7. Thánh Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839)
Thứ tư - 26/07/2023 03:29
616
Thánh Augustinô Phan Viết Huy sinh năm 1795 tại Hạ Linh, tỉnh Nam Ðịnh (Nay thuộc giáo xứ Liên Thủy, giáo phận Bùi Chu). Lớn lên, ngài theo nghề binh nghiệp và làm việc trong phủ bộ.
Vào năm Minh Mạng thứ 19, nhà vua truyền cho các quan bắt các lính có đạo trong quân ngũ phải bỏ đạo. Trong thành Nam Ðịnh vào năm 1838, có chừng 500 lính Công Giáo. Dĩ nhiên không phải cả 500 người đều là những người Công Giáo tốt. Trong số này, có đủ loại người, có người đạo đức và có người sống bê bối. Trịnh Quang Khanh cho điệu tất cả các lính tới hầu tòa. Trước khi hầu tòa, quan cho các ông ăn uống no say. Sau khi ăn uống, quan cho cả ngàn quân lính võ trang bao vây các ông lại.
Trên khán đài, quan tổng trấn ngồi chễm trệ, với các chức sắc dân sự và quân sự ngồi theo thứ tự đẳng cấp. Ở một bên của tòa án, ông trưng bày đủ mọi hình cụ dữ tợn để dọa các lính trung kiên với đức tin. Ở phía khác, quan truyền đặt nhiều cây Thánh Giá để lính Công Giáo phải bước qua. Trong số 500 quân lính có 15 người nhất định không chịu bước qua và không để cho lính kéo qua Thánh Giá. Họ nhất quyết xưng mình là Kitô hữu. Quan lại truyền quân lính đánh đập các ông. Quân lính lại lôi các ông qua Thập Giá, nếu ông nào nhấc chân lên không chịu đạp lên thánh giá thì bị quân lính dùng roi đánh vào chân các ông. Vừa bị đòn đánh, vừa bị thân nhân và bạn bè dùng đủ mọi lý do để khuyên nhủ các ông bỏ đạo, sau cùng không chịu được nữa, sáu ông đã xin bỏ đạo.
Bây giờ con số còn lại chỉ còn có chín ông. Chín người lính lại bị điệu ra trước tòa. Trong phiên tòa, quan Trịnh Quang Khanh lại hứa hẹn ban nhiều bổng lộc của nhà vua cho ai chối đạo, và sẽ phạt nặng nề những ai bất tuân. Trong số chín ông, bốn ông xin bỏ đạo. Chỉ còn năm ông nhất định không chịu quá khóa. Quan Trịnh Quang Khanh thấy vậy rất tức giận, truyền cho quân lính đánh các ông nát cả thịt ra. Quan còn truyền lấy búa đập vào các ngón tay cùng nhiều hình khổ khác đánh đập các ông làm các ông đau khổ mà không thể chết được.
Thất bại trong việc diệt trừ đạo Công Giáo, quan Trịnh Quang Khanh bị vua khiển trách và cất chức tổng đốc Nam Ðịnh. Ông bị giáng cấp xuống tuần phủ. Ngày 12 tháng 4 năm ấy, ông Lê Văn Ðức đang làm tổng đốc Sơn Tây, được cử làm tổng đốc Nam Ðịnh. Ông Lê Văn Ðức cũng theo lối của Trịnh Quang Khanh mà bắt các ông này phải bỏ đạo. Ông Huy và các bạn vẫn cương quyết trung thành với Chúa.
Sáng ngày 26 tháng 6 quan tổng trấn lại truyền năm ông phải hầu tòa, ông cố gắng hết sức nào áp dụng các hình cụ mà ông mới sáng chế ra, nào đe dọa, khuyên nhủ với nhiều hứa hẹn. Các ông vẫn không chịu bỏ đạo. Quan tổng trấn lại truyền đánh đập các ông sưng cả mặt mũi, máu chảy đầm đìa. Dù bị đánh đập tàn nhẫn không còn hình tượng người ta nữa, nhưng khi hỏi có còn xưng mình là Kitô hữu nữa không, các ông vẫn khẳng khái tuyên xưng các ông là kẻ có đạo. Thấy mình thất bại, quan tổng trấn càng giận dữ, ông chửi bới thậm tệ, và truyền cho lý hình đánh các ngài cho tới khi nào các ông chịu bỏ đạo thì thôi.
Quan thấy đã hết kế, nhưng sau cùng ông dùng một âm mưu rất độc. Quan bắt anh em họ hàng của ba ông, cùng lý dịch ba làng Hạ Linh, Phú Nhai, Kiên Trung. Khi các người tới trước mặt quan, ông truyền cho họ phải làm sao cho ba ông bỏ đạo, nếu không làm nổi thì tất cả đều phải chịu chết với ba ông. Anh em họ hàng cùng huynh thứ trong xã rất sợ hãi, nên cố sức dụ dỗ ba ông. Các ông cũng không quên xin quan thượng đừng giam các ông này chung với nhau, xin giam mỗi người một nơi để dễ dàng khuyên bảo. Quan thượng ưng cho khất một tháng, và giam ba ông riêng biệt.
Hết hạn một tháng, quan nghĩ chắc ba ông đã mềm lòng có thể chịu bỏ đạo, quan liền truyền điệu các ông đến. Song các ông vẫn không chịu quá khóa. Bấy giờ quan truyền nọc đánh một người huynh thứ xã Kiên Trung. Ông Thể thấy người huynh thứ bản xã bị nọc đánh đòn thì thương hại, ông thưa với quan rằng: «Lạy quan lớn, xin quan lớn tha cho, quan lớn dậy thế nào con xin vâng». Quan bảo ông quá khóa, ông đành vâng theo. Lúc đó các quan thấy một tên lính đã thua trận thì vỗ tay reo mừng, liền cho tháo gông bẻ xiềng cho ông Thể. Sau cùng, ông Đạt và ông Huy cũng chối đạo. Quan liền cho các ông ít tiền và các ông được phép về quê.
Từ khi ba ông bỏ đạo, thì lương tâm các ông cắn rứt vì đã chối đạo và gương xấu mình đã làm. Mấy ngày sau, ông Huy cũng như hai ông kia đi xưng tội. Bởi ơn Chúa thúc đẩy, cả ba ông đều muốn lên tỉnh để xưng đạo. Lên tỉnh Nam Ðịnh, cả ba ông vào dinh quan thượng. Ba ông lạy quan, rồi ông Huy đại diện anh em để thưa với quan: «Bẩm quan lớn, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng con thờ là Đấng cao cả phép tắc vô cùng, bởi chúng con đã quá dại mà chịu quá khóa, mất nghĩa cùng Chúa chúng con, nay chúng con xin trả tiền lại cho vua và quan lớn, cùng xin giữ đạo Thiên Chúa cho thật lòng».
Quan không biết phải làm thế nào, vì trước đây ông đã tâu về triều đình rằng ba ông đã quá khóa, bây giờ nếu xử án ba ông thì không biết ăn nói sao với triều đình. Quan liền truyền cho lý dịch ba xã đến để nhận tiền thay vì các ông, rồi đuổi ba ông về làng. Các ông buồn rầu ra về, tuy nhiên lòng các ông vẫn không yên trí. Các ông chẳng ao ước sự gì thế gian mà chỉ ao ước được chết vì đạo Chúa. Các ông càng gia tăng việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc phúc đức để mong được chết vì đạo. Các ông lại bàn với nhau: «Nếu quan thượng không cho chúng ta chết vì đạo, thì chúng ta sẽ vào kinh tâu xin nhà vua cho chúng ta chết vì đạo, để sửa lại gương mù gương xấu chúng ta đã làm».
Vấn đề vào kinh cùng một lúc thật là khó, vì chẳng bao giờ cả ba ông cùng được nghỉ phép. Lúc đó ông Ðạt nói: «Tháng sau, hai ông được nghỉ ở nhà, mà tôi phải ứng vụ tại tỉnh, hai ông cứ đi, tôi ở lại, nhưng anh em thế nào thì tôi thế ấy. Xin anh em cho tên tôi vào đơn, nếu anh em chịu sự khổ nào trong kinh thì tôi cũng mong được chịu khổ như vậy ngoài này».
Ðầu tháng 3 năm 1839, hai ông vào kinh. Con cả ông Huy cũng theo cha vào kinh để xem công việc thế nào. Hết 20 ngày mới vào tới kinh đô Huế. Các ông trọ tại nhà một người bổn đạo tên là bà Tam. Ở đây hơn một tháng, hai ông ăn chay cầu nguyện, dọn mình để xin chịu tử vì đạo. Các ông đệ đơn và kêu tòa tam pháp. Quan tòa nhận đơn rồi chẳng tra hỏi gì hết. Ðợi đến một ngày kia, khi vua Minh Mạng ra ngoài chơi, hai ông sấp mình xuống bên lề đường, mà đệ đơn trên đầu. Một quan lớn cầm đơn đó xem, rồi trình vua. Khi vua Minh Mạng biết việc liền truyền giam các ông vào ngục, rồi truyền các quan thuộc hình bộ, lễ bộ, và binh bộ hợp lực tra xét và làm mọi cách cho hai ông bỏ đạo. Tuy nhiên, dù làm thế nào hai ông vẫn trung kiên.
Các quan trình tâu nhà vua mọi việc, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy nhiên vua vẫn hy vọng có thể thay lòng đổi dạ các ông, nên vua lại truyền ba quan lớn hợp lực làm thế nào cho hai ông bỏ đạo, nhưng các ông cương quyết không chịu. Vua Minh Mạng rất tức giận, truyền đem hai tờ giấy cho các ông ký tên vào. Một tờ thì chứa đầy những lời xỉ vả mạ báng Chúa và đạo Gia Tô, còn tờ kia là án các ông phải chết như thế nào. Hai ông không chịu ký vào bản thứ nhất, trái lại chấp nhận bị trảm quyết.
Ngày 13 tháng 6 năm 1839, ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa bể Thuận An để chịu chết. Trên đường đi hai ông vui vẻ chào hỏi mọi người khiến dân chúng rất ngạc nhiên. Ðến cửa biển, quan bắt hai ông xuống thuyền rồi chèo ra khỏi đất liền. Lúc này quan còn khuyên hai ông quá khóa vì vẫn còn kịp, nhưng hai ông nhất định không bỏ đạo. Quan tryền tháo gông, rồi trói hai ông vào cột chèo. Hai ông đọc kinh phó linh hồn. Lý hình giơ gươm lên, chặt ngang lưng hai ông như đã ghi trong án. Sau đó chúng chặt đầu rồi bổ làm tư và liệng xác hai ông xuống biển.
Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phong Chân Phước cho Augustinô Phan Viết Huy. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn vinh ngài lên bậc Hiển Thánh.