2. Thánh Tôma Đinh Viết Dụ - LM (1783-1839)

Thứ năm - 15/06/2023 05:37  2422

TỬ ĐẠO NGÀY 26/11


2Thánh Tôma Đinh Viết Dụ sinh vào năm 1783 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (Nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu). Được Chúa kêu gọi, từ nhỏ cậu Dụ đã quyết tâm sống đời tu trì. 

Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin gia nhập dòng Đa Minh. Cha Dụ tuyên khấn trong Dòng này vào năm 1814. Cha đã phục vụ nhiều nơi, trước khi tới Liễu Đề để thay thế cho Cha Phêrô Tuần bị bắt năm 1838. Cha là một tông đồ nhiệt thành dấn thân vì lợi ích các linh hồn, là một tu sĩ gương mẫu về đời sống chiêm niệm. Cha cầu nguyện và suy gẫm nhiều, đến nỗi các bạn trong dòng gọi ngài là «Thánh Brunô của Việt Nam».

Ngày 20 tháng 3 năm 1839, dưới thới vua Minh Mạng, tổng đốc Trịnh Quang Khanh dẫn 800 quân lính bao vây, lục soát làng Liễu Đề, vì có chỉ điểm báo tin «Trùm Vọng» tức là Đức Cha Liêm (Jeronimo Hermosilla) đang ở đó. Tuy nhiên, Đức Cha Liêm đã được người ta giúp đỡ, mau chóng trốn thoát. Phần Cha Dụ, khi vừa dâng xong Thánh Lễ tại nhà một giáo dân tên là bà Thu, được tin quan quân đã vây kín làng. Biết không kịp đến nơi trúẩn cách đó hơi xa, cha đành cải trang thành người làm vườn qua nhà bên cạnh, lúi húi nhổ cỏ. Quân lính đi ngang qua không biết, nhưng người chỉđiểm nhận ra và nói: «Đạo trưởng đấy». Thế là cha bị bắt, quân lính dẫn ngài tới quan tổng đốc đang ở đình làng. Khi tới nơi, tổng đốc hỏi cha : « Ông là ai ? Làm gì trong làng ? ». Cha bình tĩnh nói: «Tôi là linh mục, có nhiệm vụ coi sóc giáo hữu ởđây». Tiếp đó, quan tổng đốc hỏi cha về «Trùm Vọng» và các linh mục khác ở đâu, cha nhất quyết không trả lời chi cả. Vì vậy quan truyền đánh cha 20 roi. Cha vui vẻ chịu đòn, không một lời than van. Bà Thu vì không kịp cất giấu đồ lễ, nên cũng bị trói giữ tại đình làng 24 tiếng mới được thả về.

Ởđình làng Liễu Đề một đêm, cha phải đeo gông, chân tay mang xiềng xích như một tội phạm. Hôm sau họ đưa cha lên tỉnh Nam Định. Ở đây, các quan tiếp tục tra vấn nhiểu lần, khuyên dụ cha đạp lên Thánh Giá. Thế nhưng, mặc cho những lời dụ dỗ hay đe dọa, cha Dụ vẫn cương quyết không xúc phạm đến Thánh Giá, cũng không cung khai điều gì hại đến các thừa sai và các tín hữu. Cha bị đánh đập tàn nhẫn nhiều lần, lần chịu 90 roi, lần chịu 30 roi, lần khác phải chịu 20 roi và phải chịu nhiều lời mắng nhiếc, chế nhạo của dân chúng tò mò đến xem.

Sau những lần bị tra khảo, đánh đòn, cha Dụ bị tống giam vào ngục, ban ngày mang gông, xiềng xích, ban đêm bị cùm chân, thêm vào đó phải chịu đói khát, nóng bức, hôi hám, khổ cực khôn tả. Tuy nhiên, vị tông đồ của Chúa chẳng những tỏ ra nhẫn nhục, mà còn vui vẻ coi đó là những cơ hội tốt để suy niệm và bước theo chân Đức Kitô tử nạn. Chứng nhân Giuse Hiền thuật lại chuyện mẹ của ông ta, giả làm hành khất vào tận ngục thăm con. Khi thấy cha tiều tụy vì những cuộc tra tấn, bà khóc lên nức nở, cha nói với bà: «Sức khỏe tôi tuy giảm, nhưng tôi còn có thể chịu đựng được nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao cực khổ để cứu độ nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khổ này để nên giống Chúa Kitô phần nào». Lần thứ hai bà vào thăm, cha cho biết những hình khổ về sau cha cảm thấy không đau đớn như trước, dường như Chúa giảm bớt sựđau đớn cho cha. Khi từ biệt cha nói : «Tôi không biết ngày nào tôi sẽ hiến dâng mạng sống vì Chúa, có thể anh chị em không còn gặp tôi nữa».

Sau sáu tháng giam cầm và tra tấn cha, quan tuyên bố bản án với những lời sau: «Đạo trưởng Tôma Đinh Viết Dụ bị kết án trảm quyết vì tội truyền bá Gia Tô tả đạo. Các quan đã hết sức khuyên dụ, dọa nạt và tra tấn để bắt y quá khóa theo luật nước, nhưng y không chịu. Y đã trở nên chai đá không gội rửa được những dị đoan đã quá ăn sâu… Do đó, mọi người thấy rõ y là kẻ điên khùng cố chấp bất trị, đáng khinh dể. Vậy phải nghiêm trị, còn phàn nàn gì nữa».

Thực tế, cha Dụ nghe bản án có phàn nàn gì đâu. Ngày 7 tháng 11, vua Minh Mạng ký án. Ngày 12 tháng 11, án về tới Nam Định. Khi ấy có cha Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên cũng thuộc dòng thánh Đa Minh đã bị bắt ngày 18 tháng 8 được đưa tới trại giam chung và cùng bị án tử với cha Dụ. Hai người gặp nhau trong tù tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự với nhau nhiều. Hai cha xưng tội với nhau, cùng lần hạt Mân Côi, an ủi khuyến khích nhau kiên trì tới cùng.

Ngày 26 tháng 11 năm 1839, hai vị tông đồ của Chúa bị điệu đến nơi xử án. Hai vị ung dung bước đi giữa một đoàn quân, có các quan cưỡi voi chỉ huy với cờ quạt chiêng trống, và theo sau là đông đảo dân chúng. Cổ mang gông, tay mang xiềng, hai vị vừa đi vừa cầu nguyện, dáng điệu hân hoan khiến mọi người phải sửng sốt ngỡ ngàng. Quan hỏi lần chót xem nếu chịu bỏ đạo sẽ được tha. Hai cha trả lời ngắn gọn: «Không» rồi tiếp tục cầu nguyện cho tới khi đến pháp trường Bảy Mẫu. Bà Maria Ơn có mặt tại buổi hành quyết thuật lại rằng: «Tôi thấy hai cha quỳ xuống, chắp tay lại, mắt hướng lên trời, lính cưa gẫy gông, chặt đứt xích sắt, trói tay vào cột rồi chém cổ hai cha». Sau khi thi hành án trảm, lý hình tung đầu hai cha lên cao ba lần và nói: «Đầu đạo trưởng đã bị chém đây».

Cha Tôma Đinh Viết Dụ hưởng thọ 56 tuổi, đã lãnh phúc tử đạo đúng vào năm kỷ niệm ngân khánh linh mục của cha. Thi thể hai cha được an táng ngay tại pháp trường. Đến tháng giêng năm 1841, các tín hữu cải táng cha về Lục Thủy. Đức Thánh Cha Lêô XIII suy tôn cha Tôma Đinh Viết Dụ lên bậc Chân Phước vào ngày 27 tháng 5 năm 1900. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.  
               

Tác giả: TGM Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập430
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm398
  • Hôm nay43,210
  • Tháng hiện tại903,571
  • Tổng lượt truy cập78,907,022
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây