nhắc, ngay cả trong phụng vụ; trái lại Giáo Hội còn tôn trọng và ủng hộ những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân tộc khác nhau. Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao cho chúng hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính»[34].

Mối tương quan giữa “truyền thống và “văn hoá” trong cử hành các bí tích phải được hỗ trợ và hướng dẫn nhờ một nhận thức đúng đắn, theo đó, các cử chỉ biểu tượng sẽ không có hiệu quả từ sức mạnh nội tại trong cử chỉ vật chất được thực hiện, nhưng trong cách chúng diễn tả đức tin của chính Giáo Hội vào Thiên Chúa. Nước, bánh, rượu, dầu, các cử chỉ, các biểu tượng nghi thức, mang lại sức mạnh thánh hoá khi chúng biểu thị và được nhận ra trong đó hy tế thiêng liêng của Giáo Hội dâng lên Chúa Cha, qua Chúa Con đảm nhận như một mẫu mực của sự sống nơi thế giới[35].

Ngoài ra, nghi thức diễn ra trong phụng vụ được đặt trong bối cảnh lễ hội. Thực ra, các bí tích đều mang tính lễ hội. Do đó, bản chất lễ hội là đặc điểm chung của mọi cử hành biểu tượng của cộng đoàn tụ họp nhân danh Chúa. Việc cử hành đòi hỏi sự cần thiết phải tạm dừng mọi công việc trần thế hằng ngày, để bước vào một không gian và thời gian thánh, tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Việc cử hành phụng vụ là một lễ hội, nhờ đó con người có cái nhìn mới về cuộc sống trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự thay đổi các tiêu chí của cuộc sống từ ngày thường sang ngày lễ, tạo ra những quan hệ mới, đặt cá nhân trong sự liên đới với cộng đoàn, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá bản thân. Đây là năng lực nhân học của tính chất lễ hội, tạo bầu khí làm sinh động mọi cử hành bí tích Kitô giáo.

Lễ hội là ơn ban của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng ký ức về sự can thiệp của Chúa trong lịch sử, được cử hành, nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của Chúa nhờ mầu nhiệm vượt qua và loan báo lễ hội cánh chung trên trời. Như thế, lễ hội qua các cách thức khác nhau mang tính biểu tượng, là bản sắc nhất thiết của cộng đoàn Kitô giáo, trong đó, những trình thuật quá khứ, những câu chuyện đã qua, nay được cử hành và loan báo cho thế giới biết sự hiện diện và sự can thiệp của Chúa trong lịch sử[36].

Sau cùng, các biểu tượng nghi thức bí tích còn thể hiện và nuôi dưỡng đức tin. Thực vậy, cử chỉ biểu tượng của bí tích tưởng niệm Chúa Kitô là một lời tuyên xưng về tình phụ tử của Thiên Chúa, có một năng lực mạnh mẽ diễn tả đức tin và nuôi dưỡng đức tin: “Không những các bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó”[37]. Như thế, giữa nghi thức và đức tin có mối quan hệ hỗ tương, một liên kết năng động được tạo ra trong mọi cử hành phụng vụ, đặc biệt trong các cử chỉ bí tích. Năng lực của các biểu tượng bí tích giúp các tín hữu đào sâu đức tin và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa, cho dù những cử chỉ nghi thức này, xét cho cùng cũng bình thường trong thế giới loài người. Thực vậy, hiệu quả của bí tích là ân sủng vô hình, quý giá vô cùng, nhưng lại được thể hiện, không phải qua những điều quý giá kỳ diệu của chính những cử chỉ, mà chính là những vật chất khiêm tốn. Bông hồng mà người yêu tặng có một ý nghĩa cao cả, không phải do giá trị khách quan, nhưng là sự thể hiện tình yêu ẩn giấu trong đó. Sự khiêm tốn của các cử chỉ biểu tượng nghi thức lại có thể chuyên chở một giá trị vô biên, tức là hồng ân của Thiên Chúa. Điều này được xác định bởi mầu nhiệm nhập thể, cần có đức tin để nhận ra[38].
 

[1] Đây là sự tiến triển trong nền thần học bí tích thế kỷ XXI. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng để không đi quá xa, trở thành những điều mơ hồ trong nền thần học ngày nay và có lẽ cả ngày mai. Nếu đi đúng hướng, những khám phá mới này có giá trị hơn rất nhiều. Cfr. A. Grillo, Liturgia e sacramenti, in La Teologia del XX secolo. Un bilancio, vol. II, 470. M. Nicolau với tác phẩm của mình xuất bản vào cuối thập niên 60 với tựa đề Teología del signo sacramental, Madrid, Ed. Católica, 1969 giữ nguyên những thuật ngữ của nền thần học cổ điển để tham chiếu, nhưng khi phân tích các động lực nhân học, ngài đã hoán chuyển khái niệm dấu chỉ sang khái niệm biểu tượng. M. Nicolau, Teologia del segno sacramentale (trad. it.), Paoline, Roma 1971, 37-47.
 
[2] Một nghiên cứu rộng mở và sâu xa trong các tác phẩm thần học về tính biểu tượng bí tích của G. Mazzanti đã làm cho vấn đề này trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây. Theo ngài, việc tái khám phá biểu tượng và giá trị của nó đối với bí tích là khả năng vượt ra ngoài sự thống trị của tư tưởng triết học Hy Lạp cổ điển về logos để có cái nhìn mới về sức mạnh của hình ảnh như một dụng cụ có khả năng khơi lên một cái gì khác và trổi vượt hơn: “Thực ra, cái hiện hữu và cái được nói đến đều dựa vào một thực tại, xuất hiện rồi chìm xuống, nổi lên rồi trốn mất. Thực tại (sự vật) và điều được nói (lời) gợi lên và chỉ ra cái gì đó vượt ra ngoài chính nó. Chúng không chỉ chạm đến hình ảnh mà chúng biểu hiện, mà còn chạm đến nền tảng đi trước và duy trì nó. Chúng mở ra kinh nghiệm về những điều thánh thiêng và tôn giáo. Do đó, nền văn hoá đương đại cố gắng lấy lại chiều kích khác của thực tại đã bị lãng quên, đó là chiều kích biểu tượng-hình ảnh và chiều kích tôn giáo, tái khám phá homo symbolicus và homo religiosus” G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 1. Introduzione generale, EDB, Bologna 1999, 34-35.
 
[3] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. 60, a. 2 c.
[4] Cfr. C. Rocchetta, Sacramentaria fondamentale. Dal “Mysterion” al “Sacramentum”, EDB, Bologna 20074, 415-416.
[5] Giustinô, Đối thoại với Tryphon, 138, 2-3.
[6] R. Devreésse, Essai sur Théodore de Mopsueste, Studi e Testi 141, Città del Vaticano 1948, 321, 7.
[7] J.H. Newman, Apologia pro vita sua. Vallecchi, Firenze 1970, 36.
[8] Cfr. M.-D Chenu, La teologia nel Medio Evo, Jaca Book, Milano 1972; H. de Lubac, Exégèse Médiévale IV/2, Aubier, Paris 1964. G. Colombo đã đánh giá tư tưởng của M.-D. Chenu về biểu tượng như một thuật ngữ nền tảng để có thể hình thành nền nhân học bí tích. Cfr. G. Colombo, Teologia sacramentaria, Ed. Glossa, Milano 1997, 282-283; G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 1. Introduzione generale, EDB, Bologna 1999, 37-39.
[9] Cfr. A. Miralles, I sacramenti cristiani. Trattato generale, Edusc Edizioni, Roma 2008, 140-141.
[10] Cfr. S. Biancu – A. Grillo, Il simbolo. Una sfida per la filosofia e per la teologia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2013.
[11] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 490-491.
[12] Cfr. G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 1. Introduzione generale, EDB, Bologna 1999, 47-48.
[13] S. Biancu đã nhận xét chính xác rằng, cho đến ngày nay, vẫn chưa có một sự nhất trí đồng quan điểm nào về biểu tượng thực sự là gì. Cfr. S. Biancu – A. Grillo, Il simbolo. Una sfida per la filosofia e per la teologia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2013, 66.
[14] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 491-493.
[15] Cfr. G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 1. Introduzione generale, EDB, Bologna 1999, 39.
[16] Cfr. C. Rocchetta, Sacramentaria fondamentale. Dal “Mysterion” al “Sacramentum”, EDB, Bologna 20074, 44.
[17] Cfr. G. Durand, L’uomo religioso e i suoi simboli, in J. Ries (a cura di), Trattato di antrolologia del sacro, vol. 1, Le origini e il problema dell’uomo religiosus, Jaca Book, Milano 1989, 84.
[18] Cfr. C. Rocchetta, Sacramentaria fondamentale. Dal “Mysterion” al “Sacramentum”, EDB, Bologna 20074, 45.
[19] E. Ortigues, Le discours et le symbole, Aubier-Montaigne 1962, 221.
[20] L.-M. Chauvet, I sacramenti. Aspetti teologici e pastorali (trad. it.), Ed. Ancora, Milano 1997, 115. Bản gốc tiếng Pháp Les Sacrements. Parole de Dieu au risque du coprs, Les Éditions ouvirères, Paris 1993, bản dịch tiếng Việt của PhÊrÔ ĐẶng XuÂn ThÀnh, Bí tích. Khi Lời Chúa mặc lấy thân xác, Tủ sách chuyên đề.
[21] G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 1. Introduzione generale, EDB, Bologna 1999, 47-48.
[22] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 494-497.
[23] Cfr. R. Panikkar, Mito, simbolo, culto, Jaca Book, Milano 2008, 243.
[24] Cfr. L.-M. Chauvet, I sacramenti. Aspetti teologici e pastorali (trad. it.), Ed. Ancora, Milano 1997, 126.
[25] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 498-500.
 
[26] Ngôi Lời nhập thể là biểu tượng của Chúa Cha, biểu tượng nội tại, khác biệt với thực tại được biểu tượng; là biểu tượng tuyệt đối của Thiên Chúa trong thế giới, chứa đầy thực tại được biểu tượng. Do đó, Ngôi Lời không chỉ hiện diện và mạc khải những gì của chính Thiên Chúa trong thế giới, nhưng còn là sự hiện diện biểu đạt những gì của chính Ngôi Lời, trong sự tự do và ân sủng, muốn bộc lộ cho con người. Cfr. K. Rahner, Sulla teologia del simbolo, in Id., Saggi sui sacramenti e sulla escatologia, Paoline, Roma 1965, 80; S. Biancu – A. Grillo, Il simbolo. Una sfida per la filosofia e per la teologia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2013, 116-118.
 
[27] Cfr. K. Rahner, Sulla teologia del simbolo, in Id., Saggi sui sacramenti e sulla escatologia, Paoline, Roma 1965, 90. Những lời của K. Rahner cho phép chúng ta hiểu sự hợp nhất thực sự và trọn vẹn này giữa dấu chỉ và ân sủng do năng lực biểu tượng của các bí tích mang lại. Theo tác giả, bản chất của biểu tượng thực sự của bí tích, như mầu nhiệm nhập thể, chứng tỏ rằng chức năng của nguyên nhân và chức năng của dấu chỉ trong các bí tích không chỉ liên kết với nhau qua một mệnh lệnh ngoại tại của Thiên Chúa, nhưng có mối tương quan nội tại xuất phát từ bản chất của biểu tượng: trong khi hành động của Thiên Chúa đối với con người được hoàn thành (qua việc nhập thể), đi vào như một bí tích trong tính lịch sử không gian, thời gian của con người, và bằng cách này, nó mang lại hiệu quả cho con người. Ivi, 88-89.
 
[28] Cfr. C. Rocchetta, I sacramenti della fede, vol. 1. EDB, Bologna 20018, 216-217; P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 500-507.
[29] Cfr. C. Rocchetta, Sacramentaria fondamentale. Dal “Mysterion” al “Sacramentum”, EDB, Bologna 20074, 57-65.
[30] G. Angelini đã đề cập đến một viễn tượng suy tư thần học ngày nay, dựa trên tính nghi thức như không gian cần thiết cho sự kiện bí tích, trong đó tác giả đã cố gắng nêu ra những lý do của việc tái khám phá tính nghi thức trong nền thần học phụng vụ. Cfr. G. Angelini, Il tempo e il rito alla luce delle Scritture, Cittadella, Assisi 2006, 47-85.
[31] Cfr. A. Grillo, Il metodo in teologia sacramentaria in rapporto al sorgere della “questione liturgica”, in F. Giacchetta (ed.), Grazia, sacramentalità, sacramenti. Il problema del metodo in teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2008, 40-52; S. Biancu – A. Grillo, Il simbolo. Una sfida per la filosofia e per la teologia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2013, 106-111; A. Grillo, Grazia visibile, grazia vivibile. Teologia dei sacramenti “in genere ritus”, EMP-Abbazia S. Giustina, Padova 2008, 37-46; Id., Liturgia e sacramenti, in La Teologia del XX secolo. Un bilancio, vol. II, 418-423.
[32] Cfr. K. Rahner, La presenza del Signore nella comunità di culto, in Id., Nuovi saggi, 3, Paoline, Roma 1969, 479-484.
[33] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 520-521.
[34] Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 37.
[35] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 525.
[36] S. Dianich, Grazia, sacramentalità e sacramenti, in F. Giacchetta (ed.), Grazia, sacramentalità, sacramenti. Il problema del metodo in teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2008, 70-74.
[37] Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 59.
[38] Cfr. P. Maranesi, Il contatto che salva. Introduzione alla teologia sacramentaria, Cittadella Editrice, Assisi 2018, 528-547.

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại686,162
  • Tổng lượt truy cập70,713,919
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây